Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ
17:23', 3/5/ 2006 (GMT+7)

Giờ đây, trong giới thầu xây dựng ở Bình Định hầu như ai cũng biết tiếng tỉ phú Phan Văn Võ (58 tuổi, ở xã Phước Lộc - Tuy Phước) - chủ một doanh nghiệp xây dựng đầy uy tín, có tên tuổi giữa đất TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Người ta biết nhiều đến ông Võ bởi ông khởi nghiệp từ vị trí một ông thầu nhỏ.

* Tự tin ở tay nghề thợ Bình Định

Nhà nghèo, năm 17 tuổi ông Võ thôi học, xin đi phụ hồ để đỡ đần cha mẹ. Sau 3 năm cần cù, ông trở thành một thợ hồ có tay nghề khá. 20 tuổi, ông Võ đứng ra nhận công trình riêng. Trẻ tuổi đời và cả tuổi nghề nhưng chủ thầu Võ được nhiều người tín nghiệm. Bắt đầu là những công trình cỡ nhỏ quanh quẩn trong xã, trong huyện. Mấy năm sau, biên chế thợ của ông đông dần. Để nuôi quân, ông vươn ra nhận thầu ở các huyện lân cận, rồi đi nhận công trình ở Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên…

 

Ông Phan Văn Võ đang giới thiệu những mẫu nhà biệt thự do thợ ông xây.

Uy tín của ông càng tăng lên, số lượng thợ đến xin đầu quân càng đông, nhiều người còn đích thân dẫn con đến giao cho ông để học nghề. Nhớ lại quãng đời này, ông Võ cười sung sướng - "Nhiều người dẫn con đến xin học nghề nhưng lại gởi gắm - Chú là ông chủ tử tế, tui giao nó cho chú để nó học làm người luôn. Càng được người đời tin cậy, mình lại càng trăn trở, phải tìm thêm nhiều công trình để anh em thợ có đủ việc mưu sinh". Năm 1995, nhận thấy nhu cầu xây dựng ở địa phương đã gần bão hòa, ông Võ đưa 20 tay thợ ruột vào huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân - TP Hồ Chí Minh) tìm cơ hội.

Ông Võ trầm ngâm: "Mình chọn vùng Bình Chánh với hy vọng ít phải cạnh tranh với các chủ thầu khác, sẽ có nhiều công trình để làm vì dẫu sao nó cũng hẻo lánh hơn các quận khác. Nhưng trái với suy tính của mình, ở đó có rất ít công trình. Sau gần 2 năm giật gấu vá vai, tui và với đám thợ phải xách bay, vác thước về lại Bình Định...". Mặc dù thất bại nhưng điều mà ông Võ có thể khẳng định là tay nghề của quân mình không thua kém thợ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng để mọi người tin thì phải có thời gian, phải có thêm cơ hội. Để tìm cơ hội trong gần hai năm liền sau đó, ông Võ lẳng lặng đón xe vào lại TP Hồ Chí Minh tới 3 lần. Vận may vẫn chưa đến nhưng ông vẫn không nản chí, vẫn tin chắc rằng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đủ rộng để ông thi thố.

* Xây tường rào, xây uy tín

Năm 1998 người quen gọi điện ra báo với tui là có công trình - ông Võ kể lại: "Nhận tin xong, mình khẩn trương họp tốp thợ ruột lại bàn bạc, cuối cùng anh em thống nhất đẩy nhanh tiến độ hoàn tất mọi công trình đang làm dang dở ở Bình Định, lên xe vào lại TP Hồ Chí Minh. Anh em họ tin tưởng ở tui dữ lắm. Như người thường, sau hai năm thất bát ở Bình Chánh nhiều đứa sẽ bỏ mình đi kiếm mối làm ăn khác rồi. Thật ra nếu họ có làm vậy cũng là lẽ thường, nhưng được cái những người tin tưởng mình vẫn còn nhiều. Vậy là lại xuôi Nam..."

Khi đến nơi mới biết công trình mà họ thuê làm là xây dựng tường rào cho ông Hai Minh - chủ của một ngôi biệt thự vừa xây xong tại ấp Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh. Đắn đo suy nghĩ, giữa việc nhận xây tường rào với việc phải tiếp tục đưa thợ về lại quê, cuối cùng ông đồng ý nhận xây. Ông Võ tâm sự: “Lúc chưa vào TP Hồ Chí Minh, cứ tưởng là công trình tường rào lớn lắm. Mình cũng không hỏi cặn kẽ, đến nơi mới biết khối lượng công trình quá nhỏ. Dù vậy tôi vẫn quyết định nhận xây tường rào với mục đích lấy tiền nuôi quân và cũng để khẳng định chất lượng thợ của mình”.

