Những chuyện buồn ghi được ở vùng tôm
15:59', 23/5/ 2006 (GMT+7)

Chừng bảy tám năm trước, đến vùng tôm ven đầm Thị Nại khu vực thuộc huyện Tuy Phước, bất cứ ngày nào, mùa nào bạn cũng sẽ được nghe khúc hoan ca mang tên tôm, liên quan đến con tôm. Thậm chí lời một ca khúc đã mời hẳn hoi "Mời anh đến vùng tôm quê tôi, nơi đồng xanh, sóng ru ngọt lời, con tôm sú ơi, tôm bạc, tôm đất... Mùa lại về đầm vẫn đưa nôi". Chuyện "nghề tôm" thất bát đã kéo dài từ mấy năm nay. Tôi không hy vọng được nghe nhiều chuyện vui trong chuyến công tác này. Nhưng cũng không ngờ rằng chuyện buồn lại nhiều và nặng trĩu đến mức ấy...

 

Thả tôm, gieo cả nỗi lo

Ông Đặng Văn M., 42 tuổi ở thôn Huỳnh Giản vừa thả lứa tôm giống thứ... 3 trong vụ tôm này và đặt hết hy vọng vào… trời, lòng cứ nóng như lửa đốt. Thả xuống một lứa tôm là thả theo mấy triệu bạc “mồ hôi nước mắt” và cả “lãi mẹ đang đẻ lãi con” nữa. Bởi đây là tiền vay “bốc nóng” - vay 1 triệu đồng trả lãi 60.000 đồng/tháng. Vay nóng chứ có còn ngân hàng nào cho người vùng tôm vay nữa đâu.

Gia đình ông M. đã nợ ngân hàng vài chục triệu đồng rồi. Không biết sẽ đào đâu ra tiền để trả vì những mùa tôm cứ nối nhau thất bát. Mang tôm ra thả lúc này, những tia hy vọng mong manh lắm. Mong manh nhưng lại gánh quá nhiều khát khao: là trả bớt nợ, là kiếm miếng cơm manh áo, là tiền học cho con, là tất tật… Chẳng còn dựa vào đâu khác bởi cuộc sống của gia đình 6 người của ông chỉ biết dựa vào mấy vuông tôm này. Trò chuyện với tôi, mắt ông M. ngân ngấn nước. Ông nói, như thì thầm với chính mình thì đúng hơn bởi nỗi đau: “Cứ bỏ xuống là… chết. Bỏ xuống… chết. Đỏ cả hồ!”. Nhưng, ông vẫn cứ “bỏ” và tôm vẫn chết.

Nỗi đau của ông giờ đã lan sang tôi. Tôi kêu lên xót xa như thể những con tôm kia đã "liền khúc ruột" với tôi: “Ông có biết vì sao tôm chết không? Không biết? Tại sao ông vẫn cứ thả tôm giống xuống?”. Nghe tiếng xẻ chia, đồng cảm, ông M. dốc bầu tâm sự: Thì nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm. Ai cũng lấy nước từ đầm Thị Nại. Tôm bệnh cũng lại xả nước ra đầm Thị Nại làm phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh. Cán bộ thủy sản nói, tôm chết là do môi trường bị ô nhiễm; thả nuôi không theo thời vụ, mật độ nuôi dày… Phải nuôi mỗi năm 1 vụ thôi, hoặc phải ngừng nuôi mấy năm để môi trường thuần. Ngừng mấy năm ư?  Thì cơm áo gạo tiền trong lúc chờ thuần đào ở đâu ra. Đành thế. Biết rõ nguyên nhân như vậy, nhưng ông M. và cả những hộ nuôi tôm khác ở Huỳnh Giản vẫn cứ cầu may, lao vào nuôi tôm, như con thiêu thân. Bởi họ không biết làm thế nào để khắc phục trong khi cuộc sống vẫn cứ đòi hỏi họ phải làm, phải ăn, phải mặc và con cái vẫn phải học hành.

Không thả thì không biết làm gì hơn. Mà cũng chẳng có để thả nhiều. Thả chút ít, hy vọng chút ít. Cứ như mua vé số cầu may vậy. Mà cũng chẳng riêng gì ông M. ở huyện Tuy Phước, suốt một dải các xã ven đầm Thị Nại có rất nhiều hộ như vậy. Đó là những chuyện lo.

 

Những em học sinh này còn được may mắn đến lớp

Buồn hơn một tiếng thở dài

Tại Huỳnh Giản tôi đã gặp một chuyện buồn. Một cậu bé đen đúa, áo quần lôi thôi, hai tay ôm cặp, vừa đi vừa khóc rưng rức. Hỏi ra mới biết chuyện: C- tên cậu bé- đang học lớp 1. Vì không có tiền nộp cho trường nên bị cô giáo đuổi về. Để chứng minh cho tôi tin vào câu chuyện vừa kể, cậu bé nọ lật ngay trang cuối của cuốn vở học trò xộc xệch chỉ cho tôi xem mấy dòng chữ cô ghi: “Đề nghị gia đình nộp tiền thêm 52.000 đồng. Nếu ngày mai (20-3) không nộp thì đề nghị gia đình gặp giáo viên chủ nhiệm lớp tại phòng học…”. Khi tôi đến gặp cô giáo chủ nhiệm của cậu bé để hỏi rõ chuyện này. Cô giáo thanh minh: Em C. học yếu lắm! Tôi rầy la nên tự ý bỏ về chứ nào phải đuổi học vì không nộp tiền… Nhưng còn dòng chữ mà C. đã đưa tôi xem thì sao? Tôi im lặng tạm biệt cô giáo. Thật ra chuyện đau lòng - học sinh vùng ven đầm phải bỏ học vì nghèo khó giờ đã là chuyện phổ biến. Phổ biến đến mức không làm mấy ai phải động lòng nữa. Ngay cả cô giáo nọ, lớp mất một học sinh cô vẫn dửng dưng đấy thôi.

