Chuyện học ở Nhơn Lý
11:5', 26/6/ 2006 (GMT+7)

Chuyện một gia đình có con đi học đại học (ĐH) ở xã đảo Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) không còn là chuyện…đếm trên đầu ngón tay như năm bảy năm trước nữa. Gia đình nào nhiều thì có bốn, năm con học ĐH, ít thì cũng được một hoặc hai. Nhận thức về việc học ở xã đảo này nay đã khác xưa.

 

Gia đình anh Bạch Xuân Vinh (đứng bên phải, hàng đầu) trong Đại hội tuyên dương các gia đình hiếu học toàn tỉnh lần thứ I năm 2006.

 

Nhà nhà cho con học

Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi với ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch xã Nhơn Lý luôn bị ngắt quãng bởi người dân vào xin giấy chứng nhận của UBND xã. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, người thôn Lý Chánh, nói như phân trần: “Chứng cho cái giấy đặng gửi vào gấp trong đó để làm thủ tục gì đó, nói điện thoại nên hổng nghe rõ. Cứ một tháng là mất 1 triệu đồng tiền ăn uống, thuê nhà. Tốn mấy cũng gắng cho con học, chỉ mong sao thi đậu năm nay”. Chị Thảo có hai con, cháu út mới học lớp 9. Đứa con đầu đang ôn thi năm hai vào trường ĐH Thủy sản. Bà Trần Thị Liên ở thôn Lý Hải, đứng gần, góp thêm câu chuyện: “Nhà tôi bốn đứa, nghèo quá nuôi không nổi. Chỉ có mỗi thằng con cả leo được ĐH”. Người con trai tên Nguyễn Thành Lân, 25 tuổi, mới học năm 2 trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Lân đã bỏ học một năm lớp 9 vì nhà quá khổ. Một năm đi làm kiếm sống, Lân càng thấm thía nỗi khổ hơn, quyết tâm đi học lại. “Mấy đứa kia thất học đã đành, giờ chỉ còn mình nó, dù nghèo nhưng tôi phải cố. Hai đứa em gái nó bảo ba má đừng lo, để bọn con vào trong đó may, kiếm tiền nuôi anh đi học. Thôi đành lấy ngắn nuôi dài vậy”- bà Lân vừa nói vừa lấy tay chặm mắt.

Nói về phong trào học tập của xã, Ông Nguyễn Văn Thanh - mỉm cười: “Chuyện học ở Nhơn Lý nay đã khác xưa nhiều lắm. Cái thời cha mẹ bắt con cái nghỉ học đi làm biển không còn. Mà giờ đây, thậm chí cha mẹ còn định hướng cho con học nghề gì nữa kìa. Nhiều gia đình đang hướng cho con em học ngành thủy sản, kinh tế… đón đầu chờ Khu Kinh tế Nhơn Hội”. Trừ những trường hợp quá nghèo khổ, nhà nào cũng cố cho con đi học ĐH bởi lẽ, nói theo người dân, thì cuộc sống hiện đại ngày nay phải có tri thức. Không có nó, làm gì cũng khó. Nhiều người dân Nhơn Lý chúng tôi gặp còn kể: “Dân Nhơn Lý chúng tôi còn có phố riêng ở Quy Nhơn. Không tin cứ  lại đường Huỳnh Thúc Kháng ở chợ Đầm hỏi là biết liền”. Nhiều năm nay, người Nhơn Lý có điều kiện mua hẳn nhà Quy Nhơn cho con học. Người không có điều kiện lại chung nhau thuê nhà.

Và không chỉ có ở Chợ Đầm - Quy Nhơn. Ngay như ở chỗ tôi đang sống cũng có một đôi vợ chồng người Nhơn Lý mua nhà ở đã mấy năm nay. Chồng bán vé số, vợ đổ bánh bèo hàng ngày nuôi con học. Chị Nguyễn Thị Nga, hiện ở KV6 phường Lê Hồng Phong tâm sự: “Ở bên đó qua đây mua nhà cốt để cho bọn nhỏ tiện việc học hành, thi cử. Lo cho bọn nó xong, bọn tôi về lại quê, hộ khẩu vẫn còn bên Nhơn Lý mà”. Người con trai đầu của chị Nga đang học năm 3 Học viện Bưu chính viễn thông, người con thứ hai đang tiếp tục ôn thi ĐH năm hai.

