Nước Mặn là tên gọi của một cảng thị xưa, nay thuộc địa phận các thôn An Hòa, Hòa Quang (xã Phước Quang) và Vĩnh Xuyên (xã Phước Hòa), huyện Tuy Phước. Mới đây, các nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khảo sát dấu tích cảng thị này.
|
Hố đào khảo sát tại thôn An Hòa. Ảnh: V.T
|
Hố khảo sát chỉ có diện tích 6m2, lại mới đào khoảng 50cm, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy hàng vài trăm mảnh gốm sứ các loại: gốm Gò Sành (gốm Chăm thế kỷ XIV-XV), gốm Chu Đậu (Việt Nam, thế kỷ), Nhật Bản, Trung Quốc (thế kỷ XVII), thậm chí cả gốm vùng Trung Cận Đông, gốm Thái Lan. Nhiều nhất vẫn là gốm Chăm, Trung Quốc và Nhật Bản. Gốm Trung Quốc và Nhật Bản cùng mang màu xanh trắng, nhưng có thể phân biệt khá rõ về sắc độ và sự tinh xảo. Có mặt tại điểm khảo sát, TS Roxana M.Brown (một chuyên gia về gốm Đông Nam Á, hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm Đông Nam Á thuộc Đại học Bang Kok - Thái Lan), nhận xét: "Niên đại của các hiện vật gốm Trung Quốc và Nhật Bản nằm khoảng thời gian từ 1620 đến 1680".
Còn TS Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đánh giá: "Sự phong phú các mảnh gốm trên cùng một lớp địa tầng cho thấy sự giao lưu, buôn bán thời kỳ này rất phồn thịnh. Những mảnh gốm Nhật khá nhiều, chứng tỏ các thương gia Nhật đã tìm đến Nước Mặn giao lưu, buôn bán rất nhiều. Những hiện vật này làm sáng tỏ thêm hiểu biết của chúng ta về cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh và cũng chứng tỏ rằng, cảng thị này chỉ tồn tại đến thế kỷ XVII".
Theo tài liệu hiện có, thuở phồn vinh của cảng thị Nước Mặn vào khoảng đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII. Khi đó, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt. Chùa Bà ngày nay khi ấy nằm ở vùng trung tâm cảng thị, xung quanh là hàng loạt các phố buôn bán. Chẳng hạn, đám ruộng ngay trước điểm khảo sát, theo lời người dân địa phương, vốn mang tên phố hàng xáo, phía ngoài là hàng gốm. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào Nước Mặn được, cảng thị suy tàn, chuẩn bị cho cảng thị Quy Nhơn ra đời vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, thật tiếc là do mới đào sâu khoảng 50cm, chưa chạm tầng sinh thổ nên chúng ta vẫn chưa tìm thấy các hiện vật có niên đại muộn hơn. Sự có mặt của gốm Gò Sành ở địa tầng này chỉ chứng tỏ rằng những sản phẩm gốm Gò Sành vẫn được sử dụng mãi cho đến thế kỷ XVII. Muốn tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn để có những đoán định chính xác về cảng thị Nước Mặn, ngoài việc mở rộng diện tích khảo sát, còn phải tiếp tục khảo sát sâu hơn.
|
Giếng vuông, một chiếc giếng Chàm còn lại trong khuôn viên chùa Bà. Ảnh: V.T |
Trò chuyện với người dân địa phương, chúng ta cũng thấy hé lộ thêm nhiều thông tin thú vị. Người dân địa phương cho biết, khi đào móng xây nhà, chỉ cần đào sâu hơn 1m, họ đã tìm thấy rất nhiều bình gốm Chăm, Trung Quốc... các loại. Còn mảnh gốm vỡ thì rất nhiều. Một số nơi, khi đào xuống chạm phải những mảng lớn, không rõ đúc bằng vật liệu gì nhưng cứng như bê tông, không thể đào tiếp. Tại một mảnh ruộng gần điểm khảo sát, người dân địa phương khi sản xuất, đã không thể cày sâu xuống được vì phía dưới có rất nhiều tảng đá lớn. TS Đinh Bá Hòa đã trực tiếp khảo sát cho rằng, những viên đá này là đá gốc, đã được gia công, có thể là có từ thời Chàm. Ngay như mảnh ruộng sát bên điểm khai quật, còn thấy rất rõ dấu vết một kiến trúc bằng gạch Chăm, xếp thành hàng. Rải rác trên địa phận thôn An Hòa còn có rất nhiều ngôi mộ cổ xây bằng vôi và mật mía. Tất cả những điều này cho thấy, dưới vùng đất này, còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Và có lẽ, thời điểm khởi phát của cảng thị này không dừng ở thế kỷ XVI, bởi hẳn nhiên là khi dừng chân lập nghiệp, người Hoa sẽ tận dụng những cảng thị có sẵn tại địa phương chứ không khai thác những nơi chốn hãy còn quá hoang sơ.
Vậy là qua khảo sát, đã tìm thấy dấu tích minh chứng cho sự tồn tại cảng thị Nước Mặn. Nhưng để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn, nhiều thông tin hơn cần một chương trình khai quật quy mô, dài hơi hơn. Thật tiếc, đây là lần đầu tiên có một cuộc khảo sát như thế này ở trên vùng đất này và cũng chỉ là một cuộc khảo sát với quy mô quá nhỏ bé.
|