Không bất ngờ nhưng kỹ thuật phục chế ảnh bằng vi tính ra đời, rồi chiếm lĩnh và “nuốt chửng” nghề vẽ truyền thần cũng khiến cho nhiều người, bỗng một hôm ngoái lại và thấy như vừa đánh mất một cái gì đó cũ nhưng quý. Dẫu trong cơn bĩ cực nhưng cả người làm nghề lẫn kẻ yêu quý môn nghệ thuật này đều vững tin về một ngày mai…
|
Hơn 30 năm qua, chủ tiệm vẽ Minh Đức vẫn trung thành với nghề vẽ truyền thần.
|
* Thời vàng son
“Truyền thần” là một từ gốc Trung Quốc, có nghĩa là truyền lại cái thần của người được vẽ. Người miền Trung thường gọi là vẽ chân dung. Nếu như Hà Nội những năm từ 1960 đến 1980 có hơn 400 họa sĩ vẽ truyền thần với cả trăm cửa hiệu thì Quy Nhơn cùng thời chỉ có chừng 5 tiệm nhưng cũng nổi lên vài “cao thủ”. Nổi tiếng lúc bấy giờ là tiệm Tân Phong, Đỗ Lê, Thạc Đức. Công ty TNHH Mỹ thuật quảng cáo Đỗ Lê có trụ sở ở đường Đống Đa (TP Quy Nhơn) bây giờ chính là tiệm vẽ Đỗ Lê cách đây hơn 40 năm. Ông chủ tiệm tên là Lê Văn Võ, lúc bấy giờ mới 35 tuổi. Năm 1972 tiệm vẽ Thạc Đức - cái tên khá quen thuộc với người Quy Nhơn bây giờ - cũng ra đời. Sau giải phóng, có thêm tiệm Minh Đức và một số tiệm vẽ chân dung khác.
Nghề vẽ truyền thần lên ngôi khi nghệ thuật nhiếp ảnh còn là chuyện hiếm. Người ta đặt vẽ ảnh thờ, vẽ ảnh chân dung để treo tường, phục chế những tấm ảnh kỷ niệm bị ố vàng, hư hỏng… Vẽ truyền thần là nghề đòi hỏi lòng kiên trì, tính cần mẫn, mức độ tập trung cao. Người vẽ phải có một số kiến thức nhất định về hội họa và giải phẫu học cộng với kinh nghiệm, cảm xúc và trí tưởng tượng.
Trước đây, các họa sĩ vẽ truyền thần theo lối cổ điển thường không bỏ sót chi tiết nào theo ảnh mẫu. Họ chăm chút từng nét vẽ, tỉa từng sợi râu, cọng lông mày, cái nút áo nhân vật. Sau này, do ảnh hưởng từ phong cách hội họa của Pháp, họa sĩ không còn sao chép máy móc nữa mà biết bỏ những chi tiết thừa, đồng thời giữ lại và nâng lên những chi tiết đắt, như một ánh mắt, một khóe môi, một nụ cười hay một nếp nhăn… đủ để làm toát lên cái hồn của bức chân dung.
Anh Lê Hồng Điều - chủ cơ sở quảng cáo Thạc Đức - cho biết: “Một bức vẽ truyền thần đẹp phải đạt 2 yếu tố: giống và tới. Giống là nét nào phải ra nét ấy, nhưng không phải là chép lại hình ảnh một cách cứng nhắc. Còn tới là phải đạt đến cái thần của bức chân dung”. Còn ông Lê Văn Võ thì cho rằng: “Con mắt có sống bức chân dung mới đẹp”. Với anh Trần Minh Đức - chủ tiệm vẽ Minh Đức, một bức chân dung đẹp khi nó giống và sinh động.
