Nhơn Hội - hành trình vượt khó
15:23', 15/5/ 2006 (GMT+7)

Chúng tôi về Nhơn Hội, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, đến đâu cũng nghe người dân nói về sự kiện cây cầu nối liền vùng cát trắng của bán đảo Phương Mai với TP Quy Nhơn, rồi ước mơ được đổi đời khi Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội hình thành.

* Ước mơ đổi đời

Đứng ở UBND xã Nhơn Hội, phóng tầm mắt ra phía biển, chúng tôi tưởng chừng như thấy rõ sự sôi động ầm ào của khu trung tâm TP Quy Nhơn. Nhơn Hội gần Quy Nhơn là thế, nhưng mấy chục năm nay, người dân phải mất 15 phút đi đò, hay chạy xe máy đường vòng khoảng 50 km mới đặt chân đến thành phố. 

Xã bán đảo Nhơn Hội ra đời khi người dân thực hiện cuộc hành trình đến vùng kinh tế mới lập nghiệp. Ông Dương Tiến Dũng, trưởng thôn Hội Thành, kể lại: “Khi mới đặt chân lên vùng đất này, vợ chồng tôi vật lộn với đất cát, đám dứa rừng dày đặc và hung hãn để khai hoang đất đai trồng chuối, trồng xoài. Cuộc sống khó khăn, chỉ mong đủ hai bữa cơm, không dám mơ chuyện làm giàu”.

 

Bến đò này sẽ giảm bớt lưu lượng khách khi cây cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội thông xe.

Ông Dũng là lớp người thứ ba đến đất này khai hoang. Trong ký ức của ông, ngày ấy Nhơn Hội chỉ có mấy ngôi nhà nhỏ thưa thớt nằm “lọt thỏm” giữa một bên là bãi cát trắng mênh mang và một bên là biển xanh ầm ào sóng gió. 

Cũng mang tiếng là cư dân thành phố nhưng bên kia biển sầm uất bao nhiêu thì bên này lặng lẽ bấy nhiêu. Người dân quanh đi quẩn lại chỉ có nghề đi biển, trồng lúa trên ruộng nhiễm phèn. Xã Nhơn Hội nằm dọc bờ biển dài 17 km, nên đất rộng người thưa thớt, đi lại khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, nông sản vất vả và tốn kém. Người dân chỉ mong có được con đường.

Rồi con đường Cát Tiến - Nhơn Hội được hình thành, ước mơ nối liền xã bán đảo với bên ngoài trở thành hiện thực. Người dân cải tạo hồ nuôi tôm, ghẹ… đồng thời phát triển nghề chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập. Những năm 1999-2001, dân nuôi tôm trúng lớn, nhà ngói mọc lên ngày càng nhiều, tiếng xe máy nổ giòn tan trên con đường đất. Người dân Nhơn Hội vẫn không nghĩ là sẽ còn bước đổi thay nào nữa. Vậy mà giờ đây, cây cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội chỉ còn vài nhịp nữa là hoàn thành sẽ tạo nên bước đột phá mới cho sự giao thương, phát triển mọi mặt cho vùng bán đảo. Con đường nhựa chạy dài thông xe cho Nhơn Hội với Nhơn Lý, Cát Tiến (Phù Cát), hứa hẹn hình thành khu đô thị mới sầm uất.

Cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội là huyết mạch giao thông, nối liền vùng bán đảo Phương Mai với TP Quy Nhơn. Khi nói về cây cầu, ông Dũng khấp khởi mừng: “Bao đời nay, bây giờ tụi tui mới dám nói chuyện đổi đời, làm giàu”. Còn với chị Võ Thị Bình, thôn Hội Lợi, ước mơ về một cây cầu trở nên rất thật: “Sắp tới cây cầu được hoàn thành, tui mừng vì tụi nhỏ học hành đi lại dễ dàng hơn”. 

