Đã bước sang ngày thứ 3, hàng nghìn tiểu thương bị thiệt hại trong cơn hỏa hoạn khủng khiếp tại chợ Lớn Quy Nhơn vẫn chưa hết bàng hoàng. Mặc cái gió lạnh mùa đông, hàng trăm tiểu thương vẫn tụ tập quanh chợ, đau đáu trông vào đống tro tàn.
|
Tiểu thương bao quanh phía cổng chợ đường Trần Quý Cáp chờ được vào xem gian hàng của mình sau hỏa hoạn. Ảnh: B.P
|
* Cháy chợ là “cháy nhà”
Chị Ngô Thị Sen (1977, tổ 7B, KV1, P.Nhơn Bình) kinh doanh bách hóa tổng hợp tại chợ này được 4 năm, suốt từ lúc xảy ra hỏa hoạn cho đến giờ cứ ngơ ngẩn đứng nhìn vào quầy hàng của mình đã hóa thành tro, chị nói trong nước mắt: “Vợ chồng tôi vừa vay trên 250 triệu đồng nhập hàng về để kinh doanh trong dịp Noel và Tết. Giờ thì trắng tay.” Cùng cảnh ngộ với chị Sen, hai chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Lê Thị Bạch Liên cùng kinh doanh hàng bách hóa bên cạnh và hàng trăm tiểu thương khác cũng ngồi đờ đẫn từ phía bên kia đường để nhìn vào đống tro tàn.
Trong số đó, 29 hộ kinh doanh hàng vải phía đường Phan Bội Châu là bị thiệt hại rất lớn. Vốn cố định của các hộ này từ 1 đến 3 tỉ đồng. Còn trên 200 hộ kinh doanh quần áo may sẵn, hàng mỹ phẩm và thời trang cũng có mức vốn cố định từ 700 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Hầu hết nguồn vốn kinh doanh của họ đều là vốn vay, phải thế chấp tài sản như nhà và đất ở, sạp hàng và các tài sản khác. Bởi vậy, cháy chợ Lớn Quy Nhơn cũng đồng nghĩa như nhà của họ bị cháy.
Anh Ngô Hồng Lạc - chủ sạp hàng vải, bị thiệt hại hàng tỉ đồng. Khi được tiếp xúc với Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, anh đã đề nghị: “Ở chợ này hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng. Đề nghị tỉnh tác động với các ngân hàng cho chúng tôi được miễn lãi suất ngân hàng và cho chúng tôi được trả dần. Đề nghị UBND tỉnh tác động để chúng tôi được vay vốn ưu đãi, được miễn, giảm thuế có thời hạn tương đối; cơ quan chức năng có chính sách miễn, giảm các loại thuế, lệ phí và một số thủ tục có liên quan; đề nghị tỉnh bố trí địa điểm để bà con tiểu thương chúng tôi có điều kiện tái sản xuất…”.
* Người kiếm sống quanh chợ “cháy” theo
Chợ Lớn Quy Nhơn cháy, không những các tiểu thương bị thiệt hại nặng mà những hộ buôn bán nhỏ lẻ, những người lâu nay kiếm sống nhờ vào ngôi chợ này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ngày 18-12, chúng tôi dạo quanh 4 con đường xung quanh chợ (vẫn đang được phong tỏa), cảnh tấp nập mua bán thường thấy ở đây giờ thay bằng một ngôi chợ bị cháy đen, một số chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, vài người dân đang tranh thủ nhặt nhạnh những gì sót lại còn có thể sử dụng hoặc bán phế liệu. Hàng chục tiểu thương tụ tập trước cổng chính phía đường Trần Quý Cáp, chờ đến lượt Ban Quản lý chợ kêu tên vào nhận những gì còn sót lại tại khu vực quầy hàng của mình.
Hầu hết trong số hơn 200 hộ kinh doanh quanh chợ Lớn đều đóng cửa vì không có khách, một số hộ mở cửa nhưng chỉ bán được cho một vài người khách quen gần nhà. Chị Hà Thái, chủ hiệu buôn bán quần áo giày dép ở số 24 đường Trần Quý Cáp, cho biết: “Từ khi chợ cháy đến nay, cửa hiệu phải đóng cửa vì công an chặn hết các ngả đường không cho vào chợ nên khách cũng không đến mua hàng được. Sáng nay, tui mới mở cửa bán hàng nhưng có được người khách nào đâu, chỉ bán được 5 đôi găng tay cho mấy người đến dọn dẹp chợ thôi.”
Phía đường Phan Bội Châu, một số cửa hàng, tạp hóa cũng phải chịu cảnh “cửa đóng then cài” vì không chịu được mùi khét lẹt từ chợ bốc ra, mà có mở cửa thì cũng biết bán cho ai. Bà Ngọc Trang, 53 tuổi, chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Trang, số 62 Phan Bội Châu, nói: “Hơn 15 năm nay, cả gia đình tôi sống được chủ yếu cũng nhờ vào việc buôn bán này. Hiện giờ, hai đứa con tôi đang học đại học, mỗi tháng phải chu cấp cho tụi nó vài triệu đồng. Tình trạng này mà kéo dài thì thật căng cho gia đình chúng tôi”.
