Nếu chỉ nghe giới thiệu bảng thành tích của Phan Vũ Xuân Hùng nhiều người sẽ hình dung ra đó một cậu sinh viên mang kính cận, hiền và lơ ngơ… Nhưng trước mặt tôi là một chàng trai hơi bị ngầu, bụi bặm chứ không có tý gì ra vẻ là sinh viên gần tốt nghiệp. Mắt hắn sáng quắc, vừa ánh lên vẻ giễu cợt, vừa có vẻ nghịch ngợm. Chính hắn chứ không phải tôi là người vừa cười cười vừa lên tiếng trước...
|
Phan Vũ Xuân Hùng (bìa phải) khi còn mơ ước là một nhà toán học lỗi lạc (ảnh chụp năm lớp 5, bìa phải). |
Có nhiều người nói tôi kiêu và hay huênh hoang lắm đấy, chị biết điều này chưa?
Ồ không - tôi mỉm cười cũng... tinh quái không kém gã trai đối diện - Tôi biết bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Cái đó phải gọi là thẳng thắn và tự tin chứ! Với lại tôi biết bảng thành tích của bạn và… trước khi gặp bạn tôi đã gặp nhiều “chiến hữu” của bạn rồi.
Tất nhiên chẳng ai được xếp vào nhóm sinh viên hệ cử nhân tài năng mà lại học xoàng cả. Nhưng điều làm tôi chú ý đến Phan Vũ Xuân Hùng là bởi gã trai này là một trong những sinh viên hàng đầu của lứa sinh viên tài năng khóa 6. Bốn năm về trước, Phan Vũ Xuân Hùng được mệnh danh là "hiện tượng giáo dục" của tỉnh Bình Định. Khi còn học cấp 1 Hùng là học sinh giỏi môn Toán, khi ấy Hùng từng "công bố" mơ ước của mình - sẽ trở thành một nhà toán học lỗi lạc. Nhưng sang cấp 2, Hùng lại đoạt giải học sinh giỏi môn... Vật Lý. Vào lớp 10, Hùng nộp đơn thi vào chuyên lớp Hóa hệ chuyên trường Quốc học Quy Nhơn - sau tách ra thành trường chuyên Lê Quý Đôn bây giờ!
Tại sao Hùng lại có chuyển hướng liên tục như thế?
Thì có gì đâu, từ cấp 2 trở về trước là mơ ước trẻ con. Mà ai chẳng từng mơ ước, cùng trang lứa với tôi có người còn mơ làm thủ tướng ấy chứ. Từ khi vào cấp 3, mình tính toán lại và xác định có lẽ chuyên Toán không phù hợp với mình lắm. Với môn Vật Lý, hồi cấp 2 thi cũng có giải nhưng kết quả không như mong đợi (không đạt giải cấp tỉnh). Mình bèn đi tìm cái mới thử xem sao! Cuối lớp 9 đã bắt đầu thích Hóa. Được cái bố mẹ mình luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình nên cứ để tùy mình. Lúc ấy và sau này cũng thế!
Đến bây giờ mình vẫn cho đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Càng học mình càng thấy thích Hóa học!
Với hai giải học sinh giỏi cấp quốc gia - một Nhất, một Nhì và điểm thi tốt nghiệp 55,5/60 điểm tuyệt đối, có rất nhiều cánh cửa đại học chào đón bạn. Tại sao bạn lại chọn một trường "ở tít Hà Nội" như thế?
Ai cũng biết môi trường đại học ở nước ta chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Thông thường học sinh ở Bình Định hay chọn hướng xuôi Nam, riêng tôi, tôi lại thích ngược Bắc. Tôi quyết định ra Hà Nội chủ yếu bởi sức hấp dẫn của một lớp học mang tên: Cử nhân tài năng. Lớp học này được các giáo sư hàng đầu đứng lớp, sinh viên không phải nộp học phí, có sẵn chỗ ở tại ký túc xá, học bổng cao. Sau khi ra trường có nhiều cơ hội để học tiếp và việc làm rất sẵn. Chưa hết, nếu nỗ lực hết mình SV tốt nghiệp còn có thể được chuyển tiếp lên Nghiên cứu sinh, mọi sự suôn sẻ thì có thể cầm tấm bằng tiến sĩ năm 26 tuổi. Chỉ ở đây mới có được sự đặc cách như thế! Và mình thì luôn mong muốn được học cùng với những người giỏi! Thế là bước vào thử thách chấp nhận lên sàng, cuối cùng mình là hạt gạo nằm ở phía trên.
