Gặp mặt tiếng nẫu trên đất Bắc
9:11', 7/4/ 2006 (GMT+7)

Trong một buổi sáng Chủ nhật đẹp trời của một ngày xuân dịu ngọt, trong cái hào hùng thân thương của giai điệu bài hát Khúc ca Bình Định của tác giả Vũ Trung, gần 200 người Bình Định đang học tập và công tác tại Hà Nội đã quây quần bên nhau, gần gũi và ấm áp như dưới một mái nhà! Trong những câu chuyện của họ cố nhiên "quê hương" là từ được nhắc đến nhiều nhất. Nhưng khác với mọi lần, vấn đề chiếm nhiều thời gian của các bậc tiền bối là tìm cách nào đó để giúp đỡ, hỗ trợ con em Bình Định đang học tập ở miền Bắc nhiều hơn, thiết thực hơn. Còn những người trẻ tuổi thì tranh thủ xây dựng quan hệ để có thể giúp nhau... Dưới đây là những ghi nhận của Cộng tác viên Bình Định điện tử từ cuộc gặp mặt truyền thống của Học viên- Sinh viên Bình Định (HV- SV) khu vực miền Bắc vừa diễn ra ngày 2-4.

 

Những đồng hương Bình Định tích cực nhất cùng nhau chụp ảnh lưu niệm.

 

1.

Ngay khi Khúc ca Bình Định vang lên dường như chất Bình Định trong mỗi người tự động được “hâm nóng”. Rút kinh nghiệm các năm trước bài hát truyền thống thường  có nhiều nhạc đệm và… tiếng vỗ tay, ban tổ chức đã phát cho mỗi người một tờ giấy ghi lời bài hát để hòa lên một bản đồng ca hoành tráng!

Chưa hết, tài liệu về lịch sử sơ lược về sự hình thành của tỉnh BĐ cũng được phát ra với hi vọng sau những cuộc gặp này, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhân viên tiếp thị địa phương cho quê hương Bình Định. Động tác này của Ban tổ chức được mọi người nhiệt liệt tán thưởng và bên lề cuộc gặp gỡ bỗng nhiên vấn đề “thương hiệu Bình Định” lại được đặt ra, bàn luận khá sôi nổi.

Ngoài sự có mặt của những vị tiên chỉ trong làng đồng hương Bình Định như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Giáo sư Hoàng Chương, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ, sự góp mặt của GS. Trần Đình Long (quê ở Phù Cát) - người vừa được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng thời kì đổi mới (10-2005) thật sự tạo ra luồng không khí hứng khởi cho hàng trăm sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên khối kỹ thuật (GS Long từng là Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội). Những lời chia sẻ, động viên của của GS Long tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng đã cổ vũ rất nhiều cho tinh thần học tập của các bạn. Đặc biệt là các bạn học giỏi vì giáo sư là người biết và giới thiệu được rất nhiều cơ hội du học cho sinh viên !

2.

Sau phần giới thiệu, giao lưu chính thức trên hội trường. Các đồng hương Bình Định đã nhanh chóng tách nhóm để gặp gỡ, trò chuyện với nhau và đặc biệt là “chớp thời cơ” trao đổi với lớp đàn anh đi trước, trẻ và sớm thành đạt ngay thủ đô. Anh Trương Văn Long - Giám đốc Công ty Máy tính Duy Việt- một chuyên gia thiết kế Web hàng đầu của Việt Nam được dân IT (công nghệ thông tin) biến thành tâm điểm. Sau một hồi trò chuyện, Cao Lâm Châu - SV năm 3, khoa CNTT, ĐH Bách Khoa HN - vốn là một tay có tiếng là "yết kiêu" phải thốt lên: “Ôi trời ơi, đây đúng là mẫu đàn ông mà tôi muốn trở thành đây!". Quả tình tìm được thần tượng bằng da bằng thịt xưa nay vốn không phải dễ! Gặp, được trò chuyện, lại còn được chỉ dẫn nữa bởi chính người mà mình tôn là thần tượng, được bấy nhiêu trong một cuộc gặp gỡ không phải là ít. Ai bảo gặp mặt đồng hương chỉ là "ăn nhậu dzui dzẻ dzô ích chay" ắt sẽ tiếc đến đứt ruột.

