Hơn nửa tháng nay, đầm Thị Nại vùng dọc theo các xã khu Đông Tuy Phước nhộn nhịp hẳn lên bởi những người đi nhủi cua biển giống. Năm nay, cua biển giống xuất hiện nhiều, giá thu mua của thương lái lại cao nên hàng trăm người dân đổ xô ra đầm nhủi cua.
Nhà nhà đi nhủi cua
Mới 4 giờ 30 phút sáng, người dân ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước đã có mặt tại các con lạch ven đầm Thị Nai để đi nhủi cua biển giống. Mỗi người một gọng nhủi (dụng cụ để bắt cua giống), một cái ca nhựa đựng mớ cỏ nước mặn làm dụng cụ đựng cua. Tất cả “đồ nghề” để đi nhủi cua biển giống chỉ bấy nhiêu.
Khi chúng tôi đến, trời chưa tỏ, nhưng đã có cả trăm người, lớn có, nhỏ có, trước, sau đến 4, 5 hàng và nối dài với nhau hơn 500m rà theo ven đầm. Bao nhiêu con người là bấy nhiêu gọng nhủi, cứ hướng xuống mặt nước mà nhủi. Tất cả cứ lầm lũi mà đi tới khoảng 5 - 10 m rồi nâng gọng khỏi mặt nước để thăm dò kết quả.
|
Nhiều người dân đổ ra đầm Thị Nại săn cua biển giống (ảnh: Văn Lưu) |
Chỉ sau 4 lần nhủi, anh Nguyễn Văn Tý, ở xóm Ân Tân, thôn Nhân Ân đã tóm được 6 con cua biển giống, nhỏ bằng đầu ngón tay út. Vừa bắt những con cua nhỏ xíu bỏ vào ca nhựa, anh Tý vừa quay đầu lên bờ nói với tôi: “Cua biển giống chỉ lớn như thế thôi, nhưng có giá lắm đó”.
Đang chăm chú theo dõi động tác nhủi của anh Tý, thì tôi nghe có tiếng la thật to “nhiều quá, nhiều quá” ... Rồi mọi người ngừng lại, vác gọng nhủi lao về nơi cậu bé Nguyễn Văn Trường, ở xóm Ân Tân, thôn Nhân Ân. Cú nhủi vừa rồi của Trường đã bắt được một lúc tới 15 con cua giống. Thế là mọi người chuyển hướng, cùng nhủi xung quanh chỗ Trường vừa... trúng mánh.
Do được mùa được giá nên mọi người đổ xô đi nhủi cua ngày một đông, nhiều học sinh nhân kỳ nghỉ hè cũng đi nhủi cua. Em Đỗ Xuân Hòa, ở thôn Nhân Ân (Phước Thuận) đang học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Siêu ngước mặt, gạt vệt mồ hôi trên trán, cho biết: “Gia đình em có tất cả 7 người, nhưng đã có 5 người đi nhủi cua. Mỗi ngày, riêng phần em cũng đã được 60.000 - 70.000 đồng. Chỉ vài ngày như vậy là em có đủ tiền để mua sách vở khi bước vào năm học mới”.
Còn em Võ Xuân Chí, học sinh lớp 8, Trường THCS Phước Thuận, thì trông có vẻ chuyện nghiệp hơn. Chí cho biết: "Ở đây, cứ đến hè là tụi đi bắt cua, cá, mò ốc bán kiếm tiền để đi học chứ nhà đứa nào cũng khó khăn lắm. Năm nay khá hơn mọi năm, đầu hè đã trúng mùa cua... Nhờ vậy, có thể năm nay sẽ được nghỉ hè chơi mấy bữa".
Ở xã Phước Hòa nhưng người đi nhủi cua biển giống thậm chí còn đông hơn so với Phước Thuận. Ông Trần Văn Bé, ở thôn Kim Đông (Phước Hòa) một người đang nhủi cua cho biết: “Dân ở đây chỉ sống nhờ vào nguồn thủy sản của đầm Thị Nại. Khi thì cua, khi thì tôm hùm, lúc thì vớt sứa... ”. Tùy theo con nước thủy triều lên xuống mà người dân đi nhủi nhiều. Chị Trần Thị Ba, ở thôn Huỳnh Giản (Phước Hòa) cho biết: “Đi nhủi như thế này, trung bình mỗi ngày chúng tôi phải ngâm mình dưới nước 8 giờ đồng hồ liên tục. Khi nước thủy triều xuống đến tầm dưới rúng một chút là đi nhủi, nước lên trên mức đó là phải vác gọng nhủi lên bờ ngồi đợi”.
Trúng mùa, được giá
Thật ra, cua biển giống trên đầm Thị Nại xuất hiện quanh năm, nhưng chỉ rộ từ tháng 4 cho đến tháng 7. Theo những người đi nhủi cua biển giống, năm nay cua biển giống xuất hiện nhiều hơn mọi năm. Trung bình mỗi ngày có người bắt được 40-50 con, thậm chí có người trúng mánh bắt được tới 70-80 con. Ông Võ Xuân Minh, ở thôn Nhân Ân (Phước Thuận), cho hay: “Năm nay cua giống xuất hiện nhiều là do năm rồi, Bình Định xuất hiện nhiều đợt lũ lớn, nên cua sinh sôi, nẩy nở nhiều. Điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi để loài cua sinh trưởng”.
Cua giống xuất hiện rộ, nhưng giá cua vẫn ở mức cao hơn so với mọi năm. Mức thu mua thấp nhất 600 đồng/con, cao nhất 1.500 đồng/con, tùy theo cua lớn, nhỏ. Cua giống xuất hiện nhiều lại được giá, mỗi ngày người dân khu Đông Tuy Phước thu nhập bình quân từ 50.000 đồng - 60.000 đồng/người từ nghề bắt cua. Theo chị Trần Thị Lạc, một đại lý thu mua cua giống tại xã Phước Thuận, mỗi ngày đại lý của chị thu mua khoảng 3.000 con cua giống nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Anh Trần Đình Du, một người thu mua cua biển giống ở xã Phước Thuận cho biết: “Do nuôi tôm thất bại, nhiều người chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Nuôi cua ít bệnh, tiêu thụ đều nên lượng cua giống được tiêu thụ mạnh. Thậm chí cua giống của Bình Định được các con buôn ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam ra mua về bán lại cho các chủ nuôi cua khá lớn”. Bên cạnh lý do như anh Du kể, một lý do khác cũng quan trọng không kém là vì hiện nay nhiều nơi chưa sản xuất được nguồn cua giống. Bình Định cũng đã có kế hoạch nhưng đến nay thì vẫn chưa đi vào sản xuất và cung ứng cua giống ra thị trường.
Theo một cán bộ ngành thủy sản, chỉ nhẩm tính thôi thì hơn nửa tháng nay nguồn cua biển đã đem đến cho nhiều hộ dân một món tiền kha khá. Nhà nào cũng có thêm thu nhập, đỡ phần vất vả trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, những cán bộ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng không khỏi lo lắng vì với cách khai thác cua biển ồ ạt như vậy nguồn cua biển sẽ mất dần cơ hội sinh tồn và hoàn nguyên.
|