Hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên
Cuộc hội tụ ấm nồng bầu bạn
10:32', 19/5/ 2006 (GMT+7)

Vậy là ngày Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần 8 (vòng III) đã đến. Những náo nức, chờ mong của đơn vị đăng cai là Báo Bình Định đã chạm ngõ tới hiện thực. Hôm nay (ngày 19-5), Hội thảo chính thức khai mạc, những cuộc bàn thảo hứa hẹn sẽ rất sôi động chung quanh chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương”. Trước khi vào Hội thảo, các nhà báo có một ngày cùng nhau tham quan các địa điểm đặc sắc của Bình Định là Bảo tàng Quang Trung, Khu du lịch Hầm Hô và Khu kinh tế Nhơn Hội đã để lại những ấn tượng khó phai.

* Ngày chờ đợi

Thực ra sự chờ đợi của những người làm báo Đảng ở Bình Định về cuộc hội thảo này đã có cả một quá trình, nhất là từ sau Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 7 (vòng III) được tổ chức ở Lâm Đồng mà ở đó Báo Bình Định được vinh dự nhận nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội thảo lần thứ 8. Mọi sự chuẩn bị được Ban biên tập chỉ đạo đến từng chi tiết nhỏ. Ban Tổ chức Hội thảo được thành lập rồi các ban Nội dung, ban Vật chất - Khánh tiết cũng ra đời để cùng hướng về mục tiêu chung tổ chức một cuộc Hội thảo đảm bảo chất lượng về nội dung và để lại được những dấu ấn tình cảm sâu sắc về vùng đất và con người Bình Định.

 

Các đại biểu dự Hội thảo tham quan Nhà Bảo tàng Quang Trung nghe thuyết trình về sự nghiệp Nhà Tây Sơn. Ảnh: H.Yến

Và rồi cái ngày chờ đợi chính thức đã đến.

12 giờ 29 phút ngày 17-5, đoàn đại biểu dự Hội thảo của Báo Đà Nẵng xông đất hội thảo. Có lẽ hiểu rõ Tổng biên tập Báo Bình Định - anh Trần Trung Kiên - là người rất mê cái khoảnh khắc quá Ngọ một tí nên Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn đã chọn thời điểm này để thành người xông đất hội thảo.

Và rồi lần lượt các đoàn đại biểu của các báo bạn tụ hội về thành phố Quy Nhơn. Song không phải chỉ báo ở xa nhất: Cà Mau (khách mời) là đến sau cùng mà cả hai báo bạn ở gần nhất là Phú Yên và Gia Lai đã làm nên một tốp 3 ấy!

Ngày đầu tiên, 18 trong tổng số 19 báo Đảng của miền Trung và Tây Nguyên là thành viên chính thức của hội thảo đã có mặt. Chỉ có đoàn đại biểu Báo Lâm Đồng bị trục trặc vào giờ chót phải đến chậm một ngày vì làm lễ tang cho một đồng nghiệp nguyên là phó tổng biên tập.

“Bữa cơm chào hỏi” đạm bạc nhưng nồng ấm bởi hầu như tất cả phóng viên, biên tâïp viên của Báo Bình Định đều có mặt… Tay bắt mặt mừng và những cuộc trò chuyện rôm rả làm tan biến những mệt mỏi đường xa…

*  Những tình cảm nồng ấm

Nhà báo Ý Nhi (Báo Quảng Ngãi) không giấu được niềm vui khi gặp lại những đồng nghiệp xưa cùng chung Báo Nghĩa Bình. Chị bảo: “Mình vừa mới được đi Hà Nội 2 tuần, lẽ ra hội thảo này để người khác đi nhưng chủ trương của Tổng biên tập là ưu tiên cho những ai từng làm việc ở Báo Nghĩa Bình cũ để vừa dự hội thảo lại có cơ hội thăm lại bạn bè xưa, vậy là mình đi ngay…”.

