Để Dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (Dự án ADB3) nhanh nhanh chóng được triển khai, 9 hộ dân KV2 và 3 phường Bùi Thị Xuân- Quy Nhơn này đã di dời đúng theo yêu cầu của Nhà nước. Nhưng, đến nay sau 6 năm, Quốc lộ 1 nay đã thông thoáng hơn, họ vẫn mỏi mòn chờ được cấp đất tái định cư…
Mất chỗ ở vì... tự nguyện di dời
Trưa. Nóng hầm hập. Chúng tôi bước vào nhà của vợ chồng ông Nguyễn Quý Long và bà Vòng Thị Ngà (KV2 phường Bùi Thị Xuân). Đứa cháu trai mới 2 tháng tuổi đang ngủ bỗng khóc ré lên khi đột ngột xuất hiện 3- 4 vị khách lạ trong căn nhà quá chật chội, rộng khoảng 20m2, xung quanh quây tạm bằng bìa carton, mái tôn thấp lè tè. Dưới, nền đất chỗ lồi chỗ lõm. Ông Long chìa cho tôi xem Sổ hộ nghèo của gia đình được cấp từ năm 2005, buồn rầu nói: “Sau 6 năm tự nguyện giải tỏa nhà để mở rộng Quốc lộ 1, gia cảnh nhà tôi giờ như thế này đây. Quốc lộ giờ đã thông, rộng hơn nhưng bao giờ chúng tôi mới được an cư, lạc nghiệp thì không ai, không cơ quan nào giải quyết?”.
|
Ngôi nhà bà Hạnh sau khi được giải tỏa là nơi để tạm hàng hóa của những người buôn bán ở chợ Phú tài. |
Được biết, nhà của ông Long trước ở Quốc lộ 1 rộng 42 m2, buôn bán thuận tiện. Sau ngày giải tỏa, ông Long về cất nhà tạm trên khu đất của người em trai. Cả gia đình gồm vợ chồng ông, đứa con trai, vợ chồng người con gái và đứa cháu mới sinh chen chúc trong căn nhà không nước giếng, không nhà vệ sinh. Điện phập phù, lúc mờ lúc tỏ.
Một hộ khác - bà Đặng Thị Hạnh (KV 2) cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, bức xúc khi nói về tình cảnh hiện tại: “Nhà tui trước sát chợ Phú Tài, hàng ngày mua bán lặt vặt vẫn kiếm đủ tiền chợ và dư chút đỉnh. Kể khi nhà bị giải tỏa, tui chuyển sang bán vé số dạo, cả ngày lang thang ngoài đường mà thu nhập lại bấp bênh, không ổn định…”
Ai thất hứa để 6 tháng thành... 6 năm
Họ chỉ là hai trong số 9 trường hợp gia đình có nhà bị giải tỏa trắng trong Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang vào cuối năm 2000. Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Bí thư Đảng ủy phường Bùi Thị Xuân, thời điểm đó trên 600 hộ dân của phường thuộc diện bị giải tỏa. Nhưng chỉ có 9 hộ (Nguyễn Sinh Lợi, Trần Thị Diệp, Vòng Thị Ngà, Lê Ưng, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Thủy Triều, Nguyễn Văn Trung, Hồ Hoài Phong, Đặng Thị Hạnh thuộc KV2 và 3) là bị giải tỏa trắng không còn chỗ ở hoặc còn nhưng diện tích không đủ để ở cho 1 gia đình (dưới 32 m2) nên thuộc diện được cấp đất để tái định cư. Khi đó, Ban Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1 (Ban GPMB) thông báo: hộ nào tự di chuyển, tự lo chỗ ở, được hỗ trợ 20 triệu đồng, nhưng các hộ này chỉ xin nhận đất. Họ chỉ nhận tiền đền bù thiệt hại về tài sản, hoa màu, hỗ trợ tiền ăn và thuê nhà trong 6 tháng để chờ cấp đất mới. “6 năm nay địa phương chúng tôi đã nhiều lần trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét vấn đề này nhưng chưa có hồi âm. Trong vấn đề này, Ban GPMB đã làm việc thiếu trách nhiệm…”- ông Sanh nói.
|
Mặt trước ngôi nhà tạm cất nhờ trên đất của người em |
“Ngỡ chỉ chờ trong 6 tháng, ngờ đâu phải chờ đến 6 năm. Đến mức con gái tôi phải bỏ nhà vào trong miền Nam sống với họ hàng”- ông Trần Văn Hòa nói. Con gái ông Hòa là chị Trần Thị Diệp, nhà bị giải tỏa còn lại chưa đến 20m2, không đủ chỗ cho 7 người ở. Bà Diệp chờ đất mãi không được, cuối cùng đã chuyển vào trong miền Nam. Được biết, cũng vì bức xúc không có đất ở mà một vài hộ nữa cũng đã đi nơi khác làm ăn sinh sống vì không thể chờ lâu hơn được nữa.
