Lang thang khắp các vùng đồi, góc núi với những chiếc thuổng, xà beng và những bụng cơm lưng bữa. Khát vốc nước suối, không gặp suối thì bức lá dang nhai cho đỡ dẻo miệng. Mồ hôi, muỗi mòng, rắn rít và những hiểm nguy cực khổ lập tức tan biến mỗi khi họ gặp được một mộ liệt sỹ nằm âm thầm dưới tấm bia được làm từ miếng thiếc to bằng bàn tay. Niềm vui của họ nhân lên theo số lượng mộ liệt sỹ được quy tập về nơi chôn nhau cắt rốn và về các nghĩa trang. Suốt một phần ba cuộc đời họ đã lặng lẽ làm công việc này không phải vì kế sinh nhai và chưa một lần kể lể…
|
5 năm gần đây bác Lưu gần như nằm liệt giường vì căn bệnh mà người ta gọi là “bệnh nhiễm cốt". Để những người như bác phải rụt rè nhờ - hay là anh kêu dùm một tiếng... ta có nghe buốt đến tim óc hay không ?
|
*Những người con của một “Vành đai trắng”!
Đó là câu chuyện về bác Nguyễn Lưu (82 tuổi) và bác Dương Có (81 tuổi) ở thôn Thành Long 2, xã Ân Tường Đông - vùng đất được mệnh danh là “vành đai trắng” của huyện Hoài Ân, một huyện trung du của tỉnh Bình Định. Ân Tường Đông là xã được tách ra từ xã Ân Tường anh hùng.
Ông Nguyễn Văn Sửu-Bí thư Đảng uỷ xã- kể: Vào những năm 1965-1966, trước khi thiết lập hệ thống phòng thủ kiên cố tại khu vực Gò Loi và cụm tác chiến tại đồi 29 Lộc Giang nhằm kiềm chế sức chiến đấu của quân dân Bắc Bình Định, quân đội Mỹ-Nguỵ đã rải thảm chất độc màu da cam và hàng trăm tấn bom xuống các vùng Thạch Khê, Đá Vàng, Đồi Tượng, Đá Đen để “làm sạch” những vùng đất được xem là một trong những căn cứ cách mạng của địa phương này. Không chịu nổi lưới bom, lửa đạn và những cuộc càn quét tàn ác, năm 1967 người dân ở đây lần lượt chạy lánh nạn bỏ lại những ngôi nhà xơ xác. Và, suốt trong những năm tháng chiến tranh, Ân Tường Đông đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân địa phương cùng nhiều lực lượng chính quy từ miền Bắc vào trong công cuộc giải phóng miền Nam.
Hàng ngàn chiến sỹ cách mạng đã vĩnh viễn nằm xuống vành đai này. Đáng nhớ nhất là sự hy sinh của những chiến sĩ của tiểu đoàn quân chính quy tham gia đánh trận Mỹ Lộc (Phù Mỹ). Trong lúc nghỉ chân bên suối, tiểu đoàn bị máy bay địch phát hiện, trận bom chụp sau đó đã cướp đi hàng loạt sinh mạng của các chiến sỹ trẻ hầu hết là sinh viên và họ cũng đã được mang về mai táng ở đây, tại xóm 35, nay được gọi là “ 35 Đá Vàng”.
Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ đã được khởi động. Đây thật sự là những cuộc kiếm tìm gian nan. Bởi lẽ trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt, việc mai táng liệt sỹ ắt cũng sẽ diễn ra vội vã, nên chẳng thể có sự thuận lợi trong việc tìm kiếm. Những ngôi mộ được mai táng chu tất nhất vào lúc ấy là cắm một tấm bia bằng thiếc to chỉ bằng bàn tay, và chúng cũng đã mục nát theo thời gian. Hầu hết là tìm theo trí nhớ của đồng đội và đào kiếm trong sự nhẫn nại. Thế nhưng bằng tâm huyết của những người tìm kiếm, đến nay đã có hơn 400 hài cốt liệt sỹ được quy tập tại nghĩa trang xã, hàng trăm hài cốt của những chiến sỹ có quê quán ở các huyện trong tỉnh đã được quy tập về các nghĩa trang địa phương và cũng chừng ấy nữa hài cốt chiến sỹ quân chính quy đã được thân nhân chuyển về miền Bắc.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu- Bí thư Đảng uỷ xã Ân Tường Đông - thì chỉ riêng hai bác Nguyễn Lưu và bác Dương Có đã tìm được trên 1.000 hài cốt liệt sỹ. Điều đáng nói là họ đã tự nguyện làm việc này một cách vô tư, không hề màng đến một chế độ nào của chính quyền địa phương, của thân nhân liệt sỹ, không e ngại bệnh tật dù trong lúc đào tìm hài cốt không có gì để bảo hộ sức khỏe. Bằng tâm nguyện “đền ơn đáp nghĩa”, họ miệt mài làm…
*Xả thân vì tâm huyết
Để đến được nhà bác Nguyễn Lưu, chúng tôi phải gửi xe dưới một bóng cây rồi cuốc bộ vì con đường bị cắt bởi một cái “cầu chìm” làm bằng những thanh cây rừng bắc ngang qua suối thấp đến gần 1m so với mặt đường. Sự háo hức làm chúng tôi quên đi cái nắng như đổ lửa. Bên trong căn nhà tạm bợ ấy là một nội thất xơ xác: Hai chiếc chỏng tre xiêu vẹo, một chiếc thùng ván dùng để đựng lúa mà …. chẳng có hạt lúa nào nên nó được tận dụng làm cái …bàn thờ! Trên chiếc chõng tre cạnh “bàn thờ”, một ông cụ đang nằm gập người, đôi mắt nhắm nghiền, trên gương mặt lộ rõ vẻ đau đớn. Đó là người mà chúng tôi đang muốn gặp: bác Nguyễn Lưu.