 

                     Học trò xã đảo Nhơn Lý buổi tan học.

 

Thành một phong trào

Chị Nguyễn Thị Thừa, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Lý nhận xét: “Dẫu chưa có thống kê đầy đủ nhưng mấy năm nay phong trào khuyến học mạnh lắm. Nhà nào cũng có con đi học ĐH”. Được xếp vào hạng “kỷ lục” của xã là gia đình anh chị Mai Thị Quyến - Huỳnh Trọng Thu (thôn Lý Hưng)- có 5 con vào ĐH. Để nuôi con học ĐH, cả hai vợ chồng chị đều trải qua nhiều nghề, thậm chí vào tận thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, nuôi con học ĐH trong đó. Số gia đình có 2-3 con vào ĐH cũng khá nhiều. Còn rất nhiều gia đình có 2-3 con vào ĐH ở xã Nhơn Lý. Điển hình như gia đình anh Bạch Xuân Vinh (thôn Lý Chánh), Nguyễn Thị Lan (thôn Lý Lương), Bạch Thị Chín , Võ Ngọc Liên (thôn Lý Chánh). Họ đều bôn ba với nghề làm biển, buôn bán nhỏ cố xoay sở lăn lộn với cuộc sống lo cho sự nghiệp học của các con.

Các tổ chức đoàn, hội cũng vào cuộc khuyến học. Toàn xã có 13 chi hội khuyến học vói 590 hội viên. Trong đó, các chi hội khuyến học như Chùa Phước Sa, Đồn biên phòng 320, họ tộc Nguyễn Gia hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Mỗi năm, các chi hội khuyến học đều có những phần quà khuyến khích học sinh nghèo học giỏi. Riêng chi hội chùa Phước Sa do Thượng tọa Thích Đồng Tín chủ trì luôn sẵn sàng trợ giúp sách vở, tiền bạc cho học sinh khó khăn khi cần thiết. Mỗi năm chùa đều tổ chức phát học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học, vượt khó học giỏi. Trong khi đó, Quỹ Khuyến học của Gia tộc Nguyễn Gia có đến 40-50 triệu đồng. Số tiền này do dòng họ đóng góp để giúp đỡ việc học cho các gia đình khó khăn, đồng thời khen thưởng, khuyến khích con cháu đạt thành tích tốt trong học tập.

Anh Bạch Xuân Vinh- có 3 con đã tốt nghiệp ĐH không giấu được niềm vui:: “Những ngày cơ cực đã qua, giờ sắp nhỏ đều có công việc làm ổn định. Thời trước mình thất học nên khổ. Giờ đời sống khá hơn lên, phải cho con học cao, có nghề nghiệp ổn định. Rồi gia đình nọ nhìn theo gia đình kia, cũng gắng sức cho con học lên”. Anh Nguyễn Chánh Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Lý nhận xét: Số lượng học sinh đi học ngày càng tăng, tỷ lệ bỏ học cũng giảm đáng kể. Người dân ngày càng quan tâm đến việc học của con cái, không bỏ lơ như những năm trước nữa. Đó là chuyện mừng của Nhơn Lý".

  • Thu Hà - Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Những đôi tay kỳ diệu  (08/06/2006)
Nóng ở các lò luyện thi cấp tốc  (08/06/2006)
Trung tâm dịch vụ việc làm tư nhân: Mỗi nơi mỗi kiểu  (07/06/2006)
Ở những lớp học dành cho trẻ khuyết tật  (06/06/2006)
Giá dịch vụ y tế mới: Sự cần thiết phải điều chỉnh  (01/06/2006)
Bể dâu nghề vẽ truyền thần  (29/05/2006)