Về Quy Nhơn, nghe người ta bảo “cá nục Thị Nại, ăn mãi không nhàm” tôi làm một cuốc xe thồ ra cửa đầm Thị Nại, mới hay cá nục chỉ là “chuyện nhỏ”. Còn nhiều loại cá độc đáo sản sinh nơi vùng nước lợ (dân gian gọi là nước xà hai), tạo nên một làng câu nghiệp dư và một thú ẩm thực ở thành phố biển này.
|
Anh Võ Xuân Hiền (phải) giới thiệu một loại cần câu mới. |
Tay câu và “làng” câu
Vừa cho xe chạy dọc bờ biển, anh Trần Xuân Hồng vừa kể cho tôi nghe những chuyến theo bạn bè ra cù lao Xanh câu cá. Nghề chính là chạy xe thồ, nhưng thỉnh thoảng anh tranh thủ làm một chuyến ra biển, bởi khó lòng cưỡng lại trước những câu chuyện kỳ thú của biển khơi mà đám bạn rôm rả kể cho nhau nghe sau mỗi chuyến đi. Ra cù lao thích thì có thích, nhưng kể ra cũng hơi xa - anh bảo. Vì thế, anh em trong thành phố Quy Nhơn thường tụ tập thành từng nhóm, 4-5 giờ sáng kéo nhau xuống cầu cảng hoặc các mỏm đá quanh cửa sông, làm một cuộc “đi săn” cá nước lợ. Xong đâu đó, mang “chiến lợi phẩm” về khoe với vợ mà vẫn còn kịp thời gian làm một ly cà phê tán gẫu trước khi đến công sở.
Một trong những người “dụ khị” anh Hồng làm quen với nghề câu là anh Võ Xuân Hiền, nhà trên đường Lê Hồng Phong. Là một tay câu say “nghề”, anh Hiền sắm nhiều cần câu, trưng bày trên giá trông như một bộ sưu tập. Muốn gia nhập “làng” câu, điều kiện đầu tiên là phải có một bộ cần, giá từ 4-5 chục nghìn cho đến 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, anh khuyên đừng mua loại cần “bèo” quá, khi gặp cá bự là tiêu luôn. Nên sắm một bộ cần cầm chắc chắc tay một chút, giá từ vài trăm nghìn trở lên. Siêng đi câu, được con nào, anh đem về nuôi trong bể kính đặt trong nhà, trước là chơi cho đẹp, sau, còn có cái để lai rai mỗi khi bạn bè đến thăm. Hôm tôi đến, trong bể còn một con cá mú cỡ 1 kg tung tăn bơi lượn, xòe bộ vi dập duềnh quanh tảng san hô. Ở bể khác, một đàn cá giò cỡ 3 ngón tay thập thò trong những hốc đá.
|
Các tay câu hành “nghề” tại cảng cá Quy Nhơn |
Mùa câu ở đầm Thị Nại rộ nhất từ tháng 7 âm lịch trở đi, khi gió nồm đã dịu xuống và nước thì bớt trong. Hơn nữa, các loại cá lúc đó đã lớn con nên đi câu dễ trúng đậm. Nói vậy chứ ngày thường vẫn có người đi câu. Đủ các loại cá ngon như hồng, mú, giò, dìa... Ngon nhất là cá giò, nhưng đắt nhất là cá mú. Vì sao? Câu cá giò, một số người không dùng mồi cơm, mà dùng mồi quẹt – một loại mồi mà các tay câu chỉ bí mật to nhỏ “truyền nghề” cho nhau, bởi nó không được tinh khiết cho lắm.
