Mái tóc là “góc con người”. Đặc biệt, với người phụ nữ, mái tóc rất quan trọng, xấu hay đẹp, già hay trẻ cũng từ đó mà ra. Với đôi bàn tay khéo léo của mình, người thợ cắt, uốn tóc có thể biến người phụ nữ trẻ ra cả chục tuổi và ngược lại...
* Từ xóm ra phố
Nơi tôi sống là một xóm nhỏ lao động nghèo nhưng có đến 3 tiệm cắt, uốn tóc, làm móng tay, móng chân phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em. Từ chị bán xôi, chị lao công quét rác đến học sinh và cán bộ thường đến đây với những yêu cầu làm đẹp khác nhau: sấy tóc, trang điểm nhẹ trước khi đi dự đám cưới, sơn móng đến kẹp, duỗi tóc, cắt tóc theo model... Khách bình dân nên giá cả phải chăng. Gội đầu: 3.000- 4.000 đồng, cắt tóc: 5.000 đồng, làm móng: 2.000 đồng, duỗi tóc 120.000-160.000 đồng... Nhiều khi, khách lỡ hết tiền hoặc thiếu tiền, chủ tiệm dễ dãi cho nợ lại với câu: Để lần sau tính luôn thể! “Tùy theo số lượng khách trong ngày, nhưng bình quân có thể kiếm được khoảng 50.000 - 70.000 đồng/ ngày. Cá biệt ngày đông khách, có thể kiếm được trên cả trăm ngàn” - Phượng - một chủ tiệm khá đông khách - cho biết.
|
Thợ cắt, uốn tóc nữ, muốn thành công cần phải học và luyện tập nhiều.
- Trong ảnh: Thợ học nghề đang tập bới tóc trên đầu tóc giả tại tiệm Hương Baby. Ảnh: T.H |
Khi đời sống ngày càng khá lên, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ càng tăng. Tại thành phố Quy Nhơn, số tiệm cắt, uốn tóc nữ hiện có cả hàng trăm tiệm lớn, nhỏ. Với các tiệm lớn ở ngoài phố, để cạnh tranh, họ đều chú trọng đầu tư các trang thiết bị làm nghề hiện đại, gắn máy lạnh trong phòng để phục vụ tối đa khách hàng như các tiệm: V., H.P, A.S, Hương Baby... Chị Đỗ Thị Thanh Hương, chủ tiệm uốn tóc Hương Baby (đường Ngô Quyền) cho biết, chị đã học thêm một khóa về chăm sóc da mặt để mở thêm các dịch vụ massage da mặt, toàn thân, chăm sóc da, xăm mí mắt, chân mày... Một số còn kiêm tư vấn, giới thiệu hoặc bán các loại dầu gội chuyên dùng cho từng loại tóc theo yêu cầu của khách hoặc nước hoa, mỹ phẩm chăm sóc da mặt.
Khách của các tiệm này thường là công chức nhà nước, hoặc tầng lớp trung lưu trở lên nên họ đều cố giữ chữ tín, ổn định được lượng khách hàng thường xuyên bằng chất lượng phục vụ, không sử dụng các sản phẩm kém chất mà phải là loại có tên tuổi, thương hiệu. Dĩ nhiên, giá cả ở các tiệm này không hề rẻ, dao động từ vài chục đến vài trăm cho mỗi lần làm đẹp nhưng khách chấp nhận. “Gầy dựng chữ tín đã khó, giữ được khách hàng trong thời buổi cạnh tranh ngày lại khó hơn. Bởi vậy, phải luôn thành thực với khách hàng. Tiền thì ai không muốn nhưng, nói thật, tôi muốn lấy chữ tín hơn. Vì mất nó, mình không thể sống được” - một chủ tiệm cắt tóc khá nổi ở đường Phan Bội Châu cho biết quan điểm của mình.
