Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)
7:53', 1/5/ 2006 (GMT+7)

. Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Quê nhà là con đường làng, cái bến sông mà khi ở  người ta yêu, lúc đi xa người ta nhớ. Quê nhà còn là cái hàng rào, cái cổng ngõ thân thương và bao thứ khác nữa. Tôi xa quê đã lâu mà chưa thể nào quên được cái hàng rào, cái ngõ quê. Cái hàng rào, cái ngõ quê có gì để cho tôi thương nhớ?

 

Hàng rào và cổng ngõ bằng cây xanh, được cắt tỉa gọn gàng. Ảnh: Văn Cảnh

 

1. Ngôi nhà của ba tôi lợp ngói đỏ, ba gian hai chái ở giữa một khuôn viên rộng rãi. Hàng rào phía trước nhà trồng cây chè xanh, người quê tôi gọi tắt là hàng rào chè. Cây chè mảnh mai, phát triển nhanh và thường được ba tôi cắt tỉa cho hàng rào luôn gọn gàng, mặt hàng rào luôn bằng phẳng, hàng rào lúc nào cũng thẳng tắp, cao vừa đến ngực người lớn. Ba tôi trồng thêm dọc theo hàng rào một hàng cau. Cau cho hương thơm ngào ngạt đêm trường, những buồng cau tươi sai quả trong ngày các anh chị tôi lấy vợ, lấy chồng. Hàng rào phía sau nhà là một hàng tre, liên kết với hàng tre nhà láng giềng. Hàng tre nhà nọ liên kết với hàng tre nhà kia, cứ thế tạo thành lũy tre làng tôi.

Ông Cửu Hương có nhà chữ đinh. Các cụ bảo cất nhà chữ đinh cho có nhiều con trai. Hàng rào trước nhà ông trồng cây duối, thường gọi là hàng rào duối, lâu năm những thân duối to, hang hốc sù sì mà cành non thì mềm. Nghe nói, cơ ngơi, vườn nhà đó do nội của ông tạo lập, để lại cho ông thừa tự "ăn hương hỏa ở từ đường". Người lớn bảo thế, nhưng đó không phải là điều khiến lũ nhỏ lên chín - mười chúng tôi để ý. Tôi và anh em thằng Cường để ý những chùm duối chín vàng mọng, ẩn ẩn hiện hiện dưới những lớp lá xanh trên hàng rào của ông lúc sáng sớm. Trái duối xanh nằm trên cành đợi đêm mưa để chín và làm quà tặng cho lũ chúng tôi. Ăn duối chín thơm, ngọt, mát nơi đầu lưỡi, đứa nhỏ nào mà chẳng thích. Ông Cửu Hương trồng xen vào hàng rào những cây xoan cao vút, tán xòe rộng, cách quãng năm thước đều nhau. Những cây xoan rụng lá về mùa đông và đến xuân thì mọc lá non và nở những dề hoa trắng - tím trên cao, nhìn lên trông mơ màng và lãng đãng lắm.

Hàng rào bông bụt (dâm bụt) cũng dễ gặp. Chủ nhà không cắt tỉa kỹ hàng rào bông bụt vì muốn để cho nó vươn cao, nở những chùm hoa loa kèn đỏ thắm, hoa lồng đèn hồng phớt, xen nhau treo lơ lửng ở trước nhà. Dọc hàng rào bông bụt, nhiều nhà cũng trồng thêm mấy cây bông điệp để có hoa tươi mà bẻ cúng trong những ngày sóc vọng hàng tháng, ngày nhà có giỗ kỵ. Hoa điệp là hoa cúng "chủ lực", khi chưa có hoa lay ơn, hoa đồng tiền bán ở các chợ như bây giờ. 

Má tôi làm lẽ mọn, bà không ở chung nhà chồng với mẹ lớn của tôi. Ngoại cho má một mảnh đất tư ở ngoài mé con sông chảy qua làng để má cất nhà ở. Nhà má là một cái nhà cặp tranh tre. Phía sau nhà có hàng rào là tre bờ sông rồi. Cậu Thừa tôi làm cho má cái hàng rào "miếng chả" trước nhà. Hàng rào miếng chả gồm những thanh tre chẻ bản rộng 4- 5 ngón tay, cao chừng thước rưỡi, đầu vạt nhọn ghép chéo nhau thành những ô hình thoi, giống như những miếng chả lụa hay chả trứng tráng sắp trên đĩa thức cúng của má trong ngày giỗ bà ngoại. Mặt trong hàng rào, cậu tôi dựng thêm một lần hàng rào rá cải bện bằng nan thân cau chẻ nhỏ, bản vài ngón tay. Nhiều nhà ở trong làng cũng dựng hàng rào miếng chả. Dưới chân hàng rào này không bị rợp bóng cây xanh, cho nên không ai trồng mà mọc đủ các loại rau cỏ tập tàng: "Rau sam vẫn mọc chân rào trước" (Hồ Dzếnh). "Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn" là chuyện tình nên thơ lắm, không phải là nỗi chia cách của hai người trẻ tuổi hàng xóm láng giềng yêu nhau. Vợ con tôi lâu lâu vẫn cho tôi ăn những bữa cơm có canh rau tập tàng. Nhưng tôi vẫn ao ước được ăn một bát canh rau tập tàng má tôi nấu ngày xưa để có cái hương vị quê nhà. Rau tập tàng má tôi hái ngoài hàng rào nhà mình, con cua đồng nấu canh rau tập tàng má tôi bắt ngoài ruộng mình, đồng mình. Cái hàng rào miếng chả của nhà má tôi lâu ngày bị hư mục bởi nắng mưa, rồi đổ xuống. Chẳng bao lâu, dây bìm bìm leo lên trùm lấp. Cậu Thừa sang chơi, tiếc công mình và than câu "giậu đổ bìm leo", rồi chịu mất mấy ngày công dựng nó đứng lên. Hồi nhỏ, tôi chưa hiểu điều ví von thế thái nhân tình rất đáng buồn trong câu nói dân gian đó.