Thuộc típ người khá "bản lĩnh, tự tin" nhưng hồi mới vào lớp Cử nhân tài năng, gã trai quê xứ Cát ở đất Bình Định cũng hơi ngại cái chất giọng Bình Định rặc khó nghe của mình sẽ khó giao tiếp - Ai ra Hà Nội sống rồi mới thấu hiểu đó là một nỗi lo lắng rất thật. Nhưng đến năm thứ hai thì cái tài của gã đã được công nhận và chúng bạn tín nhiệm bầu hắn làm Bí thư chi đoàn của lớp! Và bây giờ, đương nhiên là hắn đã hoàn toàn “oai vệ” trong lớp học "đầy sao" của mình.
|
Phan Vũ Xuân Hùng cùng chuyên gia của Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững trong lần đi lấy mẫu nghiên cứu ở Tam Đảo.
|
Cảm giác học ở lớp Cử nhân tài năng như thế nào nhỉ?
Choáng ngợp! Cả một rừng “nhân tài đất Việt”. Chỗ này là giải quốc gia, chỗ kia là quốc tế! Đủ các thứ bậc anh hào. Cứ gọi là "sao sáng đầy trời"! Vô cùng rực rỡ. Trong lớp lúc đó có nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước như Vũ Ngọc Minh (2 năm liền đoạt HCV Cuộc thi Toán quốc tế), Đặng Ngọc Dương (HCV tuyệt đối Lý quốc tế)… Hơi choáng nhưng lại nảy ra ý nghĩ thế thì phải làm thế nào để tìm một vị trí xứng đáng trong dải thiên hà này chứ.
Danh nhân họ bảo - Đừng tự hài lòng như thế này thế nọ. Nhưng ngay bây giờ thì tôi phải nói thật là tôi khá hài lòng với những kết quả mà mình đã đạt được: điểm tổng kết đứng 3 trong nhóm Hóa, cũng đạt được một số thành tích trong thời sinh viên như giải Ba, giải Khuyến khích Olympic sinh viên các trường đại học toàn quốc môn Hóa học... Tất nhiên, hài lòng không có nghĩa là dừng bước!
Những người Bình Định cùng khóa với Hùng như Tạ Đình Khoa, Lâm Duy Việt, Nguyễn Chí Hiếu ? Họ đều là những người rất giỏi…
Khoa và Việt thì mình chưa biết nhiều, chỉ biết qua bạn bè và gặp mặt đôi lần. Họ du học đã lâu mà bạn biết rồi đấy, học ở nước ngoài rất khác trong nước! Riêng Hiếu thì theo mình đó là người GIỎI thật sự!
Tài năng của Hiếu không chỉ được khẳng định ở Việt Nam mà còn ở Anh Quốc. À, hè 2004 mình đã cùng Hiếu đứng ra tổ chức một buổi giao lưu giữa Khoá 1 trường Lê Quý Đôn với lứa đàn em ở trường. Mình thật sự ấn tượng trước khả năng phản ứng nhanh, xử lý tình huống hết sức thông minh của Hiếu! Một người toàn năng, nhạy bén!
Gần đây có một số tai tiếng quanh những vụ bê bối "học sinh giỏi quốc gia", bạn có suy nghĩ gì về chuyện này không?
Có chứ! Mình đã từng là học sinh giỏi Quốc gia, đã từng trào dâng một cảm giác tự hào khi đứng ở một nơi mà người ta tạm gọi là đỉnh vinh quang ấy! Còn bây giờ, mình thấy điều đó cũng không có gì là khó hiểu! Cơ chế đã tạo cơ hội để gian lận! Nếu các giám thị coi thi thật chặt thì không có những chuyện tương tự như vụ học sinh giỏi Hà Tĩnh (2003) hay Thái Bình (2006).
Mặt khác cách chấm giải theo thang điểm làm mất sự ganh đua giữa các thí sinh vì thế mới xuất hiện tư tưởng: "hợp tác cùng nhau có lợi". Những nhà quản lý, những người trực tiếp tham gia đào tạo học sinh giỏi vì lợi ích cục bộ đã khiển cái guồng máy theo hướng làm hư hỏng cả học sinh dự thi. Điều đó đã làm "mất thiêng" phần nào một kỳ thi chọn người giỏi cấp quốc gia như thế!
Chính mình, mình tự hào rằng mình đã luôn buộc phải tự lực cánh sinh không chỉ trong những kỳ thi! Mình cho rằng một tài năng thật sự luôn có lòng tự trọng cá nhân. Lòng tự trọng này sẽ giúp họ thoát khỏi những “vở kịch” của người lớn mà họ chỉ là một con rối!
Tháng 6 tới ra trường rồi, Hùng dự tính thế nào?
Mình sẽ không ở lại trong nước để làm "tiến sĩ 26 tuổi" mà sẽ đi du học! Được học tại những trường đại học hàng đầu thế giới chẳng phải là mơ ước của riêng mình. Mình đang "săn" học bổng du học và chuẩn bị về kiến thức, nâng cao trình độ tiếng Anh và cả kinh phí ban đầu để đi. Với mình đây cũng là cả một vấn đề đấy! (đăm chiêu).
