Mỗi lần đứng trên cầu Bồng Sơn nhìn xuống dòng Lại Giang, tôi lại tự hỏi: vì sao sông cạn? Và lần này, tôi đi tìm câu trả lời - không chỉ cho riêng tôi mà cho cả hàng chục ngàn dân Hoài Nhơn sống hai bên bờ con nước luôn trăn trở, bức xúc và khát vọng…
* Ngày xưa sông lớn
Lại Giang còn gọi là Lại Dương Giang hay sông Bồng Sơn. Theo giải thích của tác giả Quách Tấn trong “Nước non Bình Định” thì chữ “lại” ở đây có nghĩa là nhờ cậy, là lợi ích; “dương” là khí dương, tức khí ấm. Có thể hiểu rằng, Lại Dương Giang là con sông nương vào khí dương để đem lại phồn thịnh cho xứ sở. Trong tự điển năm Tự Đức thứ 3 (1850), Lại Giang được coi là một con sông lớn - đại giang - và ngày nay, nó cũng là 1 trong 3 sông lớn của tỉnh Bình Định.
|
Chưa đến mùa khô nhưng tại khu vực cầu Bồng Sơn, sông Lại đã không còn nước. Ảnh: Q.H |
Sông Lại được hợp thành từ 2 nguồn: nguồn An Lão từ phía bắc chảy vào; nguồn Kim Sơn từ phía nam chảy ra. Nguồn An Lão và Kim Sơn gặp nhau ở cuối thôn Phú Văn, thành hình chữ V rất cân đối, cân đối từng khúc quanh, đường quẹo như hai nhánh cây kiểng được tay người uốn nắn công phu. Nhìn trên bản đồ, từ nơi giao thủy (thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), sông chảy xiên xiên về hướng đông bắc, chừng 4 km thì đến cầu Bồng Sơn. Tại đây, sông lại chuyển mình về hướng đông nam… Lại Giang uốn mình chảy qua các thôn Bình Chương, Định Bình, Định Trị, Định Công của xã Hoài Đức; rồi Mỹ Thọ, Khánh Trạch, An Nghiệp, Công Lương của xã Hoài Mỹ. Bờ bên kia, sông Lại tiếp xúc với Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Hương rồi đổ ra cửa biển An Dũ. Từ điểm giao thủy ở Phú Văn ra đến cửa biển An Dũ, chiều dài của sông, khoảng chừng 15 km. Ông Võ Quốc Chính, 50 tuổi, một người dân đã gắn bó lâu đời với dòng sông kể lại: “Trước đây, trên sông Lại, cứ mỗi đoạn chừng vài ba trăm mét dân làm một bờ cừ xe nước đưa nước vào ruộng. Vào mùa lũ lụt, xe nước được dỡ cất đi, bờ cừ bị nước cuốn trôi. Đến mùa nắng, các bờ xe nước được đắp lại, nước lai láng cả mặt sông…”. Nước Lại Giang trong và xanh ngắt. Hai bên bờ, xe nước quay phun những vòi nước trắng xóa theo những tiếng xe chạy đều đặn và dẻo dai.
* Cơn giận của thủy thần
Bao giờ rừng An Lão hết cây
Sông Lại Giang hết nước thì em đây mới hết tình.
Cô gái trong bài ca dao kia nếu biết được ngày hôm nay dòng Lại Giang đã hết nước sẽ chẳng bao giờ dám tự tin mà thề thốt như thế.
Thử làm cuộc hành trình dọc hai bên bờ sông, trước mắt chúng tôi là những khoảnh cát khô hàng chục hec ta trồi lên trên mặt sông. Sông Lại chỉ còn là vài con lạch nhỏ chảy liu riu giữa những cồn cát. Sự khô hạn của dòng sông vào mùa nắng đã cho người dân hai bên bờ sông có một thói quen khá lạ lùng: chở xi măng ra giữa lòng sông đúc táp lô để mang về xây nhà. Sông Lại khá quanh co, uốn khúc, đoạn vòng qua bờ bên này, đoạn lại uốn lượn sang phía bên kia - nhìn trên bản đồ - như phụng bay, rồng múa.