Biết có khách, bác Lưu gượng ngồi dậy tiếp chuyện nhưng cái đau đớn xé người đã níu rịt cái thân xác còm nhom của bác xuống chiếc chiếu cũ rích. Bác thều thào nói lời xin thông cảm - tôi ... bệnh nặng... thông cảm!
Có ai mà không thông cảm cho được khi trên những phần xương da lộ ra ngoài bộ quần áo nhàu nát kia đang sưng lên tấy đỏ, có chỗ nứt ra rươm rướm một thứ nước vàng vàng. Nhất là ở 2 bàn chân bị phù lên, những kẽ chân làm thành những đường nẻ nhỏ. Rất áy náy nhưng đã đến đây rồi thì không thể không hỏi chuyện, chúng tôi xin bác kể cho nghe chuyện đi tìm mộ, hài cốt liệt sỹ. Bác Lưu thều thào: “Có làm gì đâu mà kể, chú! Tôi chỉ đi tìm mộ anh em thôi!”.
Thế nhưng trước sự tha thiết của chúng tôi, sau một hồi im lặng, bác kể: “Trong chiến tranh, tôi bám trụ lại quê hương để làm gì giúp được cho Cách mạng thì làm. Khi bộ đội về đánh đồn Mằng Lăng, tôi tình nguyện làm người chỉ đường. Trận ấy mình thắng. Sau tôi được cách mạng tin cậy cho làm xóm trưởng, sau đó làm nông hội.Vì tôi là người gắn bó với mảnh đất này suốt cuộc chiến tranh, biết nhiều nơi mình đánh nhau với địch nên sau ngày giải phóng, khi chính quyền tổ chức tìm hài cốt liệt sỹ có nhờ tôi làm người chỉ đường. Khi tìm được mộ, lại không ai dám hốt hài cốt bỏ vào quách nên tôi phải “ra tay”…”. Làm riết thành quen, thành “chuyên nghiệp” trong suốt cuộc tìm kiếm kéo dài hàng chục năm.
Ông Bí thư Đảng uỷ xã Ân Tường Đông cảm kích nói: “Hồi ấy chúng tôi chỉ vận động “suông” chứ có chế độ nào cho người bốc mộ liệt sỹ đâu. Cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ đủ “cơ số” rượu và dầu phộng để uống và thoa khi bốc mộ.Vậy mà bác Lưu đã không nệ hà gì và tận tình làm hàng chục năm trời, trong khi bốc được một ngôi mộ đâu phải dễ dàng gì!”. Cái sự “không dễ dàng” của ông Bí thư Đảng uỷ xã Ân Tường Đông được bác Lưu kể rõ: “Hồi đó chủ yếu là ăn cơm của bà ấy để đi bốc mộ đó chú à! (Bác Lưu chỉ tay về phía bà vợ bị điếc nặng đang ngồi bệch dưới ngạch cửa than thở với một đồng nghiệp của tôi về bệnh tình của ông chồng). Sáng ăn một bụng “mì độn cơm”, dỡ theo một vắt, lên uỷ ban nhận rượu, dầu phộng, vải liệm và quách rồi cả nhóm lên đường. Cùng làm với tôi có 2 anh “phụ” nữa là Đỗ Minh và Dương Có. Anh Có vẫn còn sống ở thôn này đấy, nhưng Minh mất rồi. Hồi ấy, mai táng liệt sỹ bộ đội mình thường cắm một tấm bia thiếc sơ sài. Thấy trong đất lấp loá ánh thiếc là mừng lắm. Có hôm đi trúng vùng, tìm được nhiều mộ, mừng quá đào “lút” tới tối, bụng đói cũng mặc. Hên, gặp mộ dễ thì đào nhanh, xui thì gặp mộ nằm bên gốc cây, phải giải phóng rễ cây mới lấy cốt được. Có khi gặp ngôi mộ chôn những 2 người, khi lấy phải cẩn thận rành rẽ phần cốt từng người để khỏi lẫn lộn. Có những hài cốt được bọc cẩn thận trong áo mưa, khi bốc lên nghe sột sệch nước bên trong và rất nặng mùi nhưng hồi ấy không thấy ngại gì hết, miễn sao đưa anh em về an nghỉ được