Giá dịch vụ y tế mới: Sự cần thiết phải điều chỉnh
9:43', 1/6/ 2006 (GMT+7)

Báo Bình Định số ra ngày 25-5 đăng bài viết "Tăng viện phí: Kẻ cười người… méo mặt", báo động về việc giá viện phí mới sẽ làm cho người bệnh… không thể chịu nổi! Chúng tôi nghĩ rằng UBND tỉnh hoàn toàn có thể điều chỉnh giá viện phí mới bởi không lý gì đội ngũ thầy thuốc đã được người dân nuôi dưỡng bằng nguồn ngân sách do chính họ nộp thuế giờ lại phải còng lưng ra trả công dịch vụ cho đội ngũ này.

 

Thực tế hiện nay nhiều cơ sở y tế rất lúng túng khi triển khai thu theo bảng giá dịch vụ mới do có nhiều nội dung chưa được giải thích rõ ràng. Trong ảnh: Cấp cứu bệnh nhân ở khoa HSCC Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Bắt đầu từ ngày 1-5-2006, tỉnh Bình Định thực hiện biểu giá dịch vụ y tế mới do UBND tỉnh ban hành theo tinh thần của Thông tư số 03/2006/TTLT- BYT-BLĐTBXH-BTC về việc bổ sung Thông tư số 14/TTLT ngày 30-9-1995 của Liên Bộ Y tế- Tài chính- Lao động thương binh xã hội- Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn việc thu một phần viện phí. Theo biểu giá này, có gần 1.000 dịch vụ y tế mới người bệnh phải thanh toán cho các bệnh viện, chưa bao gồm tiền ngày giường, tiền chi phí các dịch vụ xét nghiệm, tiền thuốc men và vật tư tiêu hao… Nói chung, đây là tiền công mà người bệnh phải trả cho nhân viên y tế khi họ làm các dịch vụ cho người bệnh. Tuy nhiên biểu giá mới này đã đặt lên vai người bệnh ở Bình Định gánh nặng quá sức!

* Nhiều bất cập

Một bệnh nhân ở khoa cấp cứu trước đây sử dụng máy thở không tính tiền thì bây giờ phải trả 150.000đ/ngày cho cái máy thở ấy. Người bệnh lọc máu trước đây toàn bộ chi phí là 300.000đ thì nay phải trả cho việc chạy máy là 1.000.000đ/lần. Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng siêu âm trước đây đối với sỏi thận, niệu quản tán lần thứ nhất là 1.500.000đ, lần thứ hai là 1.000.000đ, lần thứ ba là 800.000đ (nếu sỏi chưa tan hết). Đối với tán sỏi ở bàng quang thì giá lần 1 là 1.000.000đ, lần 2 là 800.000đ, lần 3 là 600.000đ. Với chi phí trên, trung tâm đã có lợi nhuận vậy mà hiện nay, bảng giá mới quy định cứ mỗi lần tán sỏi thận, niệu quản, bàng quang là 2.000.000đ, chưa kể thuốc men. Các phẫu thuật thần kinh cột sống trước đây chi phí trung bình một ca khoảng 15.000.000đ thì bây giờ người bệnh phải trả thêm tiền công là 3.500.000đ. Mổ ruột thừa chi phí toàn bộ trước đây là khoảng 1.000.000đ thì nay phải trả thêm 1.000.000đ tiền công cho thầy thuốc. Mổ u xơ tiền liệt tuyến theo phương pháp nội soi trước đây tính toàn bộ chi phí là 2.500.000đ thì nay phải trả thêm tiền công là 1.500.000đ. Có nhiều thủ thuật trước đây hoàn toàn không tính chi phí thì nay phải tính rất cao như: thử phản ứng thuốc kháng sinh trước khi tiêm: 30.000 đ, chọc dò tủy sống để làm xét nghiệm: 35.000đ. Tiền công bóc các loại u nhỏ ở da trước đây chỉ 45.000đ, thì nay là 120.000đ. Cá biệt nhiều loại thủ thuật có giá cao hơn nhiều các thủ thuật hiện nay đang làm ở các phòng mạch tư nhân như: nạo VA tư nhân là 50.000đ thì bảng giá là 100.000đ. Nhổ răng đơn giản ở dịch vụ tư nhân 50.000đ thì bảng giá là 100.000đ…

