Thuốc võ
15:28', 12/12/ 2006 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên trên đất Bình Định, tôi cũng như mọi người dân “xứ nẫu” đều tự hào mình là “người đất võ”. “Đất Võ” là cái nôi của võ học có cả võ thuật và võ y. Chén thuốc võ không chỉ là những phương thuốc chữa bệnh bí truyền mà phảng phất đâu đó trong mùi thuốc thơm nồng là cả một nét văn hóa đặc thù của miền đất Võ. Nói như một vị võ sư thì trong võ có y, trong y có võ. Võ thuật Bình Định luôn tồn tại và phát triển song hành cùng võ y.

* Lạ, kỳ thuốc võ

Võ sư Tuấn Khanh đang chữa bệnh bằng thép nóng đỏ. Ảnh: Khánh Vinh

Thuốc võ cổ truyền có tác dụng đối với mọi chấn thương, trật đả nhằm phục hồi các chức năng tạng phủ, kinh lạc, gân xương và làm hàn gắn các sang chấn như gãy xương, bong gân, trật khớp... Tuy nhiên, hiện nay với tác dụng rộng rãi của mình, thuốc võ trở thành thứ thuốc quen thuộc cất nơi đầu giường của không ít gia đình.

Trong giới cầu thủ, vận động viên ở Quy Nhơn, không ai không biết đến anh Nguyễn Đăng Sơn, một y sư được thừa tự từ người cha Nguyễn Quế nhiều bài thuốc chữa trị chấn thương vô cùng hiệu nghiệm.

Ít ai biết được rằng thủ môn Trần Minh Quang suýt phải giải nghệ sớm nếu không có đôi bàn tay thần diệu của anh Sơn. Đó là Tiger Cup đầu tiên Minh Quang được triệu tập ĐTQG nhưng ngặt nỗi trước đó tại giải VĐQG, chàng thủ môn này đã bị gãy chân. Tuy được bó bột và có thể đi lại, nhưng Minh Quang vẫn không thể nào tập luyện bình thường. Quang tìm đến anh Sơn để điều trị và chỉ sau chưa đầy một tháng, anh đã có thể đứng trong khung gỗ, thi đấu cực kỳ ấn tượng tại Tiger Cup 2000 và đến nay vẫn thi đấu xuất sắc.

Danh sách các vận động viên thể thao phải nhờ đến anh Nguyễn Đăng Sơn còn rất dài. Trong đó đáng kể có thủ môn Nguyễn Văn Phụng gãy xương thuyền ngón tay, các bác sĩ giỏi ở TP HCM lắc đầu “chắc phải giải nghệ” nhưng cũng được anh Sơn chữa lành lặn và chinh phục ngôi vua tại giải VĐQG 2002. Hay như thủ môn Văn Tây của U21 Bình Định bị đứt dây chằng 2 gối được anh Sơn chữa trị.

Tuy nhiên, những chấn thương của các cầu thủ kể trên chỉ là những tai nạn… nhỏ so với các trường hợp mà các võ sư khác điều trị thành công cho những bệnh nhân gãy xương, vẹo cột sống. Thậm chí có trường hợp như bà Dương Thị Bốn ở Tây Xuân, Tây Sơn bị xe bò cán nát xương ống quyển, vì tuổi già sức yếu, các bác sĩ Tây y không dám tiến hành mổ sắp xương. Võ sư Phan Thọ được mời đến tận nhà trị thương. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, ông cẩn thận nắn, sắp từng mẩu xương nhỏ sau đó dùng vải bó chặt hỗn hợp thuốc võ vào ống chân, hàng ngày lấy rượu mạnh đổ vào. Cứ 10 ngày thay băng một lần. Đến nay, dù đã 83 tuổi nhưng bà Bốn vẫn đi lại bình thường.

