Ác mộng bò lai
11:10', 4/7/ 2006 (GMT+7)

Chỉ mới cách đây hơn một năm, khi phong trào nuôi bò đang rầm rộ phát triển ở Bình Định (BĐ) thì “bò cái” lai là một con vật nuôi “trong mơ” của người nông dân. Nó là "đầu cơ nghiệp”, là cơ hội làm giàu của họ. Ấy vậy mà bây giờ, con bò cái lai bỗng trở thành cơn “ác mộng” của người chăn nuôi…

 

Ở Nhơn Tân hiện có rất nhiều bò lai bị ứ đọng, không tiêu thụ được nhưng người chăn nuôi  không dám giảm chế độ chăm sóc. Ảnh: TS

 

Xóm bò lai... làng bò lai... xã bò lai

Cái “thuở vàng son” của con bò cái lai là ở vào những năm 2001-2003. Trong thời gian ấy, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi bò, tỉnh BĐ đã thực hiện chương trình cải tạo giống và phát triển chăn nuôi bò thịt. Chỉ qua 5 năm thực hiện (từ 2001-2005), tổng đàn bò lai trong tỉnh đã đạt đến hơn 107.400 con, chiếm 42% so tổng đàn. Hiệu quả của con bò lai đã nhanh chóng “hít” người chăn nuôi nhập cuộc.

Những con bò được lai tạo giống tốt có thể đạt trọng lượng từ 500-550kg/con. Và nếu những con bò ấy được chăm sóc kỹ hơn (vỗ béo) thì chúng sẽ đạt trọng lượng từ 600-700kg/con. Hiệu quả kinh tế của bò lai gấp đôi so với bò cỏ, bò cóc và những “làng bò lai” với tỷ lệ bò lai lên đến trên 70% xuất hiện nhiều như nấm. Dù báo chí địa phương cũng có một vài lần cảnh báo hiệu ứng bong bóng xà phòng và đề nghị điều chỉnh nhưng chỉ như đá ném ao bèo, bởi phần đông các cơ quan truyền thông ồ ạt tuyên truyền về mô hình này. Người dân khá lên nhờ nuôi bò, biểu đồ giá bò lai vọt lên gần như theo chiều thẳng đứng. Sự bất bình thường về đầu tư bị bỏ qua và mầm mống về sự thất bại đã nhen lên, nhưng đó là chuyện của hôm nay, còn khi đó từ đầu làng đến cuối xóm ai ai cũng râm ran chuyện tậu bò.

Chỉ tính riêng ở huyện An Nhơn đã có đến 2 xã bò lai là xã Nhơn Khánh và xã Nhơn Hoà. Anh Phạm Xuân Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hoà (An Nhơn) cho biết: “Chỉ riêng ở thôn Long Quang, số lượng bò lai đã chiếm đến 60% tổng đàn của xã. Đặc biệt người chăn nuôi ở đây rất mê bò giống tốt. Nghe ở đâu có bò giống tốt là họ tìm mua ngay dù ở rất xa, dù phải mua đắt hơn mặt bằng tới 3-4 triệu đồng. Dạo đó hễ dân Long Quang đến đâu mua bò là thiên hạ dạt qua một bên cứ như thể... Chelsea đi mua cầu thủ đá banh vậy”. Hoặc như ở xã Bình Nghi (Tây Sơn). Xã này có trên 300 hộ dân thì đã có đến 40% số hộ có nuôi bò. Hộ nuôi nhiều nhất có đến 40-50 con, hộ nuôi ít cũng thường xuyên có vài ba con trong chuồng. Hiện tổng đàn bò trong toàn xã đang có là gần 4.000 con, trong đó chiếm đến 70% là bò lai. Bác Võ Ngọc Anh (68 tuổi) ở thôn 3 (Bình Nghi) tâm sự: “Trước đây, mặc dù con cái tôi khuyên nhủ nên nghỉ ngơi tuổi già nhưng tôi cũng không thể xa mấy con bò được chú à! Già mà còn làm ra kinh tế thì cứ làm chứ! Tôi có 4 con bò lai, trong đó có 3 con sinh sản. Năm nào thuận lợi chúng cho tôi 3 con bê cái thì trừ chi phí chăn nuôi xong 2 vợ chồng già tôi cũng kiếm được hơn 30 triệu đồng…”.

Những khoản thu nhập béo bở như thế tạo thành luồng xóay khủng khiếp cuốn người chăn nuôi vào guồng. Thế là nhà nhà nuôi bò lai, nhất là bò giống. Khi ấy, nếu gia đình nào có vài con bò cái lai trong chuồng thì cầm chắc chỉ trong vài năm là có thể tậu nhà, tậu xe máy. Ngay cả những “kẻ ngoại đạo” với chăn nuôi cũng lùng sục khắp nơi để mua cho được một con bò cái lai. Trước thực tế ấy, mặc dù hằng năm, số bê lai được sinh ra từ chương trình lai tạo đàn bò có đến vài chục ngàn con nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu của nông dân trong toàn tỉnh.

Đến năm 2004, con bò lai là lựa chọn “số một” của người chăn nuôi. Theo đó, những con bò cái lai ngày càng được nhiều người “săn đuổi”, giá của nó được người mua cất nhắc từng ngày. Trong thời điểm ấy, một con bò cái lai (1 năm tuổi) có thể bán được từ 12 triệu đến 17 triệu đồng (tăng hơn gấp đôi). Mặc dù có cái giá cao ngất ngưởng như thế nhưng người nông dân vẫn không ngại ngùng vay Ngân hàng hoặc vay vàng của người bà con để “tậu” cho được một con bò cái lai với khát vọng làm giàu.

