Quy Nhơn mùa tuyển sinh
16:28', 5/7/ 2006 (GMT+7)

Người Quy Nhơn đã quen với không khí nhộn nhịp khi hàng chục ngàn thí sinh về đây dự thi tuyển sinh đại học. Hàng chục ngàn phụ huynh cũng “tháp tùng” về đây... Từ mấy năm nay, bên cạnh mùa hè, mùa xuân, mùa Giáng sinh, mùa Phật đản, mùa tựu trường... Quy Nhơn còn có thêm một mùa mới nữa - mùa tuyển sinh.

* Bên ngoài, nghiêm túc và trật tự

Chúng tôi đã có mặt suốt buổi sáng để rảo quanh bên ngoài các điểm thi ở nội thành Quy Nhơn khi thí sinh đang làm bài thi môn Hóa, môn thi cuối cùng của khối A.

Theo ghi nhận của chúng tôi hầu hết các điểm thi đều diễn ra khá nghiêm trúc và trật tự, không có hiện tượng phụ huynh bên ngoài leo tường hoặc ném tài liệu vào phòng thi. Thậm chí, chúng tôi khảo sát cả những trường có cổng phụ và tường rào phía sau cũng không thấy một hình ảnh tiêu cực nào xảy ra.

 

Anh Trương Công Tiến (Phước An, Tuy Phước): “Ở đây không có hiện tượng móc túi hay mất cắp, dân phòng và các anh công an đi tuần tra thường xuyên nên mình rất an tâm”. Ảnh: Phúc-Cường

 

Ông Nguyễn Văn Mẫn, quê ở Gia Lai dẫn con là Nguyễn Văn Minh đang dự thi tại cụm thi số 19, trường THCS Lê Lợi (Quy Nhơn), thi vào Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sau 3 buổi chở con đi thi tôi thấy ở Quy Nhơn tình hình thi tuyển sinh ở đây diễn ra khá nghiêm túc. Không có tình trạng phụ huynh trèo rào quăng tài liệu, hoặc cũng không có tình trạng giải bài thi để bán cho các thí sinh như ở TP Hồ Chí Minh hay một số nơi khác thường xảy ra. Tôi rất yên tâm, ít ra phải được như vậy mới dám tin là có công bằng thi cử. Phải nói chính quyền ở đây bảo vệ sự nghiêm túc thi cử rất tốt”.

Bên ngoài thì vậy còn bên trong phòng thi theo thông báo của ban tổ chức là an toàn. Gặp anh Trương Công Tiến, 42 tuổi, ở xã Phước An (Tuy Phước) đang ngồi chờ con thi tại công viên Thiếu nhi. Đây là lần đầu tiên anh Tiến dẫn đứa con trai đầu là Trương Tấn Công đi thi tại cụm thi ĐH Quy Nhơn, tâm sự: “Do không có người quen ở Quy Nhơn, 5 giờ sáng cha con tôi bắt đầu lên xe đến địa điểm thi. Trưa thì mua cơm hộp và nước vào công viên ăn rồi nghỉ trưa. Ở đây không có hiện tượng móc túi hay mất cắp, dân phòng và các anh công an đi tuần tra thường xuyên nên mình rất an tâm”.

Có lẽ tại lúc đêm không ngủ do phải thức đến gần sáng để xem trận bóng Đức gặp Ý nên các phụ huynh đã lấy các bãi cỏ làm chiếu ngủ bù. Khi chúng tôi đến đánh thức một phụ huynh dựng chiếc xe máy bên cạnh mang biểu số 82 (Kon Tum), thì người đàn ông vẫn giọng ngái ngủ hỏi yếu ớt: “Hết giờ rồi hả con?”. Khi chúng tôi đáp lại thì người đàn ông mới tỉnh giấc và ngồi bật dậy. Việc đầu tiên là ông nhìn chiếc xe máy dựng bên cạnh còn hay mất, thấy xe còn, ông cười cười ý nhị - Ở Quy Nhơn sướng thật, chỗ khác là xe đi - người ở lại...

Không những tình hình an ninh trật tự được đảm bảo và giao thông cũng khá thông suốt, không có hiện tượng kẹt xe xảy ra. Cứ đầu giờ và gần cuối giờ thi là lực lượng cảnh sát giao thông có mặt tại các điểm thi, để phân luồn giao thông.

* Dịch vụ ăn theo mùa thi

Trong những ngày thi diễn ra, dọc theo hai bên đường An Dương Vương, trước cổng trường ĐH Quy Nhơn, các dịch vụ ăn theo mùa thi nở rộ. Ngoài những quầy bán đồ ăn uống, còn là hàng dãy dài các quầy bày bán các đồ lưu niệm, quần áo… để thí sinh mua về làm kỉ niệm hoặc làm quà.

