Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui
17:48', 7/7/ 2006 (GMT+7)

Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, lần lượt kẻ trước người sau, 80 hộ dân ở xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân phải rời làng để nhường chỗ cho công trình hồ chứa nước Vạn Hội. Ngày ấy, người ta đã hy vọng, đã tin rằng khi nước thủy lợi tràn trề, cuộc sống của họ sẽ sung túc hơn. Ai cũng tưởng như thế. Nhưng sau hơn 10 năm tái định cư những người đã nhường đất làm hồ vẫn cực khổ nhiều bề… Đúng là có dư nước để sản xuất đấy, nhưng oái ăm thay bây giờ họ thiếu ruộng...

 

                  Một góc làng Ân Sơn ở khu tái định cư

 

Thiếu đất canh tác, khó sống quá

Bà Đinh Thị Nhở (người dân tộc H’re) thật thà cho biết như thế khi nói về cuộc sống ở khu tái định cư. Bà Nhở còn cười rất hiền, nhưng buồn cũng rất buồn.

Gia đình bà Nhở có 6 người, được vận động rời làng cũ từ năm 1993. Ngôi nhà bà đang ở rộng chừng 40m2. Dẫn tôi ra khu vườn kế bên khoảng trên 200m2, bà bảo: “Đất, vườn nhà mình có vậy thôi. Hồi ở làng cũ trồng mì, thơm, chuối, bán có tiền. Xuống dưới này ở thì sướng, nhưng tiền lại không có, khó sống quá. Chẳng nuôi, chẳng trồng được thứ vì đất chật quá”. Ngay phía sau nhà bà Nhở lại là mặt tiền của một hộ khác. Hai gia đình hầu như không có ranh giới rõ ràng. “Đất chật, ở xen nhau. Sau lưng nhà mình là sân của nhà người khác. Nuôi heo, mùi hôi thối lan sang nên đành thôi, ai cũng khổ cả”- bà chép miệng.

Gia đình anh Đinh Văn Nhĩ là một trong những hộ đầu tiên xuống định cư đầu tiên, đất vườn rộng nhất, nhì xã, cũng độ hơn 2 sào. Trong khu vườn nhà, anh Nhĩ cố tận dụng hết mọi thước đất, trồng bắp, các loại cây ăn quả và đào ao thả cá, lấy nước tưới cho cây. Anh Nhĩ cho biết: “Kể từ khi xuống dưới này, gần với huyện, được khuyến nông huyện hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả hơn. Tôi muốn cải tạo lại vườn bài bản hơn nhưng đất ít quá, khó làm ghê lắm”.

Ông Đinh Văn Nhuế, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ân Sơn nói: “Chúng tôi chuyển xuống chỗ mới cả chục năm rồi nhưng vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Số gia đình tách khẩu, thành hộ mới ngày càng nhiều. Người thì đông hơn, đất sản xuất lại chẳng đẻ thêm được. Bình quân đất sản xuất mỗi gia đình chỉ được 297m2/khẩu.

 

Hàng ngày dân làng phải bơi thuyền vào trong làng cũ trồng trọt...

 

Ở làng mới, sản xuất làng cũ

Ở làng mới không đủ đất ruộng để sản xuất nên hầu hết người dân trong xã đành vào làng cũ làm mót những rẻo ruộng cũ. Đi bộ vòng theo hồ khoảng 3 cây số mới đến nơi. Mí Trai (gần 60 tuổi) than: “Đất ruộng mới nhà mình chỉ có 3 sào, làm không đủ ăn, phải vào làm mót rẫy cũ, tranh thủ chỗ nào chưa ngập nước thì trồng lúa, trồng mì, chăn thả trâu, bò trên núi. Rẫy ở xa nơi này lắm, từ nhà đi bộ vào chỗ làm, đi nhanh cũng phải 2 giờ mới tới”.

Ông Đinh Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn nói: “So với nơi ở cũ thì chỗ ở mới khang trang hơn, đường sá tốt, mọi sinh hoạt của người dân đều tiện vì gần trung tâm, chợ. Chỉ khổ nhất là thiếu đất sản xuất, bình quân mỗi hộ khoảng 1-2 sào. Khai hoang đất, ruộng mới thì không được phép. Lấy đất rẻo ở đầu nguồn hồ Vạn Hội thật ra là làm sai đấy, theo quy định thì mình không được phép làm đâu. Nhưng cuộc sống của bà con trong làng gặp nhiều khó khăn. Phải để cho bà con làm đấy”.

Khảo sát sơ bộ các nguồn thu của dân ở đây chúng tôi được biết. Ngoài nguồn thu chính nhờ làm ruộng, làm rẫy ra người dân ở xã Ân Sơn còn nhận giữ gần 3.000 ha rừng phòng hộ với mức tiền công 50.000 đồng/ha rừng/năm. Hộ nhiều nhất được 2,5 triệu đồng/năm, thấp nhất 1,5 triệu. Mức thu nhập bình quân ở đây khoảng 2 triệu đồng/năm/lao động. Cả xã còn 45 hộ nghèo, trong đó một số hộ thuộc diện cứu tế thường xuyên. Bình quân mỗi năm dân trong xã thiếu ăn khoảng 2 tháng. 

