Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !
14:14', 21/12/ 2006 (GMT+7)

Thương tích do các loại tai nạn gây ra (mà thuật ngữ chuyên môn gọi là tai nạn thương tích - TNTT) đang là một trong những mối lo ngại bậc nhất của cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

TNTT là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ảnh: T.H

 

* Hiểm họa rình rập

Cách đây không lâu, người dân thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa (An Lão) đã rất đau đớn trước cái chết của cháu P.T.N.A (10 tuổi). P.T.N.A và P.N.V (8 tuổi) là hai chị em ruột cùng rủ nhau đi tắm sông và đã bị nước cuốn trôi. Một học sinh lớp 5, tắm sông gần đó kịp lao ra cứu nhưng cũng chỉ đưa được cậu em vào bờ. Trong cơn bão số 6 vào tháng 10 vừa qua, Bình Định không phải là địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng nhưng một bi kịch đau lòng đã xảy ra khi 4 học sinh Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) bị chết đuối do tắm biển.

Hiểm họa TNTT “rình rập” mọi lúc mọi nơi, xảy ra ở mọi đối tượng. Lúc 15 giờ 30 phút chiều 1-12-2006, tại ngã tư Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và xe ô tô. Sau cú va chạm mạnh, người thanh niên điều khiển xe máy văng qua dải phân cách, đập mạnh vào một chiếc xe ô tô khác trước khi rớt xuống đất khiến cho người điều khiển xe máy (tên Tùng, ở Tuy Phước) bị chấn thương sọ não, gãy một chân, bất tỉnh và phải cấp cứu tại BVĐK tỉnh.

Ở một lĩnh vực khác, anh Thái Văn T., trú tại thôn Quảng Tín (Phước Lộc - Tuy Phước) là công nhân Tổ máy nghiền đá số 1, Xí nghiệp sản xuất vật liệu và xây dựng giao thông Vạn Mỹ, trực thuộc Công ty Công trình giao thông 504 bị điện giật trong khi điều khiển máy vận hành. Khi nghe tiếng kêu cứu của anh T., mọi người cắt cầu dao điện, hô hấp nhân tạo và thuê xe đưa tới Trung tâm Y tế huyện An Nhơn nhưng anh đã tử vong ngay trên đường đi. Anh T. mất, để lại nỗi đau và gánh nặng cho người vợ chỉ có nghề nội trợ và 3 con nhỏ đang độ tuổi ăn học. 

* Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Kết quả nghiên cứu mô hình bệnh tật và tử vong tại một số bệnh viện ở Bình Định trong 5 năm (1998-2003) của bác sĩ Hồ Việt Mỹ, cho thấy, TNTT do chấn thương và ngộ độc chiếm tỷ lệ 8,48%, đứng vị trí thứ 6 sau các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh vật, chửa đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa. Trong 10 bệnh có số bệnh nhân tử vong cao nhất, chấn thương sọ não đứng hàng đầu, bỏng xếp thứ 9 và ngộ độc thứ 10.

Mỗi năm Bình Định có khoảng 18.000 - 20.000 người bị TNTT, trên 300 người chết. Chỉ tính riêng tai nạn giao thông, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp đến cấp cứu tại bệnh viện, với 230 người chết và 1.000 trường hợp phải chuyển tuyến trên vì mức độ thương tích quá nặng. Tuy nhiên, đó mới là con số thống kê bình quân hàng năm của ngành Y tế, còn thực tế cao hơn nhiều.

Riêng đối với trẻ em (TE), cho đến nay, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trong đề tài nghiên cứu tình hình tử vong TE dưới 16 tuổi tại Bình Định năm 2002-2003, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế đã đúc kết những con số rất đáng báo động. Một năm cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 22,46% tử vong do TNTT (chiếm gần 1/4 tổng số trường hợp tử vong), trong đó có 19 trẻ dưới 16 tuổi, 15 trẻ dưới 5 tuổi, 12 trẻ dưới 1 tuổi và khoảng 9 trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi).

Bác sĩ Hà Anh Thạch, phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết: “Điều tra tại 6 xã điểm xây dựng cộng đồng an toàn (CĐAT) tại An Nhơn và Phù Cát, cho thấy các nguy cơ gây nên TNTT rất nhiều mà nếu cẩn thận có thể dự phòng. Nhiều người dân không nhận thức đầy đủ các nguy hiểm phổ biến trong gia đình. Các chấn thương và tử vong có thể được phòng ngừa nếu cha mẹ, thầy cô giáo có nhận thức tốt hơn về các yếu tố nguy cơ gây nên TNTT ở TE ngay trong gia đình, nhà trường và cộng đồng như nước sôi, dây điện, chất độc, té ngã, súc vật cắn, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước…”.

* Xây dựng cộng đồng an toàn

Rõ ràng, TNTT đặt một gánh nặng to lớn đối với ngành Y tế, làm cho các bệnh viện phải chi tiêu các nguồn lực nghèo nàn cho hoạt động chăm sóc phục hồi chức năng - những nguồn lực lẽ ra sử dụng cho việc cung cấp các chương trình sức khỏe và dinh dưỡng thiết yếu khác. TNTT ở TE không chỉ gây bi kịch cho nạn nhân và gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển, tước đoạt đi của đất nước nhiều tài sản quý giá nhất - đó là những người trẻ tuổi.

Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động trước hàng ngàn vụ TNTT cũng như hệ quả đau lòng của nó. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, khẳng định: “Lâu nay, ngành Y tế mới chỉ là một thành viên trong Ban An toàn giao thông tỉnh để giải quyết vấn đề hậu quả và thực hiện các biện pháp tuyên truyền phòng chống TNTT. Việc xây dựng CĐAT là cần thiết lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi. Bắt đầu từ năm 2006, ngành Y tế đã khởi động chương trình xây dựng CĐAT, phòng chống TNTT tại 6 xã điểm thông qua sự hỗ trợ của Dự án VIE/03/P20, trong đó chú trọng đối tượng phụ nữ và TE. Ngành sẽ phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, ban, ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT từ tỉnh đến xã, sau đó nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)
Quanh cây cầu vượt biển lớn nhất nước Việt  (18/12/2006)
Chợ Lớn Quy Nhơn 12 giờ trong biển lửa   (18/12/2006)
Thuốc võ  (12/12/2006)
Xã mơ về thị  (11/12/2006)
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)
Cầu Thị Nại: Bài ca thợ cầu trên vịnh biển  (08/12/2006)
Liệu đã đến hồi báo động?  (07/12/2006)
Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò  (06/12/2006)
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (30/11/2006)