Sau vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn:
Báo động công tác PCCC ở các chợ
8:0', 22/12/ 2006 (GMT+7)

Vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn đã làm giới tiểu thương ở các chợ trong toàn tỉnh rúng động, sau khi bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với các đồng nghiệp, những người buôn bán cũng tỏ ra lo lắng về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở nơi mình đang kinh doanh.

 

Vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn đã để lại nhiều bài học về công tác PCCC, nhất là đối với các chợ. Ảnh: Viết Hiền

 

* Nhiều chợ chưa chú trọng PCCC

Chợ Đầm được xem là một trong những chợ có hàng hóa tương đối lớn, chỉ đứng sau chợ Lớn Quy Nhơn. Lượng hàng tập kết về chợ Đầm khá nhiều, mỗi ngày có 1.500-2.000 lượt khách đến chợ mua sắm. Sau khi chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy, lượng khách đổ về chợ trong những ngày qua tăng lên 30%. Ông Trần Anh Kiệt, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm, cho biết: “Chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề PCCC, nhất là anh em bảo vệ chợ có quy chế làm việc, trực rất nghiêm ngặt. Nếu bảo vệ nào đến chợ có mùi bia rượu thì đội trưởng của buổi trực đó đuổi về, không cho trực, gọi người khác đến thay thế, nếu vi phạm 3 lần thì bị đuổi việc. Đội bảo vệ chợ có tất cả 8 người, chia ca nhau trực, vào ca trực đêm những người nghỉ ca không được về nhà mà phải ngủ ngay tại chợ, nếu có sự cố xảy ra thì cùng nhau ứng cứu. Chúng tôi cũng đã cho xây dựng hai cầu thang thoát hiểm cho tầng hai của chợ nằm ở mặt đường Hoàng Hoa Thám, phòng khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về công tác PCCC cho từng tiểu thương buôn bán ở đây”.

Mặc dù vậy, theo chúng tôi, công tác PCCC ở chợ Đầm vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức. Theo lời của các tiểu thương, cách đây vài tháng, Ban quản lý chợ đã trang bị mới các bình CO2 (bình chữa cháy) cho các tiểu thương. Cứ 3-4 hộ được cấp một bình, tự bảo quản và sử dụng khi có cháy xảy ra. Nhưng khi chúng tôi hỏi khá nhiều tiểu thương ở đây có biết sử dụng bình chữa cháy không, thì hầu như tất cả đều lắc đầu không biết. Chị Diệp, có sạp quần áo được bày bán ở chợ Đầm trên 10 năm, nói: “Họ phát bình chứ có hướng dẫn hoặc tập huấn cho chúng tôi sử dụng đâu mà biết”.

Chợ Khu 6 cũng có lượng khách ra vào chợ mỗi ngày rất đông. Bởi đây là nơi tập trung số lượng lớn sinh viên của Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn vào mua sắm. Tuy nhiên, những con đường quanh chợ khá hẹp, lại bị các hộ dân lấn ra ngồi gần hết lối đi để buôn bán. Nhất là đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai ở gần chợ, đường hẹp nhưng các hộ buôn bán ở đây còn cho che bạt nối nhà này với nhà kia, nếu hỏa hoạn xảy ra thì rất khó để các xe chữa cháy có thể tiếp cận, dễ gây thiệt hại lớn về hàng hóa trong chợ và những ngôi nhà này cũng rất dễ bị cháy lan.

Bên trong chợ, chúng tôi thấy trên các hộp đựng bình CO2 được dán giấy có chữ “Bình khí CO2” còn khá mới (có lẽ được dán sau khi chợ Lớn bị cháy (?)), một số hộp đựng bình chữa cháy được các tiểu thương “tận dụng” để… trưng bày hàng hóa. Cầu thang lên tầng hai phía đường Võ Lai thì bị một hộ bán hàng ăn uống chắn ngang. Thậm chí, ngay nơi có tấm bảng đề dòng chữ “Khu vực đồ dùng cứu hỏa” cũng được các hộ buôn bán vây quanh. Cũng giống như tiểu thương chợ Đầm, tiểu thương chợ Khu 6 khi được hỏi về cách sử dụng bình CO2 thì đều trả lời không biết.

Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ chợ cũng khiến các tiểu thương lo lắng. Chị Minh, bán hàng giày dép cho biết: “Năm trước, chỗ công ty may trên tầng 2 chợ bị chạm điện gây cháy nhỏ, chúng tôi nháo nhào chạy đi tìm bảo vệ thì không thấy đâu. May cháy nhỏ, chứ cháy lớn thì chợ Khu 6 cũng tiêu rồi”.

 

Đường Nguyễn Thị Minh Khai (chợ Khu 6) có nhiều nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Phúc - Cường

 

* Cần tăng cường công tác kiểm tra

Có thể nói công tác PCCC ở các chợ nói riêng và các cơ sở kinh doanh khác lâu nay còn lơ là. Việc này, có lẽ các cơ quan chức năng đều biết, nhưng để kiểm tra xử lý triệt để thì gặp khá nhiều khó khăn. Ông Võ Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn là một bài học đau xót cho công tác PCCC ở trên địa bàn thành phố Quy Nhơn nói chung và các chợ nói riêng. Hiện nay, ở một số chợ, Ban quản lý sắp xếp cho quá nhiều hộ vào buôn bán gây nên tình trạng quá tải. Điều này dẫn đến việc một số hộ đã tận dụng mặt bằng của các lối thoát hiểm để buôn bán và chứa hàng. Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra tất cả các chợ trên địa bàn thành phố, nếu chợ nào không đảm bảo công tác PCCC thì phải được chấn chỉnh, nếu không thì có thể cho ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn”.

Bên cạnh việc tăng cường công tác PCCC, thiết nghĩ Ban quản lý các chợ cũng nên vận động bà con tiểu thương mua bảo hiểm hàng hóa của họ để hạn chế phần nào thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, sau khi chứng kiến thiệt hại quá lớn của các tiểu thương chợ Lớn, hầu hết các hộ buôn bán ở các chợ còn lại khi được hỏi đều đồng ý mua bảo hiểm, nhưng nếu không có sự vận động của Ban quản lý chợ thì các hộ này cũng chẳng quan tâm đến vấn đề này.

  • Nguyễn Phúc - Lê Cường

Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh:

Có thể nói, với số lượng xe được trang bị như hiện nay, lực lượng PCCC của tỉnh không đủ sức chiến đấu với những vụ cháy lớn. Hiện nay, Phòng cảnh sát PCCC có 10 xe, trong đó chỉ có 3 xe của Bộ Công an cấp và 2 xe do UBND tỉnh mới trang bị là còn hoạt động tốt, 5 xe còn lại đều đã sử dụng trên 20 năm nên việc hư hỏng xảy ra thường xuyên. Hầu như năm nào chúng tôi cũng kiến nghị mua thêm các xe chữa cháy hiện đại, nhưng có lẽ do ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên vẫn chưa giải quyết được. Để tăng tính cơ động, chúng tôi đã xin mở thêm một trụ sở PCCC ở khu vực Phú Tài, nhưng với lượng xe hiện nay việc chia nhỏ ra cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể việc sau này Khu Kinh tế Nhơn Hội có các doanh nghiệp vào đầu tư thì cũng tính đến việc lập một trụ sở PCCC ở đây.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !  (21/12/2006)
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)
Quanh cây cầu vượt biển lớn nhất nước Việt  (18/12/2006)
Chợ Lớn Quy Nhơn 12 giờ trong biển lửa   (18/12/2006)
Thuốc võ  (12/12/2006)
Xã mơ về thị  (11/12/2006)
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)
Cầu Thị Nại: Bài ca thợ cầu trên vịnh biển  (08/12/2006)
Liệu đã đến hồi báo động?  (07/12/2006)
Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò  (06/12/2006)
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)