Hơi tò mò một chút chút nhé. Nghe đồn "Hùng đen" (biệt danh lớp K6 đặt cho Hùng) là một "tay chơi hoàn hảo" - "bốn mùa ăn chơi" mà học hành cũng chẳng kém ai (!) Bạn có thể phác hoạ vài nét về mình với bạn đọc Báo Bình Định được không?
Mình không phải típ người có thể ngồi thiền liên tục trên bàn học. Vả lại, nói thật là mình rất ham chơi, ưa vận động, ngồi một chỗ lâu lâu không được. Mình tham gia tất cả các hoạt động ngoại khoá, tất cả các chiến dịch "liên hoan, nhậu nhẹt, du hí" của lớp mình đều có mặt đủ, không thiếu mâm nào. Ngay hồi năm thứ nhất, học đại cương vất vả thế mà thỉnh thoảng vẫn vượt tường ký túc xá, ra ngoài xem đá bóng Champions League đến nỗi quen mặt cả bảo vệ…
|
Phan Vũ Xuân Hùng tại "căn cứ địa" của mình ở ký túc xá.
|
Còn chân dung tự hoạ? Đơn giản thế này: "Chân tay của nông dân, đầu óc của trí thức, mồm của diễn viên hài và… ăn chơi không sợ tốn kém! (Nhưng nếu tốn kém quá thì cũng phải xem lại! Cười)!
Cái gã sinh viên gàn gàn, đầy chất kiêu bạc ấy hóa ra lại rất dễ mềm lòng. Khi nhắc đến gia đình, quê hương gã lại trầm xuống. Có lẽ đó là những lúc hiếm hoi, Hùng đen có vẻ trầm ngâm.
Suy nghĩ của Hùng về cơ hội cống hiến phục vụ cộng đồng của các nhà khoa học trẻ và ý chí tiến thủ của họ trong thời điểm hiện nay?
Các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa tin những gương mặt các nhà khoa học trẻ có đóng góp nhiều cho cộng đồng, tuy nhiên số lượng những người như thế tiếc là chưa nhiều. Đất nước mình cần nhiều người tài giỏi hơn nữa. Trong giới khoa học trẻ người Việt nhiều người có chí tiến thủ và nguyện vọng đóng góp cho dân tộc. Nhưng một thực tế cần được công nhận là môi trường nghiên cứu khoa học trong nước hiện chưa đầy đủ để họ phát huy hết tài năng của mình. Rồi những quan niệm sống lâu lên lão làng, rồi sự nể nang của người phương Đông, cơ chế quản lý khoa học… phần nào làm họ nản lòng. Đó là một phần lý do giải thích vì sao nhiều người Việt Nam lại phải ra nước ngoài tìm cơ hội đến vậy.
Kế hoạch "dài hơi" của Hùng là gì? Hỏi thật nhé, thành tài rồi, Hùng có định về Bình Định làm việc không?
Trước mắt mình sẽ giật cho được một suất du học với một học bổng loại xịn. Học và tích lũy kinh nghiệm xong là sẽ về nước làm việc. Nói nghiêm túc nhé - chính những người trẻ tuổi như chúng ta phải nhanh chóng thể hiện trách nhiệm với đất nước. Mình vẫn luôn nghĩ về quê hương Bình Định, giờ mình chỉ là sinh viên thôi nhưng nếu mình có thể làm gì cho quê hương là mình làm ngay. Cả sau này cũng vậy. Nhưng mình cũng nghĩ, yêu quê hương không nhất thiết cứ về ngay trên quê hương Bình Định mình. (Nếu mình về xứ Cát Hanh nơi mình sinh ra, lớn lên để làm việc có khi còn bị các chú các bác ở đấy mắng cho là - cử nhân tài năng gì ngữ mày, một thằng hồ đồ thì có - Hùng nói đùa)
Trong thời đại CNTT thì việc bạn ở đâu không nói lên vấn đề gì. Quan trọng là mình có tâm huyết và với tâm huyết đó mình có thể làm được những việc có ích cho quê hương! Chỗ nào mình có thể phát huy tối đa khả năng thì mình đến, miễn là trên đất nước Việt Nam là được. Mà quê hương Bình Định mình cũng đang đổi thay rất nhanh đấy thôi.
PHAN VŨ XUÂN HÙNG quê ở thôn Tân Xuân, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Năm 2001: Giải Nhất môn Hoá học lớp 12 - Cuộc thi học sinh giỏi toàn Quốc (năm đang học lớp 11)
Năm 2001: HCV môn Hóa Olympic 30-4 toàn miền Nam
2002-2006: Sinh viên khóa 6- Hoá hệ Cử nhân tài năng của trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội (Học sinh Bình Định đầu tiên của hệ cử nhân tài năng môn Hóa).
2003: Giải Ba Olympic Hóa học toàn quốc dành cho sinh viên.
2003- 2004: Hai năm liên tục là gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học quốc gia Hà Nội. | |