Làm xu xoa: nghề của người ít vốn
10:59', 26/4/ 2006 (GMT+7)

"Xu xoa ít vốn nhiều lời. Anh về bỏ vợ theo nghề xu xoa". Ngày hè, nóng nực, có ly xu xoa ăn mát ruột thì còn gì bằng. Biến rau câu khô nấu thành những cục xu xoa ngon lành, người nấu phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Nhưng bù lại, nghề này cho thu nhập tương đối, lấy công làm lời…

* Lấy công làm lời

Trên 60 tuổi, cái chân đi xa đã hơi mỏi, ấy nhưng, hiếm khi mọi người ở chợ huyện Phù Mỹ thấy bà Nguyễn Thị Trang (ở thôn Phú Thiện, thị trấn Phù Mỹ) bỏ buổi chợ sáng. Sáng nào bà cũng gánh xu xoa ra chợ từ sớm, bán chừng 10 giờ thì xong. Bà Trang vốn dân xứ kiệu Mỹ Trinh, lấy chồng ở thôn Phú Thiện rồi theo nghề xu xoa luôn. "Năm 1976, nuôi 7 đứa con, vợ chồng tôi thiếu trước hụt sau nên tôi quyết định theo học nghề làm xu xoa để kiếm thêm chút mua rau mắm. Hồi đó, mới làm nghề chỉ mong đủ ăn là đã mừng. Chứ đâu nghĩ còn có dư xây nhà, mua xe, sắm máy, cho con ăn học… như bây giờ"- bà nói. Cứ mỗi sáng bán chừng 3 - 4 kg xu xoa, bà cầm chắc khoản lời 40.000 - 50.000 đồng. Hôm nào làm ít, kiếm cũng được 20.000 - 30.000 đồng. Con gái, con dâu của bà Trang đều theo nghiệp… xu xoa.  Hiện nay, tại  thôn Phú Thiện, thị trấn Phù Mỹ, không dưới 30 hộ kiếm sống bằng nghề này. "Nếu không nhờ gánh xu xoa, thì giờ này gia đình tôi vẫn chưa hết khổ"- chị Hồng Kháng, người cùng thôn, tâm sự. Một nách 4 con, chồng lại hay đau yếu, chị Kháng phải buông tay dầm cầm tay chèo: chiều lo đồng áng, buổi tối nấu xu xoa, sáng dậy gánh xu xoa ra chợ bán. Các phần xác rau câu, xác dừa nạo, chị tận dụng nuôi heo. Đến nay, kinh tế gia đình của chị khá ổn định. Chị  mua được bò, sắm sửa nhiều vật dụng trong nhà.

Bà Trần Thị Tám đang đãi rau câu - Ảnh: T.H

Rau câu là nguyên liệu để làm ra xu xoa. Thứ rong này mọc tự nhiên tại vùng nước lợ, ở đìa tôm hoặc được trồng nhân tạo. Mùa rau câu chỉ bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4-5 âm lịch. Bởi vậy, người nấu xu xoa phải lo trữ mua rau câu ngay trong mùa càng nhiều, dành nấu quanh năm. Để chế biến rau câu đầy bùn đất thành những cục xu xoa ngon lành phải qua nhiều công đoạn: giặt, nấu cho rau câu nhừ nát, rồi đăng lược, ép bỏ xác rau câu….

Trong đó, giặt sạch rau câu là công đoạn khổ ải và lâu công nhất. Mua rau câu về, phải cho nước vào, đạp giặt mấy bận hết bùn, đem phơi khô cất dùng dần. Đến khi nấu, phải giặt lại thật sạch, rồi ngâm nước trở lại cả buổi để rau câu nở bung ra thành từng cọng. Sau đó, giặt lại, nhặt bỏ hết mọi tạp chất lẫn trong rau câu cho  thật sạch trước khi đem nấu. Chờ nước sôi, mới bỏ rong vào, quậy luôn tay đến khi nhừ nát mới múc đổ vào khăn (bao), đăng lược. Phía bên dưới hứng cái thau cho đến khi gần hết chảy thì vắt mạnh xuống cho kiệt. Chờ để nguội, đông cứng lại thành xu xoa.

