Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng tại các khu công nghiệp (KCN) số lượng lao động Bình Định đang có mặt tại các DN ở Bình Dương đã lên trên trên 7.000 người. Người Bình Định được tiếng tay nghề cao, thật thà, kỷ luật tốt nên được nhiều DN ưu tiên tuyển dụng. Không chỉ có vậy, nhiều người Bình Định đã nỗ lực học tập, lao động và kết quả đã vươn lên đứng vào hàng ngũ lãnh đạo của nhiều công ty. Bình Dương trở thành đất hứa của khá nhiều người Bình Định.
|
Các nữ công nhân Bình Định đang gia công tủ thờ thếp vàng tại Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường |
“Công nhân Bình Định”
Cách đây chừng 10 năm, khi ấy ở Bình Định chưa có một KCN, CCN, kinh tế chưa phát triển mạnh như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những người không có việc làm thường xuôi Nam để tìm cơ may và một trong những đích đến được nhiều người chọn là Bình Dương. Quả thật so với TP.HCM, Đồng Nai, cơ may có việc, thu nhập ở Bình Dương không hề thua kém. Trong khi tại Bình Dương, sức ép tiêu dùng, chi phí cho cuộc sống tương đối dễ thở hơn. Vậy là người đi trước kéo người đi sau, cứ thế tạo thành một làn sóng vào Bình Dương tìm việc.
Thật ra ban đầu những lưu dân Bình Định đầu tiên cũng cũng khá vất vả khi tìm việc. Nhưng rồi bản tính cần cù, siêng năng trong công việc, cộng với khả năng tiếp thu cao, dần dần người Bình Định đã chinh phục được những chủ doanh nghiệp khó tính ở đây. Khi biết được chất lượng của công nhân Bình Định, nhiều DN xem yếu tố người Bình Định như điều kiện ưu tiên trong tuyển dụng.
Để nhanh chóng có đủ thợ, thay vì chờ đợi, nhiều DN đã về tận các huyện của tỉnh Bình Định, kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyển dụng lao động. Điển hình là Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Thậm chí, công ty này đã tuyển cả những người chưa có tay nghề để về đào tạo, lại lo cho cả tiền tàu xe di chuyển, miễn phí cơm nước... Bà Trần Thị Tuyết, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường cho biết: “Công nhân Bình Định làm việc rất chăm chỉ, đạt yêu cầu mà công ty đề ra. Khi có hàng nhiều, đối tác ép mình, đành phải tăng ca thường thì chỉ công nhân Bình Định chịu làm. Chính vì thế, công ty mới đưa ra ưu tiên tuyển công nhân Bình Định. Họ giỏi và chấp hành kỷ luật rất tốt”.
Thật ra sở dĩ công nhân Bình Định ứng xử như vậy với DN còn vì khi họ chưa có nghề ngỗng trong tay, DN đã chấp nhận đào tạo nghề - có trả lương thỏa đáng, lại ứng xử có tình nên công nhân không phụ. Không phụ người để người không phụ mình là quy tác ứng xử mộc mạc, chân tình, đã tạo nên thương hiệu công nhân Bình Định không chỉ riêng ở Bình Dương.
Trở lại với Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường. Hiện nay, gần như toàn bộ lao động Bình Định đang phục vụ tại đây đều được công ty bố trí làm việc tại Nhà máy mộc - mỹ nghệ 6. Đây là nhà máy chuyên làm tủ thờ thếp vàng (một dạng sản phẩm đồ gỗ cao cấp bậc nhất, trị giá mỗi chiếc từ 10.000 đến 16.000 USD) cho thị trường Nhật Bản. Ông Dương Thành Phi - Giám đốc Nhà máy mộc - mỹ nghệ 6 cho biết: “Hiện nay, cả nước chỉ có mình Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường làm được tủ thờ thếp vàng theo yêu cầu của các đối tác Nhật. Bởi, các công đoạn để hoàn thành một chiếc tủ thờ thếp vàng rất công phu. Đòi hỏi những người làm công việc này phải có tính cẩn thận và tỉ mỉ. Và nói thật, chúng tôi đã từng dùng công nhân của nhiều vùng nhưng bao giờ chất luợng sản phẩm của thợ Bình Định cũng cao nhất. Riết một hồi chỉ thợ Bình Định mới trụ lại được ở chỗ này”. Ông Phi vừa ngoắc ngón tay cái lên trời ra dấu hiệu, vừa cười - Thợ Bình Định - number one!
|
Dãy phòng trọ của xóm công nhân Bình Định tại ấp Bình Chuẩn, huyện Thuận An |
Từ công nhân vươn lên…
Không những tìm được việc làm, được tín nhiệm nơi “đất khách, quê người”, nhiều công nhân Bình Định còn được đánh giá cao do chịu khó lao động, học tập, phấn đấu. Theo nhận định của nhiều lãnh đạo DN, tỷ lệ người thăng tiến nghề nghiệp từ vị trí công nhân lên hàng ngũ lãnh đạo, làm cán bộ quản lý của thợ Bình Định thuộc loại cao nhất nếu so với công nhân từ các tỉnh thành khác.
Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành là nơi có gần 3.000 công nhân Bình Định đang làm việc. Tại đây, một lần nữa chúng tôi được nghe Ban giám đốc khẳng định về chất lượng của công nhân Bình Định. Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho hay: “Đối với những mặt hàng nào phía đối tác đòi hỏi cao, Ban giám đốc giao trực tiếp xuống cho lãnh đạo và những công nhân Bình Định đảm nhận”.
