Tìm câu Kiều ở Tiền Đường
10:9', 25/12/ 2006 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu Truyện Kiều Lê Xuân Lít vừa có chuyến sang Trung Quốc, tìm đến sông Tiền Đường, nơi Thúy Kiều trầm mình, để “bùi ngùi thương xót cho một thân phận hồng nhan đầu thai nhầm thế kỷ” và ông đã viết gửi cho Báo Bình Định bài bút ký này…

 

Một góc Phố Đông, TP. Thượng Hải. Ảnh: L.X.L

 

Rời sân bay Tân Sơn Nhất, sau 5 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến sân bay Thượng Hải. Trước khi đi Hàng Châu để đến với dòng Tiền Đường, chúng tôi đã “quá giang” qua Thượng Hải. Vì thành phố cách sân bay khoảng 40km, chúng tôi buộc phải chọn một trong hai phương tiện: hoặc đi taxi trên đường cao tốc để được ngắm những khóm hoa được tỉa tót cẩn thận hai bên đường hoặc đi tàu điện đệm từ trường. Chúng tôi đã chọn cách thứ hai bởi đây là phương tiện còn rất lạ ở Việt Nam. Không ngờ, thành phố “quá giang” lại gây cho chúng tôi một ấn tượng thật mạnh mẽ.

* Thành phố của niềm tự hào

Tàu điện đệm từ trường “đi” (đúng hơn là bay là là bởi bánh không bám sát đường) với tốc độ tăng dần đến chóng mặt trên đường sắt. Tốc độ tàu từ 2-3 km/giờ lúc khởi động bỗng vượt lên 17-18 rồi 25-30 và thoáng một cái, tàu đã tăng tốc 330-350 rồi 431 km/giờ. Và, như vậy, chỉ trong 6 phút, chúng tôi đã đứng giữa thành phố Thượng Hải, một trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, nơi đang có “sức sống dữ dội nhất thế giới”. Những ngôi nhà cao tầng sừng sững, đẹp đẽ, ngút ngát hiện ra trước mắt chúng tôi. Con sông Hoàng Phố chia đôi Thượng Hải thành: Phố Tây và Phố Đông. Hai phố như hai chị em, mỗi nơi một vẻ.... Phố Tây chắc đã có từ hàng ngàn năm nên nhiều dãy phố còn giữ vẻ cổ kính của phương Đông. Còn Phố Đông, thì lại mang vóc dáng của một thành phố phương Tây và đó là niềm tự hào của người dân Thượng Hải, của nhân dân Trung Quốc.

Chúng tôi bị chìm ngập, bị chinh phục bởi vẻ đẹp hiện đại, vóc dáng quy mô của Phố Đông. 16 năm trước, nơi đây là những cánh đồng rau, đồng lúa, trại chăn nuôi gia súc. Năm 1990, ông Đặng Tiểu Bình (lúc đó đã về hưu) đến Thượng Hải ăn tết đã để ý và đề xuất về việc xây dựng Phố Đông. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã lắng nghe ý kiến của ông Đặng, cử chuyên gia xuống thị sát và tiếp nhận đề xuất của Thượng Hải và thế là Phố Đông được kiến thiết với tốc độ chóng mặt đã ra đời. Ngày 18-4-2005, người Trung Quốc vui mừng và tự hào làm lễ kỷ niệm 15 năm thành phố trẻ, một trung tâm đa chức năng, ra đời. Ba cây cầu, hai đường hầm, hai đường xe điện ngầm nối hai bờ sông Hoàng Phố. Đại lộ thế kỷ, sân bay quốc tế và những tập đoàn thương mại, ngân hàng, nghiên cứu khoa học, tháp truyền hình cao 468 mét (được xếp vào hàng kỳ quan)... rồi Viện Hải dương học, bến Thượng Hải ban đêm với trăm ngàn lâu đài, mỗi cái mang một vẻ đẹp khác nhau, màu sắc, ánh sáng điện khác nhau đã tạo nên một bản giao hưởng màu sắc đã và đang quyến rũ không biết bao du khách về Thượng Hải…

Nhưng, mục đích chuyến đi Trung Quốc của chúng tôi không phải là tham quan, du lịch mà là tìm đến sông Tiền Đường, nơi đại thi hào Nguyễn Du đã gọi “ấy mồ hồng nhan”.