Tại thôn Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ, lòng sông chạy vòng cua trông như một cái bao tử. Miệng “bao tử” còn được án ngữ bởi cồn cát Trường Gạo rộng hàng chục hec ta. Với cấu trúc khá đặc biệt như vậy, nơi đây chính là tâm điểm của “cơn giận thủy thần”. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết, gầm gào, cuồn cuộn xoáy vào bờ bên này lôi đi hàng trăm mét đất rồi quay sang phá hủy, bồi lấp bờ bên kia. Cứ thế. Sau cơn lũ, dòng sông bên lở, bên bồi… Ông Trần Thanh Long, cán bộ thủy lợi xã Hoài Mỹ đưa chúng tôi ra khu vực sạt lở nặng nhất của xã. Đoạn sông từ Khánh Trạch trở lên, hàng năm bị xâm thực vào nội địa từ 2-3m. Riêng đoạn từ Công Lương đến An Nghiệp bị xâm thực từ 40- 50m/năm. Ông Long cho biết, trước đây (khoảng những năm 1960), lòng sông ở khu vực này, nơi rộng nhất chỉ hơn trăm mét, nơi hẹp nhất 60-70m. Còn bây giờ, nơi sông hẹp nhất cũng đã lên đến 120m, nơi nở rộng nhất lên đến 500m (khu vực cầu Lại Giang nằm trên tuyến đường ven biển). Rồi như chưa quên được những bức xúc về nạn thủy tặc vừa mới hoành hành đâu đây, ông Long chỉ tay qua những vạt tre và dừa trên bãi cát Trường Gạo (nổi lên ngay giữa lòng sông) và cho biết: “Trồng tre và dừa ở khu vực này rất phản tác dụng. Khi lũ xuống, nước bị cản sẽ đổ về cả hai bên gây tác hại rất lớn. Chính quyền hai xã Hoài Hương và Hoài Mỹ đã nhiều lần đề nghị “xóa sổ” mấy hec ta tre, dừa ở khu vực này (do tư nhân trồng) nhưng đến nay nó vẫn cứ tồn tại…”.
* Nỗi khổ của người dân
Gia đình anh Đinh Công Văn, 45 tuổi và 16 hộ ở thôn Khánh Trạch luôn phải sống trong tâm trạng khắc khoải, lo âu. Năm 1991, vợ chồng anh “ra riêng” sau một thời gian dài gom góp, tích luỹ vốn để xây nhà. Anh cho biết, hồi mới làm nhà, sau lưng còn là mấy hộ sống gần bờ sông. Vậy mà, hôm nay, mép sông chỉ còn cách tường nhà anh vài ba mét. Để ngăn cản nước lũ, người dân trồng tre hai bên bờ sông chống xói lở. Thế nhưng, những bụi tre xem ra quá mong manh trước làn nước dữ. Anh Văn dẫn chúng tôi ra bờ sông, nước chảy đã xói chân tre, mỗi bờ tre đổ kéo đi 4-5 m đất. Rồi những rặng tre mới lại được trồng lên và mất đi. Ông Võ Thành Triên, Chủ tịch xã Hoài Mỹ cho biết: hiện tại, xã đang có 17 hộ bị đe dọa, 129 hộ bị ảnh hưởng trước mùa mưa lũ sắp tới. Lo cho tính mạng của dân, xã đã cho quy hoạch một số lô đất để di dời những hộ bị đe dọa vào bên trong.
