Ai chở mùa hè của em đi đâu?
10:43', 10/7/ 2006 (GMT+7)

Phóng sự ảnh của NGỌC QUỲNH

Mùa hè được đi đá bóng, múa, hát, cắm trại, xem phim, tham quan tập thể, sinh hoạt câu lạc bộ…? Tất cả đều là những khái niệm xa vời đối với trẻ em nông thôn. Đã bao nhiêu năm nay, “điệp khúc mùa hè” của các em vẫn là bắt ốc, mò cua, chăn bò, giúp gia đình việc đồng áng và kiếm sống. Không có gì mới hơn! Dưới đây là những hình ảnh chúng tôi đã ghi lại sau một ngày rong ruổi tại xã Phước Sơn, Tuy Phước.

 

1. Gió Tây nam ngày hè mang theo hơi nóng rang rang người, dọc theo các thôn ở xã Phước Sơn, Tuy Phước, tôi đã bắt gặp những học sinh tiểu học, THCS da đen nhẻm, tóc tai cháy úa đang mải miết bắt cá bên những con mương. Trần Văn Vương, học sinh lớp 8A9, ở xóm 12, thôn Lộc Thượng và một nhóm bạn đã bắt được lưng đáy vợt những chú cá rô, cá giếc lẫn lộn với vài con ốc vặn…, đang nhanh chân quay quả về nhà khi trời đã “quá ngọ”. Những bước chân trẻ con lam lũ nghe nặng trịch giữa trưa hè. Vương cho biết: “Cá nhỏ như vầy người ta không mua đâu. Đem về cho má nấu canh thôi!” (ảnh 1).

 

Ảnh 1

 

2. Huỳnh Ngọc Thức, học sinh lớp 9A9, chiều nào cũng đi thả rập bắt rạm. Rập là 2 thanh tre cột chéo nhau, dưới những mấu tre là một miếng lưới thưa thụng đáy. Mỗi đứa trẻ đã tự làm cho mình khoảng 10 - 12 cái rập như vậy. Chúng bỏ vào rập một con cá nhỏ và thả rập ngập dưới đáy mương. Cứ vài phút sau, chúng kéo rập lên để thu hoạch “chiến lợi phẩm” là những chú cua, rạm mon men vào rập để “chén” chú cá ranh. Nhóm bạn gồm 3 đứa, đứa kéo rập, đứa giữ mồi, đứa thu hoạch rạm. Thức cho biết: “Từ hôm nghỉ hè, chiều nào con cũng đi thả rập, từ 13 đến 16 giờ chiều. Mỗi kg rạm bán được 4.000 đồng. Hôm nào “trúng” kiếm được 2 - 3 kg, hôm nào ít cũng được 1 kg…”(ảnh 2).

 

Ảnh 2

 

3. Ngay cả những em học đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi như Đoàn Đình Dũng, lớp 9A2 và Trần Đình Sinh, lớp 5D ở xóm 14, thôn Lộc Trung cũng có việc để làm. Đang chận bò trên bờ ruộng, Dũng cho biết: “Nghỉ hè, hàng tuần, buổi sáng, em đi học bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường, buổi chiều thì đi chận bò”. Còn Trung thì cũng một buổi đi học hè (thứ 3- 5- 7- chủ nhật), một buổi ở nhà chận bò. Nhà Dũng có 5 con bò còn nhà Trung có 2 con. Tôi hỏi Sinh: “Mùa hè của em chỉ có thế thôi sao! Em không đá bóng, sinh hoạt hè, học chơi trò chơi mới à?”. Sinh đã ngớ người ra: “Em không biết! Ở đây làm gì có chuyện sinh hoạt hè (ảnh 3).

 

Ảnh 3

 

4. Chuyện bỏ học, đối với những đứa trẻ ở Phước Sơn nghe cứ nhẹ nhàng như… cơm bữa. Còn người lớn, khi nhắc đến chuyện trẻ con bỏ học cũng không còn cảm thấy bất ngờ, bức xúc nữa. Chuyện con cái bỏ học ở đây đã lặn vào nỗi đau, làm thành một vết chai trong lòng nhiều bậc phụ huynh. Sinh con ra, ai cũng có mong muốn con được ăn học nên người. Vậy mà, những khó khăn về kinh tế chồng chất trong mấy năm nay đã làm khá nhiều em “đứt gánh nửa đường”, nhiều phụ huynh đành gác lại hoài bão của con. Hà Huy Khánh, 16 tuổi, ở xóm 10, thôn Lộc Thượng, học lớp 7A 3 đã bỏ học từ trước Tết nên ngày hè đối với em cũng chỉ “như mọi ngày”. Khánh cho biết: “Năm nào cũng xếp loại học lực trung bình… nhưng học không nổi, chán học nên bỏ luôn!”. “- Thế bỏ học ở nhà thì làm gì?” Tôi hỏi.

 

Ảnh 4

 

- “Đứa thì ở nhà chơi không, đứa thì đi làm công nhân ở KCN Phú Tài…” - mấy đứa trẻ cùng thôn nhao nhao nói thay. Ông Nguyễn Ngọc Minh, xóm trưởng xóm 12, thôn Lộc Thượng thở dài: “Lũ nhỏ học kém nên sợ trường, bỏ thầy, bỏ lớp… thật tội quá! Ở độ tuổi này, ra ngoài xã hội thì biết làm gì. Chỉ có những HS giỏi mới được tham gia bồi dưỡng trong hè. Thật là xót xa! (ảnh 4).

  • Ngọc Quỳnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược   (15/06/2006)
Sau 6 năm, vẫn chưa được cấp đất làm nhà   (12/06/2006)