Xã mơ về thị
10:49', 11/12/ 2006 (GMT+7)

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định đến năm 2020”, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) sẽ phát triển thành đô thị dịch vụ du lịch loại IV. Nhưng, không chờ đến thời điểm đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhất trí: Cát Tiến sẽ lên thị xã vào năm 2015. Với một vùng nông thôn kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, lên thị xã, cơ hội lớn cũng là thách thức lớn.

 

Một vùng Cát Tiến (Phù Cát) nhìn từ núi Bà. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến trầm ngâm một lát rồi bắt chuyện với tôi… Thời tiết những ngày đầu đông mưa nắng thất thường. Chút nắng hửng vừa lên lại nhường chỗ cho những cơn mưa giông bất chợt. Từ khung cửa sổ phòng ông chủ tịch xã, nhìn ra cánh đồng trước mặt, nước cũng đã lấp xấp mặt ruộng. “Cát Tiến ở cuối nguồn nước sông Kôn mà, vùng đất này chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Năm nay ít mưa, chứ như năm ngoái, vào thời điểm này, nước đã ngập tràn lên mặt đường. Nông dân Cát Tiến vất vả quanh năm mà đời sống vẫn chưa khá lên được!”- ông Hồng tâm sự.

Xã Cát Tiến có diện tích 1.734 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 649,42 ha (chiếm 37,45%), đất phi nông nghiệp có 197,18 ha (chiếm 11,37%), đất chưa sử dụng, chủ yếu là đồi, núi 887,4 ha (chiếm 51,18%). Dân số của xã có trên 12.000 người sống tập trung ở 7 thôn: Trung Lương, Phú Hậu, Phương Phi, Phương Thái, Chánh Đạt, Trường Thạnh, Tân Tiến. Trong đó, thôn đông dân nhất phải kể đến là Trung Lương (khoảng 500 hộ- 3.700 nhân khẩu). 50% dân số Cát Tiến sống bằng nghề nông. Cũng do đặc điểm tự nhiên của vùng đất này nên sản xuất nông nghiệp ở Cát Tiến chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nông dân làm lúa 2 vụ, năng suất bình quân từ 58-60 tạ/ha.

Cát Tiến là xã bãi ngang nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn vì không có chỗ neo đậu tàu thuyền. Toàn xã có 234 tàu thuyền, công suất từ 60 CV trở lên. Do đó, chủ yếu họ đi đánh bắt xa, vào tận Vũng Tàu, Kiên Giang đi hết năm này qua năm khác. Chỉ một vài năm gần đây, với việc xuất hiện nguồn lợi tôm hùm giống ở vùng biển Cát Hải, Cát Tiến, ngư dân mới quay về địa phương đánh bắt. Thôn Trung Lương nằm trải dài theo bờ biển nên dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề biển và các dịch vụ từ biển. Nghề đánh bắt tuy thu nhập cao hơn làm nông nghiệp nhưng chi phí lớn hơn và đầy sự rủi ro, bấp bênh nên phần đông ngư dân vẫn chưa khá lên được. Bình quân thu nhập đầu người từ 5,5 - 6 triệu đồng/ năm.

Phú Hậu là thôn đông dân thứ nhì của xã với khoảng 500 hộ, 3.500 nhân khẩu. Bên cạnh cây trồng chính là lúa, 54% dân số ở Phú Hậu có ngành nghề truyền thống làm chiếu cói, thu hút từ 400- 500 lao động lúc nông nhàn. Mới đây, từ nguồn vốn của Quỹ khuyến công quốc gia, người làm chiếu cói ở Cát Tiến đã được hỗ trợ để làm thêm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cói như các loại giỏ xách, thảm chùi chân, các hộp lưu niệm... Đây sẽ là nghề truyền thống có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai khi Cát Tiến trở thành đô thị du lịch và dịch vụ.

Trung tâm hành chính xã nằm ở thôn Phương Phi. Để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch Vĩnh Hội (xã Cát Hải), trên 270 hộ dân ở Vĩnh Hội sẽ được tái định cư tại thôn Phương Phi và Phương Thái của xã Cát Tiến. Theo xu hướng lên thị xã, đất nông nghiệp ở xã Cát Tiến sẽ dần thu hẹp nhường chỗ cho các khu dân cư và dịch vụ du lịch mọc lên.

 

Thế hệ tương lai của thị xã Cát Tiến. Ảnh: Q.H

 

* Bước ngoặt lịch sử

Chúng tôi về Cát Tiến đúng vào ngày Công ty TNHH Mỹ Tài làm lễ động thổ xây dựng Rainbow Resort ngay trên bãi biển Trung Lương. Anh Chương, một cán bộ phụ trách lễ khởi công của Công ty Mỹ Tài  cho biết: “Trên dải bờ biển dài hơn 1 km tại Trung Lương này, chúng tôi sẽ xây dựng một khu khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên chạy dọc theo bãi biển theo các kiến trúc Pháp, Nhật, Việt Nam và ngay tại khu đất vừa làm lễ khởi công này, sẽ là khu nhà hàng trung tâm, bên kia là hồ bơi, sân bóng chuyền...”. Mỗi lần đi công tác ngang qua là mỗi lần, tôi như bị biển níu chặt bởi vẻ đẹp hoang sơ, hồn hậu và sâu thẳm của nó. Ngày hôm nay trông biển như rạng ngời, tươi tắn hơn, bởi từ đây, vẻ đẹp của nó không chỉ là vẻ đẹp làm no “con mắt”, làm lòng người rộng mở mà sẽ còn là vẻ đẹp đem lại cuộc sống no ấm cho những người dân đã bao đời nay thủy chung, son sắt với biển. Bên cạnh biển Trung Lương, Cát Tiến còn tiềm năng về du lịch lịch sử- văn hóa với quần thể Khu Di tích cách mạng Núi Bà, chùa Linh Phong, Tân Phủ Càn Dương… cũng sẽ được đánh thức trong nay mai. Tôi chợt nghĩ đến viễn cảnh, khi những anh nông dân, ngư dân Cát Tiến trở thành công dân của một thị xã du lịch, chắc họ sẽ thay đổi rất nhiều. Thay đổi để bắt nhịp với thời cuộc và để hòa mình vào dòng chảy văn minh của một đô thị loại IV.  9 năm nữa- từ nay đến 2015- không phải là xa!   