Chị Nguyễn Thị Minh, chủ một “sạp” bán đồ lưu niệm cho hay: “Mỗi năm chỉ có một lần nên ai cũng tranh thủ, giá bán đồ ở đây khá bình dân, hợp với túi tiền của thí sinh nên mấy hôm nay hàng bán rất chạy. Nhất là buổi tối các thí sinh đổ ra mua đồ bán không kịp đấy chứ”.

Tối hôm 4-7, sau ngày thi hai môn Toán, Lý hàng trăm thí sinh đổ ra hai bên đường An Dương Vương để giảm bớt sự căng thẳng trong ngày thi và cũng để mua đồ. Tôi gặp thí sinh Trần Thị Thu Thanh, quê ở Thanh Hóa cùng đám bạn đang dạo mua đồ, Thanh thổ lộ: “Tụi em đi thi tiền không có nhiều, mà tiền thì do bố mẹ và các anh chị em góp lại cho nên chỉ đi mua một ít quà có giá bình dân để về quê làm quà cho có gọi là thôi anh. Mua bán ở đây rất thích, không có tình trạng nói thách trên trời như ở nơi khác, hỏi hàng mà không mua cũng không bị mắng”.

 

Công viên Thiếu nhi, nơi tập trung khá đông thí sinh và phụ huynh nghỉ ngơi sau giờ thi.  Ảnh: Ngọc Ánh

 

* Sáng căng thẳng… chiều xả hơi

Sau khi buổi thi cuối cùng, nhiều thí sinh chưa kịp ăn cơm đã lên xe về quê, số còn lại thì bắt đầu đi tham quan thắng cảnh Quy Nhơn. Mới có 13 giờ 30 phút mà tại khu thắng cảnh Ghềnh Ráng đã có rất đông thí sinh đến tham quan. Chúng tôi gặp một nhóm sĩ tử ở Gia Lai, thuê một chiếc taxi 7 chỗ để  10 người đi dạo chơi. Một trong số thí sinh này cho biết: “Buổi sáng thi môn Hóa, đề thi ra khó quá nên ai cũng căng thẳng, giờ phải đi xả hơi thôi”.

Chạy ra cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội, chúng tôi cũng đã thấy nhiều thí sinh đã đổ về đây để tận mắt thấy chiếc cầu bắc qua biển dài nhất Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành mà lâu nay chỉ nghe qua thông tin báo đài. Thí sinh Hồ Việt Tùng, ở Quảng Bình dự thi vào Trường ĐH Quy Nhơn cho rằng: “Đợt thi vừa rồi em làm bài không được gì cả, chắc trượt rồi. Tranh thủ còn một ngày ở Quy Nhơn nên đi thăm quan cho hết cảnh đẹp ở đây, chắc là không còn dịp quay lại”.

Đợt thi đầu tiên của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2006 Cụm thi Quy Nhơn đã kết thúc, có thí sinh ra về với tâm trạng vui mừng, có thí sinh ra về với tâm trạng buồn bã. Nhưng hình ảnh Quy Nhơn, con người Quy Nhơn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho mỗi thí sinh và phụ huynh ở xa lần đầu đến đây.

  • Nguyễn Phúc - Lê Cường

Anh Nguyễn Phú Sử (Khoái Châu, Hưng Yên) bội thu với dịch vụ ép Plastic di động trước Cụm thi Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: Phúc - Cường

Năm nay có một dịch vụ mới và khá độc đáo là dịch vụ ép plastic di động. Trong lúc chờ đợi các thí sinh làm bài ra, nhiều phụ huynh nhân thể đã lôi ra các thứ giấy tờ để ép palactis cho... đỡ buồn.

Người đầu tiên cung cấp dịch vụ này là anh Nguyễn Phú Sử, 39 tuổi, ở xã Thuận Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Chọn điểm thi Quy Nhơn là đích đến, cách đây 8 ngày, anh Sử cùng với 4 người làm nghề ép plastic đã có mặt để phục vụ.

Dụng cụ hành nghề chỉ là một chiếc máy phát điện nhỏ, gắn 4 bánh xe và phía trên là máy ép nhựa, với tổng giá trị đồ nghề gần 10 triệu đồng. Theo anh Sử, thu nhập mỗi ngày cũng được từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày, riêng trong buổi sáng 5-7 là hơn 700.000 đồng từ việc ép các loại giấy tờ cho phụ huynh trước cổng trường ĐH Quy Nhơn.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Những đôi tay kỳ diệu  (08/06/2006)
Nóng ở các lò luyện thi cấp tốc  (08/06/2006)