* Nông dân “đi tắt đón đầu”

Nhơn Hội có 5 chiếc chuyên chở khách ở Nhơn Hội, Nhơn Lý sang Quy Nhơn. 8 giờ sáng, chuyến đò đầu tiên đưa khách từ bên kia thành phố về Nhơn Hội cập bến Hòa Lộc. Trên đò là mấy chị buôn hàng, học sinh tranh thủ về thăm nhà và nhiều vị khách dáng vẻ dân kinh doanh. Chỉ vài tháng nữa, khi cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội chính thức được thông xe, những chuyến đò này sẽ lùi về ký ức.

Người dân chưa vạch rõ kế hoạch cho tương lai nhưng đã bắt đầu có những dự định chuyển nghề phù hợp với thời cuộc, ý thức làm giàu đã có trong nếp nghĩ. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ một đò chở khách ở thôn Hội Lợi, tâm sự: “Gia đình bỏ ra 10 cây vàng để đóng chiếc đò chở khách đi lại. Gần 7 năm nay, gia đình 5 người sinh sống đều trông nhờ vào chiếc đò. Sắp đến cầu thông xe, vợ chồng tôi sẽ “nâng cấp” chiếc đò này thành một chiếc thuyền chở khách du lịch”. 

Còn anh Huỳnh Văn Ký, thôn Hội Bình đã có gần 10 năm làm nghề xe ôm ở bến đò với mức thu nhập 20.000-50.000 đồng/ngày, thì mỉm cười: “Nếu bám nghề được thì tốt còn không sẽ tìm nghề khác. Xã mình sắp có KKT tầm cỡ thì cũng chẳng đói đâu”.

* Đầu tư cho tương lai

Chị Võ Thị Bình bỏ dở chuyến ghe vào TP Quy Nhơn để lo chỗ ăn, chỗ ở cho con. Với “thâm niên” 28 năm bám đất Nhơn Hội, chị có 6 đứa con, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào nghề biển nên rất khó khăn nhưng gia đình chị “nổi tiếng” vì dám cho con ăn học đến cùng! Chị tâm sự: “Mấy đứa nhỏ học giỏi nên vợ chồng tôi dồn sức lo cho con. Người ta bảo dân biển thì cho con học cao làm gì nhưng tôi lại nghĩ khác. KKT Nhơn Hội to lắm, phải cho con đi học để sau này có cái chữ, không làm giàu thì cũng đỡ khổ hơn mình”.

 

Trẻ em Nhơn Hội sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

4 đứa con của chị Bình đang tuổi cắp sách đến trường. Cô con gái Nguyễn Thị Hiểu, năm ngoái thi Trường ĐH Tây Nguyên không đỗ quyết chí ở lại TP Quy Nhơn đi làm thêm, kiếm tiền thi tiếp. Con gái thứ hai Nguyễn Thị Thắm, đang học lớp 12 Trường THPT Trưng Vương. Còn cô con gái và cậu con trai út đang cắp sách đến trường làng cũng học rất giỏi.

Với người dân Nhơn Hội, việc tập trung đầu tư cho con học tập trong thời điểm này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi nghe chúng tôi trầm trồ chuyện học của con em trong xã, anh Nguyễn An Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Hội, bật cười: “Đúng là thế đấy. Tôi đã gắn bó với mảnh đất này từ lâu, nhưng bây giờ mới thấy thay đổi lớn nhất của người dân là chuyện học. Nói ra nhiều khi cũng hơi quá nhưng cứ hễ ngồi nói chuyện vui, mọi người lại bảo nhau phải cho con đi học để sau này còn về làm chủ KKT”. Anh còn kể vanh vách những con số rất lý tưởng mà trước đây Nhơn Hội có nằm mơ cũng không thấy: 100% số học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường, 90% học sinh tốt nghiệp lớp 9 cũng khăn gói vào TP Quy Nhơn để học tiếp, tỷ lệ bỏ học trong 5 năm qua chỉ có 0,2%.

Còn nhớ, năm 1986, xã chỉ có 2 người đậu ĐH. Lúc đó, Nhơn Hội có người đậu ĐH là chuyện khó tưởng tượng. Giờ đây, cả xã có trên 150 học sinh học tiếp THPT và số học sinh học ĐH, CĐ cũng tương đương với ngần ấy. Nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cương quyết cho con học hết ĐH như gia đình anh Châu Văn Thơ, anh Nguyễn Văn Phát… Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã, nhẩm tính: hiện toàn xã có 10 em học các nghề đóng tàu tại Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ công nghiệp tàu thủy 3 (Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin), 40 em học các ngành nghề khác như kỹ thuật cơ điện, công nghiệp điện tử, may… Và con số này sẽ còn tiếp tục nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới.

