Tỉ phú bạch đàn
10:45', 17/7/ 2006 (GMT+7)

Trông anh không có vẻ gì là một nông dân, người làm kinh doanh thì không phải, ông chủ cũng không nốt. Nhưng ở anh hội tụ tất cả những đặc điểm đó. Con người “đa trong một” ấy đã có công đánh thức cả một vùng đất khô cằn, sỏi đá ở phía tây Phù Cát và trở thành tỉ phú.

 

Việc khai thác bạch đàn ở vườn rừng của anh Hùng diễn ra quanh năm.

 

* Thức dậy đi, hỡi đất cát bạc màu

Trần Văn Hùng là con thứ 10 trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (Phù Cát). Năm 1971 anh thoát ly, tham gia du kích xã. Sau giải phóng anh là xã đội trưởng, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND xã Cát Lâm. Năm 1993, kinh tế gia đình khó khăn, anh xin nghỉ hưu về giúp gia đình.

Nhưng ở cái xứ đất cát bạc màu, khô cằn, hoang hóa này, không riêng gì gia đình anh Hùng mà đời sống của hầu hết bà con đều rất khó khăn. Tài sản gia đình anh lúc bấy giờ chỉ là một căn nhà ngói vách đất 40m2, một cặp bò cày, 0,8ha ruộng, chủ yếu là đất trồng mì và… 2 cái thẻ thương binh, vợ hạng 3/4 và chồng hạng 4/4. Nghĩ đến cảnh 6 con người mà chỉ dựa vào mấy sào ruộng của HTX cấp, năm nào cũng thiếu ăn, Hùng không cam lòng. Anh nhớ lại: “Nhiều đêm tôi trăn trở, nghĩ nếu mình phải bó tay chịu cảnh nghèo thì hèn quá. Tôi nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng của Hoàng Trung Thông Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, tự nhủ phải làm gì đó chứ không thể khoanh tay ngồi chờ”.

Rồi vận hội đến. Năm 1995, Nhà nước có chủ trương kêu gọi nhân dân nhận đất khai hoang trồng bạch đàn, trồng điều để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhiều người lúc ấy không dám mạo hiểm vì ở cái nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” này công sức và tiền của bỏ ra để khai hoang đất, đầu tư phân giống, nước nôi trồng cây, chờ năm bảy năm sau mới thu hoạch thì phải tính bằng… núi, mà chưa chắc đã lấy lại được. Nhưng với Hùng, đó chẳng khác nào một cơ hội. Và anh quyết tâm chớp lấy, dù khi ấy, vợ anh cũng nản: “Làm vầy biết chừng nào ăn?”. Nhưng chí đã quyết, Hùng xắn tay áo làm. Anh thuyết phục gia đình bằng cách vẽ nên một hình ảnh đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn: “Bây giờ mình chôn xuống đất 1 chỉ vàng, mấy năm nữa đào lên 1 cây vàng”. Vậy là cuộc chinh phục vùng đất bạc màu bắt đầu khởi động, dù có vẻ như anh đang đi ngược xu thế chung: trong lúc nhiều người trong vùng đang phá bạch đàn để trồng điều thì Hùng lại đầu tư loại cây này.

Khởi đầu cho hành trình đổi đời là cuộc chia tay với con bò và 2 chỉ vàng kỷ niệm ngày cưới - tài sản đáng giá nhất lúc bấy giờ của gia đình anh. Vay mượn thêm từ bà con, bạn bè, vốn liếng ban đầu cho cuộc trường chinh đánh thức vùng đất hoang chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. “Hồi đó anh có dự liệu đến tình huống thất bại không?”, Hùng cười: “Cũng có, nhưng cũng tin tưởng lắm. Vì tôi được biết là tỉnh Bình Định sẽ phát triển công nghiệp chế biến nguyên liệu giấy. Tôi nói với vợ con mình là vàng ở trong đất, trong cây bạch đàn ấy”.

Với 10 triệu đồng trong tay, Hùng nhận khai hoang 12 ha đất. Vốn mỏng, nhân công ít, những ngày đầu nuôi ước mơ “bắt sỏi đá thành cơm” sao quá đỗi nhọc nhằn. Phát quang cây dại, trục gốc cây to, cuốc đất, be bờ, đào hố… tất cả đều bằng sức người vì không có đủ tiền để thuê máy móc. Không có sức làm hết, anh phải vận động thêm hàng xóm, bạn bè, mỗi người nhận một ít đất cùng trồng cây. Dầm mưa dãi nắng trồng tỉa, chăm sóc, 7 ha bạch đàn và 5 ha điều đã lên xanh tốt. Tranh thủ thời gian đầu khi điều chưa khép tán, anh trồng xen mì, đậu, bắp để lấy ngắn nuôi dài. 

 

                 Chân dung ông chủ rừng Trần Văn Hùng.

 

* Bón phân cho... bạch đàn

Từ trại canh rừng của Hùng nhìn ra hướng nào cũng thấy bạch đàn xanh ngút tầm mắt. Anh hồ hởi dẫn tôi đến nơi công nhân đang khai thác bạch đàn tại thôn Tùng Chánh (xã Cát Hiệp), cách đó hơn 10 km. Buổi trưa tháng bảy, nắng chói chang, cát trắng lóa mắt. Hùng, mũ rộng vành, áo pull dài tay, phóng như bay trên chiếc Win 100. Trông anh giống một gã lãng tử yêu rừng hơn là một ông chủ rừng tuổi 50 đang đi kiểm tra công việc, đốc thúc công nhân.