Bây giờ thì Cát Tiến vẫn thuần nguyên là một vùng thị tứ nông thôn, cư dân đông đúc. Với con đường ven biển huyết mạch 639 và cầu Thị Nại đã thông thương, Cát Tiến đã gần hơn với TP Quy Nhơn. Tuyến đường 635 (Gò Găng- Cát Tiến) nối Sân bay Phù Cát, Quốc lộ 1 A với Khu kinh tế Nhơn Hội  rồi đường 640 từ Vực Ông Đô (Tuy Phước) đến Cát Tiến đã mở ra cho xã nhiều cơ hội giao thương. Theo dự kiến, thị xã Cát Tiến tương lai sẽ là xã Cát Tiến bây giờ và một phần của xã Cát Nhơn, Cát Hải với diện tích khoảng 230 ha, quy mô dân số 32.000 người. Để đi lên thị xã, bên cạnh các dự án du lịch được mở ra, Cát Tiến sẽ phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan tương ứng với quy mô của một đô thị loại IV. Anh Nguyễn Chí Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tiến cho biết: “Tỉnh dự kiến sẽ mở một đường bao từ sân bay Phù Cát xuống giáp với Nhơn Hội bao bên ngoài khu vực dân cư phía đông và một đường bao sát núi từ Phù Cát đi Cát Khánh, Đề Gi, Cát Hải... Các tuyến đường bao này sẽ ôm trọn thị xã Cát Tiến trong tương lai”.

Sự hình thành và phát triển của thị xã dịch vụ du lịch Cát Tiến sẽ đồng hành với sự phát triển của Khu kinh tế Nhơn Hội. Đó là một tất yếu!

 

Chàng kỹ sư chăn nuôi trẻ và ước mơ cung cấp thịt heo chất lượng cao cho KKT Nhơn Hội. Ảnh: Q.H

 

* Đi trước đón đầu

Ngã ba Cát Tiến- Nhơn Hội - Cát Hải, gần chợ Cách Thử được coi như  khu vực trung tâm xã, đang từng bước thay da đổi thịt. Nếu như trước đây, dọc theo hai bên đường 639 chỉ lèo tèo vài ba quán cà phê, bún, phở bán chủ yếu phục vụ cho người địa phương thì giờ đây, bà con đã bắt đầu bung vốn ra làm ăn. Buôn bán, dịch vụ phát triển mau chóng với những cửa hàng tạp hóa, vật tư xây dựng, nông nghiệp. Chỉ một đoạn đường ngắn mà tôi đếm có tới đến 16 quán cà phê, giải khát... Nhiều quán được đầu tư quy mô, hình thức “bắt mắt” chẳng kém nhiều lắm mấy so với mấy quán cà phê nổi tiếng ở đường Phạm Hùng, TP Quy Nhơn. Nếu như trước đây, gần một nửa số lao động dôi thừa ở Cát Tiến phải bỏ đồng, bỏ biển vào tận miền Nam kiếm kế sinh nhai thì ngay bây giờ, nhiều người Cát Tiến đã quay về quê hương để đón đầu những cơ hội. Về Cát Tiến, tôi gặp chàng kỹ sư chăn nuôi trẻ Ngô Công Huệ. Tốt nghiệp đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh năm 1999, đang “ăn nên làm ra” tại tỉnh Bình Dương, bỗng bỏ lại cơ nghiệp, kể cả vợ con ở xứ người để quay về quê hương thành lập trang trại nuôi heo siêu nạc, heo sạch theo quy trình công nghệ khép kín tại thôn Phương Phi- quê hương anh. Anh Huệ tâm sự: “Nay mai, khi Cát Tiến trở thành đô thị dịch vụ, du lịch cho Khu kinh tế Nhơn Hội thì chắc chắn nhu cầu về thịt sạch, thịt chất lượng cao sẽ rất lớn...”. Về quê được 5 tháng, anh Huệ cùng mấy người em trai cũng đã tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo “chất lượng cao” với số vốn ban đầu khoảng 300 triệu đồng. Anh mua 20 heo nái siêu nạc và 5 heo nọc giống từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với quyết tâm thực hiện một ước mơ lớn: không chỉ cung cấp thịt heo chất lượng cao cho Khu kinh tế Nhơn Hội mà còn thay đổi cả tập quán chăn nuôi của người dân trong tỉnh theo xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới. “Xã hội phát triển thì mình phát triển theo. Có cầu thì sẽ có cung mà!”- anh Huệ chỉ nói về công việc của mình như vậy.

Những công dân trẻ năng động và táo bạo, dám nghĩ, dám làm sẽ là nền tảng cơ bản và vững chắc để xây dựng một thị xã Cát Tiến phát triển trong tương lai.

  • Quỳnh Hoa
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)
Cầu Thị Nại: Bài ca thợ cầu trên vịnh biển  (08/12/2006)
Liệu đã đến hồi báo động?  (07/12/2006)
Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò  (06/12/2006)
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (29/11/2006)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (28/11/2006)
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)