 

Những người thợ của ông Võ đang xem ti vi sau một ngày làm việc vất vả

Hơn 300 m2 tường rào nhưng chủ nhà chỉ ra giá có 8,4 triệu đồng, tính ra chỉ có 28.000 đồng/m2, trong khi giá ở thời điểm đó tại thành phố Hồ Chí Minh bét ra cũng là 50.000 - 60.000 đồng/m2. Xây tường rào làm tốn rất nhiều công vì ông Võ muốn giới thiệu chất lượng thợ của mình bằng công trình này. Khi hoàn thành công việc, trước khi đưa tiền ông chủ ngôi biệt thự có hỏi tui - Chú làm kỹ như thế chắc nặng công lắm?. Nhẩm sơ đã biết là lỗ chổng vó chứ, nhưng mình vẫn cười - ông Võ nhớ lại, lúc đó tui nói: "Nhà chú xây to đẹp thế này, mình không xây tường kỹ càng, nó kém giá trị đi chớ. Tui cầm tiền công ổng đưa, đếm đi đếm lại cứ thấy dư tới 11,6 triệu đồng. Nghĩ ổng đưa lộn, tui cẩn thận trả lại tiền thừa. Đến lúc ấy ổng mới giữ tay tui lại vừa cười vừa nói - Không phải tôi đưa thừa cho chú đâu. Chú đáng được trả công như thế mà. Thiệt tình lúc đó tui chỉ muốn khóc lên vì cuối cùng cũng có người đánh giá đúng được công sức của anh em tui”.

Từ chỗ quý đám thợ ông Võ làm việc tử tế, quý tính thật thà của ông Võ, chính ông Hai Minh đã chạy giới thiệu tốp thợ Bốn Võ cho bà con, bạn bè. “Nói thật lúc đó ông Hai Minh mới chính là chủ thầu chứ có phải tui đâu” - ông Võ tiết lộ. Nhờ sự bảo lãnh của ổng, mình mới có hàng loạt công trình để làm. Không những thế, vợ chồng ông Hai Minh còn cho mượn 5.000 m2 đất sát bên cạnh ngôi biệt thự để ông Võ xây trại cho anh em ở.

“Nhiều đêm tôi cứ trăn trở mãi, trên đời này còn rất nhiều người tốt, tốt đến mức mình cũng không thể hình dung ra được, chú em à. Còn trong nghề nghiệp, mình thấy niềm tin của mình là đúng, bởi nhiều người muốn công trình xây dựng chất lượng cao và sẵn lòng trả đúng giá cho công sức thợ bỏ ra. Vì thế mình cứ sống tử tế, làm việc đàng quàng cái đã” - Ông Võ cười hiền hậu cho biết.

* “Thương hiệu thợ Bình Định”

Tiếng lành đồn xa, chỉ sau một thời gian ngắn đám thợ của ông Bốn Võ đã nổi tiếng khắp Bình Chánh. May mắn cho ông Võ là lúc này ở Bình Chánh cũng bắt đầu diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nhiều người dân bắt đầu dốc tiền ra xây nhà mới. Công trình nhiều, ông Võ phải về tận quê nhà tuyển thêm thợ, có lúc biên chế thợ của ông lên đến hơn 100 người, toàn là thợ Bình Định chính gốc. Không chỉ ở Bình Chánh, nhiều người ở tận Bình Dương, nghe tiếng thợ Bốn Võ cũng lên tìm ông để giao công trình.

Công trình nhiều không thể quán xuyến hết, ông Võ phải giao lại một phần công việc cho đứa con trai lớn vừa học xong đại học ngành xây dựng. Rồi những người thợ có tay nghề vững đã nhiều năm theo ông cũng được đôn lên vị trí quản lý. Chưa an tâm, ngày nào ông cũng đi một tua qua tất cả các công trình để giám sát, đôn đốc thợ. Chính sự xuất hiện của ông khiến chủ đầu tư rất yên tâm.

Từ xây nhà cấp 4, cấp 3… tiến đến xây dựng biệt thự. Đến nay, mỗi năm ông Võ nhận xây khoảng 14-15 ngôi biệt thự, trị giá mỗi hợp đồng như thế lên đến vài tỷ đồng. Tất cả các công đoạn, từ xây thô đến trang trí nội thất đều do thợ của ông đảm nhận, thậm chí chủ nhà không có thời gian đi xin giấy phép xây dựng ông cũng phải nhận làm luôn. Thợ hồ mang nhãn hiệu Bốn Võ hết thảy đều là những người có tay nghề vững vàng, làm việc nghiêm túc, làm nhà cho khách cũng như làm cho chính mình. " Một bay hồ cũng phải tiết kiệm cho gia chủ, ông Võ khẳng định chắc nịch - Thợ hồ muốn ăn chén cơm đầy phải giữ của cho gia chủ. Tâm tính mình mà phải ngay thẳng, việc làm của mình phải đàng quàng, nghề mới bền. Tui dạy thợ cái đức làm thợ trước khi chỉ họ lên giàn giáo mà".

