Để làm nên tờ báo, là cả một sự nỗ lực của tòa soạn. Nhưng để báo đến được tay bạn đọc, cần phải có thêm một khâu không kém phần quan trọng: phát hành. Đây chính là chiếc cầu nối tờ báo với bạn đọc.
* Nghề lấy đêm làm ngày...
Ba giờ rưỡi sáng, chúng tôi có mặt tại Công ty In Bình Định. Các anh chị công nhân đang nhanh chóng lồng, đếm những tờ báo còn thơm mùi mực để chuyển giao cho bộ phận phát hành.
Chị Nguyễn Thị Sương, Tổ trưởng tổ Phát hành báo chí Bưu Điện TP. Quy Nhơn cùng các đồng sự của mình làm việc với tốc độ chóng mặt. Nhìn những thao tác đếm, chia chọn, đóng túi... nhanh chóng, thuần thục đến từng chi tiết nhỏ, chúng tôi biết họ đang chạy đua với thời gian. Từ đây, những loại báo Bình Định, Nhân Dân, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... sẽ được xe vận chuyển chuyên ngành VPS3 chuyển đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum... Số lượng túi, gói báo chí đóng đi các tỉnh hơn hai trăm nhưng họ chỉ có hơn hai giờ đồng hồ để thực hiện. Một cuộc chạy đua đúng nghĩa...
Không kém gì bưu điện, các đại lý bán lẻ cũng có mặt từ rất sớm nhận báo để kịp thời phân phối cho đại lý con và đội ngũ bán báo dạo.
Đối với các tòa soạn báo có mạng lưới phát hành riêng như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Bình Định, Thể Thao TP Hồ Chí Minh, Bóng Đá... lại càng phải có mặt sớm hơn để nhận báo từ Công ty In giao cho khách hàng của mình.
Sáu giờ sáng, mọi công việc xem như hoàn tất. Anh Quyền, nhân viên phát hành báo thảnh thơi ngồi bên ly cà phê đen cùng chúng tôi, tâm sự: “Nghề này lấy đêm làm ngày. Cực nhọc nhưng vui vì góp phần nhỏ công sức đưa báo đến với bạn đọc”.
* “Sớm” và “tận tình”
Tại thành phố Quy Nhơn, bên cạnh hệ thống phát hành báo qua bưu điện, thị trường báo chí còn có sự tham gia của Công ty Bưu chính viễn thông quân đội (Viettel); đội ngũ phát hành của các báo: Bình Định, Tuổi Trẻ, Thanh Niên; mạng lưới đại lý mẹ, đại lý con và đội ngũ bán báo dạo... Điều này đã tạo nên một “cuộc đua” quyết liệt giữa các “đối thủ” trong hành trình đưa báo đến tay bạn đọc.
Đối với đại lý, năm giờ rưỡi sáng, báo đã nằm sẵn trên sạp chờ bạn đọc đến mua. Với đội ngũ bán báo dạo, sáu giờ sáng bạn đọc ngồi quán nhâm nhi ly cà phê đã có thể đọc tờ báo mà mình yêu thích.
Đối với đội ngũ nhân viên phát hành của các tòa soạn thì năm giờ sáng họ đã bắt đầu đưa báo đến tận nhà bạn đọc để phải kết thúc chậm nhất là tám giờ sáng họ có thể thảnh thơi ngồi nhâm nhi ly cà phê, tận hưởng thành quả lao động của mình.
