Cầy tơ ký sự
10:41', 16/6/ 2006 (GMT+7)

Ở Hà Nội, nói đến thịt chó người ta không thể không nhắc đến “Khu liên hiệp thịt chó Nhật Tân” với vài chục quán làm ăn rất bài bản. Ở Quy Nhơn, tuy các quán thịt cầy chưa đạt đến trình độ như vậy nhưng các hảo thủ món “mộc tồn” cũng có thể... khoe nhiều điểm: khu phố thịt cầy Nguyễn Lữ nối dài, các quán ở đường Cao Bá Quát, Bạch Đằng, Lê Thánh Tôn, Biên Cương...

* Khúc biến tấu

5 giờ chiều, bà chủ quán thịt cầy Nhật Tân vừa xắt thịt vừa than: “Đến giờ này mà chưa có cầy, mai biết lấy gì bán đây”. Hỏi ra mới biết, mấy bạn hàng bỏ mối, ban đêm mải coi World Cup nên ban ngày lăn ra ngủ, không chịu đi mua chó! Thế mới hay trái bóng World Cup đã lăn đến mọi ngóc ngách cuộc sống, tận cả quán thịt cầy.

 

          Quán thịt cầy Kinh Bắc ở Quy Nhơn. Ảnh: B.S

Dù vậy, dường như thực khách cũng chẳng cần biết đến điều này, họ chỉ quan tâm hôm nay quán có bán không, thịt có ngon không mà thôi nên chiều chiều các quán thịt cầy vẫn tấp nập khách lai rai, tập trung đông nhất ở khu phố thịt cầy đường Nguyễn Lữ nối dài với chừng 4 - 5 quán, trong đó có những quán quy mô cả trăm bàn.

Cầy tơ chế biến theo cách “truyền thống” chỉ có 7 món, nhưng nay thì thực đơn của nó đã biến tấu trên chục món. Trước có luộc, cuốn, nướng, dồi, rựa mận, củn, mẻ, nay lại thêm chả ram, các món um, xào... Quán thịt cầy Kinh Bắc vừa đưa thêm 4 món mới vào thực đơn là thịt quay, đùi um măng, đùi nướng lu, xào lăn và được các thực khách “kết” ngay vì khá ngon, dù giá có cao hơn bình thường. Và tuy cách chế biến cơ bản thì như nhau nhưng thịt cầy ở mỗi quán lại có những hương vị riêng khách quen hương vị nào thì ghiền quán đó.

Món thịt chó có xuất xứ từ miền Bắc, nhưng khi di trú vào miền Trung và miền Nam thì cách chế biến cũng phải thay đổi đôi chút để hợp khẩu vị người địa phương. Anh Khúc, chủ quán cầy tơ ở đường Biên Cương cho hay: “Khi nấu phải phù hợp khẩu vị của người miền Trung là gia vị thêm một ít đường. Món luộc thì chỉ chọn thịt chứ không phải luộc nguyên con và chặt cả xương như ở ngoài Bắc”. Vậy nên, thịt cầy mang đúng phong cách Bắc ở Quy Nhơn, có chăng chỉ là ở cách tổ chức buôn bán, quảng cáo qua các bảng hiệu và những cái tên đầy liên tưởng: Nhật Tân, Kinh Bắc chứ không hoàn toàn ở mùi vị các món ăn.

* Cách quảng bá độc đáo

Còn nhớ, cách đây chừng 20 năm, quán cầy tơ 7 món ở đường Biên Cương khá nổi tiếng không chỉ bởi nấu ngon mà còn bởi cái bảng hiệu độc đáo. Bảng hiệu này không có tên quán mà chỉ có hình một người đàn ông cầm ba toong chỉ vào con chó: “À, nó đây rồi, cờ tây 7 món”. Chỉ bấy nhiêu nhưng cái bảng hiệu đó khiến nhiều thực khách thích thú bởi cách nói lái “cờ tây - cầy tơ”. 

Nay thì nổi danh trong làng cầy tơ Quy Nhơn phải kể đến quán Kinh Bắc. Ông chủ quán là người Kinh Bắc (Bắc Ninh) chính hiệu, mang nghề gia truyền vô Quy Nhơn lập nghiệp cả chục năm nay. Quán của ông đắt khách bởi nhiều lý do: thịt ngon, nhiều món lạ miệng và phong phú các loại rượu. Và có lẽ còn bởi cách quảng bá của ông chủ cũng ngang ngửa với công nghệ tiếp thị thịt cầy ở những vùng khác. Nếu Hà Nội có người in quảng cáo quán thịt cầy lên lịch treo tường thì ông chủ quán Kinh Bắc cũng chỉ thua chút xíu khi cho phát tờ gấp quảng cáo về quán của mình khắp nơi. Ngoài ra, còn có cả cái hộp đèn neon to đùng treo trước cửa quán với dòng chữ: “Điểm hẹn đầy ấn tượng của buổi tối” và “Cuộc sống thật tuyệt vời vì đã có Kinh Bắc”. Đúng là thật ấn tượng với những ai đến đây lần đầu. Còn ở xã Canh Hiển (Vân Canh) có quán thịt cầy trương bảng hiệu chẳng cần nhắc tới cầy, tới chó chỉ mỗi cái tên độc: “Chiều về lại nhớ” vậy mà cũng đã thật gây ấn tượng!

