Cuối năm 2005 đầu năm 2006, Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh đã điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Kiểm, sinh năm 1965 ở thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) bị trượt đốt sống L4-L5, thoát vị đĩa đệm. Sau hai cuộc mổ bệnh nhân này được điều trị với tổng số ngày điều trị là 116 ngày, tổng số tiền Bảo hiểm Xã hội tỉnh phải thanh toán gần 118 triệu đồng (chính xác là 117.919.578 đồng). Bảo hiểm Xã hội tỉnh nghi ngờ có tai biến trong quá trình phẫu thuật và đã gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Bình Định tiến hành kiểm tra, xác minh.
* Bệnh nhân đặc biệt
Theo bệnh án có tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân Lê Thị Kiểm nhập viện ngày 29-12-2005 với chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống L4-L5, chèn ép rễ thần kinh, thắt lưng hóa S1. Chị Lê Thị Kiểm được bác sĩ Phạm Tỵ mổ lần thứ nhất vào ngày 3-1-2006. Lần mổ này, theo bác sĩ Tỵ, là nhằm giải ép rễ thần kinh, bất động đốt sống L4-S1, lấy bỏ nhân đĩa đệm bị thoát vị.
|
Chị Kiểm cùng chồng đã tươi tỉnh lại sau đợt điều trị tại BVĐK tỉnh |
Sau khi mổ bệnh nhân được điều trị với rất nhiều loại kháng sinh, trong đó có những kháng sinh rất đắt tiền như: Tienam tiêm (318.000 đồng/lọ). Cuộc điều trị kéo dài hơn một tháng vết thương vẫn không lành và đã được mổ lại lần thứ hai vào ngày 5-2-2006. Lần mổ này được bác sĩ Phạm Tỵ giải thích là nhằm cắt lọc, làm sạch vết thương do bệnh nhân có cơ địa dị ứng với Betadine và nhiều loại dị nguyên khác khiến nhiều loại kháng sinh không đáp ứng, thậm chí bệnh nhân còn không thể dùng được băng dính bởi gây bong tróc da… Chị Kiểm được điều trị đến ngày 24-4-2006 thì xuất viện.
Bác sĩ Phạm Tỵ cho rằng đây là một trường hợp bệnh rất hiếm gặp do cơ địa bị dị ứng với quá nhiều loại thuốc kháng sinh. Cứ kháng sinh này điều trị vài ngày lại cho kết quả tồi khi vết thương tấy lên, tiết đầy dịch; sử dụng kháng sinh khác tình trạng lại tiếp tục tái diễn... Không khâu, không băng được vết mổ, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống đã phải dùng giấy báo đem hấp vô trùng để làm khô vết thương cho bệnh nhân và sử dụng thức ăn nhiều đạm thay thế kháng sinh để vết thương tự lành. Bác sĩ Phạm Tỵ nói: “Đây là bệnh nhân đặc biệt của chúng tôi. Trong suốt thời gian điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống chúng tôi đã phải huy động một ê kíp bác sĩ điều dưỡng lành nghề nhất của khoa để phục vụ cho bệnh nhân này. Hầu hết công việc đều do bác sĩ thực hiện, cả việc chăm sóc vết thương vào lúc nửa đêm cũng đều do bác sĩ làm. Nếu không tận tình như thế bệnh nhân khó qua khỏi”.
* Bảo hiểm Xã hội nghi ngờ (?)
Tuy nhiên, từ sau ngày xuất viện về nhà, chị Kiểm cho hay đã có nhiều lần các cán bộ của Bảo hiểm Xã hội huyện Hoài Nhơn tìm đến chị hỏi han và “điều tra” về tình hình bệnh tật của chị.
Còn Bảo hiểm Xã hội tỉnh thì rất bất bình về việc phải chi trả một khoản tiền quá lớn để điều trị bệnh cho chị Kiểm. Ngày 7-6, Bảo hiểm Xã hội Bình Định đã gửi công văn số 204/BHXH-GĐC cho Giám đốc Sở Y tế Bình Định “yêu cầu Sở Y tế tiến hành kiểm tra, xác minh và có kết luận chi phí, tai biến trong quá trình phẫu thuật của bệnh nhân để tiện việc thanh toán cho bệnh viện…”.
Làm việc với chúng tôi sáng 13-6, bác sĩ Hà Thúc Chí, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho rằng: “Bảo hiểm Xã hội Bình Định sẵn sàng thanh toán mọi chi phí điều trị cho chị Kiểm tuy nhiên vấn đề mà chúng tôi yêu cầu là phải làm rõ đây là quá trình điều trị bình thường hay do sai sót kỹ thuật. Nếu bệnh viện sai sót thì bệnh viện phải chi phí”. Bác sĩ Hà Thúc Chí tỏ vẻ nghi ngờ lý do “cơ địa dị ứng với nhiều kháng sinh” mà bác sĩ Tỵ đưa ra vì cho rằng trong tổng số chi phí điều trị này có đến hơn 40 triệu đồng tiền thuốc chủ yếu là kháng sinh (!)
* Một chính sách sẽ bị ảnh hưởng
Chúng tôi đến thăm chị Lê Thị Kiểm vào ngày 12-6. Sau gần một tháng rưỡi ra viện giờ trông chị đã tươi tỉnh. Chị đã đi lại được dù vết thương vẫn còn hõm sâu do quá trình tái tạo tế bào chậm chạp. Gia cảnh chị Kiểm không quá nghèo nếu nhìn từ ngôi nhà khá khang trang ở thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân. Chị Kiểm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện theo chủ trương mua bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình. Thẻ BHYT của chị có giá trị từ ngày 15-11-2005, trước ngày chị nhập viện 1 tháng rưỡi, nghĩa là chị hoàn toàn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT. Chị Kiểm tỏ ra khá bất bình với việc “điều tra” bệnh mà cán bộ BHXH vẫn gây phiền cho chị.
Chúng tôi mong rằng vụ việc sớm được xác minh làm sáng tỏ vì nếu dây dưa sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách bảo hiểm tự nguyện toàn dân đang trên lộ trình được khuyến khích.
|