Đến “ác mộng” bò lai

Quá nhiều nguồn bò, bò không rõ xuất xứ, bò không qua kiểm dịch, bò già tút thành bò tơ... tất cả những yếu tố này đã biến những làng bò lai thành mồi ngon cho dịch lở mồm long móng. Khi người chăn nuôi chưa hết choáng thì dịch bệnh “đường ruột gia súc” hoành hành ở một số địa phương thuộc huyện Phù Mỹ. Người tiêu dùng e ngại những miếng thịt bò, xoay sang ăn cá, tôm dù giá cả đắt hơn. Thịt bò ế rề. Lập tức việc mua bán bò đông cứng lại. Phong trào nuôi bò hạ nhiệt và tuột xuống không phanh. Con bò cái lai lập tức rơi vào cảnh bi đát.

 

Là một tài sản quan trọng của người phụ nữ này, nhưng con bò trong ảnh chỉ còn 25% giá trị so với cách đây non một năm. Ảnh: Tiến Sỹ

 

Xin được làm một phép phân tích hơi bị dài dòng để bạn đọc có thể thông cảm, hiểu được vì sao bò lai lại là ác mộng của người chăn nuôi, với nông dân.

Vào những năm 2001 - 2004, để mua được một con bò cái lai 1 năm tuổi người chăn nuôi phải mất đến từ 12-17 triệu đồng. Mà nhà nông thì chẳng có mấy ai có sẵn số tiền lớn như thế nên hầu hết là họ vay từ ngân hàng. Người không có đủ điều kiện vay ngân hàng thì vay trong  bà con để mua. Thông thường, ở nông thôn người ta tích lũy tài sản bằng vàng và theo đó chỉ cho vay bằng vàng. Khi giá vàng chỉ mới ở mức từ 6-7 triệu đồng/lạng, mua một con bò cái lai 1 năm tuổi phải mất đến từ 2-3 lạng vàng.

Thế mà nay, dù đã được chăn nuôi qua 3 - 4 năm, con bò ấy chỉ còn có thể bán được từ 4-5 triệu đồng (chưa được nửa lạng vàng). Phong trào chăn nuôi “tắt”, giá trị “bò giống lai” của chúng cũng mất theo và giờ người ta chỉ mua nó với giá trị bò thịt. Mà tính giá trị bò thịt thì chúng lại được đánh giá thấp hơn so với những con bò đực vì thịt bò đực chắc hơn. Thế là từ đỉnh cao ngất ngưởng, giá của con bò cái lai rơi tuột xuống tận đáy, kéo theo là sự suy sụp của hàng ngàn người chăn nuôi. Làm sao không suy sụp khi khối tài sản vốn được định giá gần 20 triệu đồng nay chỉ còn 1/4 và muốn bán cũng rất khó.

Anh Nguyễn Văn Tánh (35 tuổi) ở xã Cát Tường (Phù Cát) than thở: “Cách đây một năm rưỡi, gia đình tôi gom góp hết tài sản, vay mượn thêm nhiều nơi mới mua nổi 2 con bò cái lai giá 30 triệu đồng. Nay những người cho vay cần tiền đòi lại, tôi kêu bán thì thương lái chỉ mua với giá 12 triệu/2 con. Lỗ đứt bóng 18 triệu, chưa kể gì đến chi phí nuôi ăn, chăm sóc, chữa bệnh trong một năm rưỡi qua. Bò cái lai không như bò cỏ, nuôi lỡ cỡ là còi xương, khô lông. Nó là phải ăn bột mì, bột bắp, bột cám và thức ăn công nghiệp kia. Mỗi ngày 1 con phải ăn mất 10.000đ (3,6 triệu/năm). Chưa tính công chăn dắt, riêng tiền ăn cho 2 con bò gia đình tôi còn lỗ thêm hơn 8 triệu đồng nữa…Vị chi là 26 triệu”. Anh Dương Thịnh Hùng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) thì tiếc nuối: “Năm 2003, người ta muốn mua con cái lai 1 năm tuổi của tôi với giá 15 triệu đồng nhưng thấy thị trường “bò cái lai” nóng bỏng quá nên tiếc, không bán. Nay cưới vợ cho con, kêu bán, dù nó đang có thêm đứa con trong bụng nhưng người ta chỉ trả mua có 7 triệu đồng.”.

Trước thực tế ấy, hiện nay đang có không ít hộ chăn nuôi bò lâm vào cảnh khốn đốn. Ngân hàng đòi nợ, người bà con đòi vàng, bán bò, nhưng chỉ đủ trả 1/3 số nợ. Vậy là họ đành phải vay nóng, giật tạm với lãi suất cao để giải quyết. Thế là nợ chồng nợ. Từ là “giấc mơ” con bò cái lai bỗng trở thành cơn “ác mộng” của người chăn nuôi!

Lại thêm một bài học kinh nghiệm cay đắng về chuyện làm ăn, đầu tư theo phong trào. Ngay cả chúng tôi, những người ngọai đạo và ngoại rất xa với chăn nuôi cũng xót xa khi nhớ lại những bài viết cảnh báo tỷ như - Bò lai đầu tư thật - giá trị ảo, Bò lai đang ở trên mức gía trị thật quá xa... Vâng giá như bà con ta tỉnh táo hơn, nhận biết đâu là điểm dừng thì đâu đến nỗi.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Những đôi tay kỳ diệu  (08/06/2006)
Nóng ở các lò luyện thi cấp tốc  (08/06/2006)
Trung tâm dịch vụ việc làm tư nhân: Mỗi nơi mỗi kiểu  (07/06/2006)