Anh Điều lấy cho tôi xem những tấm chân dung cũ mà tiệm Thạc Đức đã vẽ. Có những bức vẽ cách đây 30 năm, giấy đã ố vàng nhưng mực vẽ thì vẫn còn tươi sắc. Và bên cạnh đó là những tấm hình mẫu khách đưa vẽ mà tiệm còn giữ lại, hầu hết đều là ảnh nhỏ, nhòe nét, hư hỏng…
* Cuộc thăng trầm
Trong trí nhớ của ông Lê Văn Võ (năm nay đã 76 tuổi) thì, tiệm vẽ Đỗ Lê thời phát đạt cả thợ và học trò có đến mươi người. Hàng ngày, thợ Đỗ Lê làm liên tục từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm với “chỉ tiêu” mỗi người một ngày phải vẽ được 4 bức chân dung. “Vậy đã ăn thua gì, tiệm Tân Phong mỗi ngày một thợ phải vẽ 6 tấm lận” - ông Võ nói. Riêng ông chủ tiệm thì chỉ vẽ chân dung cho người mẫu thật và tiền công phải gấp đôi so với học trò vẽ lại từ ảnh.
|
Đồ nghề của thợ vẽ truyền thần. |
Những năm đầu giải phóng cũng được coi là một giai đoạn làm ăn được của nghề vẽ chân dung. Ông Võ kể: “Lúc đó khách đông lắm. Sau bao nhiêu năm chiến tranh mới gặp lại nhau, nhiều người muốn vẽ lại chân dung người thân trong gia đình từ những tấm hình chụp kỷ niệm ngoài Bắc, trong Nam, ngoài chiến trường. Cũng có những người yêu cầu vẽ lại ảnh các liệt sĩ”. Những năm 80 của thế kỷ XX, Quy Nhơn còn có cả một hợp tác xã mỹ thuật, do ông Lê Thược - chủ tiệm vẽ Thạc Đức lúc bấy giờ - làm chủ nhiệm.
Không ai rõ nguồn gốc của nghề vẽ truyền thần, và theo nhiều họa sĩ thì cũng chẳng có trường lớp chính quy nào dạy môn vẽ này cả. Anh Lê Hồng Điều kể: Trước khi mở tiệm vẽ Thạc Đức vào năm 1972, cha anh đã từng theo học Trường Trung cấp Mỹ thuật Gia Định. Còn vẽ chân dung thì ông mày mò tự học lấy. Sau đó, ông Lê Thược đã dạy cho các con trai của mình nghề vẽ chân dung. Chính anh đã được cha luyện vẽ chân dung với hình mẫu là chân dung các nhà khoa học nổi tiếng trong cuốn sách “Cuộc đời và sự nghiệp”. Mỗi ngày anh phải hoàn thành 6 bức bằng ngòi bút lá tre chấm mực. Vẽ xong rồi thì vẽ lại, cứ thế cho đến khi thuần thục”.
Thế rồi, sự xuất hiện của ảnh kỹ thuật số với các công nghệ xử lý ảnh hiện đại đã khiến nghề vẽ truyền thần thành lỗi mốt. Ai cũng công nhận tranh vẽ truyền thần là một tác phẩm nghệ thuật thật sự bởi nó có hồn, nhưng chờ vẽ xong một bức truyền thần thì lâu quá. Thay vào đó, với máy ảnh kỹ thuật số, máy scan, máy vi tính, phần mềm photoshop… người ta đã có thể lưu lại hình ảnh của mình, giữ những bức ảnh cũ, chỉnh sửa, phục chế ảnh hư hỏng một cách dễ dàng. Một họa sĩ vẽ chân dung cười buồn: “Nay, hình nào vi tính bó tay, không phục chế được thì người ta mới mang đến thợ vẽ”. Và cứ thế, nghề vẽ chân dung dần tàn lụi. Nhiều tiệm vẽ chân dung nổi tiếng ở Quy Nhơn đã chuyển nghề. Sau khi ông Lê Văn Võ nghỉ nghề vì sức khỏe không cho phép, Công ty TNHH Mỹ thuật quảng cáo Đỗ Lê do con trai ông làm chủ chỉ chú trọng vào việc thiết kế mẫu, bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo. Tiệm vẽ Thạc Đức thì nay chuyên vẽ bảng hiệu, làm hộp đèn quảng cáo, cắt decal vi tính, in hifplex… Ngay cả khi đời sống hội họa tại Quy Nhơn được khuấy động bởi sự ra đời của của Fine Art Gallery tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn thì hầu như cũng rất ít người quan tâm đến tranh chép, ảnh chân dung, dù thời gian đầu đã có hẳn một người chuyên chép tranh, vẽ chân dung thường xuyên làm việc.