Cũng có nhà làm hàng rào song ly. Hàng rào song ly cũng dựng thanh tre như hàng rào miếng chả, có khác là những thanh tre ấy dựng thẳng đứng, song song, cách quãng nhau chừng một tấc, và cứ 3 thanh hợp làm một khung với 2 thanh hai bên thì liền, thanh giữa thì đứt đoạn, nhìn giống quẻ Ly trong Bát quái.

Dinh cơ của quan hưu trí Nguyễn, quan hưu trí Trần thì hàng rào trước nhà xây đá ong như một bờ tường gấm hoa. Nàng Ngọc Hoa, tiểu thư con quan hưu trí Nguyễn, vẫn ở bên trong bức tường đó chờ người trai tài, mặc cho "ong bướm đi về". Vùng An Nhơn quê tôi nổi tiếng, hai lần được chọn làm kinh thành của hai vương triều Chămpa và Tây Sơn (mà dấu tích còn để lại là phế thành Đồ Bàn và phế thành Hoàng Đế), cho nên đó là đất văn hiến, không thiếu các công tử con quan có tài cho nàng Ngọc Hoa xinh đẹp, có tài thơ kén chọn.

Hàng tre mỗi nhà cũng như lũy tre làng vừa làm hàng rào, bức tường thành che chắn, bảo vệ cuộc sống yên vui cho mỗi nhà, cho cả làng, vừa là nguồn nguyên vật liệu vô tận cho người làng tôi làm nhà ở, làm nghề phụ đươn đát kiếm sống những khi nông nhàn. Bầu nan, thúng rổ, hom tre, nón trắng, cối xay lúa…làm xong đem bán ở các chợ quê, chợ huyện; hết Cảnh Hàng, Phú Đa, Gò Găng đến Gò Chàm, Đập Đá... Bầu nan, nón trắng của làng An Định không ai chê được: Cưới gái thì chọn làng An /Đươn bầu, chằm nón lam làm khỏi chê /Trai khôn chọn gái có nghề /Khác chi con cá lội về ao sâu (Ca dao). Hàng tre sau nhà ba tôi treo lơ lửng vô số những tổ chim dồng dộc và dưới gốc những bụi tre thì chồn đèn, chồn bông lau đào hang, chim cuốc làm tổ… Mỗi chiều, đàn chim dồng dộc quen thuộc bay về rợp trời. Rồi chúng sà xuống lũy tre, đáp nhẹ vào tổ làm chiếc võng đưa mà ríu ran một bản hợp xướng nghe vui, cho tới khi những mảng xẩm tối của hoàng hôn về ngự trong những vòm ngọn tre. Trái lại, tiếng chim cuốc kêu "quốc, quốc…" đêm hè nghe rợn người và ai oán lắm.

2. Ngõ nhà ba tôi là một cái nhà ngõ mái - chái, xây gạch, lợp ngói, mở ra đường làng với cánh đồng làng ở trước mặt, tiếp đó là lũy tre làng và chân trời ở phía xa xa. Nhà ngõ có khung cột kèo và đà ngang bằng gỗ chống đỡ. Ngõ có hai cánh cổng bằng ván dày đặt trên cái ngạch gỗ săng. Nhiều nhà trong làng dựng cái ngõ bằng hai cột gỗ hoặc hai cột tre chôn sâu, cao quá đầu người và thả giàn bông giấy nở hoa tím, đỏ hoặc hoa hoàng lan nở hoa vàng làm mái ngõ. Mỗi khi sương sớm, sương chiều buông xuống, ngõ hiện lên một vẻ đẹp trong tranh: Có vườn gió nắng ngõ sương hoa (Yến Lan - Mừng bạn có nhà). Cũng có nhà trồng hai cây gòn hoặc hai cây xoan làm trụ ngõ, tán cây xòe ra che mát trên đầu. Những trưa hè, người  hàng xóm tới ngõ nhà ba tôi ngồi hóng mát, kết hợp chờ buổi gặt, buổi cuốn lúa nơi những đám ruộng của cánh đồng phía trước. Tôi thường rủ bọn cu Tý, cu Sửu hàng xóm cùng leo cột ngõ, đu xà ngõ mà diễn tích Tôn Ngộ Không phò thầy Đường tăng đi thỉnh kinh. Thật là tuổi thơ nghịch ngợm.