Đứng giữa rừng bạch đàn mát rượi, vừa quan sát công nhân khai thác bạch đàn, anh Hùng nhớ lại: “Hồi đó, có lần đi Gia Lai, thấy người ta bón phân cho cây cà phê, tôi liền nghĩ: sao mình không… bón phân cho cây bạch đàn nhỉ? Người ta nói công trồng công bỏ, công làm cỏ công ăn, còn tôi thì nghĩ thêm dù trồng cây gì đi nữa thì cũng phải bón phân nó mới lớn được.” Với anh, đó là suy nghĩ dạng “mỗi ngày một ý tưởng”, nhưng với mọi người xung quanh, họa có mà… điên mới đem phân bón cho bạch đàn. Thứ cây này từ xưa đến nay, cứ trồng rồi bỏ đó chứ chưa từng ai nghĩ đến chuyện trồng bạch đàn mà bón phân cả! Vậy mà Hùng làm.

Lúc đầu, anh thử nghiệm chỉ bón phân cho 2/7 ha bạch đàn. 6 tháng sau, những cây được ăn phân vụt lớn gấp đôi cây không bón phân. Hùng biết mình đã đi đúng hướng và bắt đầu vãi phân cho tất cả diện tích bạch đàn còn lại.

Thế là từ sáng kiến có vẻ không giống ai này, trong khi những người trồng bạch đàn khác phải chờ 6 -7 năm để thu hoạch thì mới 4 năm, Hùng đã ung dung khai thác lứa bạch đàn đầu tiên. Cũng vừa lúc nhà máy dăm bạch đàn xuất khẩu của tỉnh đi vào hoạt động, lời hứa “1 chỉ vàng thành 1 cây vàng” với vợ thành sự thật, gia đình anh thu được 100 triệu đồng tiền bán bạch đàn và 15 triệu tiền bán điều. Có tiền, có thêm niềm tin và quyết tâm, Hùng tiếp tục vay mượn, bỏ công sức để phát triển sự nghiệp bạch đàn của mình. Từ đó đến nay, bằng cách khai hoang trồng mới thêm và sang lại, anh đã nâng diện tích vườn rừng của mình lên 122 ha, trong đó có 107 ha bạch đàn và 15 ha điều.

Công nhân khai thác rừng của Hùng quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc để làm. Mùa cao điểm, đội công nhân cả quản lý, chăm sóc và khai thác bạch đàn của anh lên đến 60 người.

Ngoài khai thác rừng trồng, thu hoạch điều, anh Hùng còn mở rộng công việc sang lĩnh vực mua bán bạch đàn. Không chỉ ở Phù Cát và các huyện lân cận, bước chân của anh còn in dấu trên những rừng bạch đàn Gia Lai, Khánh Hòa. Doanh thu của gia đình anh từ các hoạt động này mỗi năm đạt gần 3 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỉ đồng.

 

Mùa cao điểm, vườn rừng của anh Hùng có vài chục công nhân khai thác bạch đàn làm việc.

 

* Trải lòng với người, với rừng

Trồng và chăm sóc cả trăm ha bạch đàn đã khó, nhưng quản lý để khỏi bị chặt phá và phòng chống cháy lại càng khó hơn. Lời giải cho bài toán này nằm ở những người xung quanh chứ không thể một mình anh hay gia đình anh làm được. Kinh nghiệm những năm làm cán bộ xã cho anh thấy, muốn tranh thủ được sự ủng hộ của dân, trước tiên mình phải sống vì mọi người, phải làm tốt công tác vận động quần chúng. Mặt khác, vốn từ nghèo khổ đi lên nên anh rất đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nên, ai cất nhà hay làm chuồng bò mà thiếu cây, anh cho; ai hoạn nạn khó khăn cần mượn tiền, anh giúp. Ai thiếu vốn làm ăn, anh cho mượn không lấy lãi. Những người trồng bạch đàn, gặp lúc cần tiền mà chưa đến kỳ thu hoạch, anh cho mượn tiền, coi như “ứng trước”. Mà chuyện Hùng thu mua bạch đàn cũng khác người ta. Khi thực hiện đúng hợp đồng với công ty nguyên liệu giấy về số lượng đã ký kết (8.000 tấn - 10.000 tấn/năm), anh được công ty thưởng với mức 10.000 đồng/tấn. Anh lại dùng số tiền thưởng này để tăng mức giá thu mua bạch đàn, nhờ đó mà năm nào anh cũng hoàn thành chỉ tiêu hợp đồng với công ty bởi người bán cây thích bán cho anh.

Hùng nói về “bảo bối” làm ăn của mình - điều anh tâm niệm từ lúc mới nhận đất khai hoang, đặt cây bạch đàn đầu tiên xuống hố cho đến bây giờ, khi đã trở thành ông chủ của hơn 120 ha vườn rừng và là tỉ phú: “Muốn làm ăn lớn, phải có quyết tâm cao. Quyết tâm bao gồm cả việc xác định đúng hướng, kiên trì vượt qua khó khăn, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, nhạy bén trong cơ chế thị trường, am hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan trực tiếp đến ngành nghề mà mình đang sản xuất - kinh doanh. Và một yếu tố quan trọng nữa là phải tạo được uy tín với bạn hàng, đối tác, và với những người xung quanh, không chỉ trong công việc kinh doanh mà cả trong đời sống hàng ngày”.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận từ chuyến hành trình đầu tiên   (10/07/2006)
Ai chở mùa hè của em đi đâu?   (10/07/2006)
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)
Cầy tơ ký sự   (16/06/2006)