* Niềm tin vào hồi thái lai
Nhưng điều đó không có nghĩa là ở Quy Nhơn, nghề vẽ truyền thần đã chết hẳn. Gần 30 năm qua, ông chủ tiệm vẽ Minh Đức (đường Tăng Bạt Hổ) vẫn trung thành với một kiểu vẽ truyền thần và… sống khỏe với nghề. Khi tôi đến, anh Minh Đứùc đang hoàn tất bức vẽ khổ 45 x 60cm với mẫu là tấm hình khổ 10x15cm chụp ảnh bán thân một cô gái. Cô gái trong bức tranh trông sống động hơn rất nhiều so với ảnh chụp. Anh Đức cho biết người trong tấm ảnh là một Việt kiều và cô muốn vẽ phóng to tấm hình này để mang sang Mỹ. Trên tường nhà anh còn treo một vài bức tranh vẽ lại từ ảnh chụp, một vài bức tranh chép, ảnh chân dung minh tinh màn bạc Hollywood.
|
Tiệm vẽ Thạc Đức sau ngày giải phóng.
|
Ở Quy Nhơn bây giờ, có lẽ chỉ mình ông chủ tiệm vẽ Minh Đức là còn sống chết với nghề vẽ chân dung. Gắn bó lâu năm với nghề, có kinh nghiệm, vẽ đẹp đó là những lý do khiến tiệm Minh Đức được nhiều người cả trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả Việt kiều, biết đến. Có lần, anh đã vẽ ảnh chân dung cho người thân trong gia đình một huấn luyện viên điền kinh người Hàn Quốc đang làm việc tại Sở TDTT Bình Định. Và anh cũng đã từng từ chối lời đề nghị hợp tác làm dịch vụ mỹ thuật quảng cáo từ mấy người quen để chuyên tâm với nghề.
Một lần đến tiệm quảng cáo Thạc Đức, tôi gặp một cô gái đến đặt vẽ lại chân dung của cha mẹ cô từ một tấm hình cưới mà họ chụp cách đây hơn 50 năm. Tấm hình nhỏ xíu, cỡ khổ 4x6 cm. Cô gái kể: “Em đã mang tấm hình này đến tiệm vi tính phục chế một lần rồi nhưng ba má em bảo thấy có vẻ… giả giả, nên em mang đi vẽ. Ảnh vẽ thì có thể không giống 100% nhưng chắc là trông có hồn hơn”. Và ông chủ tiệm Thạc Đức, dù mỗi tháng chỉ nhận được vài yêu cầu vẽ chân dung như vậy nhưng vẫn không bỏ hẳn nghề. Lý do anh Điều đưa ra thật đơn giản nhưng cũng trĩu nặng chuyện đời, chuyện nghề: “Tôi vẫn làm nghề vì thích, vì rất sợ bị lụt nghề, và khi về già còn có cái gì đó để tự hào về nghề nghiệp của mình”. Rồi anh dự đoán: “Khoảng 15 năm nữa nghề vẽ truyền thần sẽ khôi phục vì nhu cầu luôn thích đổi mới của con người và vì cho dù máy móc, phần mềm có tinh xảo đến đâu chăng nữa thì ảnh phục chế cũng chỉ là sản phẩm công nghiệp nên nó thiếu hẳn cái hồn, cái thần của nhân vật”.
Còn anh Tuấn, chủ dịch vụ quảng cáo Phương Nam, đã có thời kỳ hợp tác với một người vẽ chân dung để cùng làm nghề nhưng rồi sau đó đường ai nấy đi vì: ế ẩm. Tuy nhiên, Tuấn vẫn nuôi niềm tin: “Khi đời sống khá hơn, người ta lại quan tâm đến nghệ thuật hơn, nghề này sẽ thịnh trở lại và tôi sẽ lại cầm cọ”.
|