Sau 6 tháng gia hạn, bắt đầu từ ngày 1-1-2007, quyết định của UBND tỉnh về việc loại bỏ xe lam (gọi chung cho loại xe 3 bánh mang nhãn hiệu Lambresta, Lambro) chính thức có hiệu lực. PV Báo Bình Định đã ghi nhận vấn đề này từ ngành chức năng và giới tài xế xe lam (TXXL).
|
Ngày 1-1-2007, xe lam chính thức bị loại bỏ. Trong ảnh: Xe lam chờ khách tại khu vực chợ Lớn Quy Nhơn. Ảnh: B.L
|
* Đã đến giờ G
Xe lam là loại phương tiện vận tải (PTVT) đã được đưa vào hoạt động tại nước ta từ trên 40 năm nay, lại không có phụ tùng thay thế, nên tình trạng kỹ thuật và hệ thống an toàn rất kém, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, xe lam còn gây ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn và khói bụi của nó thải ra, nên bắt buộc phải loại bỏ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề loại bỏ xe lam, ông Nguyễn Hà Đông - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh - cho biết: “Theo quy định về niên hạn hoạt động của các loại PTVT đường bộ có kinh doanh, việc loại bỏ xe lam ở tỉnh Bình Định lẽ ra được thực hiện vào ngày 1-7-2006 (là đã sau nhiều địa phương khác trong nước), nhưng nhằm tạo điều kiện cho giới TXXL có thời gian chuyển đổi phương tiện để tiếp tục hành nghề, UBND tỉnh đã gia hạn thêm 6 tháng. Đến nay, thời gian gia hạn đã hết, khi làm việc với các HTXVT có xe lam hoạt động, Sở GTVT chưa nhận được kiến nghị nào khác, chứng tỏ họ đã hiểu được vấn đề và chấp hành lộ trình loại bỏ xe lam của UBND tỉnh”.
Trong quá trình loại bỏ xe lam, quan trọng nhất là việc tìm PTVT để thay thế. Theo ngành chức năng, giới TXXL đã mua và đưa vào hoạt động khoảng 20 chiếc xe loại 12 chỗ để phục vụ hành khách và các đối tượng buôn bán nhỏ, còn hành khách không có hành lý cồng kềnh thì xe buýt đủ sức thay thế. Ngoài ra, các HTX còn đầu tư mua xe tải nhẹ (được phép đi sâu vào các tuyến đường trong TP) nên đã đáp ứng được việc vận chuyển hàng hóa đến các chợ ở Quy Nhơn và khu vực lân cận.
Vậy thì việc loại bỏ xe lam có còn “trì hoãn” được nữa không? Ông Nguyễn Hà Đông khẳng định: Trước đây tỉnh đã cho gia hạn, đã có chính sách cho vay vốn ưu đãi để mua PTVT thay thế; ngành GTVT đã giới thiệu các loại phương tiện thay thế phù hợp, và đã cấp phép lưu hành cho các xe 12 chỗ mới mua về… Như vậy, đến ngày 1-1-2007 sẽ chính thức loại bỏ xe lam!”.
* Những nỗi niềm đọng lại
Theo HTXVT 19-5 (Tuy Phước), hiện nay ở HTX có trên 10 TXXL đã mua xe tải nhẹ và xe khách 12 chỗ, 12 người còn lại đã nộp đơn xin nghỉ kinh doanh vận tải, HTX không còn xã viên là TXXL. Ông Mai Xuân Bôi - thành viên Ban quản trị HTXVT 1-4 (TP Quy Nhơn) - cho biết: “Ở HTX chúng tôi có khoảng 15 TXXL đã chuyển đổi được phương tiện, nhưng cũng còn 25 người chưa đủ điều kiện mua xe khác. Lý do là để được ngân hàng giải ngân cho vay theo dự án chuyển đổi PTVT, phải mua xe mới và người vay phải có vốn đối ứng từ 30 đến 50%. Xe mới giá quá cao; vốn đối ứng thì anh em không có đủ; thế là đành… chịu thua!”.
Ông Nguyễn Hà Đông - Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định: Thực hiện quy định của UBND tỉnh, nhằm nâng cấp, phát triển các PTVT đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; góp phần tạo mỹ quan đô thị, kể từ 1-1-2007, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xe lam còn lưu thông. Trong thời gian đầu, bên cạnh việc xử phạt hành chính theo Nghị định 152/CP, chúng tôi sẽ vận động, thuyết phục, hướng dẫn giới TXXL tuân thủ quy định của tỉnh. Sau đó sẽ xử lý kiên quyết hơn đối với các trường hợp tái phạm. |
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Lân - Phó Chủ nhiệm HTX 1-4: Các TXXL trước đây chỉ có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A3 (dành cho xe lam, mô tô 3 bánh, xích lô máy), nay vì muốn tiếp tục hành nghề, họ đã học và thi lấy GPLX hạng B2 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi có kinh doanh vận tải). Nhưng loại xe mà họ chuyển đổi lại là 12 chỗ, cần phải có GPLX hạng D (ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi). Trong khi đó, theo luật định, muốn chuyển GPLX từ hạng A3 lên hạng D thì phải có thời gian 2 năm hành nghề. Ông Trương Thanh Kha - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT tỉnh - cho biết: HTXVT 1-4 có kiến nghị với chúng tôi về vấn đề này, nhưng Luật GT đã quy định chặt chẽ như vậy. Dù rất muốn giúp đỡ giới TXXL, nhưng chúng tôi không thể… cải luật!
Chúng tôi đã gặp một số TXXL (chưa chuyển đổi phương tiện) đang chờ khách tại chợ Lớn Quy Nhơn. Tất cả họ đều nhớ rõ “cái mốc” 1-1-2007, và đều cho rằng phải tuân thủ quyết định của tỉnh. Song họ cũng rất lo lắng vì chỉ còn vài ngày nữa họ sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Tìm đến một nhóm TXXL đang “đứng bến” ở khu vực ngã tư Nguyễn Thái Học - Tây Sơn, khi chúng tôi hỏi về việc sắp cấm xe lam hoạt động, họ đều giả vờ tỏ ra không biết: “Ai cấm, cấm cái gì, gần Tết rồi mà cấm…?”. Tuy nói như vậy, nhưng chúng tôi nhận thấy gương mặt họ hằn rõ nỗi ưu tư! Sau đó, thấy chúng tôi có vẻ đồng cảm, họ mới tỏ bày tâm sự: “Dù sao thì cũng sắp đến Tết rồi, giá mà Nhà nước cho anh em chúng tôi “chạy ráng” đến Tết. Mùa này hàng hóa nhiều, kiếm thêm ít tiền lo Tết cho gia đình rồi có nghỉ cũng mãn nguyện!”.
Đã đến lúc xe lam rồi chỉ còn lại trong ký ức, là hoài niệm của một thời đã qua. Quy luật đào thải thật khắc nghiệt! Nhưng phải chấp nhận, để cho cái mới nẩy mầm!
|