Nằm trên địa phận xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Khu du lịch - văn hóa - lịch sử Đại Nam đang được xây dựng là một công trình vọng ngưỡng và tôn vinh tinh hoa văn hóa, cũng như những mốc son rạng ngời trong lịch sử dân tộc. Càng tự hào hơn, người chủ của công trình này là một người con của quê hương Bình Định...
|
Toàn cảnh Khu du lịch - văn hóa - lịch sử Đại Nam.
|
* Từ tự ái dân tộc đến công trình 200 triệu USD
Trước khi tiếp xúc với Huỳnh Phi Dũng - chủ nhân của công trình, chúng tôi đã được nghe nhiều về doanh nhân này. Thậm chí có người còn nói, đến Bình Dương hỏi tên Huỳnh Phi Dũng, thì ngay đám trẻ học lớp một cũng biết. Bởi vậy, giáp mặt ông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một con người giản dị đến không ngờ. Quần tây, dép lê, áo thun bỏ ngoài quần, giọng nói khàn khàn đặc chất dân "xứ nẫu". Trông Huỳnh Phi Dũng rất gần với những người dân chân gốc rạ ở Tuy Phước - quê ông.
Từ bỏ chức Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư tỉnh Bình Dương, giao hết công việc làm ăn cho vợ con, tập trung tất cả vốn liếng để "xây núi". Việc làm "ngược đời" ấy được ông Dũng lý giải khá đơn giản: "Hiếm có dân tộc nào mà truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng như Việt Nam. Nhưng tiếc là một bộ phận trong giới trẻ hôm nay không hiểu rõ nguồn cội dân tộc, không biết nuôi dưỡng niềm tự hào, kiêu hãnh về tổ tiên. Là người Việt Nam, tôi rất tự ái khi thấy có những người dân Việt hiểu về lịch sử nước ngoài hơn lịch sử nước mình. Tôi xây dựng công trình này với mục đích giới thiệu và tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, với đạo lý uống nước nhớ nguồn và ý thức đoàn kết cộng đồng. Đây cũng là cái tâm và ân nghĩa của gia đình tôi đối với đất nước…".
Từ ý tưởng ấy, ông dành hết chí và lực để tạo dựng nên Khu văn hóa - lịch sử Đại Nam hoành tráng nhất nước. Bắt đầu khởi công từ năm 1999 với 261 ha xây dựng giai đoạn 1 (2007), sau khi hoàn tất (2010) diện tích tổng thể của Đại Nam sẽ là 450 ha với đầy đủ biển, hồ, sông, núi và trường thành. Tổng số vốn đầu tư của công trình dự kiến khoảng 3.000 tỉ đồng (tương đương 200 triệu USD). Thật không ngoa để nói rằng, Khu Đại Nam đã vươn đến tầm cỡ quốc tế.
* Hiện thực hóa một giấc mơ
Cảm giác của chúng tôi khi bước chân vào Khu văn hóa Đại Nam chỉ có thể gói vào hai từ: tự hào và choáng ngợp. Trước mắt chúng tôi là những công trình kỳ vĩ, tưởng chỉ có thể nhìn thấy… trong mơ.
Ấn tượng đầu tiên là dãy núi cao 5 ngọn sừng sững mang tên Bảo Sơn, được dựng nên trên cơ sở tái hiện lại thắng tích Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Bảo Sơn có thể được coi là như dãy núi nhân tạo bằng bê tông cốt thép lớn nhất Việt Nam (dài 250 mét, cao 65,8 mét). Trong lòng núi tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước, từ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, vua Hùng, qua các triều đại phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh. Dấu ấn mỗi thời kỳ là những sự tích, chiến tích vẻ vang đã ghi trong sử sách. Bao bọc dãy Bảo Sơn là trường thành "lưỡng long chầu nhật", chia làm hai dãy, mỗi dãy dài 300m, trên đó có tứ linh với rồng chầu dài 270 mét.
|
Dòng Bảo Giang xen giữa Đại Nam Quốc Tự và dãy Bảo Sơn tạo nên nét đẹp nên thơ cho Khu du lịch - văn hóa - lịch sử Đại Nam. Ảnh: H.T
|
Vươn lên từ ngọn núi trung tâm của Bảo Sơn, nhìn ra hướng Nam là ngôi bảo tháp chín tầng cao 45 mét, mỗi tầng 5 mét. Ngay từ ngõ vào tháp, du khách sẽ cảm nhận ngay nét uy nghi được thành bởi sự quần tụ của tứ linh. Đó là đôi rồng chầu hai bên lối vào, ở giữa là hình tượng thần Kim Quy mang trên mình cuốn thư Trấn mạng. 8 góc tháp được đội bằng 8 kim lân phủ phục. Bước chân vào trong tháp, tâm hồn người như lắng đọng bởi một không gian yên tĩnh và uy nghiêm. Có lẽ nét đặc trưng trong bảo tháp là việc vận dụng kỹ thuật thếp vàng của người Việt xưa, nhưng chất liệu vàng được sử dụng là vàng 24 cara, pha sơn với tỷ lệ 30 đến 100%. Trong quá trình xây dựng Đại Nam, nhiều hạng mục đã hoàn thành xong nhưng ông Dũng vẫn nhất quyết phá bỏ để thiết kế lại, bởi phát hiện ra dấu hiệu "ngoại lai". Mỗi tầng tháp dành riêng cho một nơi thờ phụng: thờ vong linh anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn, thờ các chiến sĩ vô danh vì nước quên thân, thờ Bác Hồ, thờ các tướng tài trong lịch sử, những người có công với đất nước, thờ 18 đời vua Hùng…
Là phóng viên của Báo Bình Định, chúng tôi vinh dự "đặc cách" lên tham quan tầng thứ 9, nơi đặt bàn thờ Tổ quốc. Vì như chị Lâm Thị Ái Nhi, hướng dẫn viên của khu Đại Nam, cho biết: "Tầng này mỗi năm chỉ được mở cửa hai lần vào ngày Quốc khánh và đầu năm cho khách tham quan". Trên bàn thờ Tổ quốc, thiết hai hũ đất và nước được đem về từ đền Hùng (Phú Thọ).