Ngoài chị Ý Nhi còn có một số đại biểu khác cũng “một công đôi việc” như vậy. Báo Kon Tum có đến 2 người khá quen thuộc với các ngả đường ở thành phố Quy Nhơn là chị Lê Thị Tuất, quê ở Nhơn Phong và anh Lê Hồng Hải làm rể ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn. Chị Tuất tâm sự: “Mỗi năm trở lại Quy Nhơn, tôi thấy bộ mặt của thành phố lại có sự đổi thay. Tôi thích nhất là những bãi cỏ trải dài dọc đường Xuân Diệu. Bên cạnh sự sầm uất của thành phố, bãi cỏ này đem lại cho tôi cảm giác bình yên và thơ mộng”. Ở Báo Ninh Thuận có anh Mai Ty nhân dịp này đã đưa cậu con trai đi cùng để được về quê nội ở Cát Khánh, huyện Phù Cát. Với chị Lê Thị Minh Hải (Báo Đắk Lắk), thì sau 18 năm, từ lần Hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vòng I tổ chức tại Quy Nhơn, nay chị mới có dịp quay lại thành phố biển này và trong mắt chị TP Quy Nhơn đã thay đổi rất nhiều so với hồi đó. Chị kể: “Tôi vẫn còn nhớ những bãi đất trống ở khu sân bay và bãi biển hoang sơ khi ấy”.

Anh Văn Thành Lê (Báo Đà Nẵng) thì tâm sự: “Tôi đã ấn tượng với Bình Định từ hồi còn trên ghế nhà trường qua hình ảnh vua Quang Trung. Sau này, tôi còn được biết thêm Bình Định với những cụm di tích cổ tháp Chămpa, rồi cây cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội. Lần này, mới đặt chân đến Bình Định, anh Lê đã “bao trọn gói” một chiếc xe ôm đi tìm những người câu cá chẽm trên đầm Thị Nại để làm “nhân vật” cho bài viết của mình. Anh Lê bật mí: “Mỗi lần đặt chân đến mảnh đất nào, người ta phải sống và ở cùng thì mới hiểu hết được. Với Bình Định cũng thế. Con người Bình Định, bên ngoài có vẻ khô khan nhưng thật sự lại mang đậm nét phóng khoáng và khẳng khái của quê hương người anh hùng áo vải cờ đào”.

 

Các đại biểu đang nghe thuyết trình về Khu kinh tế Nhơn Hội tại công trường cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Ảnh: H.Yến

* Đề tài nhiều tâm đắc

Với anh Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình) thì ký ức về Quy Nhơn chỉ là một con phố rất cổ và một cái chợ nhỏ trong lần đi lạc ở Quy Nhơn vào năm học lớp 6. Trước khi dự hội thảo này, “sếp” của anh giao nhiệm vụ viết một bài nói về hội thảo để đăng trên trang Xây dựng Đảng của Báo Quảng Bình. Anh Long tỏ vẻ rất hứng thú với nhiệm vụ này và tiết lộ: “Tôi sẽ bắt đầu bài viết của mình về hội thảo báo Đảng tổ chức tại Quy Nhơn bằng những ký ức về thành phố biển này trong lần bị lạc đường ấy”. Khi được hỏi “Anh nghĩ gì về chủ đề của hội thảo lần này”, Long đáp ngay: “Muốn báo chuyên nghiệp thì trước tiên phải đảm bảo đời sống cho phóng viên, sau đó là phải có những phóng viên chuyên nghiệp, thể hiện ở các phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh kỹ thuật số, ghi âm kỹ thuật số…”.