Có không ít người cho rằng thuốc võ chỉ là một phân môn “chấn thương, trật đả” trong Đông y. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu thì không hề đúng như vậy. Có thể thấy rằng nguồn nguyên liệu lẫn vật dẫn thuốc chủ yếu mà các võ sư Bình Định vẫn thường sử dụng lâu nay có nguồn gốc từ trong dân gian. Không ở đâu có thể có vật dẫn thuốc bằng cơm nếp, gà con, thép nung đỏ… như các võ sư  Bình Định đã áp dụng trong võ y của mình. Nhìn lại những diệu năng của thuốc võ Bình Định mới thấy thật đáng tự hào.

Võ sư Phan Thọ kể lại: “Hồi đó tui với ông Hà Trọng Sơn cùng mười võ sư khác từ Bình Định đi đánh “liếp” ở Sài Gòn Chợ Lớn trong 6 ngày 6 đêm, hạ không biết bao nhiêu đối thủ nhưng mình mẩy ê ẩm, tay chân tê rần đau nhức. Tuy nhiên, bỏ cuộc thì hổ danh đất võ Bình Định lắm. Cũng may anh em ai cũng có đem theo mấy thang thuốc võ. Nhờ đó mà tụi tui mới nhanh chóng phục hồi được sức lực, tay chân cứng cáp, không chỉ thắng vang dội tại Sài Gòn mà còn đánh gục các đối thủ trong lần thượng đài ở Nha Trang chỉ sau đó vài ngày. Kể ra lúc ấy mà không có thuốc võ thì không ai chịu nổi”.

Hiện trong các bài thuốc võ còn lưu truyền trong giới y sư Bình Định, có lẽ phương pháp dùng thép nóng trị thương là có một không hai. Để dẫn thuốc vào cơ thể người bệnh bằng phương pháp này, người làm thuốc nhất thiết phải là võ sư đã trải qua quá trình tập luyện gian khổ, am hiểu cơ thể con người. Bàn chân của võ sư là vật dẫn thuốc trực tiếp vào cơ thể người bệnh. Sau mỗi tiếng “xèo” khi người làm thuốc áp gan bàn chân lên tấm thép nóng đỏ, những ai được tận mục sở thị cái phương pháp bí truyền độc đáo kia không khỏi rùng mình ớn lạnh nhưng cũng không khỏi khâm phục khi những vết thương nhanh chóng trở nên lành lặn chỉ sau dăm bữa.

Võ sư Tuấn Khanh ở Tây Sơn còn có một phương cách trị thuốc “độc dị” hơn nữa. Mỗi khi bệnh nhân bị ngoại thương với những vết thương nhỏ nhưng tác động của chấn thương rất sâu trong cơ thể khiến máu bầm tích tụ, ông thường dùng phương pháp đốt thuốc vô cùng hiệu quả. Các vị thuốc mạnh như mã tiền, lưu hội... được trộn chung với lá thuốc Nam thành một hỗn hợp đặc sánh trét xung quanh miệng vết thương. Sau đó rượu mạnh được đổ vào và đốt cháy để cho hơi thuốc dẫn nhập vào bên trong làm tan máu bầm, mau chóng hàn gắn vết thương.

Có thể nhận thấy, để thuốc võ phát huy hết tác dụng, nhất thiết phải có rượu. Mà phải là rượu cực mạnh vốn chỉ tìm được trên đất Bình Định. Có lẽ không ở đâu ngoài vùng đất cho ra thứ rượu thơm ngon, nặng “đô” này thuốc võ mới có khả năng phát huy tối đa tác dụng của mình.

 

Võ sư Phan Thọ đang sửa khớp bả vai cho một bệnh nhân. Ảnh: Khánh Vinh

 

* Võ nghiệp - y nghiệp

Có lẽ không một ai trong số võ sư Bình Định có dụng tâm đi học thuốc võ để làm thầy thuốc. Tuy nhiên theo lời lão võ sư Trần Dần thì “người học võ nhất thiết phải biết thuốc võ”. Không hiểu cái lệ này có từ đời nào nhưng quả thực người luyện võ chân truyền không ai không được thầy truyền cho các bài thuốc phòng thân.