* Ngổn ngang trăm mối...

Hôm chúng tôi về làm việc, trụ sở UBND xã vắng teo, chỉ có chị cán bộ văn phòng, còn lại đều đã xuống thôn Hội Thành để giải quyết chuyện đất cát, giải phóng mặt bằng làm khu tái định cư (KTĐC) Nhơn Phước.

KTĐC rộng 60 ha vừa được khởi công ngày 29-4. Đây là điểm định cư mới của khoảng 450 hộ dân. Thế nhưng, đến nay, xã mới chỉ quy hoạch có 44 ha để chuẩn bị di dời dân ở thôn Hội Bình, Hội Lợi và một phần Hội Sơn. Ông chủ tịch xã “vò đầu, bức tai”: “Mấy tháng nay, tôi đau đầu với chuyện giải phóng mặt bằng. Trước đây, UBND tỉnh dự định đền bù theo kiểu quy đất định giá bằng tiền. Thế nhưng, ở đây (ngoại trừ thôn Hội Lợi làm biển), bà con chỉ sống nhờ vào đất, hồ tôm mà bảo đền tiền thì lấy đâu đất để ổn định cuộc sống”.

 

Nơi đây sẽ là khu tái định cư Nhơn Phước.

Với việc hình thành KTĐC Nhơn Phước, thôn Hội Thành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thôn có 194 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu, gần như phải di dời toàn bộ. Trong khi dự án KTĐC chưa được hình thành, trong thời điểm hiện tại, xã vẫn chưa nắm được quy hoạch chi tiết nên quyết định đình chỉ tất cả các hoạt động mở rộng đất đai để sản xuất nông nghiệp và làm hồ tôm. Ông Dũng lo lắng: “Bà con chỉ mong sớm có KTĐC để còn ổn định cuộc sống, chứ như bây giờ khổ quá, nhà ở không yên, đất đai không có để làm, thanh niên thất nghiệp rồi đâm ra tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu…”.

Đó là chưa kể số dân trong độ tuổi lao động ở xã có nguy cơ thất nghiệp ngày càng nhiều. Ông Khiêm băn khoăn: “Khi thu hồi đất, một phần người dân vẫn còn có hồ tôm, một phần làm vườn, làm ruộng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông-lâm-ngư nghiệp sang nông-công-thương nghiệp và dịch vụ. Thế nhưng, xem ra, cơ cấu này đã lạc hậu rồi. Trước mắt, chúng tôi mong tỉnh có chính sách cho dân để phát triển kinh tế, sớm hoàn thành KTĐC, quy hoạch chi tiết để địa phương có hướng phát triển trọng tâm. Rồi còn chuyện vận động bà con đưa con em đi học nghề về cũng cần có sự gắn kết giữa việc đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu”.

Hiện tại, các hộ dân này tiếp tục cuộc sống của mình với những nỗi lo toan thường nhật cho con em được đến trường học chữ, học nghề. Tuy nhiên, ước mơ ấp ủ về một cuộc sống mới vẫn thường trực trong lòng họ, xóa tan những nghi ngờ, lo lắng khi phải dời nhà về KTĐC. Ông Dũng lạc quan: “Xưa đi khai phá đất hoang giờ mọi chuyện nhà nước làm sẵn rồi chỉ chờ vào ý chí tiến thủ của mình mà thôi, lo gì”.             

  • Thu Hiền - Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhọc nhằn đời "vạc"  (12/05/2006)
Nghề tạo mái tóc đẹp cho chị em   (10/05/2006)
Khát đắng Lại Giang   (08/05/2006)
Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ   (03/05/2006)
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (01/05/2006)
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)
Góc ẩm thực xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn   (14/04/2006)
Giáo sư Trần Đình Long - một trí thức anh hùng  (10/04/2006)
Nơi đánh thức lòng tự hào dân tộc  (07/04/2006)