Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống
17:29', 5/7/ 2006 (GMT+7)

* Phóng sự của Thu Hà

Hoài Ân là một trong những địa phương có số trẻ lang thang vào Nam kiếm sống cao nhất tỉnh, tập trung đông nhất ở xã Ân Mỹ. Năm 2003-2004 chính quyền địa phương và ngành chức năng đã có những biện pháp nhằm vận động các em về địa phương, đi học lại. Nhưng giờ đây nạn trẻ nghỉ học, vào Nam kiếm sống vẫn tiếp tục xảy ra tại Ân Mỹ và ở các xã khác…

 

Đây là “căn chòi” của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (Long Quang, xã Ân Mỹ), nhà có 4 con thì 2 đã nghỉ học. Ảnh: T.H

 

* Tái diễn nạn trẻ nghỉ học, vào Nam

Khi chúng tôi đến, ba chị em Phan Thị Thu Hà (16 tuổi), Phan Thị Thu Hiếu (14 tuổi) và Thu Diễm (10 tuổi) con của ông Phan Văn Tâm (thôn Long Quang) từ TP Hồ Chí Minh mới về nhà được hơn nửa tháng. Hà nghỉ học đã 4 năm, Hiếu nghỉ học từ năm ngoái đi bán vé số, Diễm đang học lớp 3. Hiếu, tóc vàng khè vì cháy nắng, trông vẻ nhanh nhẹn hơn cả, kể chuyện “làm ăn” ở đất Sài thành: “Chị em cháu ở quận 7. Đi bán vé số từ lúc 6 rưỡi sáng đến 4 giờ chiều mới về nhà. Mỗi ngày cháu bán khoảng 200 - 300 tờ, kiếm được trên 50.000 đồng”. Chị Phước - mẹ của các cháu đứng bên, chép miệng: “Nó bán lanh nhất nhà, vậy mà tuần trước mới bị giật mất 50 tờ vé số. Con bé khóc suốt thôi, mất toi mấy ngày công”. Ở cùng thôn, gia đình của các ông Phan Ngọc Phúc, Nguyễn Giỏi, Phan Công Sanh đều đã dẫn con vào Nam mấy năm nay. Cha mẹ thuê đất chăn nuôi heo, các con nghỉ học bán vé số.

Thống kê năm 2003, Hoài Ân là một trong những địa phương “đứng đầu” tỉnh về số trẻ lang thang kiếm sống, trong đó tập trung đông nhất là xã Ân Mỹ. Sau khi được chính quyền, ngành chức năng vận động, tình hình có giảm hơn trước. Tuy nhiên, trở lại Hoài Ân lần này, chúng tôi thấy rằng: tình trạng trẻ nghỉ học vào Nam kiếm sống không chỉ tiếp tục xảy ra ở Ân Mỹ mà còn ở các xã khác như Ân Hữu, Ân Đức, Ân Nghĩa… Trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, nhiều học sinh xã Ân Nghĩa đã không dự thi vì các em đã vào Sài Gòn kiếm sống ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THCS. Nhiều em muốn học tiếp nhưng ba mẹ lại bắt nghỉ học, đi làm.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện Hoài Ân thông báo: thời điểm này khoảng 200 trẻ em của huyện đang kiếm sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong số này, có trường hợp chỉ tranh thủ đi làm trong dịp hè, nhưng nghỉ học hẳn cũng không ít. Việc vận động các em trở về địa phương, đi học lại rất khó khăn.

* Nỗ lực không đem lại kết quả?

Giai đoạn 2003-2004, khi toàn quốc có chiến dịch đưa trẻ lang thang về lại quê nhà, huyện Hoài Ân cùng với các ngành chức năng vận động được một số trẻ về địa phương tiếp tục đi học, đồng thời có các chính sách hỗ trợ gia đình lúc ban đầu như trợ giúp 3 tháng đầu (150.000 đồng/tháng), miễn giảm học phí, sách vở cho các em, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình này vay vốn làm ăn… Xã Ân Mỹ còn thành lập câu lạc bộ “Trẻ em an toàn”. Anh Nguyễn Nhật Trường - cán bộ phụ trách Dân số - Trẻ em của xã Ân Mỹ cho biết: “Được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn làm ăn, một số em tiếp tục đi học trở lại, một số đi học nghề nhưng đều không đi bán vé số nữa…”.

