Nhơn Mỹ - cái nôi của phong trào cách mạng An Nhơn, nơi ra đời Chi bộ Hồng Lĩnh, tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở các huyện phía nam Bình Định - đang từng bước chuyển mình trong gian khó. Tự hào về truyền thống, người Nhơn Mỹ càng ý thức về trách nhiệm trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay, để xương máu của bao thế hệ trước đã đổ là không uổng phí.
|
Trong tương lai không xa, khu trung tâm xã sẽ được quy hoạch bài bản.
|
* Vùng đất kiên cường
Nói đến Nhơn Mỹ là người ta nhớ ngay đến một vùng đất mà mỗi ngọn đồi, khúc sông, mỗi xóm làng đều ghi chiến công của quân và dân địa phương trong kháng chiến chống ngoại xâm. Núi Kỳ Đông - Bàu Sấu xưa là nơi diễn ra trận thủy chiến đẫm máu giữa nghĩa quân Cần Vương do Mai Xuân Thưởng chỉ huy quyết chiến với quân Pháp và lính Nam Triều. Hòn Chùa - Đại An là nơi ra đời Chi bộ Hồng Lĩnh - tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên ở các huyện phía nam tỉnh và là tiền thân của Đảng bộ huyện Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn và Phù Cát sau này.
Nhơn Mỹ một thời ác liệt, thời mà bọn địch cho rằng đó là "ổ cộng sản" vẫn còn như in trong ký ức người dân nơi đây. Nằm trong vành đai phi trường Gò Quánh, Nhơn Mỹ được địch "ưu ái" tăng cường quân Mỹ và lính Nam Triều Tiên. Chúng ra sức thả bom, bắn phá, hòng cày xới mảnh đất này.
Tháng 10-1966, Tiểu đoàn 52 (Tỉnh Đội Bình Định) dựng trận địa trên đồi Đại An nã pháo vào lính Nam Triều chốt trên núi Kỳ Đông. Tổn thất nặng nề, địch hung hăng trả thù. Chúng kêu gọi tất cả các trận địa pháo: sân bay Gò Quánh, Cây Xoài I - Bình Nghi, Bình Khê, An Nhơn bắn dồn dập vào Đại An làm chết 25 thường dân. Sáng hôm sau, chúng lại càn ra Thuận Đức, bắn người và đốt nhà, 48 người dân Thuận Đức chết dưới sự tàn bạo của quân thù, trong đó có hai phụ nữ đang mang thai. Kể chuyện xưa, người Nhơn Mỹ vẫn nhớ đến từng chi tiết nhỏ đau lòng như thế.
Nhưng sự tàn ác của quân thù không làm người Nhơn Mỹ chùn bước. Họ vẫn gan lỳ bám trụ quê hương để giữ vững phong trào cách mạng. Kết thúc chiến tranh, Nhơn Mỹ có đến 370 liệt sĩ, 220 thương binh, 23 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và trở thành xã có nhiều đối tượng chính sách nhất huyện An Nhơn.
* Nhơn Mỹ hôm nay
Từ một vùng đất hoang hóa, chi chít bom mìn, đất đai khô cằn, Nhơn Mỹ hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Kể lại chuyện xưa, ông Nguyễn Hữu Nhơn, 66 tuổi ở thôn Thuận Đức khoát tay ra cánh đồng trước nhà nói: "Chỗ chúng ta đang ngồi đây xưa kia là vành đai sân bay Gò Quánh. Chiến tranh tàn phá đến nỗi giải phóng về người ta chẳng tìm đâu ra một bóng mát cây xanh, nhà cửa thì chỉ toàn chòi lá lụp xụp".
Bây giờ, những vùng đồi sỏi đá khô cằn ở Thiết Tràng, Thuận Đức, Tân Nghi đã lên xanh lúa, đậu, khoai, mì. Khu Gò Quánh - Thiết Tràng khi mới giải phóng toàn bom mìn và cỏ dại nay được quy hoạch là trung tâm của xã với trụ sở UBND xã, trạm xá, chợ, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, Nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh... Vậy nên, có lẽ ông cụ Trần Tiễn - 81 tuổi ở thôn Nghĩa Hòa- đã không ngoa khi ví von rằng: "Nếu năm 1975 tôi ngủ một giấc đến giờ mới dậy thì chắc là không biết mình đang ở đâu. Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn".