 

Các bạn sinh viên được nhận học bổng do Hội  đồng hương Bình Định khu vực miền Bắc trao.

 

3.

Bạn Võ Thị Hương, quê Vĩnh Thạnh, hiện đang học năm thứ 3 ĐH Kiến Trúc, là con đầu trong một gia đình đông anh em, vừa ra viện sau một đợt ốm nặng, đã hết sức xúc động khi nhận học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do Hội đồng hương trao tặng. Hương nâng niu suất học bổng bởi nó không chỉ có trị giá vật chất đơn thuần nữa mà là tấm lòng, sự quan tâm đúng lúc của đồng hương những lúc khó khăn. Dân xứ nẫu gặp nhau, hai tiếng đồng hương nghe vừa ấm áp, vừa như thấy rưng rưng.

Có một tình tiết mà sau khi buổi gặp mặt kết thúc, anh em sinh viên còn kể cho nhau mãi là "vụ mưa nước mắt" của N. SV năm nhất ĐH Y Hà Nội. Thì ra các anh các chị bận nhiều việc, lại nghĩ có người này người khác báo rồi nên quên béng cô út. Mãi đến trưa, mọi người mới phát hiện thiếu cô út và táo tác đi gọi. Em đến thì cuộc gặp mặt sắp tàn, vậy là từ ngoài ngõ đi vào, vừa đi út vừa khóc tủi thân làm cả hội phải xúm vào dỗ dành mãi. Anh em trong Ban liên lạc vừa thấy có lỗi nhưng cũng lại thấy rất tự hào về vai trò và giá trị cũng như trách nhiệm của mình trong việc bảo bọc, chăm lo và  dìu dắt các thế hệ đàn em! Hội đồng hương Bình Định được nhiều người quan tâm vì những chuyện nho nhỏ như trên.

4.

Hơn một giờ chiều. Các bậc cao niên lác đác ra về, rồi đến phiên các bác trung niên, sau khi tâm sự, giải đáp, hứa hẹn cũng cáo biệt... Trụ lại lâu nhất là những bạn trẻ kéo nhau ra ngoài uống nước để tiếp tục chuyện trò. Những con người BĐ gặp mặt nhau  ở HN dễ dàng trở nên thân thiết. Những người không đến được vì lí do bất khả kháng thì gọi điện, nhắn tin, gởi mail đến để được nghe kể về bữa gặp mặt và tiếc hùi hụi.

Chị Hiền làm việc ở Công Ty Ben trên phố Bà Triệu, hộ khẩu Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Bình Định là quê cha chị, một người rời xa quê hương từ thuở thiếu thời. Theo nguyện vọng của cha trước lúc mất, chị tha thiết muốn về tìm lại quê cha nhưng sao mà khó vì người thân “hình như” chẳng còn ai. Vì thế nghe đâu có người BĐ là chị làm quen, hỏi han tin tức. Nghe thông báo có họp mặt chị mừng lắm nhưng cuối cùng lại không đến được vì cô con gái mới vài tháng tuổi tự nhiên ốm. Lỡ một cơ hội tìm quê hương chị tiếc mãi…

Đến lúc chính thức chia tay nhau, những người trẻ tuổi tâm huyết với  quê hương lại khởi động cho một sự bắt đầu khác. Những người trẻ tuổi muốn cùng nhau góp sức làm nên một cái gì đó tận dụng khả năng tri thức, quan hệ, trí tuệ của mình và đồng hương đến mức tối đa. Nếu vài năm trước, đồng hương gặp mặt là để đỡ nhớ, để chia sẻ động viên. Thì nay đã có thêm nhiều đầu việc vừa có ý nghĩa tinh thần vừa mang giá trị thực tế (giúp tìm việc, trao học bổng, hỗ trợ việc học...). Thì nay họ lại siết tay nhau quyết thực hiện cho được những ý tưởng, những hoạch định vừa được... ký ghi nhớ.

  • Võ Thị Ngọc Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vững như Trường Thành  (07/04/2006)