Trao đổi với chúng tôi những khó khăn của dân Ân Sơn, ông Nguyễn Cần - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân thừa nhận: “Cái khó của Ân Sơn… huyện cũng đang bí. Ngay từ khi xây dựng hồ Vạn Hội, đất sản xuất ở nơi tái định cư cho dân làng đã bắt đầu thiếu. Năm ngoái, được tỉnh cho chủ trương, huyện Hoài Ân đã cắt khoảng 10 ha đất, ruộng ở khu Đồng Nhà Mười của thôn Vạn Hội (thuộc xã Ân Tín) giao cho Ân Sơn làm đất sản xuất. Số tiền đền bù hoa màu ước gần 1 tỉ đồng. Cho đến nay, công việc khai hoang, san ủi mặt bằng vẫn đang được tiếp tục. Một số hộ ở Ân Sơn đang trồng lúa trên đất này”.

 

và khi trở về đều phải khiêng thuyền đi cất như thế này

 

Tuy nhiên, nếu cộng cả đất, ruộng Ân Sơn hiện có với đất ở Đồng Nhà Mười của xã Ân Tín mới được giao, thì bình quân mỗi hộ trong xã cũng chỉ được 0,178 ha đất, ruộng sản xuất. Trong khi đó, theo Quyết định 134/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số thì: tối thiểu 1 hộ được cấp 0,5 ha đất nương rẫy hoặc 0,25 đất ruộng một vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng hai vụ, tối thiểu 200m2 diện tích đất ở

Hỏi “chuyện đường xa” cho Ân Sơn, ông Nguyễn Cần - Phó Chủ tịch UBND xã trầm ngâm: “Vấn đề này đã được huyện đặt ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa thể tìm ra cách giải quyết thỏa đáng nhất. Tiếp tục cắt đất của Ân Tín giao cho Ân Sơn, cũng còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc vì người dân Ân Tín canh tác trên đất này đã từ lâu. Số tiền đền bù hoa màu, đất vườn, san ủi mặt bằng chắc không ít. Mà nếu được, cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi dân số Ân Sơn ngày sẽ càng tăng lên, tách hộ ngày càng nhiều…”.

Lời kết

Chiều trên cầu ngang qua hồ Vạn Hội, tôi gặp không ít chiếc thuyền từ phía núi trở ra - dân Ân Sơn từ trong ruộng cũ đang trở về nhà. Đường bộ quá xa nên hầu như nhà nào cũng tự sắm thuyền đi trên hồ Vạn Hội. Khi người và hàng đã xuống hết, họ lại khiêng thuyền cất vào bụi cây, rồi cẩn thận khóa lại ở gốc cây. “Dây khóa” là lõi sắt to, chắc chắn. Anh Đinh Văn Sam- một người dân trong xã, cho biết: “Mình mua chiếc thuyền này 1 triệu đồng. Đi thuyền vào ruộng cũ chỉ mất nửa tiếng. Không cẩn thận, dễ bị mất thuyền lắm. Có nhà mua thuyền đến lần thứ ba”.

Hồ Vạn Hội với dung tích gần 15 triệu m3 nước, không chỉ cung cấp nước cho một số xã trong huyện mà còn giúp điều tiết nước cho đập Lại Giang (Hoài Nhơn). Từ ngày có hồ Vạn Hội, điều kiện sản xuất trong vùng được cải thiện đáng kể. Song, cho đến nay đất sản xuất cho xã đã nhường đất làm hồ vẫn còn bế tắc. Chợt nhớ đến lời ông Đinh Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn: “Hàng năm Ân Sơn được huyện “ưu tiên” các khoản cứu trợ nhiều hơn so các xã khác. Nhưng đó mới chỉ là giúp “ngặt”, còn để Ân Sơn thoát “nghèo” thì  dân làng phải cần có đủ đất sản xuất…

Không có đất chẳng lẽ Ân Sơn bí hẳn đầu ra ? Ngoài đất ra có thể giúp người dân làm một nghề nào đó, hoặc chăm sóc rừng với hiệu qủa kinh tế cao hơn không ?

  • Thu Hà

Xã Ân Sơn trước đây có hai làng Nước Đinh và Suối Cái của người Bana và H’re. Khi xây dựng hồ chứa nước Vạn Hội (dung tích 14,5 triệu m3) cung cấp nước tưới cho các xã Ân Tín, Ân Tường Đông và điều tiết nước cho đập Lại Giang (Hoài Nhơn), huyện Hoài Ân đã vận động dân làng xã Ân Sơn di dân xuống thấp, nhường đất làm hồ.

Từ năm 1993 đến năm 2000, hơn 80 hộ thuộc hai làng Nước Đinh và Suối Cái đã xuống định cư sau chân hồ Vạn Hội.

Hiện nay xã Ân Sơn mới có hai thôn: 1 và 2 với 101 hộ, 425 nhân khẩu, trong đó 62 hộ dân tộc H’re,  33 hộ người Bana và  6 hộ người Kinh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)
Chuyện một nhà 18 lần cho máu cứu người  (09/06/2006)