Bên cạnh niềm vui tràn trề của người dân cả tỉnh khi tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hình thành và cầu Thị Nại khánh thành đưa vào sử dụng, là nỗi buồn rất riêng của hàng trăm lao động tại các bến đò ngang từ các xã về Quy Nhơn và ngược lại. Họ trở nên thất nghiệp, phải tìm cách chuyển nghề mới.
|
Các bến đò ngừng hoạt động, cả trăm xe ôm mất việc. Ảnh: Cường Phúc
|
* Thất nghiệp dây chuyền
Lâu nay, từ Quy Nhơn muốn đi các xã: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội (Quy Nhơn) hoặc một phần các xã: Cát Tiến, Cát Chánh (Phù Cát) và ngược lại đều phải đi đò. Từ khi tuyến đường Quy Nhơn-Nhơn Hội, nhất là mới đây cầu Thị Nại khánh thành đưa vào sử dụng thì các bến đò ngừng hoạt động. Có gần 100 lao động của Hợp tác xã vận tải đường thủy Quy Nhơn bị thất nghiệp.
Giờ đây, khung cảnh tại bến đò Đống Đa, Nhơn Hội, Nhơn Hải đã vắng tanh; không còn cảnh người đua chen nhau lên đò như trước. Ông Nguyễn Đình Sanh, có 7 năm đưa khách bằng đò tuyến Nhơn Hải-Quy Nhơn và ngược lại, tâm sự: “Trước đây, mỗi tháng chạy đò chở khách chúng tôi cũng kiếm được 2-3 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 3-4 người trong gia đình. Từ khi đò ngừng hoạt động, cả gia đình gặp không ít khó khăn vì lâu nay nguồn sống chính phụ thuộc vào mỗi chuyến chạy đò. Giờ chưa biết tìm việc gì mới để làm”.
Không những giới chủ đò bị thất nghiệp, cánh tài xế xe ôm và nhiều người buôn bán nhỏ lâu nay quây quanh các bến đò cũng bị ảnh hưởng. Anh Trần Văn Bé, ở xã Nhơn Lý, có trên 10 năm lái xe ôm tại bến đò Hội Thành (Nhơn Hội) cho biết: “Lúc bến đò còn hoạt động mỗi ngày tôi kiếm được 40-50 ngàn đồng. Bến đò ngừng hoạt động gần một tháng nay đành phải ở nhà chờ kiếm việc khác. Mà ở bến đò này, có gần 100 anh em xe ôm cũng chịu cảnh thất nghiệp như tôi”.
Còn chị Hoa, chuyên bán bánh kẹo, thuốc lá tại bến đò Nhơn Hội, nói: “Ở cái xã biển này, tìm được một việc làm ổn định rất khó, giờ không còn chỗ buôn bán, phải ở nhà chờ ai mướn việc gì thì làm”.
* Chuyển nghề
Theo ông Huỳnh Văn Chánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải đường thủy Quy Nhơn, từ khi tuyến đường Quy Nhơn-Nhơn Hội bắt đầu xây dựng, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã cũng đã tìm phương án chuyển hướng hoạt động để giải quyết việc làm cho xã viên khi các bến đò ngừng hoạt động. Hiện nay, Hợp tác xã đã vay vốn mua 3 xe khách chạy các tuyến: Quy Nhơn-Nhơn Lý, Quy Nhơn-Nhơn Hải, Quy Nhơn-Nhơn Hội và ngược lại, tạo công ăn việc làm cho một số xã viên.
Một số chủ đò cũng đã chủ động tự tạo công ăn việc làm cho mình và gia đình, bằng cách đầu tư, sửa chữa lại đò để phục vụ cho khách du lịch. Như anh Huỳnh Văn Tôn, chủ đò tuyến Quy Nhơn-Nhơn Hội, đang đầu tư thêm 50 triệu đồng tân trang lại chiếc đò chở khách lâu nay để chở khách du lịch đi quanh đầm Thị Nại, ngắm cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hay đưa khách du lịch đi tham quan ở Hải Giang, Nhơn Lý, Nhơn Châu. Anh Tôn cho biết: “Không riêng gì tôi mà nhiều chủ đò khác cũng đang cho tân trang lại đò phục vụ khách du lịch. Vì lâu nay đò chỉ chuyên chở khách nên muốn bán cho các chủ đánh cá cũng khó”.
|
Chiếc đò chở khách của anh Huỳnh Văn Tôn đang được tân trang để phục vụ khách du lịch . Ảnh: Phúc Cường
|
Một số người từng lái xe ôm giờ phải bỏ nghề chuyển sang làm nghề biển hoặc phụ gia đình buôn bán, nuôi trồng hải sản. Theo ông Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, toàn xã có khoảng 100 người lái xe ôm nhưng hiện nay cũng chỉ còn 30 xe hoạt động, chở khách từ Nhơn Lý vào Quy Nhơn và ngược lại, số còn lại thất nghiệp vì không có khách phải quay lại làm nghề biển.
Riêng tại xã Nhơn Hội, lực lượng xe ôm có gần 70 người, số xe ôm thất nghiệp được xã động viên đi học nghề. Đối với những người không có trình độ học vấn hoặc trình độ thấp thì đi học nghề vệ sĩ-bảo vệ, còn đối với những người có trình độ thì đi học các nghề cơ khí, mộc… để chờ cơ hội ở Khu kinh tế Nhơn Hội.
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, vui mừng cho biết: “Không riêng gì cánh xe ôm thất nghiệp chuyển hướng đi học nghề mà thanh niên ở đây đang có ý thức về việc học nghề để về làm việc tại Khu kinh tế Nhơn Hội”.
|