Thịt cầy - hấp dẫn cả người ăn lẫn người bán. Ảnh: Việt Hoàng

* Vừa ăn vừa hồi hộp

Đông y cho rằng thịt cầy là một loại thuốc cường dương bởi có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, chống di tinh và hỗ trợ điều trị các chứng như liệt dương, xuất tinh sớm… Những người lớn tuổi ăn thịt cầy vì nghĩ chúng có công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bồi bổ huyết mạch. Còn những người trẻ, nhất là dân nhậu thì khoái thịt cầy vì so với các món nhắm khác, thịt cầy thuộc loại rẻ mà lại bổ. Chẳng thế mà ông chủ quán Kinh Bắc, cứ hễ ai hỏi sao dạo này trông khỏe thế, lại tiếp thị ngay: “Thịt cầy bổ, mát, ăn nhiều nên mới khỏe đấy!”.

Hiện nay, các quán bán thịt cầy ở Quy Nhơn luôn đông khách, cho thấy nhu cầu về món ăn này đang tăng cao. Nhưng thực tế, việc giết mổ, kiểm dịch đối với loại động vật này hầu như bỏ ngỏ. Một chủ quán kể: “Cầy mua vô nhiều giá lắm, 13.000 - 14.000đ/ký hơi cũng có mà 16.000 - 17.000 đồng/ký hơi cũng có, tùy loại”. Tuy không nói thẳng ra nhưng điều đó cũng cho thấy không tránh khỏi việc có quán mua chó bị đánh bả, chó bị bệnh hoặc chết do bệnh…

Theo các cơ quan thú y, thông thường trong cơ thể của chó bị bệnh có rất nhiều vi trùng độc hại, nhiều loại trong số này không chết khi bị nấu chín hoặc có loại khi chết, xác của chúng vẫn có thể tiết ra độc tố. Nếu ăn phải loại thịt này, rất dễ bị ngộ độc hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm như: lao, bệnh lepto dạng xoắn trùng (gây vàng da, tổn hại gan, sẩy thai). Còn nếu ăn phải thịt chó dại, virus dại từ thịt chó có thể xâm nhập cơ thể người qua các vết xước ở miệng và đường tiêu hóa.

Ngoài ra, một hệ quả khác xảy ra khi nhu cầu về thịt chó tăng cao, chó bán được giá là ngoài những người “lái chó” chuyên đi mua dạo ở các huyện và các tỉnh lân cận, còn xuất hiện những băng trộm chó chuyên nghiệp với thòng lọng, dây xích, bả chó. Nên đây đó trong đêm khuya, người ta vẫn phải nghe những tiếng kêu ăng ẳng đầy thương tâm từ những con chó số rủi gặp phải “cẩu tặc”. Và cũng không phải là không có trường hợp người đi mua chó dạo khi có điều kiện là ra tay bắt trộm chó.

Thịt chó - món ăn khoái khẩu của nhiều người, cũng là cái cần câu cơm của nhiều người. Nhưng ăn sao cho khỏi lây bệnh và bán - mua sao cho khỏi bị lương tâm cắn rứt vẫn là chuyện rất đáng quan tâm.

  • Việt Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Những đôi tay kỳ diệu  (08/06/2006)
Nóng ở các lò luyện thi cấp tốc  (08/06/2006)
Trung tâm dịch vụ việc làm tư nhân: Mỗi nơi mỗi kiểu  (07/06/2006)
Ở những lớp học dành cho trẻ khuyết tật  (06/06/2006)
Giá dịch vụ y tế mới: Sự cần thiết phải điều chỉnh  (01/06/2006)
Bể dâu nghề vẽ truyền thần  (29/05/2006)
Nhủi cua biển giống   (28/05/2006)
“Săn” cá trên đầm Thị Nại   (26/05/2006)
Những chuyện buồn ghi được ở vùng tôm   (23/05/2006)
Lao động Bình Định ở Bình Dương   (22/05/2006)
Cuộc hội tụ ấm nồng bầu bạn   (19/05/2006)
“Cảm ơn bóng đá đã cho tôi biệt danh Lân dzẽ”   (18/05/2006)