Trước mặt Bảo Sơn là dòng sông nhỏ êm trôi (dài 720 m), tên gọi Bảo Giang, tạo cho cảnh quan nơi đây thế đất hoàn hảo tiền sơn - hậu thủy. Cách dòng sông nhỏ, bên kia dãy Bảo Sơn cũng theo hướng Nam là ngôi Đại Nam Quốc Tự, một công trình kiến trúc theo lối cổ. Đại Nam Quốc Tự cao 33,3 m, rộng 5.000 m2, có thể chứa được đến 3.000 người. Mái Đại Nam Quốc Tự có đầu đao hình rồng, phục hiện theo mẫu các đao thời Lý - Trần mới được tìm thấy ở Hoàng Thành (Hà Nội) năm 2005 với hai màu chủ đạo xanh - vàng, tượng trưng cho màu của đất và trời. Bởi vậy, Đại Nam Quốc Tự vừa mang dáng dấp của một ngôi cổ tự, lại có vẻ uy nghi của một cung đình. Đại Nam Quốc tự được thiết kế hai tầng. Tầng thượng thờ Cửu huyền Thất tổ và Bách gia trăm họ, thể hiện tính nhân hòa, đạo nghĩa muôn đời của dân tộc ta. Tầng hạ trưng bày hình ảnh, hiện vật truyền thống của lịch sử Việt Nam. Chính điện đặt nhiều bàn thờ khác nhau, giữa là bàn thờ Phật, vua Hùng và Bác Hồ. Bên cạnh là bàn thờ thờ chung trên 300 dòng họ Việt Nam… Bốn vách Đại Nam Quốc Tự được chia thành 32 khung bao cửa bằng gỗ quý, trên đó chạm trổ hình ảnh thể hiện 28 câu chuyện về lịch sử Việt Nam, mở đầu là truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kết thúc là chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Giống như Bảo tháp, chất liệu để mạ các tượng và họa tiết trang trí trong Đại Nam Quốc Tự cũng đều bằng vàng.
* Đưa Đại Nam thành "công trình thế kỷ"
Biết quy hoạch tổng thể và chi tiết, có kế hoạch phát triển từng giai đoạn với những ý tưởng sáng tạo là nét nổi bật của ông Huỳnh Phi Dũng ở công trình này. Những ý tưởng của ông được các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, dân tộc học và kiến trúc kiểm định, triển khai và phát triển nên tổng thể công trình thống nhất, làm tới đâu được tới đó. Một thú vị nữa là vật liệu xây dựng công trình đều do ông Dũng tự sản xuất. Để có gạch ngói và sắt thép, ông lập hẳn hai nhà máy gạch ngói và sắt thép. Nguồn gỗ để xây dựng công trình, ông mua từ 7 năm trước, với khối lượng 5.000 m3 gỗ nhóm 1. Để đảm bảo tiến độ, hàng ngày ông Dũng phải huy động từ 1.000 đến 2.000 công nhân tham gia xây dựng.
|
Chánh điện của Đại Nam Quốc Tự. Ảnh: H.T
|
Tuy chỉ mới hoàn thành xong khoảng 70% công việc của giai đoạn 1 nhưng Khu Đại Nam đã lộ rõ diện mạo của một công trình văn hóa - lịch sử lớn nhất nước. Nhưng Huỳnh Phi Dũng không dừng lại ở đó, ông còn muốn tiếp tục xây dựng Đại Nam trở thành "công trình thế kỷ" ở Việt Nam. Khi đó, quảng trường Đại Nam sẽ hoàn thành với diện tích 18 ha (quảng trường Thiên An Môn - Trung Quốc - cũng chỉ rộng 9,3 ha), cột cờ cao 45 m. Một công trình lớn vừa mang ý nghĩa cải tạo phong thủy, vừa nhằm đem lại môi trường trong lành là biển Đại Nam, cũng sẽ được xây dựng với diện tích 18 ha, có thiết bị tạo sóng và nước biển với nồng độ ổn định như thật, phục vụ cho hơn 30.000 du khách. Dòng Cửu Long Giang với mô hình 9 nhánh sông Cửu Long thu nhỏ, trên đó tái tạo sinh hoạt của cư dân sông nước như họp chợ trên sông, đờn ca tài tử... Đặc biệt, ông Dũng rất tâm đắc với ý tưởng công trình Đất nước Việt Nam thu nhỏ. Trên khuôn viên rộng hơn 30 ha, ông dự kiến xây dựng 64 ngôi nhà đặc trưng cho các tỉnh thành, lồng ghép với những hình ảnh cô đọng về các dân tộc Việt Nam. Khu Đại Nam còn được mở rộng với rất nhiều công trình như Mê cung rồng xanh rộng 30.000 m2 mang đậm phong cách Á Đông, mô hình thế giới thu nhỏ tái hiện lại những kỳ quan nổi tiếng của thế giới, cụm nhà hàng - khách sạn - vườn thú, khu thể thao - giải trí với nhiều trò chơi hiện đại nhất.
|