 

Ngôi biệt thự ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân do thợ ông Võ xây dựng trong năm 2005.

Thật ra tiền công mà ông Võ trả cho thợ không nhiều hơn bao nhiêu so với các chủ thầu khác, họ cũng được bao cơm ăn ngày 3 bữa, chỗ ở miễn phí, có đủ việc để làm quanh năm. Nhưng khác với nhiều người khác, ông Võ còn lo xa hơn. Ông hay nhắc thợ tiết kiệm, thợ của ông mỗi tháng gửi về cho gia đình ít thì cũng được 1 triệu - 1,5 triệu đồng. Ai có công việc đột xuất cần tiền gửi về nhà, ông Võ cho ứng trước. Anh em thợ bị ốm đau được chăm sóc tận tình. Ông Võ đối xử với những người thợ của mình như anh em thân thiết, bởi thợ của ông hầu hết là ở trong xóm, trong xã. Chính vì thế, dù nhiều chủ thầu khác đến chèo kéo, hứa hẹn với mức tiền công cao hơn nhưng đám thợ của ông không bỏ đi, nếu có đi rồi cũng quay trở lại.

Anh Đặng Dũng (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) tâm sự: "Bác Bốn sống với thợ mới cũng như cũ đều chí tình. Ổng thường nói - Vì mưu sinh nuôi vợ nuôi con mới phải xa nhà vào đây kiếm sống. Mình phải biết tằn tiện để cha mẹ già, con cái có chỗ nhờ. Tiêu pha vung tay quá trán là bác ổng nhắc. Nhờ vậy mà anh em tụi tui cũng có dư chút đỉnh".

Hiện nay, ông Võ cũng đã thành lập các cơ sở cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho công việc xây dựng của mình như: cơ sở làm sắt, làm mộc, sản xuất đá ốp lát… Nhờ chủ động được nguyên vật liệu nên khi chủ nhà có sự thay đổi về hình thức, mẫu mã trang trí thì ông Võ đáp ứng rất nhanh trong khi giá thành hầu như vẫn không đổi.

Ông Minh, chủ của ngôi biệt thự do thợ ông Võ xây ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân nhận xét: “Thợ của ông Võ làm ăn chắc thiệt, công đoạn nào cũng biết làm, nhiều lúc công trình thiếu thợ thì những người thợ này cũng đảm nhận luôn các việc khác nên tiến độ không bị dây dưa kéo dài. Một ưu điểm nữa là thợ ông Võ siêng năng, chăm chỉ, khi đã vào việc thì làm đến hết việc mới thôi. Chính vì lẽ đó mà thợ của ông Võ đã xây nên “thương hiệu thợ Bình Định” giữa đất Sài Gòn”.

Từ sự thành công của ông lần lượt các chủ thầu khác ở Bình Định cũng đưa quân vào miền Nam tìm việc. Điển hình là đám thợ của Tư Toại, ở xã Phước Quang đang chiếm lĩnh cả khu vực quận Bình Thạnh. Nhiều người trước kia vốn dĩ là quân của ông Võ nay cũng đứng ra nhận thầu riêng, trong số đó có vài người cũng thành đạt không kém gì ông Võ.

Sau gần 10 năm vào Nam, cơ nghiệp của ông Võ giờ đây đã khá hoành tráng. Ông cho biết": "Chẳng dấu gì chú em, tui hiện có 5 ngôi nhà, trong đó có 2 ngôi nhà nằm mặt đường chính ở quận Bình Tân. Tui cũng đã lập công ty TNHH để tiện giao dịch với người ta. Nhà, trụ sở quy mô tới cỡ 10 tầng, trang trí với quy cách phức tạp cỡ nào DN của tui cũng làm ngon. Nhưng giá trị lớn nhất mà tôi có được, thứ làm tui hãnh diện với đời hơn cả sau bao năm lăn lộn ở đây là tạo được uy tín của những người thợ xây Bình Định và có được một đội ngũ anh em thợ ngon lành. Kể cả những đứa đủ lông đủ cánh ra làm riêng tụi nó đối xử với mình cũng hết sức tử tế, tụi nó sống có tình, trước sau vẹn toàn. Làm một ông chủ thầu xây dựng, hỏi còn thứ gì sung sướng hơn!”. Ông Võ lại cười hiền hậu.

  • Nguyễn Phúc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (01/05/2006)
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)
Bệnh tay, chân, miệng trước nguy cơ thành dịch  (07/04/2006)
Gặp mặt tiếng nẫu trên đất Bắc  (07/04/2006)
Vững như Trường Thành  (07/04/2006)