Trong thị trường phát hành báo, hệ thống phát hành qua bưu điện mang tính quy mô hơn cả (phát hành khoảng trên 500 đầu báo, tạp chí đến tất cả bạn đọc có nhu cầu) với đối tượng phục vụ chủ yếu là người dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thinh, Giám đốc Bưu Điện TP. Quy Nhơn cho biết: “Vì phải phát hành trên diện rộng nên chúng tôi cũng có vài điểm yếu so với hệ thống phát hành bên ngoài. Điều này cần có sự thông cảm của khách hàng. Đội ngũ phát hành của các tòa soạn nhanh hơn vì họ chỉ phục vụ một vài đầu báo. Đại lý bán lẻ thì không tính vì khách hàng phải tự tìm đến và phải mua của họ với giá cao hơn giá bìa. Chúng tôi luôn cố gắng khắc phục những nhược điểm bằng việc tăng cường nhân lực cho đội ngũ bưu tá, sắp xếp hợp lý hành trình đường thư”.
* Nỗi niềm người phát hành
Phí phát hành là “băn khoăn” lớn nhất đối với hệ thống phát hành báo chí qua bưu điện. Hai mươi hai phần trăm (22%) trên giá bìa, thực tế không đủ bù chi. Với mạng lưới rộng lớn của mình, bưu điện phục vụ bạn đọc trên mọi vùng, miền. Có những xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa tờ báo đến tay bạn đọc mất khá nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, các đại lý hoặc mạng lưới phát hành của tòa soạn chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố cũng với mức phát hành phí tương đương. Theo ông Phan Văn Tô, Giám đốc Công ty Phát hành báo chí Trung ương thì điều này đã và đang tạo nên sự mất cân đối trong hoạt động phát hành báo chí cũng như mức chênh lệch về thụ hưởng thông tin báo chí giữa các vùng miền.
Với các đại lý, mối băn khoăn lớn không phải là mức phát hành phí mà là vấn đề báo thừa, ế không được tòa soạn cho trả lại (chỉ có một số ít loại báo được trả lại). Chị S. một chủ đại lý trên đường Lê Hồng Phong cho biết: “Từ khi các tòa soạn báo không cho trả lại báo ế, mình phải cố cân nhắc kỹ trước khi đăng ký số lượng. Trúng hôm trời mưa, tiền báo ế cả triệu bạc. Nhiều khi, những người bán báo dạo bị ế mà không nhận lại cho họ, cảm thấy vô cùng áy náy”. Cùng cảnh ngộ với chủ đại lý, chị Thao có thâm niên mười ba năm bán vé số kiêm bán báo dạo khu cà phê Phạm Hùng than thở: “Bán được tờ báo lời cao nhất sáu trăm bạc. Ngày nào lỡ ế năm bảy tờ coi như gặm bánh mì không”. “Nghiệp mà, nói sao hết được vui buồn. Có hôm máy in hỏng đột xuất, nhà in giao báo chậm đến khi phát khách hàng mắng té tát một hồi rồi quay vào nhà không kịp để mình giải thích. Nhưng hôm sau mình đến khách hàng lại mời thuốc hút và cười xuề xòa “Cái vụ PMU18 đang đến hồi gay cấn đây. Đố chú mày biết vì sao?” - anh Thành, nhân viên đưa thư báo có thâm niên 21 năm trong nghề tâm sự.
* Đã có một ngày...
Nghề phát hành vốn nhọc nhằn nhưng thầm lặng, chưa có sự quan tâm và cảm thông sâu sắc của xã hội. Năm nay, Văn phòng Hội nhà báo Việt Nam, Trung tâm sự kiện truyền thông - VIETBOOKS và Công ty cổ phần Phát hành Việt Nam-FABACO phối hợp với các công ty phát hành, các trung tâm, phòng phát hành của các tòa soạn báo, tạp chí trên toàn quốc tổ chức sự kiện thường niên “Lễ hội phát hành Việt Nam”. Đây là dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những buồn vui trong nghề của những người làm công tác phát hành. Lễ hội dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 26-12-2006 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau những nhọc nhằn, thầm lặng làm chiếc cầu nối giữa báo chí và người đọc, những người làm công tác phát hành xứng đáng có một ngày tôn vinh nghề nghiệp của mình. Âu đó cũng là chút niềm động viên, chia sẻ...
|