* Từ thủ công đến công nghiệp hóa

Riêng với anh Đinh Phú Quốc, ở tổ 24, KV 5, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, công đoạn "khổ ải" nhất giờ đã rất nhàn vì đã được "công nghiệp hóa". Cách đây 3 năm, anh đã mày mò nghiên cứu và chế tạo được một chiếc máy giặt rau câu đơn giản nhưng hiệu quả: vừa nhanh, không tốn sức và tiết kiệm nước. Máy giặt gồm một thùng nhựa khoảng 200 lít, một mô tơ gắn với trục inox được hàn chân vịt bên dưới và một kệ kê bằng sắt chắc chắn để giữ thùng giặt. Bỏ rau câu vào, bật máy chạy chừng 5 phút là xong. Hai lần giặt như vậy, rau câu đã sạch, vớt ra, nhặt sạch các tạp chất lẫn trong rau, dội thêm vài lần nước là xong.

Anh Quốc kể: "Ngày xưa thời còn phụ mẹ, cứ 1 buổi đi học, 1 buổi về giặt rau câu rất mệt. Nếu như không nghĩ ra cái máy này, chắc tôi bỏ nghề luôn quá. Tôi tự suy nghĩ, mày mò rồi thiết kế, rồi thuê thợ làm theo ý mình. Làm đi làm lại mới  ra cái máy giặt này đấy. Người trong nghề biết chuyện từ Phù Mỹ, Diêu Trì (Tuy Phước) vào hỏi tôi chế tạo máy, nhưng rồi không biết họ có làm theo hay không. Tính ra chi phí làm máy mất gần 3 triệu đồng…". Không những vậy, anh Quốc còn đầu tư công sức để cải tạo lò nấu thông khói, ép rau câu không cần dùng sức. Hiện nay, mỗi ngày trung bình vợ chồng anh Quốc nấu chừng 20-30 kg rau câu, bán sỉ cho các bạn hàng bán chè. Một kg rau câu khô có thể làm được 4-5 kg xu xoa thành phẩm, bán theo giá sỉ là 2.000 đồng/kg xu xoa. Trừ mọi chi phí, mỗi ngày gia đình anh có thể kiếm từ 50.000 - 70.000 đồng. 

Mẹ anh Quốc, bà Trần Thị Tám, 61 tuổi, theo nghề xu xoa đã trên 30 chục năm nay, cho biết, nhà có 6 người con, nhưng chỉ mỗi mình anh nối nghiệp. Để có đủ rau câu nấu quanh năm, gia đình phải đi thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh như Phú Yên, Bình Thuận. Ở mỗi vùng đất, chất lượng rau câu đều khác nhau. Rau câu Bình Định có màu tim tím, nấu ra xu xoa cứng, rau câu Phú Yên màu trắng, hơi xanh nấu có vị dai. Dở nhất là rau câu Bình Thuận, nấu thành xu xoa không dai, không cứng mà lại bùi bùi.

Xu xoa là thức ăn bổ mát của ngày hè, lại có chứa iốt tự nhiên phòng bệnh bướu cổ rất tốt. Nghề làm xu xoa, vốn lấy công làm lời, thích hợp với người dân ít vốn. Tuy vất vả nhưng lại cho thu nhập khá. Phần xác rau câu có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, nuôi cá. Với những người "nấu tận gốc, bán tận ngọn" mức lời càng cao hơn. "Ở Quy Nhơn, số người bán sỉ xu xoa như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến năm nay, giá rau câu tăng gấp đôi so với năm ngoái (từ 3.000 đồng lên 6.000 đồng/kg) nên chắc chắn không thể lời được như trước nữa"- anh Quốc tâm sự .

  • Thu Hà - Xuân Lộc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)
Bệnh tay, chân, miệng trước nguy cơ thành dịch  (07/04/2006)
Gặp mặt tiếng nẫu trên đất Bắc  (07/04/2006)
Vững như Trường Thành  (07/04/2006)