Vị đời lòng cá chẽm
Sau tết Trung thu chừng 15-20 ngày, khi nước lũ trên nguồn đổ xuống, là bắt đầu vào mùa câu cá chẽm - loại cá nổi tiếng ở đầm Thị Nại. Lúc đó, cá chẽm kéo từng đàn từ biển về cửa sông để chuẩn bị cho mùa sinh sản, vì thế, nó còn được gọi là cá vượt. Thân dài, mồm rộng hoác, cá chẽm thuộc loại ăn “đa hệ”, mồi gì cũng xơi tuốt tuồn tuột mà toàn là mồi sống, từ tôm, cua cho đến các loại cá bé. Cá chẽm ăn rất khỏe, một khi đã cắn câu thì chẳng mấy khi sẩy, có con dài đến 1 mét, nặng hơn chục kí lô. Anh Hiền kể, năm ngoái, hai anh em đi câu ở đầu cầu Mò O trên địa phận Phú Yên được 2 con cá chẽm, một con 5 kg, con kia gần 10 kg. Có điều, cá nhỏ thịt ngon hơn cá lớn, giới sành điệu chỉ chọn cá nặng dưới 2 kg, tốt nhất là dưới 1 kg - gọi là cá thầy bói.
Thịt cá chẽm thơm ngon không chê vào đâu được. Tôi đã từng thưởng thức món cá độc đáo này ở một quán nhậu ven biển Quy Nhơn hồi năm ngoái. Gan bùi mà ngọt, mỡ béo mà thơm, bao tử thì dòn dòn mà vừa đủ dai để khách có thể cảm nhận được mùi vị của nó lịm dần trong vòm miệng. Tuy nhiên, cái giá trị nhất của cá chẽm nằm ở bộ lòng, nếu có bán, dân đi câu chỉ bán thịt thôi, còn bộ lòng thì quyết giữ lại. Anh Hiền bảo, theo lệ thường, có xơi được bộ lòng thì lần sau mới câu được cá, bán đi là coi như “thất lộc”, lần sau đừng có mà hòng! Dân sành điệu thường xào lòng cá chẽm với hành, để cho vị hăng hăng, cay cay của hành làm giảm vị béo của cá và làm tăng độ kích thích nước bọt của khách. Lúc đó, một chút rượu Bàu Đá đưa cay sẽ làm cho cuộc thưởng ngoạn văn hóa ẩm thực càng thêm ý nghĩa. Tôi nghĩ, cuộc “vầy duyên” giữa một bên là sản phẩm tinh cất từ tinh ba tú khí của đất trời với một bên là sản phẩm dưỡng sinh từ kho báu hào sảng của biển khơi ấy hẳn đã diễn ra từ lâu lắm, bởi cho đến nay trong dân gian vẫn còn nhắc câu “chưa ăn lòng cá chẽm tươi, xua tay tính lại vị đời đủ chưa”.
|
Đầm Thị Nại là nơi cư trú của nhiều loại ca nước lợ nổi tiếng |
Con nước “hoàng đạo”
Đầm Thị Nại xa xưa là thương trường, rồi trở thành chiến trường thời Tây Sơn – Chúa Nguyễn. Giờ đây, cả một vùng sông nước rộng hơn 5 nghìn ha này là chốn mưu sinh cho người dân sông nước. Kéo theo đó, hàng trăm tay câu không chuyên mỗi sáng sáng đắm mình lặng lẽ giữa trời nước bao la cùng với bộ cần câu kiên nhẫn ngồi chờ phao động cho đến lúc mặt trời nhô lên mặt biển. Anh Huỳnh Ngọc Minh (cán bộ ngành Ngân hàng ở Quy Nhơn), thành viên của “làng” câu Quy Nhơn hôm đó đến nhờ “đồng nghiệp” Võ Xuân Hiền tư vấn để sắm một bộ cần mới. Được một lát, có ai đó gọi điện thoại đến rủ đi câu vào ngày kia, anh Hiền lật quyển sổ nhỏ ra tra cứu một loáng rồi trả lời với đầu kia rằng được, được. Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích luôn, đi “săn” cá cũng phải xem giờ nước lên, nước xuống, như thế mới có nhiều “chiến lợi phẩm”. Rồi anh rủ tôi tham gia đi câu một lần cho biết.
Rất tiếc, hôm đó tôi đã rời Quy Nhơn rồi. Vậy là mấy lần đến thành phố biển này, tôi vẫn chưa có duyên vầy đoàn với anh em “làng” câu khi con nước đã chớm đến giờ “hoàng đạo”.
|