Thế nhưng dù gì đi nữa thì có thêm một học sinh bỏ học, nghỉ học đối với vùng ốc đảo này cũng đang là một gánh nặng đối với công tác phổ cập giáo dục. Từ cái đà nghèo, học sinh sẵn sàng bỏ học vì bất cứ lý do gì. Cấp 1, học sinh có thể nghỉ học vì cha mẹ không nộp được một vài khoản phí nào đó cho trường. Học sinh nghỉ học lòng vô tư vì suy cho cùng các em còn bé quá. Nhưng người lớn. Người lớn, sau nhiều lần chứng kiến cảnh láng giềng cho con nghỉ học, đến phiên mình quyết định đưa ra cũng nhanh hơn. Những người phải quyết định sau, càng ngày lại quyết định càng nhanh. Không thể nói chuyện cho con cái nghỉ học là nhẹ nhõm, nhưng phụ huynh ở vùng tôm cũng ít dằn vặt, bớt ray rứt hơn. Câu chuyện giữa tôi với những phụ huynh có con buộc phải nghỉ vì gia cảnh buồn hơn một tiếng thở dài.

Mà làm sao không buồn sao được nhỉ, sau một ngày toan lo cơm áo, trước giấc ngủ, cứ nghĩ về tương lai sau này của con lại phải tặc lưỡi an ủi - Chừng có tiền, nó lại đi học... Chừng nào là chừng nào thì không ai rõ, không ai trả lời được. Cả một vùng dân cư rộng lớn sống theo nhịp sống của con tôm mà. Người ta nói - Sống chết với nghề... Gọi sống là những ngày vinh hiển, cơm ngon áo đẹp thì dân vùng tôm cũng từng có. Nay chắc đến hồi chết chăng?

Có thể lắm chứ khi mà chỉ vì không nộp được học phí vài tháng, học sinh cấp 2 có thể phải nghỉ học. Giáo viên ở đây đang phải chịu sức ép rất lớn khi tiêu chí thi đua buộc phải “hoàn thành nhiệm vụ thu tiền”. Tâm sự với tôi, không ít giáo viên trăn trở - nhiều khi cứ nghĩ, y như là mình ép học sinh bỏ học vậy. Hoàn cảnh gia đình của nhiều em thương ghê lắm. Thương ghê đến đâu thì cũng chỉ thương được một vài em. Có đâu mà thương cho hết. Nên chuyện buồn cứ buồn thêm khi những hộ nuôi tôm chưa tìm thấy lối thoát bằng ngành nghề khác, và họ đành buồn thêm theo những mùa tôm thất bát.

 

Không ai giúp được họ hay sao?

Lo cái ăn, cái mặc cho con cái là cái lo trước mắt. Lo cho chuyện học là nỗi lo mai sau. Có ai muốn đường con mình đi mai này gập gênh đâu. Nhưng, vâng tôi nghe rất nhiều tiếng nhưng như những tiếng nấc của nông dân khi  nghe hỏi chuyện học của con em.

Đời sống kinh tế khó khăn, chuyện học ở Huỳnh Giản chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, thất học nhiều. Thất học thì trình độ dân trí thấp. Dân trí thấp nên không tiếp thu được kiến thức, ứng dụng được khoa học kỹ thuật và cũng rất khó “vượt lên chính mình”.

Không quá khó để nhận ra sợi dây liên hệ giữa cái sự học và sự làm ăn kia. Quả thật, nếu có trình độ, có học vấn cao hẳn những người nuôi tôm ở Huỳnh Giản sẽ không chỉ nuôi tôm một cách tự phát, hẳn sẽ không nuôi tôm theo kiểu “cầu may” và hẳn cũng sẽ không thất bại đến cay đắng như hiện nay.

Chỉ riêng những nỗi buồn quanh chuyện học ở vùng tôm đã khiến tôi âu lo cho những mùa gặt chữ nghĩa sắp tới. Chẳng lẽ không ai giúp được họ hay sao? Mỗi một chuyện dịch tôm mà sao lâu quá.

  • Quỳnh Hoa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lao động Bình Định ở Bình Dương   (22/05/2006)
Cuộc hội tụ ấm nồng bầu bạn   (19/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (18/05/2006)
Chuyện bên lề của những kỷ lục   (16/05/2006)
Nhơn Hội - hành trình vượt khó   (15/05/2006)
Nhọc nhằn đời "vạc"  (12/05/2006)
Nghề tạo mái tóc đẹp cho chị em   (10/05/2006)
Khát đắng Lại Giang   (08/05/2006)
Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ   (03/05/2006)
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt (*)  (01/05/2006)
Khảo sát cảng thị Nước Mặn: Xưa là phố thị  (28/04/2006)
Làm xu xoa: nghề của người ít vốn   (26/04/2006)
AIA Bình Định là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất  (25/04/2006)