Song, thực tế thì lại khác. Nhiều em thuộc diện “được vận động trở về địa phương và đã đi học lại” nay đã bỏ học hẳn vào Nam, hoặc tranh thủ nghỉ hè vào Sài Gòn kiếm sống. Như trường hợp ông Nguyễn Ánh (Mỹ Thành) có hai con trai được vận động về nhà, hiện đã bỏ học vào Nam. Xót xa nhất là trường hợp của em Trần Minh Vương con bà Ngô Thị Mai (xóm 1 thôn Mỹ Thành). Ba bỏ đi từ lâu, Vương đi bán vé số phụ mẹ nuôi 3 đứa em. Sau khi được vận động, Vương trở về đã học tiếp lên lớp 10. Nhưng rồi vì không có tiền nộp học phí, bị thầy giáo nhắc nhở “đóng tiền” nhiều lần, Vương đã nghỉ học trong học kỳ I năm ngoái, tiếp tục bán vé số ở Sài Gòn. Ông Lê Văn Trường (thôn Mỹ Thành) bức xúc: “Tôi có 6 đứa con, thì một nửa đã nghỉ học hẳn. Số còn lại, hè vẫn đi bán vé số, kiếm tiền về mua sách vở, giấy bút cho năm học tới. Từ ngày các con tôi được vận động về, chúng tôi chỉ nhận được tiền hỗ trợ 450.000 đồng/đứa. Từ đó đến nay, có thấy chính sách hỗ trợ gì thêm đâu”…

 

Vợ ông Lê Văn Trường: Các con tôi học giỏi nhưng năm nào cũng đi bán vé số để có tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Ảnh: T.H

 

* Bao giờ hết vấn nạn này?

Theo bà Bùi Thị Thanh Thúy, hiện nay huyện đang triển khai dự án hỗ trợ các em học nghề theo yêu cầu. Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em sẽ đứng ra hợp đồng với các cơ sở dạy nghề đào tạo nghề thành thạo cho các em, khi ra nghề sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng làm vốn.

Dự định đã có, nhưng tiếc là vẫn chưa có trẻ nào về. Mà trái lại, trẻ em nghỉ học, làm ăn sớm tại Hoài Ân vẫn tiếp tục diễn ra. Không ít phụ huynh có con bán vé số mà chúng tôi gặp, nói rằng: họ không còn sự chọn lựa nào khác, khi mà đất ruộng sản xuất ngày ở quê không nhiều, con đông, cái ăn còn chưa lo nổi nói gì đến chuyện học… Hậu quả: ngoài thất học, các em cũng rất dễ bị sa vào con đường hư hỏng. Chị Phan Thị Lý (Mỹ Thành) - cùng con bán vé số trong TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: “Con trai rất dễ sa vào các hút thuốc, đánh bi da, nhậu nhẹt… dẫn đến thâm nợ, phải làm các chuyện xấu. Có đứa mải chơi games quên bán vé số bị các chủ đại lý đánh cho thê thảm. Không phải con mình nhưng tui cũng xót xa trong dạ. Tui không có đủ can đảm để con đi một mình”.

Tuy nhiên, đáng buồn là hình như “chuyện của trẻ con” đã không được chính quyền quan tâm, để ý đến. Một cán bộ chuyên phụ trách mảng Trẻ em của Ủy ban Dân số- Gia đình và Trẻ em huyện nói: “Chúng tôi đã yêu cầu các xã điều tra, thông báo lại tình hình trẻ em lang thang kiếm sống nhưng đến nay các xã vẫn không báo cáo lên. Họ bảo: không có trường hợp nào phát sinh” (!).

Kết thúc bài viết này, xin trích lời của chị Nguyễn Thị Liệu (Ân Mỹ) - kể lại nhận xét của cô con gái Lê Thị Bích Chi: Nói miễn giảm học phí, cung cấp sách vở miễn phí cho con, cho má mượn tiền làm ăn đâu hổng thấy, chỉ thấy khoản tiền trường lớp, con đều phải nộp…”. Hai con của chị Liệu là Vũ, Chi đều được vận động về địa phương đi học lại. Năm tới, Vũ lên lớp 11, Chi lên lớp 8. Hè này, Chi vẫn cùng mẹ vào Nam bán vé số, kiếm tiền trang trải mọi khoản trong nhà, mua sách vở… cho năm học tới.

  • T.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Những đôi tay kỳ diệu  (08/06/2006)