 

Hàng rào chè bằng phẳng, thẳng tắp với nhà ngõ mái - chái.  Ảnh: Văn Cảnh

 

Có mấy nhà ngõ "xây" bằng cây xanh, thường là bằng cây duối, thân cứng dễ trụ, cành mềm dễ uốn. Chủ nhà uốn nắn, cắt tỉa theo ý mình cho thành cái nhà ngõ có nóc cao, mái, chái sắc cạnh. Ai cũng khen nhà ngõ nhà ông Năm Thiện là kỳ công nhất, vì trên nóc có cắt uốn bầu rượu, mảnh mây trôi vắt ngang qua cổ bầu rượu. Nhà ngõ xanh của nhà ông Hương Dĩnh không cắt hai mái xiên mà cắt một mái bằng như chiếc lọng che; của nhà ông Quốc Hùng thì cắt tròn như cái dù cụ Lý đang che đi ngoài đường.

Nhà ai có vườn rộng cũng có hai ngõ: ngõ trước và ngõ sau. Ngõ sau nhà ba tôi mở giữa hai lùm tre giao đầu nhau, bóng tre trùm mát rượi. Ngày thơ, tôi thường được má dỗ dành giấc ngủ bằng lời ru: Chiều chiều ra đứng ngõ sau /Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều (Ca dao). Có phải đó là cảnh của các chị tôi ngày mới về nhà chồng?  Tới tuổi bắt đầu đi học, đã được học những bài học đầu tiên trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi thường thích ra chơi ngõ sau lúc trời trưa thanh tĩnh để mặc sức thả hồn theo tiếng cu cườm gáy, tiếng hàng tre kẽo kẹt trong mỗi cơn nồm thổi.

Người ở quê mở ngõ suốt ngày. Những khi tôi sang ở bên nhà má, đêm đến, má bảo tôi ra cài cánh ngõ lại. Cánh ngõ nhà má là một tấm khại tre đan, cột chặt bằng dây mây vào trụ ngõ là một đoạn thân tre. Nhà phú hộ, nhà quan hưu trí thường "kín cổng cao tường", có ai đến thì gọi ngõ. Ngõ là nơi, ông huấn đạo Lê, thầy đồ Cẩm niềm nỡ đón khách đến chơi nhà và lưu luyến tiễn khách lúc ra về. Bà Năm Quýt, bà Bảy Liễu là hai nhà láng giềng "gần nhà xa ngõ", bàn nhau xẻ rào làm "trổ" để qua lại nhau cho thêm thân tình. Nhà nọ có giỗ, bưng mâm cỗ giỗ qua trổ "kiến" nhà kia. Hai nhà gặp khi tắt lửa tối trời vẫn "xin lửa" và "cho lửa" nhau qua rào...

Tôi cũng yêu những bờ tường rêu phong, cổng tam quan viết nhiều câu chữ Hán của đình An Định, chùa Bảo Tịnh. Ở những nơi đó còn in sâu bao kỷ niệm tuổi thơ của tôi với các bạn cùng trang lứa. Chẳng biết Tý, Cườm, Ngò, Cúc bây giờ ở đâu? Gia đình và cuộc sống đang như thế nào? Những đêm sáng trăng, lũ nhỏ tổ chức đánh giặc giả, bắn súng ném lựu đạn nổ tạch tạch, đùng đùng bằng miệng, mượn đình giả làm đồn giặc để tấùn công, lấy chùa làm hậu phương để tiếp tế. Lũ nhỏ chơi như điên và đêm trăng thì cứ sáng vằng vặc. Những buổi ban ngày ban mặt, chúng rủ nhau trèo cổng tam quan bắt tổ chim non trong miệng các kỳ lân, sư tử đá; lẻn vượt tường rào, trèo cây hái quả bàng chín đỏ, quả sung xanh, quả me chua léc. Tuổi nhỏ nghịch ngợm, bây giờ nghĩ lại thương mà hối. 

Chẳng biết đã có mấy đời những bà mẹ già, người vợ trẻ quê tôi đã ngày ngày tựa ngõ, ngồi mòn cái ngạch gỗ săng cổng ngõ ngóng đợi con về, chồng về ?   

  • H.K.B

(*) Mượn câu thơ của Nguyễn Khuyến

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)
Bệnh tay, chân, miệng trước nguy cơ thành dịch  (07/04/2006)
Gặp mặt tiếng nẫu trên đất Bắc  (07/04/2006)
Vững như Trường Thành  (07/04/2006)