|
Những cánh đồng rộng lớn ở thôn An Nghiệp đã biến thành... ao! Ảnh: Q.H |
Đứng trên cầu Lại Giang, con sông đầu hạ vẫn còn trong và xanh, nhìn từng tốp phụ nữ đang nhặt ốc giữa dòng, nước chảy ngang thắt lưng, tôi chợt buồn khi nhớ lại câu nói cửa miệng của ông Long lúc sáng: “Hung thần! hung thần!”. Chỉ khoảng 10 năm qua, nước lũ Lại Giang đã cướp đi của dân trên chục hec ta đất. Riêng mùa mưa lũ năm ngoái, toàn xã bị mất trắng khoảng 300 hec ta lúa, 1.600 nhà dân bị ngập, 70.000 m3 hồ nuôi tôm bị phá hủy làm thiệt hại ước tính 1.830 triệu đồng. Con nước hung dữ tràn vào đất liền, có năm nhiều nhà dân bị ngập tới… cửa sổ, bị nước phong tỏa gần cả tuần lễ. Nước rút, để lại cảnh tiêu điều, mất mát và nỗi đau không dứt cho mỗi người dân. Ông Long chỉ cho chúng tôi xem những dấu tích của nạn thủy phá sau cơn lũ: cả một cánh đồng rộng lớn hôm qua giờ đã nên… ao! Thôn An Nghiệp bị cắt làm đôi, 80 hộ dân đã bị cô lập về phía mé sông.
* Bao giờ “nước Lại Giang mênh mang mùa nắng” ?
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn lấy tấm bản đồ chỉ cho chúng tôi xem những điểm “chết” trên sông Lại… Có đến 14-15 điểm bị sạt lở, sa bồi nặng trên toàn tuyến. Theo mô tả, Lại Giang là con sông ngắn, chảy qua một địa hình phức tạp và dốc đứng. Do đó, mỗi khi có mưa lớn, nước mưa nhanh chóng tập trung và đổ dồn xuống hạ lưu. Cửa An Dũ thoát lũ không kịp, nên năm nào nước cũng dâng lên làm ngập úng cả một vùng rộng lớn. Nước mặn theo cửa biển cũng tràn vào bờ, gây ngập mặn trên diện rộng. Mùa khô, lượng nước trữ trong sông lại không nhiều. Từ sau ngày giải phóng, cùng với nạn phá rừng đầu nguồn, nước Lại Giang càng trở nên cạn kiệt hơn. Làm thế nào để chỉnh trị dòng sông, bắt “con ngựa bất kham” phục tùng ý muốn con người, đem lại lợi ích to lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, tạo nên sự trù phú cho cả vùng Hoài Nhơn tươi đẹp? Ông Việt ưu tư: “Lâu nay, các giải pháp của huyện mới mang tính chất tạm thời như trồng tre chắn xói lở, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao… còn vấn đề trị thủy dòng sông, xem ra đã quá tầm tay của huyện vì kinh phí để thực hiện là quá lớn…”.
|
Nước xói chân tre, mỗi bụi tre đổ xuống kéo theo 4-5m đất. Ảnh: Q.H |
Nghe đâu, cuối năm 2005, huyện Hoài Nhơn đã xin chủ trương của tỉnh về việc làm đập dâng Bồng Sơn; một dự án “nghiên cứu quy hoạch chỉnh trị sông Lại Giang” cũng đang được các giáo sư, tiến sĩ ở Viện Khoa học thủy lợi miền Nam quan tâm. Và mới đây, Sở NN và PTNT đang kêu gọi đầu tư vào dự án “chỉnh trị cửa An Dũ” để bảo vệ bờ sông chống xói lở, giữ ổn định cho cửa sông mới; phòng chống lũ và tiêu thoát lũ tốt cho lưu vực sông Lại Giang, chống ngập úng kéo dài cho các khu dân cư, kinh tế trong lưu vực…
Hy vọng một ngày không xa, nước Lại Giang lại trong xanh trở lại như nguyện vọng, mơ ước ngàn đời của người dân Hoài Nhơn.
|