 

Tác giả (bên phải) ở Hàng Châu. Ảnh: L.X.L

 

* Vẻ đẹp Hàng Châu

Điều mà Nguyễn Du đặc biệt chú ý thể hiện trong truyện Kiều là nước thủy triều ở sông Tiền Đường. Khi Hồ Tôn Hiến phản trắc, giết chết Từ Hải rồi lại bắt Thúy Kiều hầu hạ và cuối cùng phán quyết gả Kiều cho một thổ quan, Thúy Kiều đi thuyền trên sông mà không biết mình đang ở đâu. Bỗng:

Triều đâu nổi sóng đùng đùng

Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.

Sau này, khi Kim Trọng được bổ dụng làm quan ở vùng ven biển này, đến sông Tiền Đường làm lễ cầu hồn cho Thúy Kiều, Nguyễn Du lại viết:

Ngọn triều, non bạc trùng trùng

Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.

Tò mò với những ngọn triều “non bạc”, “nổi sóng đùng đùng”, chúng tôi lên tàu hỏa đi Hàng Châu nơi có sông Tiền Đường. Một trăm năm mươi cây số và tàu có dừng mấy ga nhưng chúng tôi chỉ mất có hai giờ; tàu chạy lại êm ru như ngồi sa lông ở nhà, không có tiếng khục khặc vì không có chỗ nối giữa hai đoạn sắt. Cũng như  Thượng Hải, đường giao thông ở Hàng Châu tuyệt vời. Cùng một tuyến đường mà trên trời, dưới đất, trong lòng đất, đường nào cũng to lớn, bề thế, chằng chịt chạy khắp phố phường. Ở Hàng Châu, chúng tôi đi chơi Hồ Tây bằng con đường rất đẹp dưới lòng hồ và dạo quanh hồ. Đường đi thoáng mát dưới những vòm cây không thấy lá trên đường, không một mẩu giấy vụn hay tàn thuốc mặc dù du khách có hàng ngàn người qua lại. Đi trong cảnh đẹp lại được nghe tiếng hát nho nhỏ, êm ái, du dương từ những cái loa tròn để lấp trong hoa cỏ bên đường...

* Và dòng sông nổi tiếng

Chúng tôi đã đến sông Tiền Đường và chọn một khách sạn mang tên Tiền Đường đại tửu điếm. Hàng Châu có 14 trung tâm thương mại mang tên Tiền Đường, trong đó có 7 Tiền Đường đại tửu điếm. Ngồi ở khách sạn Tiền Đường, uống trà Long Tĩnh, hút thuốc Hàng Châu, mở cửa sổ nhìn thấy sông Tiền Đường, quả là thú vị. Sông Tiền Đường dài 605km, lưu vực 4,88 vạn km2, có bảy chiếc cầu bắc qua sông: Tiền Đường Đại Kiều, Tây Hưng Đại Kiều, Phục Hưng Đại Kiều, Bành Phụ Đại Kiều… Cầu nào cũng có chữ “đại kiều” (cầu lớn), bởi nó quá đồ sộ và vượt qua chiều ngang một con sông rộng lớn. Người Trung Quốc rất tự hào về chiếc cầu qua sông đầu tiên do kỹ sư Trung Quốc thiết kế, xây dựng từ năm 1934. Cầu này trên là đường ô tô, dưới là đường xe hỏa.

 

Du khách ngắm thủy triều ở sông Tiền Đường. Ảnh: L.X.L

 

