Theo báo cáo của Trường THCS Phước Sơn, năm học 2005-2006, trường có 24 học sinh (HS) bỏ học nhưng trên thực tế, số HS bỏ học lại lên đến… 230 em! Lạ thay, đây lại là một trong ba trường được đề nghị công nhận trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh của huyện Tuy Phước.
|
Trường THCS Phước Sơn
|
* 0,9% hay 8,6% học sinh bỏ học?
Đề cập đến vấn đề HS bỏ học, ông Ngô Ngọc Thạch, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Sơn đưa cho chúng tôi xem bản danh sách HS bỏ học năm học vừa qua của trường. Có lẽ, đây là con số để “báo cáo” với cấp trên. Tôi đếm chỉ có 24 HS, chiếm tỷ lệ 0,93% so với số HS toàn trường (57 lớp, 2.561 HS) - một con số thật quá khiêm tốn so với điều tra của chúng tôi. Ngay từ đầu năm học, tính đến thời điểm ngày 5-9-2005, tức là sau hai tuần học trước khai giảng, số HS không tiếp tục đến trường tại Trường THCS Phước Sơn đã là 98 HS. Tuy nhiên, sau ngày 5-9, giáo viên mới chính thức lập danh sách HS trong sổ điểm của lớp. Như vậy, 98 HS bỏ học ngay từ đầu năm học đã không có tên trong danh sách của năm học 2005-2006. Từ ngày 5-9-2005 đến khi kết thúc năm học (15-5-2006), HS của trường THCS Phước Sơn tiếp tục bỏ học thêm 132 em nữa. Cụ thể, tại lớp 7 A3, ngoài 3 HS bỏ học theo báo cáo, trường còn để ngoài danh sách 6 HS khác; tại lớp 8 A3, cả 7 HS bỏ học đều nằm ngoài sổ sách; lớp 8 A5 có 5 HS bỏ học cũng chỉ “lọt” vào danh sách để “báo cáo” có 1 em… Cũng theo ông Thạch, cả 500 HS khối 9 chỉ có duy nhất 1 HS bỏ học nhưng theo sự tìm hiểu chưa đầy đủ của chúng tôi thì ít nhất, số HS bỏ học ở khối 9 đã là 8 em.
Việc HS bỏ học với số lượng lớn không phải là chuyện đột biến ở Trường THCS Phước Sơn trong năm học này. Năm học 2001-2002, chỉ riêng ở thôn Lộc Thượng- một trong 5 thôn khu đông Phước Sơn- số HS bỏ học đã lên đến 78 em. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng đề cập đến chuyện HS bỏ học và hiệu suất đào tạo rất thấp ở trường THCS Phước Sơn với “3 HS vào lớp 6 bốn năm về trước thì lên đến lớp 9 chỉ còn lại chưa đầy… 2 HS”. Thực trạng đó vẫn chưa hề được cải thiện.
|
Gia đình anh Hà Văn Cát ở thôn Lộc Thượng, Phước Sơn và các con, cháu đã bỏ học.
|
* Bệnh thành tích... hết thuốc chữa!
Không dám thừa nhận số HS bỏ học thực tế để có biện pháp khắc phục vì trường THCS Phước Sơn đang phải “chạy đua” với danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Để đạt được danh hiệu này, trường không chỉ có số HS bỏ học phải thấp dưới 2% mà các chỉ tiêu khác cũng đều phải đạt và vượt như: 80% số HS lên lớp thẳng và thêm 5% nữa lên lớp sau khi thi lại… Để đạt được các chỉ tiêu này, trường đã đặt ra yêu cầu về chất lượng bộ môn cho giáo viên (GV) như: các môn Toán, Văn, Anh văn phải có ít nhất 70% số HS đạt điểm trung bình trở lên; các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa phải có ít nhất 80- 85% số HS đạt điểm trung bình trở lên; còn các môn năng khiếu như Nhạc, Họa, Thể dục phải có 100% số HS đủ điểm trung bình... bất chấp chất lượng thực tế của HS. Lạ thay khi nhà trường đặt ra chỉ tiêu, GV nào cũng kêu quá cao so với thực tế nhưng đến cuối năm học, điểm trung bình của HS đều đạt từ 90- 100% (?). Theo điều tra của chúng tôi, “công nghệ” làm điểm để đạt được tỷ lệ 99,8% số HS lớp 9 của trường đỗ tốt nghiệp năm học vừa qua như sau: “Nhà trường yêu cầu GV vô bảng điểm nháp, rồi rà soát lại những HS có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện tốt nghiệp. Em nào không đủ điều kiện thì GV phải nghiên cứu “vớt” lên cho đủ. Sau khi điều chỉnh thì GV mới được ghi vào sổ điểm chính” (?).
Cũng bởi chạy theo những chỉ tiêu thi đua như vậy, nên tuy một bộ phận lớn HS không cần học, học yếu, học kém nhưng một số GV vẫn không “dám” cho thiếu điểm, không “dám” cho ở lại lớp để khỏi bị cắt… thi đua. Tiếc thay, một bộ phận lớn HS của trường phải “ngồi nhầm lớp” đã không đủ kiến thức, sự tự tin và lòng trung thực để đeo đuổi đến cùng cái đích của sự học.
Để hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS, thay vì vận động những HS trong độ tuổi đã bỏ học vào lớp phổ cập, trường đã “cắt” luôn 54 HS lớp 9 lớn tuổi, học kém đưa qua danh sách cho thi phổ cập... Vậy là “một công đôi việc”, trường vừa hoàn thành chỉ tiêu phổ cập vừa tạo thuận lợi cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của HS chính quy cao hơn(?)
Cũng do không dám thừa nhận thực tế vì bệnh thành tích, nên trường THCS Phước Sơn đã né tránh nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng HS bỏ học và cũng không tìm các biện pháp giúp đỡ HS trở lại trường. Việc vận động HS bỏ học ra lớp mang đầy tính hình thức như: trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải làm đúng quy trình về HS nghỉ học như đến nhà vận động phụ huynh… nếu phụ huynh đồng ý cho con nghỉ học thì ký vào bản ghi nhớ và nêu rõ lý do. GV chủ nhiệm chỉ cần lấy được chữ ký của phụ huynh, của cán bộ thôn… là có thể “hết trách nhiệm!”. Bởi vậy, mới có chuyện HS nghỉ học từ năm học trước nhưng mãi đến đầu năm học sau, GV mới đến nhà vận động, cốt lấy cho được chữ ký của phụ huynh(!).
|