Ở các dịch vụ thuộc ngành chấn thương chỉnh hình thì giá phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít là 2.500.000đ nhưng phẫu thuật lấy đinh, nẹp vít (rất đơn giản) lại phải trả 1.200.000đ! Nhiều thủ thuật đơn giản nhưng giá chi phí do bảng giá mới quy định lại quá cao và bất hợp lý. Giá dịch vụ siêu âm thăm dò loãng xương một số bệnh viện đang áp dụng là 30.000đ thì nay phải thu 80.000đ !

Thực tế hiện nay nhiều cơ sở y tế rất lúng túng khi triển khai thu theo bảng giá dịch vụ mới này do có nhiều nội dung chưa được giải thích rõ ràng như: giá các thủ thuật, phẫu thuật được xếp loại 1, 2, 3 bao gồm vật tư tiêu hao cần thiết trong cuộc mổ nhưng không bao gồm vật tư tiêu hao đặc biệt. Vậy thì cái gì là vật tư cần thiết, cái gì là vật tư đặc biệt lại không được bảng giá hướng dẫn…

* Biểu giá mang tính áp đặt

Thông tư 03 liên bộ đưa ra một khung giá rất rộng để các địa phương dựa vào hoàn cảnh kinh tế- xã hội mà lựa chọn mức giá chính thức phù hợp. Tuy không quy định cụ thể, nhưng đọc Thông tư này mọi người có thể ngầm hiểu rằng: khung giá tối đa sẽ  áp dụng cho các cơ sở y tế nằm ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá trung bình sẽ áp dụng cho các tỉnh khu vực đồng bằng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và giá tối thiểu dành cho các tỉnh vùng núi cao, các tỉnh kinh tế quá khó khăn. Việc đưa ra một khung giá rộng như vậy để các địa phương tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định biểu giá dịch vụ cho các cơ sở y tế trong địa bàn quản lý, làm sao người dân có thể chịu đựng được. Ví dụ: Tiền công nạo VA ở trẻ em có khung giá từ 30.000đ -100.000đ. Phẫu thuật nhổ răng đơn giản từ 30.000đ - 100.000đ, đo thị lực từ 25.000đ - 40.000đ, hút thai dưới 12 tuần từ 30.000đ -  80.000đ. Phẫu thuật đặc biệt từ 500.000đ - 2.500.000đ, loại 1 từ 300.000đ - 1.800.000đ, thủ thuật loại đặc biệt từ 300.000đ- 1.200.000đ... Đối chiếu các mức khung của Thông tư 03 với bảng giá dịch vụ của tỉnh Bình Định thì gần 100% giá các dịch vụ được đẩy lên mức tối đa, kể cả nhiều dịch vụ y tế chưa làm được ở tỉnh Bình Định cũng được cho vào bảng giá để dự phòng.

Mặc dù trong thâm tâm một số nhà quản lý y tế vẫn cho rằng bảng giá mới quá cao, không phù hợp với thực tế và trước khi tỉnh ban hành bảng giá, một số bệnh viện đã đề nghị mức giá thấp hơn nhiều song do khuynh hướng chung của các cơ sở y tế là thu càng nhiều càng tốt nên họ đã "không có ý kiến gì" khi tiếp nhận bảng giá mới này. Tuy nhiên điều bất hợp lý ở đây là người bệnh và gia đình phải trả công cho thầy thuốc một khoản kinh phí quá lớn trong khi chính họ đã hưởng nguồn lương từ ngân sách do người dân nộp thuế.