Kế bên cổng chính đường Trần Quý Cáp, chúng tôi còn bắt gặp bà Nguyễn Thị Nguyên, 50 tuổi, ở phường Hải Cảng (Quy Nhơn) có 20 năm chuyên bán cá tại chợ Lớn Quy Nhơn, ngồi bên những rổ, rá với khuôn mặt buồn rười rượi. Thường ngày, từ rất sớm bà theo xích lô xuống phường Trần Phú, Hải Cảng gom cá về đây bán kiếm lời. Giờ không còn chỗ buôn bán, gia đình bà rơi vào tình cảnh thiếu ăn. Bà Nguyên nghẹn ngào: “Lâu nay tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ, tiền lời ít, chỉ đủ chạy ăn từng bữa, nhiều lúc ốm đau không dám bỏ chợ, vì nghỉ một ngày là đói.”
|
Bên trong chợ chỉ còn lại những đống tro tàn. Ảnh: N.D |
Chúng tôi cũng đã gặp anh Thành, chủ 2 sạp trái cây. Gia đình anh Thành có 3 đời buôn hàng bán trái cây tại chợ này. Chợ cháy, anh thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. So với những tiểu thương khác thì không lớn nhưng với vợ chồng anh, đó là tất cả vốn liếng dành dụm từ trước đến nay. Mấy ngày nay, anh cứ quanh quẩn ở chợ không về nhà. Anh tâm sự: “Mấy ngày này tôi có ăn được gì đâu, xót lắm anh ơi!”.
Không chỉ những người buôn bán bên trong và xung quanh chợ điêu đứng vì mất hàng hóa hoặc rơi vào cảnh không có khách hàng, nhiều người sinh sống dựa vào khu chợ này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Bảy, 52 tuổi - thợ sửa quần áo ở vỉa hè đường Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Hai hôm nay chủ yếu tui sửa nốt làm số đồ khách gửi lại từ trước, chứ chợ cháy, đường bị chặn, đâu có ai vô gửi đồ mà sửa.”
Còn anh Tấn, đạp xích lô - chuyên chở hàng cho các tiểu thương ở chợ Lớn - than thở: “Trước giờ tui chủ yếu quanh quẩn ở đây để chở hàng cho mấy chủ sạp, thỉnh thoảng kiếm mấy người khách nữa là đủ 3 bữa ăn cho cả nhà. Chợ cháy rồi coi như cánh xích lô bọn tui cũng hết đất làm ăn. Bây giờ chỉ còn cách chạy lòng vòng ngoài đường, may gặp được khách nào thì hay người nấy chứ không ổn định như trước được. Nhưng nghĩ mình như vậy cũng còn may hơn nhiều người đã bị thiệt hại cả trăm triệu đồng trong chợ”.
* Bao giờ trở lại chợ xưa?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con số thiệt hại của vụ hỏa hoạn không chỉ dừng lại ở con số 150 tỉ đồng (theo cách tính để nộp thuế của các hộ kinh doanh) bởi vào dịp cuối năm, lượng hàng hóa chuẩn bị bán trong dịp Tết tăng lên gấp nhiều lần, trong đó có hàng trăm trường hợp các chủ hàng từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác vừa chuyển hàng về nhập cách đó một hai ngày, chưa kịp thống kê, thanh toán cũng đã thiêu rụi trong lửa. Con số những tiểu thương bị hại trong vụ hỏa hoạn cũng không dừng ở con số gần 1.000 người, bởi mỗi sạp hàng, quày hàng, ki-ốt có nhiều người hùn hạp, ký gửi…
Nhiều tiểu thương mong muốn được trở lại với công việc thường nhật, họ trông chờ Chính phủ, tỉnh, TP Quy Nhơn và các ngân hàng, các quỹ đầu tư có sự hỗ trợ, giúp đỡ để họ vượt qua cơn hoạn nạn. Một số hộ cũng đã lo tìm kiếm, thuê mướn mặt bằng mới để kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.
Sau một ngày xảy ra vụ cháy, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã có buổi tiếp xúc với bà con tiểu thương ngành hàng vải, may mặc, mỹ phẩm, thời trang và bách hóa để nghe các ý kiến của người dân. Tại buổi tiếp xúc đã có nhiều ý kiến bức xúc của người dân về vụ cháy. Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ và cho biết: Tỉnh đã họp triển khai công tác khắc phục gồm các cơ quan, đoàn thể, các ngành và mọi lực lượng để cùng nhau chia sẻ với đồng bào bị hỏa hoạn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh mời Bộ Công an về cùng với Công an tỉnh để tiến hành điều tra làm rõ vụ cháy, đồng thời kiểm tra xác định về thiệt hại. Trong đó, Ban quản lý chợ đã không hoàn thành nhiệm vụ trong việc bố trí lực lượng phòng và chống cháy, nổ và trực chỉ huy, tỉnh sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Lực lượng PCCC cũng phải kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình chữa cháy chợ Lớn, nhất là công tác ứng cứu ban đầu triển khai rất chậm trễ và không khoa học, thậm chí còn chủ quan (mặc dù sau đó lực lượng này đã làm việc quên mình). Về công tác khắc phục hậu quả, ngoài việc đã hỗ trợ tiền để cứu giúp tạm thời cho người bị nạn, tỉnh phát động phong trào tương thân ái trợ trong toàn tỉnh, nhằm giúp bà con tiểu thương sớm ổn định cuộc sống và kinh doanh.
| |