Võ sư Phan Thọ cho biết thêm: “Hai mươi năm tầm sư học đạo hết thầy này đến thầy khác, ngoài chuyện nỗ lực tột bực trong võ thuật thì hàng ngày tui đều phải cắp thùng theo các thầy đi làm thuốc. Mỗi thầy truyền cho một ít nên cũng biết chút đỉnh thuốc võ phòng thân”. Có lẽ nhờ vậy mà bên cạnh một võ nghiệp lẫy lừng, người khắp các vùng trong tỉnh ai cũng biết đến tài trị thương của võ sư Phan Thọ. Nhà ông không ngày nào ngớt người đến nhờ chữa các bệnh ngoại thương, trật đả. Từ chỗ là một chàng trai đam mê võ thuật, tìm thầy học võ ông đã “kiêm” luôn nhiệm vụ làm thuốc cứu người.

Có thể dễ dàng kể ra không ít võ sư dùng thuốc võ trị bệnh mãi rồi người đời tự phong cho họ hai chữ “lương y” trang trọng. Đến nỗi, võ nghiệp của họ bị lu mờ so với y nghiệp xuất sắc của mình như võ sư Trần Dần ở Tây Sơn với hàng loạt các bài thuốc Nam thần diệu nức danh, võ sư  Đoàn Ngọc Ánh ở Phù Cát với 3 đời làm nghề thuốc võ gia truyền, võ sư Thích Huyền Ấn ở Quy Nhơn… Xa xưa hơn nữa có y sư Hồ Hải, Hương Kiểm Mỹ, Cai Bảy, Tư Hà đều là những bậc tiền bối trong việc sử dụng thuốc võ như một lương y.

 

Đau một chút thôi mà! Ảnh: Khánh Vinh

 

* Của riêng còn lại chút này...

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài viết, chính tác giả cũng bất ngờ khi không tìm thấy bất cứ một tư liệu khoa học hay một công trình nghiên cứu nào về thuốc võ Bình Định. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Khôi, nguyên giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, “Thuốc võ rất hay và độc đáo nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên chúng tôi chưa thể có một đề tài nghiên cứu nào xứng tầm để có thể hệ thống lại toàn bộ nền võ y Bình Định”.

Theo các võ sư, việc truyền nghề lại cho lớp võ sinh trẻ là rất khó khăn chứ chưa nói đến điều kiện hành nghề của số môn sinh này. Võ sư Tuấn Khanh đã cố công truyền bài thuốc chữa bệnh bằng thép nóng cho rất nhiều học trò nhưng hầu như tất cả các môn sinh đều không theo nổi vì mức độ khắc nghiệt của nó. Trong khi đây lại là một bài thuốc quý, chữa ngoại thương cực kỳ hiệu nghiệm. Hay như võ sư Phan Thọ truyền dạy cách trị thương bằng thuốc võ cho hàng trăm môn sinh nhưng số thành công chỉ vỏn vẹn có 3 người. Điều đáng buồn hơn nữa là anh Nguyễn Văn Bình, người học trò tâm đắc nhất của ông, có khả năng trị bệnh tương đương với thầy hiện nay đang làm… thợ hồ ở TP HCM.

Một võ sư tuổi đã ngoại bát tuần trăn trở: “Võ thì chúng ta đã đạt được một vài thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy nhưng còn thuốc võ đang ngày càng mất đi vì lớp trẻ bây giờ không ai chịu khó học. Phải có biện pháp bảo tồn phù hợp sao cho võ tới đâu thì thuốc tới đó. Tinh thông võ nghệ mà không am tường thuốc võ thì coi như bỏ”.

  • Khánh Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xã mơ về thị  (11/12/2006)
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)
Cầu Thị Nại: Bài ca thợ cầu trên vịnh biển  (08/12/2006)
Liệu đã đến hồi báo động?  (07/12/2006)
Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò  (06/12/2006)
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (29/11/2006)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (28/11/2006)
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)