* Cần điều chỉnh

Chúng tôi cho rằng, ngay cả liên bộ khi ban hành khung giá dịch vụ y tế mới cũng không có cơ sở khoa học bởi chính Thông tư 03 cũng không giải thích rõ những nội dung và quy định thế nào cho phù hợp với các địa phương. Bộ Y tế chỉ có yêu cầu các cơ sở y tế không được tính tiền khấu hao máy móc, thiết bị và chi phí đào tạo vào giá dịch vụ mới. Thế nhưng thực tế trong bảng giá cho thấy nhiều máy móc thiết bị y tế khi sử dụng bệnh nhân phải trả tiền, đó chính là tiền khấu hao. Hơn nữa, đã là tiền dịch vụ thì phải tùy thuộc vào trình độ, năng lực chuyên môn để trả công tương xứng (dịch vụ do giáo sư, tiến sĩ thực hiện phải cao hơn so với bác sĩ; dịch vụ do bác sĩ thực hiện cao hơn y tá, hộ lý; chi phí do máy móc thực hiện cần trình độ chuyên nghiệp cao hơn chi phí không chuyên nghiệp).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, nhiều địa phương và bệnh viện tuyến trung ương chưa ban hành được bảng giá dịch vụ mới. Một số bệnh viện trung ương ban hành chọn mức giá tối đa thì Bộ Y tế đã ra công văn trả lại và yêu cầu thẩm định lại tất cả các giá dịch vụ đã chọn, giải thích chi tiết tại sao chọn mức giá đó cho từng dịch vụ. Ngày 8-5-2006, Bộ Y tế lại ra công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư 03, cụ thể nếu địa phương nào chưa quyết định được mức giá cụ thể thì tạm thời quy định lấy mức tối thiểu của khung giá làm căn cứ thu phí của người bệnh và cả bệnh nhân BHYT. Điều đó chứng tỏ Bộ Y tế cũng đã nhận thấy mức giá tối đa là không chấp nhận được.

Đời sống của đa số nhân dân tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, các cơ sở y tế chưa thật sự có đầy đủ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao để xứng đáng với tiền công ở mức cao nhất thì việc điều chỉnh lại tiền công dịch vụ cho phù hợp là một việc cấp bách và cần thiết. Với mức giá dịch vụ gần như tột khung mà tỉnh Bình Định đưa ra hiện nay sẽ tạo ra những khó khăn không những cho các cơ sở y tế khi triển khai mà lâu dài sẽ ngày càng có ít bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Những người có tiền sẽ chọn đi điều trị tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội vì chất lượng tốt hơn, giá thành có khi lại rẻ hơn. Hoặc giả nếu có điều trị ở Bình Định thì với mức giá quá cao này sẽ khiến người bệnh chỉ còn giải pháp rút ngắn ngày điều trị, trốn viện. Còn đối với bệnh nhân tham gia BHYT thì quỹ BHYT sẽ không thể chịu nổi, dẫn đến hậu quả âm quỹ lớn trong một ngày không xa.

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7 này, hy vọng vấn đề điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới sẽ được coi như một nội dung bàn thảo ở kỳ họp.

  • Nhật Minh - Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bể dâu nghề vẽ truyền thần  (29/05/2006)
Nhủi cua biển giống   (28/05/2006)
“Săn” cá trên đầm Thị Nại   (26/05/2006)
Những chuyện buồn ghi được ở vùng tôm   (23/05/2006)
Lao động Bình Định ở Bình Dương   (22/05/2006)
Cuộc hội tụ ấm nồng bầu bạn   (19/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (18/05/2006)
Chuyện bên lề của những kỷ lục   (16/05/2006)
Nhơn Hội - hành trình vượt khó   (15/05/2006)
Nhọc nhằn đời "vạc"  (12/05/2006)
Nghề tạo mái tóc đẹp cho chị em   (10/05/2006)
Khát đắng Lại Giang   (08/05/2006)
Từ phụ hồ vươn lên làm ông chủ   (03/05/2006)
Nhơn Mỹ bây giờ  (02/05/2006)
Phan Vũ Xuân Hùng - một cử nhân tài năng học tài chơi giỏi  (30/04/2006)