* Buồn - vui “nghề không hẹn”
“Gọi đây là nghề không hẹn vì khách đến lúc nào, mình phải làm lúc đó” - sau 41 năm theo nghiệp cầm kéo, ông Nguyễn Trợ, chủ tiệm uốn tóc Trợ (ở đường Tăng Bạt Hổ) đã kết luận như vậy về “nghiệp cầm kéo” của mình. Đã là thợ cắt, uốn tóc, thì ăn cơm trưa vào tầm 4-5 giờ chiều, cơm tối 9-10 giờ đêm là thường. Thậm chí, còn bị khách kêu cửa, dựng đầu vào lúc 4-5 giờ sáng khi còn đang ngon giấc, yêu cầu chải, bới tóc gấp để đi đám, tiệc. Ông Trợ là người thợ cắt, uốn tóc nữ nhiều tuổi nhất và thâm niên nhất ở Quy Nhơn. Vào nghề từ năm 16 tuổi, làm thợ chính khi 20. Và cho đến nay, khi đã bước vào tuổi 61, tay kéo của ông vẫn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. Hai con trai của ông cũng đang theo nghiệp cha.
|
Sống ở Gia Lai đã 10 năm, vậy nhưng mỗi lần muốn uốn tóc bà Năm (đang ngồi) đều cố chờ dịp xuống Quy Nhơn vào “tiệm ruột” của mình. Ảnh: T.H |
Các thợ học nghề chủ yếu bằng cách quan sát, cách thức xử lý từng kiểu tóc. Không bao giờ các chủ tiệm lại giao khách hàng cho thợ học nghề vì không muốn mất khách hàng. Bởi vậy, người học chỉ có thể thực tập trên các đầu tóc giả, hoặc “cắt qua, cắt lại” với nhau hay người thân trong nhà, không thì cắt miễn phí cho các em ở lớp học tình thương. Phẩm chất quan trọng nhất đối với “nghề tạo góc” chính là năng khiếu, óc sáng tạo, siêng rèn luyện tay nghề của mỗi người. Trần Hoàng Thịnh - học nghề tiệm Hương Baby đã gần hai năm, thành thật: “Cho đến giờ, em có thể cắt được mọi kiểu tóc, nhưng chưa thể nhận biết được kiểu tóc nào hợp với khuôn mặt của người nào để có cách xử lý phù hợp. Đây là kỹ thuật khó nhất của người thợ cắt, uốn tóc nữ”. Tuy nhiên, để trở thành thợ giỏi và sống được bằng nghề, không thể thiếu được lòng yêu nghề, sự nhẫn nại và tính chịu khó. Không ít người, khởi đầu chỉ là tiệm cắt, uốn tóc nhỏ nhưng sau đó, đã dần phát triển, lên thành các tiệm trang điểm, cho thuê áo cưới cô dâu, thẩm mỹ viện...
Tâm lý khách hàng thường không thích đổi tiệm, một khi chủ - khách đã “hợp gu”. Khi ấy, họ không chỉ là khách thường xuyên mà còn giới thiệu thêm nhiều người khác đến “tiệm ruột” của mình. Bà Năm (70 tuổi) tôi đã tình cờ gặp khi bà đang uốn tóc ở tiệm Trợ, tâm sự: “Tui lên Gia Lai sống với con cả chục năm nay rồi, nhưng chẳng bao giờ tui cắt hay uốn tóc ở trên đó cả. Tuần trước, đi Sài Gòn cả tháng, con cháu đòi dẫn tới mấy tiệm lớn ở trong đó cắt tóc vi tính, tui hổng có chịu. Gì thì gì chứ cứ phải về Quy Nhơn, đến giao đầu tóc cho chú Trợ thì mới yên tâm được”.
Với người thợ, điều hạnh phúc nhất là có được những người bạn hàng thân thiết và chung thủy. Nhưng khách đến tiệm thường “chín người mười ý”. Người dễ tính, sao cũng được, miễn đẹp. Người lại khó tính, cầu kỳ, hướng dẫn thợ phải làm thế nọ, thế kia. Có người thị của. Người thì cực kỳ... ở dơ, mỗi lần đến tiệm, thợ bất đắc dĩ mới làm. Nhưng vì “làm dâu trăm họ” nên các thợ đều biết chiều khách, “làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
|