Trần Hữu Nghĩa, phóng viên trẻ của Báo Nghệ An lần đầu tiên đến Bình Định, tranh thủ dạo phố phường, Nghĩa cảm nhận thành phố biển này có những nét tương đồng với thành phố Vinh - những thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Nghĩa cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó, 3/4 là miền núi nên địa bàn tác nghiệp của anh em phóng viên khá rộng, có những chuyến đi công tác phải mất từ 7-10 ngày, nếu không chuyên nghiệp thì tin tức về đến tòa soạn đã mất đi tính thời sự, cảm xúc của phóng viên cũng đã nguội lạnh mất rồi. Theo Nghĩa, muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí nhất định phải có nguồn lực. Ngoài ra, nó cũng phụ thuộc rất lớn vào sự năng động của nền kinh tế - xã hội địa phương.

Dự Hội thảo báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần này có mặt duy nhất một đại biểu Trung ương: Thạc sĩ Vũ Đình Thường, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Vừa đề cập đến tính chuyên nghiệp, anh Thường nói ngay: Tính chuyên nghiệp chính là chất lượng của tờ báo. Nhà báo hoạt động trong các cơ quan báo chí địa phương là nhà báo chuyên nghiệp; công việc của họ là chuyên nghiệp; có điều tính chuyên nghiệp chưa cao. Hay nói cách khác, còn bị hạn chế bởi nhiều điểm: chất lượng thông tin trong các báo Đảng địa phương còn thấp… Bàn đến tính chuyên nghiệp chính là bàn về cách nâng cao chất lượng chuyên môn của hoạt động báo chí, liên quan đến hàng loạt vấn đề trong quá trình làm báo, từ khâu tác nghiệp của phóng viên đến quy trình làm báo của tòa soạn… Tính chuyên nghiệp không chỉ thể hiện trên mặt báo mà cả ở bên ngoài mặt báo như các hoạt động xã hội, quảng cáo… Anh Thường cho biết: báo chí địa phương vẫn còn những hạn chế như thông tin chậm, khó khăn trong chống tiêu cực; nhiều tờ báo địa phương nhưng không chiếm lĩnh được thông tin ở địa phương mà để cho các tờ báo khác chiếm lĩnh.

Nhà báo trẻ Nguyễn Thế Nam, Báo Thừa Thiên Huế, cho biết: “Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một đội ngũ làm báo chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi trong mỗi tờ báo cần có một đầu tàu - tức Ban biên tập “có nghề”, có tâm huyết với tờ báo. Người làm báo phải làm thế nào để tờ báo có thông tin hay, hấp dẫn, được đông đảo công chúng đón nhận và có tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng được một đội ngũ phóng viên mạnh và nhanh nhạy”.

Anh Trương Minh Thắng - Tổng biên tập Báo Đắk Lắk - cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp khá tâm đắc với đề tài hội thảo lần này. Theo tôi, việc nâng cao tính chuyên nghiệp phải góp phần làm cho mỗi tờ báo Đảng địa phương trở thành một kho thông tin về mọi mặt kinh tế - xã hội, một địa chỉ văn hóa mang đâïm sắc thái địa phương, cải tiến nội dung để tờ báo ngày càng hấp dẫn và bổ ích. Muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của báo Đảng địa phương đòi hỏi phải tạo ra một môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp ở từng cơ quan báo chí để mỗi cán bộ, nhân viên nâng cao và phát huy khả năng của mình bằng thái độ tận tâm cùng những giá trị đạo đức nghề nghiệp để hướng đến hiệu quả trong công việc ở môi trường làm việc chuyên nghiệp”.

TỔ PHÓNG VIÊN BAN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (18/05/2006)
Chuyện bên lề của những kỷ lục   (16/05/2006)
Nhơn Hội - hành trình vượt khó   (15/05/2006)
Nhọc nhằn đời "vạc"  (12/05/2006)
Nghề tạo mái tóc đẹp cho chị em   (10/05/2006)
Khát đắng Lại Giang   (08/05/2006)
Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ   (03/05/2006)
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (01/05/2006)
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)
Di tích sau khai quật: Cần bảo vệ và khai thác hợp lý  (25/04/2006)
Chuyện nghề của những ô-sin  (17/04/2006)