tại nghĩa trang đàng hoàng là vui rồi. Cứ vậy tôi làm róng làm riết. Không làm gấp lỡ mình quên thì sao, nói dại lỡ mình có mệnh hệ nào thì mộ phần, hài cốt của bao nhiêu anh em giờ chỉ còn mình biết chỗ đành vùi sâu trong đất cát vô danh hay sao? Hồi ấy mình lo như vậy nên dốc sức làm, làm không kể ngày đêm, việc đồng áng mưu sinh đành phó thác cho bả. Được cái ngày ấy bả cũng lành, nghe tui động viên là cúc cung đi làm để tui lo việc tìm mộ. Vả lại hồi đó, sau giải phóng cứ nghĩ là mình thì sống đây mà anh em thì còn thất tán trong đất cát, lòng dạ mình nó không yên. Tôi cứ làm như thế, không nghỉ lấy một ngày, được mấy năm là bệnh, 5 năm gần đây thì gần như liệt giường vì căn bệnh mà người ta gọi là“ bệnh nhiễm cốt”.
Cái thân thể sưng tấy kia đã làm bác đau đớn đến cực cùng suốt ngày đêm trong căn nhà hầm hập nóng, căn nhà thấp lè tè này đến gió trời cũng không lọt vào nổi. Cả quãng đời dài sung sức nhất bác đã cống hiến cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nên khi về già, trong tay chẳng có chút của cải nào! Nghe tôi hỏi nguyện vọng hiện nay của bác là gì? Bác đã trả lời ngắn gọn là: “ Chỉ … muốn chết vì bệnh hành hạ đau đớn không chịu nổi”.
Ngoài thu nhập từ mấy sào ruộng, tưởng đến công lao của bác, UBND xã trợ cấp thường xuyên cho gia đình bác 2 xuất gạo (26kg/tháng). Trong hoàn cảnh khốn khó ấy mà bác Lưu lại mang trong mình chứng bệnh độc địa kia, thật quá thương tâm. Và thật đáng trân trọng khi bác không một lời than vãn về cái công việc đã dẫn đến cho bác căn bệnh tai ác này!
Chia tay nhà bác Lưu, chúng tôi tìm đến nhà bác Dương Có để mong được gặp đủ “bộ đôi” từng ăn ý nhau trong một tâm nguyện. Tìm mãi cuối cùng cũng gặp được bác. Nhìn cơ thể còn khá khoẻ khoắn của bác, chúng tôi ngạc nhiên lắm. Biết chúng tôi đã gặp bác Lưu, bác Có hạ giọng buồn buồn: “Tội nghiệp anh ấy, hồi đó dù làm chung với nhau nhưng phần việc chính của chúng tôi là đào và khiêng, còn việc hốt, sắp hài cốt ngay ngắn từng phần vào quách là anh ấy ra tay từ đầu đến cuối. Mà hồi ấy làm gì có bao tay, trong khi hầu hết mộ liệt sỹ đều là mộ mới, chỉ được chôn vào quãng từ năm 1968 đến năm 1972 nên hơi hám còn nhiều. Để chống lại hơi độc thì chỉ có dầu phộng và rượu! Có bảo hiểm, bảo hộ gì đâu nên giờ nhìn ảnh đau đớn tôi thấy xót quá. Kể ra công lao của ảnh thì không phải là nhỏ. Nhưng nghe nói căn cứ theo quy định của nhà nước thì chính quyền cũng không biết xếp ảnh dô chỗ nào nên chỉ biết trợ cấp chút chút! Hay là các chú kêu dùm ảnh một tiếng”.
Kêu một tiếng ư? Sau những tháng năm ròng rã đi tìm mộ liệt sĩ không đặt bất cứ một điều kiện nào, sau khi đem lại nhiều niềm vui cho các thân nhân liệt sĩ và mang bệnh tật lúc cuối đời lẽ nào những người như bác Lưu, bác có lại cứ lặng lẽ ra đi như vậy? Để những người như bác Có phải rụt rè nhờ - hay là anh kêu dùm một tiếng... ta có nghe buốt đến tim óc hay không ?
|