Nhọc nhằn đời "vạc"
10:46', 12/5/ 2006 (GMT+7)

Cần mẫn nhặt nhạnh nhiều thứ người khác đã bỏ đi, ánh mắt lúc nào cũng ngó nghiêng cảnh giác trước sự thiếu thiện cảm của không ít người; giữa đêm khuya, họ lặn lội mưu sinh không khác gì đời con vạc kiếm ăn đêm...

 

                                  Nhọc nhằn kiếm sống.

 

* "Ăn" đêm

Quy Nhơn, 22 giờ 30 phút. Hơn một nửa thành phố chìm vào giấc ngủ. Đường phố lác đác vài cửa hiệu còn sáng ánh đèn. Tôi ngồi yên lặng trên vỉa hè, trước mặt là đống hổ lốn những bọc ni lông đựng rác đang chờ công nhân của Công ty Môi trường đô thị đến dọn. Một người đi xe đạp với lỉnh kỉnh bao, túi trờ tới. Qua ánh sáng đèn đường, tôi nhận ra đó là một phụ nữ trung niên. Vẫn tư thế ngồi trên xe đạp, chị đưa chân di di, đá đá vào bọc rác. Bọc rác đổ ra, chị cúi nhặt một vài thứ bỏ vào túi xác rắn đặt ở giỏ xe, sau đó phóng đi. Năm phút sau, một bóng xe đạp nữa trờ tới. Lần này là một cậu bé khoảng 13-14 tuổi. Cậu ngồi thụp xuống, một tay giữ cho chiếc xe đạp khỏi ngã, tay còn lại sục vào những bọc rác. Một vỏ chai nước khoáng, một vỏ hộp sữa là "thành quả" sau một hồi sục sạo của cậu bé...

23 giờ 10 phút. Tôi lặng lẽ đạp xe qua vài con phố. Không khó khăn gì để nhận ra họ - những người đi "mót" rác đêm. Họ đa phần là phụ nữ, trẻ em. Phương tiện hành nghề là một chiếc xe đạp, bao, túi đựng những thứ nhặt được và vài thứ "bảo hộ" đơn giản như ủng, bao tay, khẩu trang... Từ đường phố lớn đến những con hẻm ngoằn ngoèo, nơi nào có... rác là họ đến. Thời gian thích hợp cho công việc khoảng từ 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian người dân mang rác thải ra khỏi nhà, đồng thời cũng là khoảng thời gian trước khi công nhân môi trường đô thị đến mang rác đi. Không ngần ngại sục tay, di chân vào những mớ hổ lốn mà người ta thải ra, họ cần mẫn nhặt nhạnh những thứ có thể bán được. Mẩu dây điện, vỏ chai nước suối, keo nhựa, hộp các tông... Sẽ là rác, là thứ bỏ đi với nhiều người, nhưng với họ lại là nguồn sống của gia đình.

Tôi theo chân một chị nhặt rác như vậy qua nhiều con phố. Đi ngang qua một quán khuya: "Ê, có cái vỏ hộp sữa nè", theo đó là tiếng lăn côm cốp dưới đường. Chị cúi nhặt không quên một lời cảm ơn trước khi đạp xe đi. Qua một con phố nhỏ, trong lúc chị ngồi thụp xuống bới đống rác thì có giọng la xoe xóe: "Đi chỗ khác mà lượm. Bới ra dơ hầy à! Rác chớ có vàng đâu mà bới?". Chị lầm lũi đạp xe đi!

* Những mảnh đời trên đôi cánh vạc

"Đi theo tui làm gì? Nhặt rác có gì vui đâu mà tìm hiểu ?"- người phụ nữ tỏ vẻ nghi ngại khi thấy tôi lò dò đạp xe theo. Từ Lê Hồng Phong qua Nguyễn Công Trứ - Bà Triệu chỉ một đoạn đường ngắn của TP Quy Nhơn nhưng chị dừng lại nhiều lần vì có rất nhiều... rác. "Bữa nay rác nhiều, nhưng những thứ cần lại chẳng được bao nhiêu". Vừa nói chị vừa bẻ gập hộp bánh kem bằng các-tông bỏ vào bao. Tôi nhặt giúp chị một lọ keo nhựa bị vứt chỏng chơ bên cạnh đống rác. "Không sợ dơ à?". Tôi lắc đầu. Ánh mắt chị có vẻ thân thiện hơn. Vừa đi, vừa nhặt rác, chị vừa kể: để ba đứa con đang tuổi đi học cho ngoại nuôi, vợ chồng chị từ Tuy Phước vào Quy Nhơn thuê nhà kiếm sống. Chồng chị ban ngày đạp xích lô còn chị thì thu mua ve chai. Ban đêm, tranh thủ đi nhặt nhạnh, lượm mót rác để kiếm thêm tiền. "Một đêm chị kiếm được bao nhiêu?" "Đạp xe rảo cẳng giỏi lắm được chừng hai chục ngàn. Nghề này cũng nhiều người làm lắm". Quả thật, nhìn chiếc bao đựng "chiến lợi phẩm" trên xe chị, tôi không khỏi ái ngại. Một ngày cực nhọc rong ruổi khắp nẻo đường, giờ vẫn còn rong ruổi, không biết lúc nào chị mới được ngả lưng?

Đường Phan Bội Châu, 23 giờ 30 phút: thấy tôi đưa máy ảnh lên chị dừng tay: "Tưởng mấy ông Tây chụp hình chớ !". "Họ hay chụp lắm à?". "Có một lần". Hỏi thêm mới biết chị đi từ Phú Tài xuống. "Mót" liên tục không nghỉ từ bảy giờ tối đến giờ mới được lưng lưng hai bao, khoảng một tiếng nữa thì đạp xe về trên đó (Phú Tài). "Bán hết chừng này thì được bao nhiêu tiền hả chị?" - tôi chỉ hai bao phế liệu trên xe của chị. "Mười mấy ngàn chớ mấy. Nghề này cực lắm. Biết là mình không làm gì xấu nhưng cứ phải lấm la, lấm lét, tránh cái nhìn của người khác"... Nói xong, chị đạp xe đi...

1 giờ 20 phút: Một nhóm người nhặt rác ở cầu Đôi lục tục kéo nhau về. Họ cười nói râm ran. Những bao phế liệu cồng kềnh và nặng nhưng họ đạp xe đi trông nhẹ tênh...

Tôi nhìn theo bóng họ đang khuất dần. Ngày mai, những đồng tiền ít ỏi được góp nhặt bằng sự nhọc nhằn của đêm nay sẽ là tiền học phí của hai đứa học trò, là niềm vui, là nguồn sống của những gia đình nghèo khó... Nhọc nhằn, nhưng họ vẫn đang sống, đang làm việc, ki cóp những niềm vui nho nhỏ cho một ngày mai sáng sủa hơn. Chỉ mong đời bớt đi chút ác cảm là họ cảm thấy vui rồi.

  • Phạm Hoài An
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề tạo mái tóc đẹp cho chị em   (10/05/2006)
Khát đắng Lại Giang   (08/05/2006)
Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ   (03/05/2006)
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (01/05/2006)
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)
Bệnh tay, chân, miệng trước nguy cơ thành dịch  (07/04/2006)