Ông Trần Văn Hòa - người thay mặt con gái chờ đất tái định cư mấy năm nay kể lại hành trình chờ được cấp đất tái định cư của những những đồng cảnh ngộ: “Chúng tôi nhiều lần hỏi những người có trách nhiệm trong Ban GPMB khi ấy thì họ trả lời: từ từ rồi trình lên tỉnh giải quyết. Chờ mãi, chẳng thấy giải quyết gì, chúng tôi lại cầm đơn lên hỏi hỏi Sở Tài nguyên - Môi trường. Sở trả lời: theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, việc giao đất ở cho hộ gia đình thuộc trách nhiệm của UBND thành phố. Thành phố chỉ lên tỉnh, tỉnh chỉ xuống thành phố, cứ vậy đã mấy năm nay rồi”.
Trong thời gian chờ được cấp đất, hai con trai của ông Nguyễn Sinh Lợi lần lượt có vợ. Họ phải thuê nhà ở riêng với giá 200.000 đồng/tháng vì căn nhà hiện tại của ông Lợi chỉ còn khoảng 15m2, đủ mình ông ở. Và cũng vì chưa có chỗ ở ổn định nên cả con dâu và cháu nội của ông chưa được nhập hộ khẩu. “Lên phường nhờ nhập hộ khẩu, cán bộ phường bảo nhà ông chật ém sao ở được. Thôi, chờ khi nào có chỗ ở mới rồi nhập luôn thể cho tiện”- ông Lợi kể.
|
…và gian bếp tạm bợ của vợ chồng ông Nguyễn Qúy Long và bà Vòng Thị Ngà | Vô cảm với nỗi khổ của dân
Khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng, phải chăng Ban GPMB và UBND thành phố Quy Nhơn chỉ tính chuyện đền bù thiệt hại vật chất mà chưa nghĩ đến việc phải sắp xếp quỹ đất tái định cư cho các hộ dân này - điều mà tất cả các dự án có việc giải phóng mặt bằng đều phải làm. Chỉ vì nôn nóng thực hiện tốt việc giải phóng mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 1 mà họ đã “quên” đi quyền lợi chính đáng của 9 hộ dân này chăng? Không chỉ quên mà họ quên luôn trong suốt 6 năm. Trong cuộc họp tiếp xúc cử tri phường Bùi Thị Xuân ngày 8-6 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Dương đã cho rằng: đây là khuyết điểm của Ban GPMB và UBND thành phố Quy Nhơn khi đó.
Những người mất chỗ ở nhờ chúng tôi và chính chúng tôi cũng muốn hỏi - Kính thưa các ông (bà) lãnh đạo ở thành phố Quy Nhơn, xin các ông các bà hãy thử đặt mình vào vị trí của chúng tôi để hình dung - phải đợi chờ mòn mỏi đất tái định cư 6 năm ròng rã thì đời sống, sinh hoạt, thậm chí cả hạnh phúc gia đình, tương lai học hành của con em thì quý vị nghĩ gì? Đến nay chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn mới: Với số tiền được đền bù đất đai, nhà cửa vào thời điểm năm 2000, và với cuộc sống khó khăn vì không được “an cư” trong bấy nhiêu năm, cộng với giá đất đã tăng cao như hiện nay, liệu chúng tôi có còn đủ tiền để mua đất tái định cư, cho dù là theo giá của nhà nước quy định? Cách hành xử như thế có phải là vô cảm với nỗi khổ ải của dân hay không?
Ông Võ Vinh Quang - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn:
Sẽ bố trí đất nếu UBND tỉnh chấp thuận..
Về trường hợp của 9 hộ dân này, UBND thành phố sẽ có cách giải quyết sớm. Theo tôi được biết, hiện nay, Quỹ đất tái định cư dành cho các hộ thuộc diện giải tỏa KCN Phú Tài còn 700 lô đất do Ban Quản lý các KCN Bình Định quản lý dành cho khoảng 1400 hộ thuộc diện phải di dời. Tỉnh đã có chủ trương quy hoạch lại một số vùng, một số hộ dân không diện giải tỏa nữa nên quỹ đất tái định sẽ dư ra. Cụ thể, khu tái định cư E655 thuộc phường Bùi Thị Xuân vẫn còn dư. Do vậy, có thể cấp đất cho 9 hộ dân tại nơi này. Chúng tôi sẽ trình lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Nếu UBND tỉnh chấp thuận thì 9 hộ này sẽ được cấp đất tái định cư nhưng mua theo giá quy định của Nhà nước.
Ông Hồ Văn Hòa - Phó Ban Quản lý các KCN Bình Định
UBND tỉnh đồng ý thì chúng tôi sẽ chấp hành
Hiện nay, Khu tái định cư E655 trên phường Bùi Thị Xuân còn dư 11 lô đất ở mặt đường Quốc lộ 1. Nếu UBND tỉnh đồng ý với ý kiến đề xuất của UBND thành phố Quy Nhơn, thì Ban Quản lý các KCN chúng tôi chấp hành. |
|