Trường THCS thị trấn Vân Canh có đến 60% số học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số. Qua khảo sát chất lượng giáo dục theo chủ trương của ngành GD-ĐT mới đây cho thấy, hiệu quả của việc dạy và học đối với HS người dân tộc thiểu số ở trường này nói riêng, huyện Vân Canh nói chung, rất thấp.
|
HS người dân tộc thiểu số ở trường THCS thị trấn Vân Canh. Ảnh: N.Q
|
* Điểm 0, 1, 2... bước đều
Đề khảo sát chất lượng HS lớp 6, môn Tiếng Việt yêu cầu: “Em hãy tả quang cảnh buổi lễ đón HS đầu cấp trong ngày khai giảng ở trường em”. HS Mang Văn Vương, lớp 6A3 viết: “lúc trước em đi khai giảng thi em thấy từ thì, điềm nhìn về la cơ nhung thí Bắc ở bên phải chúng em cũng nhìn lên la cờ mấy lớp khia điểm ngim mặt nhìn về la cờ kháng quoan lung bài áo bỏ trong quần...”. Đoạn văn của HS Đoàn Văn Đen cũng viết y chang bạn với những lỗi chính tả sai... như nhau.
Có HS viết cái họ của mình không được, phải gạch xóa nhiều lần và nguệch ngoạc ghi được chữ “thanh” vào bài kiểm tra. Em HS tên Thanh này viết: “Ngày 5 tháng 9 chính là ngày mới em đi khai dan đi khai dan lất vuôi ở đây có từ lớp 9 cho dến 6A1 lớp của chúng em là nho nhức khi tiếng trông van lên mới em iêm lặng và nge mỏi, cõ giao doc khi cô giứa thiệu mới anh lớp 9 rõ tai thực xô nhưng cong nhiều người còn chưa vô tai khi hết buộc, khai dan lớp mới em leo len yo vá vào lớp của chg en là lớp 6 A3 cô ngọc chu nhiệm”...
Trường THCS thị trấn Vân Canh có khoảng 900 HS, trong đó có 542 HS người dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Mỹ, Phó hiệu trưởng cho biết: “So với kết quả khảo sát chất lượng đầu năm, số HS yếu, kém qua khảo sát lần này đã giảm 398/900 HS ở môn Văn và 366/900 HS ở môn Toán”. Vậy mà, số HS yếu, kém cần phải phụ đạo để “nâng kém” theo chủ trương của ngành giáo dục ở môn Văn vẫn còn 298/900 HS và 330/900 HS phải được phụ đạo môn Toán, 209/900 HS phải được phụ đạo môn Tiếng Anh.
* Khó nâng cao !
Tỷ lệ HS yếu, kém cao một cách không bình thường đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại về hiệu quả dạy và học của một trường phổ thông, và nhìn rộng ra là công tác điều hành, quản lý của phòng giáo dục. Lý giải về nguyên nhân HS yếu, kém chiếm tỷ lệ cao, ông Võ Trung Sanh, Hiệu trưởng trường cho biết: “Trường THCS Vân Canh có 14 lớp HS người dân tộc thiểu số và 8 lớp HS người Kinh. Tỷ lệ HS yếu, kém cao chủ yếu ở các lớp có HS người dân tộc thiểu số. HS học yếu là do hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, điều kiện học tập còn thiếu thốn, năng lực tiếp thu của các em cũng hạn chế hơn...”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phúc, dạy môn Văn lớp 8 và lớp 9 cho biết: “Khó khăn nhất đối với HS dân tộc là ngôn ngữ bất đồng, vốn từ ít, giao tiếp hạn chế, gia đình ít quan tâm chăm sóc, nhắc nhở. Đi học một buổi, một buổi về nhà phải giúp gia đình lao động... nên hiệu quả học tập yếu”. Với đối tượng HS người dân tộc thiểu số, giáo viên chủ yếu cung cấp cho các em kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và phải giảng giải kỹ hơn các em mới hiểu được bài - cô Phúc cho biết thêm. Cũng theo một số giáo viên, mấy năm trước thì có thể du di trong đánh giá chất lượng HS nhưng từ năm học này, ngành giáo dục đã “nói không” với bệnh thành tích nên chẳng ai dám. Kết quả khảo sát vừa qua là phản ánh đúng thực tế học tập của HS.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục giao trách nhiệm cho các trường, sau khi khảo sát, phân loại HS yếu, kém phải tổ chức dạy phụ đạo để nâng chất lượng HS cho đến khi nào đạt yêu cầu. Ông Võ Trung Sanh cho biết: “Hiện tại trường chỉ có 10 phòng học mà đã có 22 lớp, học chính quy còn thiếu phòng thì làm sao tổ chức phụ đạo cho được”.
Trường THCS Vân Canh vừa được tách ra từ Trường PTDTNT huyện (năm học 2004- 2005), nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các phòng học đang xuống cấp nặng. Hiện trường cũng chỉ có 1/2 phòng học - trước là phòng nghỉ của giáo viên - nay được trưng dụng để vừa tổ chức phụ đạo cho HS yếu, kém, vừa bồi dưỡng HS giỏi, vừa dạy hướng nghiệp. Các phòng thí nghiệm thực hành đều không có, thiết bị dạy học phải chứa trong kho... Về giáo viên, trường có 50% số giáo viên có trình độ trên chuẩn (đại học) nhưng phần lớn đều là giáo viên trẻ mới ra trường, còn ít kinh nghiệm giảng dạy. “Đó cũng là một cái khó cho trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy” - ông Sanh cho biết.
Kết quả khảo sát chất lượng HS lớp 6 A1 cho thấy: ở môn Toán, có 30/46 HS bị điểm 0, 15/46 HS bị điểm 1, 1 HS bị điểm 2, không có HS nào được 3 điểm trở lên. Môn Văn có 43/46 HS bị điểm 1, 1 điểm 2, 2 điểm 3; ở lớp 6 A2, có 8/50 HS bị điểm 0 môn Toán, 21 điểm 1, 13 điểm 2, 6 điểm 3. Môn Văn có 31 điểm 1, 18 điểm 2, 1 điểm 3; ở lớp 6 A3, môn Toán có 1 điểm 0, 8 điểm 1, 7 điểm 2, 6 điểm 3 và 5 điểm 4. Môn Văn có 31/40 HS bị điểm 1, 4 điểm 2, 4 điểm 3 và cũng chỉ có 1 điểm 4 duy nhất.
Ở khối lớp 7, tình trạng điểm kém cũng không khá hơn. Lớp 7 A2 có 41 HS thì 1 HS có điểm 0 môn Văn, 4 HS bị điểm 1, 7 điểm 2, 18 điểm 3, 7 điểm 4, 2 điểm 5, 1 điểm 6 và 1 điểm 7. Môn Toán có 9 HS bị điểm 0, 13 HS bị điểm 1, 15 HS bị điểm 2, 3 HS điểm 3, 1 HS điểm 4. Ở lớp 8A2, môn Văn có 2 điểm 0, 13 điểm 1, 9 điểm 2, 6 điểm 3. Môn Toán có 18 điểm 0, 12 điểm 1, 6 điểm 2, không có điểm 3. Lớp 9A2 (31 HS) có 13 HS bị điểm 0 môn Toán, 15 điểm 1, 1 điểm 2, 2 điểm 3... |
|