Đồi 38 - nơi ngày xưa lính Triều Tiên đóng quân, nay được quy hoạch thành điểm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của xã với diện tích 20 ha và hiện đã có 2 doanh nghiệp, một ở TP HCM xây dựng nhà máy cán thép và một ở Đập Đá sản xuất nước mắm đăng ký đầu tư vào đây. Khu dân cư Gò Quánh cũng được quy hoạch và đã có một số người đấu giá mua đất. Và trong tương lai gần, khu trung tâm xã sẽ được quy hoạch với 4 khu: khu hành chính sự nghiệp, khu TTCN, khu nhà vườn và khu TDTT - văn hóa, vui chơi giải trí.
|
Đường từ tỉnh lộ 636 vào trung tâm xã Nhơn Mỹ vừa được nâng cấp, mở rộng.
|
Năm 2005, Đảng bộ xã Nhơn Mỹ đã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Hiện xã có hơn 88% gia đình văn hóa, có 6/9 khu dân cư tiên tiến và 2 trong số 9 thôn đã được công nhận là làng văn hóa. Nếu như trước năm 2000, thu nhập bình quân đầu người ở Nhơn Mỹ là 2,5 - 3 triệu đồng/năm thì nay đã là 4 - 4,5 triệu đồng/năm.
Trong câu chuyện của những người dân Nhơn Mỹ hôm nay, thời sự nhất vẫn là chuyện chuyển lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm, chuyện "vui cây lúa, buồn con cá" ở mô hình cá - lúa vùng ruộng trũng Bàu Bái. Rồi chuyện trường cấp II của xã đang được xây thêm mấy phòng học nữa để lũ nhỏ có chỗ học rộng rãi. Trạm y tế xã cũng sắp được mở rộng để phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.
* Mở hướng
Tuy vậy, Nhơn Mỹ vẫn là xã nghèo của huyện An Nhơn. Với đặc trưng là xã thuần nông, lại ở xa trung tâm huyện, Nhơn Mỹ không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như những địa phương khác. Những con số (năm 2005) như: tỉ lệ hộ nghèo hơn 11%, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 19,8%, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên 24,7%… của Nhơn Mỹ không khỏi làm người ta chạnh lòng.
Nhơn Mỹ rất tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của mình, nhưng nếu dân Nhơn Mỹ vẫn cứ nghèo, cứ khổ ngay trên mảnh đất quê hương thì chẳng hóa ra xương máu, mồ hôi bao người đã đổ không đem lại một kết quả vẹn toàn hay sao? Trăn trở với câu hỏi ấy, lãnh đạo xã đã có nhiều cố gắng để đưa Nhơn Mỹ đi lên.
Ông Võ Văn Cảnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nhơn Mỹ - cho biết: "Để đưa xã thoát khỏi thế thuần nông, độc canh cây lúa, chúng tôi chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng đàn gia súc gia cầm; phát triển TTCN; chú trọng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao dân trí".
Năm nay là năm đầu tiên Nhơn Mỹ thực hiện chuyển 92 ha lúa từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm; chuyển 20ha đất chân cao sang trồng các loại đậu. Về chăn nuôi, cùng với 3 trang trại ở Tân Đức, Tân Nghi và Thiết Tràng đang làm thủ tục để được công nhận, xã quyết tâm nâng tỉ lệ bò lai trong tổng đàn bò lên trên 65%, cùng đó là chủ trương chú trọng nuôi heo hướng nạc để tăng giá trị kinh tế chăn nuôi. Về mô hình cá - lúa ở Bàu Bái, xã hỗ trợ người dân con giống và miễn các khoản thu hoa lợi từ mô hình này trong 3 năm. Sau thất bại vụ cá đầu tiên trong năm rồi (do chất lượng con giống thấp), năm nay xã sẽ đầu tư để đắp bờ đập, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cho bà con.
Và bên cạnh điểm TTCN ở đồi 38, một hai năm nữa xã cũng sẽ quy hoạch thêm một điểm TTCN ở đồi Hỏa Sơn. Chỉ trong năm nay hoặc muộn lắm là 2007, xã sẽ xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Kế hoạch từ nay đến năm 2010, lần lượt các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo Nhơn Mỹ cũng sẽ tiến tới đạt chuẩn quốc gia.
Không chỉ lãnh đạo xã mà người dân cũng rất kỳ vọng vào sự đổi thay của Nhơn Mỹ trong nay mai, với những trăn trở thật đáng suy nghĩ: Ông Nguyễn Hữu Nhơn (thôn Thuận Đức) bày tỏ: "Chúng tôi rất mong huyện và xã chuyển giao kỹ thuật để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi tốt hơn; đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng và chống sa bồi thủy phá; đầu tư cho học sinh tiểu học được học ngoại ngữ…".
Chia tay Nhơn Mỹ trong tôi mường tượng hình ảnh những nghĩa quân Cần Vương chống Pháp từng đổ máu xuống vùng đất này. Trong số nghĩa quân ấy, chắc chắn có tổ tiên của người Nhơn Mỹ hôm nay. Và tôi tin Nhơn Mỹ rồi sẽ vươn lên.
|