Công nhân Bình Định có chí tiến thủ rất cao. Ông Nguyễn Thanh Sơn, 54 tuổi, quê ở Tây Sơn, hiện là Quản đốc phân xưởng phôi (Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành) là một ví dụ. Ông Sơn vốn là một thợ mộc, việc làm ở quê thì ít, tiền công thấp. Ông Sơn theo mọi người vào Bình Dương tìm việc và được Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành tuyển vào làm công nhân chế biến gỗ, với mức lương ban đầu xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng. Do có chút ít kinh nghiệm, cộng với sự học hỏi không ngừng nên sau một thời gian, ông Sơn được Ban giám đốc tin tưởng và đề bạt lên làm Quản đốc phân xưởng, với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ông Sơn cho biết: “Số công nhân Bình Định chịu khó làm việc, tự học tập để khẳng định mình đã được Ban giám đốc công ty đưa vào các chức vụ quản lý từ công ty cho đến nhà máy, phân xưởng khá nhiều. Thấy được điều đó, số công nhân trẻ của Bình Định được tuyển vào sau này cũng đang cố gắng, nỗ lực vươn lên để được đề bạt”.
Hành trang văn hóa của anh Huỳnh Ngọc Anh, 35 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) khi vào Bình Dương tìm việc chỉ mới học hết lớp 9. Thế nhưng nhìn thấy tấm gương phấn đấu của các bậc cha anh, anh bèn lẳng lặng đi học bổ túc và dần dần học lên... Giờ đây, Ngọc Anh đã học xong bằng đại học tại chức ngành Quản trị kinh doanh và được Ban giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường đưa lên làm Phó giám đốc Nhà máy mộc - mỹ nghệ 6. Ngọc Anh tâm sự: “Lúc còn làm công nhân, nhiều đêm tôi nằm gác tay lên tráng suy nghĩ, lẽ nào mình vào đây chỉ để làm công nhân thôi. Thế là tôi đi đến quyết định, ban ngày làm ở xưởng mộc, đêm cắp cặp đến lớp để học bổ túc. Học xong bổ túc cấp 3, tôi quyết định nộp đơn thi tiếp vào đại học. Phải có trình độ thì nghề nghiệp mới vững vàng. Cùng một lứa thợ nhưng người đã học đến lớp 12 gần như chắc chắn sẽ tiếp thu nhanh hơn những người chỉ mới hết cấp 2”.
Tại Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường, số công nhân Bình Định chịu khó làm việc, học tập được đề bạt khá nhiều. Nhiều công nhân đã giã từ xưởng thợ để chuyển về văn phòng làm quản lý. Chỉ tính riêng Nhà máy mộc - mỹ nghệ 6 đã có 15 người Bình Định đảm nhận từ tổ trưởng đến quản đốc phân xưởng, xuất phát điểm của họ chỉ là những công nhân.
“Đất lành chim đậu”
Công nhân Phạm Thị Thắm, 23 tuổi, ở Cát Minh (Phù Cát), chỉ mới 3 năm làm việc tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành nhưng chịu khó làm việc, hiện nay mức lương của Thắm 1,6 - 2, 5 triệu đồng/tháng. Thắm bộc bạch: “Làm ở đây không những mức lương cao mà chế độ ưu đãi của công ty cũng khá phong phú. Thậm chí, công ty còn bố trí một dãy nhà trọ dành riêng cho những công nhân Bình Định chưa có nhà riêng như chúng tôi".
|
Các công nhân Bình Định bắt đầu vào làm việc |
Số công nhân vào làm việc lâu năm, giờ đã mua đất xây nhà ở quanh khu vực làm việc cũng không ít. Chị Nguyễn Thị Thường Nhã, 33 tuổi, ở xã Phước Lộc (Tuy Phước), chị vào làm việc ở Bình Dương đã được 13 năm tại Xưởng thếp vàng, Nhà máy mộc - mỹ nghệ 6 (Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường). Chị Nhã đã lập gia đình với một nam công nhân quê gốc Bình Dương cũng làm trong công ty nhưng khác phân xưởng. Sau mấy năm làm việc, vợ chồng chị cũng đã lận lưng ít vốn để mua đất xây nhà. Hoặc như anh Phạm Quốc Bảo, 32 tuổi, ở Phước Lộc (Tuy Phước) vào làm việc tại Bình Dương được 10 năm và anh đã lập gia đình với chị Trần Thị Lệ Quyên, ở Phước An (Tuy Phước) hai người đã có 1 đứa con gái 5 tuổi. Cả hai vợ chồng đều là công nhân Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường, sau bao năm tích góp vợ chồng anh cũng đã mua đất xây nhà ở đây. Anh Bảo cho biết: “Nơi nào sống được là mình định cư thôi”.
Ông Phạm Thừa Tự, Phó phòng Hành chính-Nhân sự, Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành nhận xét: “Lúc ở xưởng, công nhân Bình Định không những làm việc có chất lượng mà còn chịu khó học hỏi để phấn đấu vươn lên. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, tại nơi cư trú họ cũng chấp hành tốt mọi qui định của pháp luật. Lâu nay, chưa có công nhân Bình Định nào bị chính quyền địa phương báo cáo lại với Ban giám đốc công ty là làm mất trật tự nơi cư trú hoặc một vấn đề gì khác”.
Và tất cả những công nhân Bình Định đang từng ngày phấn đấu, khẳng định mình, vì họ đã chọn Bình Dương là quê hương thứ hai để lập nghiệp.
|