Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý
8:56', 25/4/ 2006 (GMT+7)

Hai đợt khai quật khảo cổ học thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) đã làm xuất lộ một phần kiến trúc trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các di tích này cần được bảo vệ tốt hơn sau khi được khai quật, phát lộ.

 

Hồ bán nguyệt phát hiện trong lần khai quật đầu tiên, tuy đã được làm mái che, nhưng vẫn chưa được bảo vệ tốt.

 

* Mái che như... nhà kho

Việc khai quật Tử Cấm Thành thành Hoàng Đế tiến hành lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2004. Với diện tích khai quật hơn 250m2, đã phát hiện một số công trình như: kiến trúc cung điện, hồ bán nguyệt… Sau khi các nhà khảo cổ học rút đi, do không có phương án bảo vệ nên cứ mỗi đợt mưa xuống, một phần đất mới được đào bới lên lại chảy về vị trí cũ, các viên đá ong bắt đầu lở xuống đáy hồ.

Trước thực trạng này, trong năm 2005, trước khi tiến hành đợt khai quật lần thứ hai, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nhà mái che trên hố khai quật lần thứ nhất. Nhà mái che được làm bằng khung sắt, lợp tôn, diện tích che phủ 400m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng. Điều đáng nói là tuy chỉ có công năng là che mưa, che nắng nhưng việc xây dựng một mái tôn, khung sắt trên hố khai quật lại làm cho cả di tích trông như một cái... kho, rất mất tính thẩm mỹ. Chắc chắn, nay mai khi chúng ta khai thác và phục dựng lại di tích và xây dựng nơi này thành điểm du lịch thì công trình trăm triệu này hẳn phải dỡ ra để làm lại. 

* Thêm một lần hoang phế?

Đợt khai quật lần thứ 2, diện tích khoảng 300m2, tiến hành từ tháng 5 năm 2005. Phát hiện khả quan nhất trong đợt khai quật lần này là đã tìm thấy một phần hiên một cạnh của điện bát giác. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm một hồ bán nguyệt và một thủy hồ khác diện tích nhỏ hơn.

Ngay khi các nhà khảo cổ học đang tiến hành những công việc cuối cùng tại các hố khai quật thì lãnh đạo Sở VHTT tỉnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã lên khảo sát và có cuộc trao đổi với các nhà khoa học về phương án bảo vệ di tích sau khai quật. Ý kiến đưa ra khi ấy là làm mái che với các hố mới khai quật và dựng lan can quanh các hố khai quật để khách đứng tham quan. Đợt khai quật kết thúc và đến nay, tức đã gần một năm sau đó, chúng tôi trở lại khu di tích và thật ngạc nhiên: tất cả vẫn còn nằm trong dự định.

Hồ bán nguyệt phát hiện trong lần khai quật thứ hai nay đã bị sạt lở nhiều và cỏ đang mọc lan dần trên dấu tích.

Đáng nói hơn là hồ bán nguyệt mới phát lộ sau đợt khai quật thứ hai, do bị bỏ ngoài trời nên có những chỗ đã sạt lở. Bờ thành xây bằng đá ong bị đổ xuống nhiều chỗ. Cỏ mọc lan dần trên các dấu tích. Còn tại hồ nhỏ phía trước và cả trong hồ bán nguyệt phát hiện lần khai quật thứ nhất, những mảng san hô gắn trên thành hồ đã bị đổ xuống. Hẳn đây là kết quả của việc để khách tham quan trèo xuống các hố chụp ảnh. Tại phần hiên của điện bát giác, người ta đã viết lên đó hai chữ thật to: "Đừng dẫm" mà theo lời người trông coi tại di tích thì để trẻ con không dẫm và nhảy lên làm vỡ các phiến gạch cổ (!). Một cách bảo vệ di tích thiếu chuyên nghiệp.

* Ứng xử với di tích

Trước đây, sau khi khai quật các di tích như mộ chum tại Động Cườm (thôn Tăng Long, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), lò gốm Chăm (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn), cách đơn giản nhất là lấy hiện vật và lấp hố khai quật lại. Tại Động Cườm, TS Phạm Thị Ninh (người phụ trách nhóm khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam) khi trò chuyện với chúng tôi đã cho rằng, nếu làm được chúng ta nên giữ lại các dấu tích này. Nếu khai thác tốt, đây có thể trở thành điểm tham quan cho khách du lịch, gắn với cảnh quan bãi biển vốn đã rất đẹp của Tam Quan Nam. Với các lò gốm Chăm cũng vậy. Chúng ta đang muốn giới thiệu về dòng gốm Gò Sành, nhưng nếu dấu tích các lò nung không được bảo vệ và gìn giữ đúng mức thì sẽ thiếu một cứ liệu đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, những di tích khảo cổ học như thế này hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế chắc chắn sẽ còn tiếp tục được khai quật. Nhưng với cách khai quật nhỏ giọt như thế này thì mươi năm nữa, chắc gì đã xong để có thể xây dựng sơ đồ, phác thảo mô hình, và tổ chức một hội thảo khoa học về trùng tu di tích thành Hoàng Đế tiến tới phục dựng lại thành cổ này. Lộ trình này hẳn sẽ quá dài, nên điều cấp thiết nhất hiện nay là khai quật đến đâu phải có kế hoạch bảo vệ đến đấy, cũng như bước đầu cải tạo cảnh quan trong Tử Cấm Thành. Bởi chắc chắn, trong dịp tỉnh Bình Định tổ chức  Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 thành Hoàng Đế sẽ là một địa điểm thu hút du khách đến tham quan. Đồng thời, ngành VHTT tỉnh cũng cần kiến nghị tổ chức đợt khai quật quy mô, dứt điểm.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)
Bệnh tay, chân, miệng trước nguy cơ thành dịch  (07/04/2006)
Gặp mặt tiếng nẫu trên đất Bắc  (07/04/2006)
Vững như Trường Thành  (07/04/2006)