Chúng tôi đã nhìn thấy chiếc cầu với dáng bền vững đã chịu gió sương trên 70 năm ấy. Dừng lại ở Tiền Đường Đại Kiều, nhìn xuống lòng sông. Nơi đâu, ngày ấy Vương Thúy Kiều đã rơi mình tự vẫn? Nơi đâu, Giác Duyên đóng thuyền chầu chực ngày đêm để vớt Kiều? Chắc nơi ấy phải có nước thủy triều dữ dội nhất. Từ Hải từ điển (TQ) đã dành riêng một mục nói về nước thủy triều ở sông Tiền Đường. Hàng năm, vào ngày 18-8 âm lịch tại Hải Ninh, nơi cửa sông bị thắt lại, thủy triều đã bay lên cao đến 8-9m liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, với chiều dài 80 cây số. Nhìn nước thủy triều như thấy trăm ngàn con ngựa đang bay và tai nghe những tiếng nổ dữ dội. Có lẽ không biết bao nhiêu người trong nước và trên toàn thế giới đã về đây “chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt diệu này”. Như vậy, có phải Thúy Kiều đã trầm mình ở cửa sông ấy? Nhưng nếu ở cửa sông, với nước thủy triều quá lớn như vậy, làm sao Giác Duyên vớt được Thúy Kiều?

Chúng tôi lại tìm thấy một địa điểm khác, cách cửa sông 45km, nơi đây có một ngọn tháp 6 mặt và có bia đá ghi lại câu chuyện tưởng tượng kỳ lạ: “Lục Hòa Trấn Giang” (chàng trai Lục Hòa trấn áp dòng sông, ý nói trấn áp nước thủy triều).

Ngày nay, trên bao thuốc lá Hàng Châu có hình tháp Lục Hòa. Tháp được vẽ bằng những đường nét thanh thoát màu đen, thân tháp là màu vàng của nắng, tất cả được nổi bật trên nền màu đỏ chói.

Chúng tôi đã đứng ngắm tháp 6 mặt với các đường cong từ đỉnh chạy xuống cuối mỗi từng tháp, cứ mỗi nấc, treo một chiếc chuông nhỏ. Ngày xưa, khi ngành khí tượng chưa phát triển, dân chúng nghe tiếng chuông kêu mà đoán thời tiết.

Vậy, phải chăng nơi có chiếc tháp này cũng có thủy triều dữ dội đã tạo nên những tiếng nổ đùng đùng ?

Nhớ lại, khi Giác Duyên gặp gia đình Thúy Kiều đã dẫn mọi người “bẻ lau, vạch cỏ” tìm am thờ bên sông để mọi người được gặp Thúy Kiều. Chúng tôi cũng liên tưởng cho vui, cảnh tượng sao chẳng khác ngày xưa là mấy. Bởi bên sông Tiền Đường cũng có một vệt đồi xanh, cây lá um tùm chạy dài theo dòng sông. Có phải 200 năm trước khi Nguyễn Du đi sứ tận mắt thấy sông Tiền Đường và đại thi hào đã viết Truyện Kiều sau lần đi sứ ấy?

Cũng không hiểu ngày xưa (thời cổ đại ấy) thủy triều nơi đây có hung dữ và từ ngày Lục Hòa trấn giang đã trở nên hiền hòa? Nhìn xuống dòng sông, sóng nhỏ, nước chảy êm đềm, chúng tôi lại nhớ câu thơ tả cảnh thiên nhiên đẹp tại cái am Thúy Kiều và Giác Duyên tu hành:

Bốn bề bát ngát mênh mông

Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.

Vẫn biết người làm văn có quyền với cảnh vật ấy, với con sông ấy như gặp cảnh này cho nó hung dữ, gặp cảnh kia cho nó hiền hòa. Nhưng vì quá yêu Truyện Kiều, quá kính trọng tài năng tuyệt vời của Nguyễn Du nên chúng tôi tìm đến sông Tiền Đường để bùi ngùi thương xót cho Thúy Kiều, người đã “đầu thai nhầm thế kỷ”.

  • Lê Xuân Lít
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo động công tác PCCC ở các chợ  (22/12/2006)
Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !  (21/12/2006)
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)
Quanh cây cầu vượt biển lớn nhất nước Việt  (18/12/2006)
Chợ Lớn Quy Nhơn 12 giờ trong biển lửa   (18/12/2006)
Thuốc võ  (12/12/2006)
Xã mơ về thị  (11/12/2006)
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)
Cầu Thị Nại: Bài ca thợ cầu trên vịnh biển  (08/12/2006)
Liệu đã đến hồi báo động?  (07/12/2006)
Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò  (06/12/2006)
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)