Vì sao Hoài Mỹ có nhiều học sinh bỏ học ?
10:26', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Theo báo cáo của Trường THCS Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), năm học 2005- 2006, trường có 4,4% số học sinh (HS) bỏ học, tỷ lệ HS bỏ học cao nhất huyện Hoài Nhơn. Tại sao ở một vùng nông thôn chưa hẳn đã khó khăn lại có số HS bỏ học nhiều như thế?

 

Tập thể dục giữa giờ ở Trường THCS Hoài Mỹ. Ảnh: Thu Nga

 

* Nỗi lo bỏ học

Khi chúng tôi đến thôn Khánh Trạch tìm nhà em Sử Chí Lực, HS lớp 7A6, thì em đã bỏ học được hơn 1 tháng. Hỏi tại sao lại bỏ học, Lực cho biết: "Làm biếng học nên bỏ!". Cùng bỏ học với Lực là một HS tên Thực, lớp 7A5 ở thôn Công Lương. Trong xóm còn có nhiều HS khác bỏ học... hầu hết đều do học yếu, lười học nên không đủ nghị lực để tiếp tục. Đứa này bỏ học được, ở nhà thoải mái… chơi lại ảnh hưởng đối với những đứa khác vốn đã lười học, học yếu, bỏ học. Chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Liên, 43 tuổi, mẹ của Sử Chí Lực, tại sao lại đồng ý cho con bỏ học? Bà nói như mếu: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha nó có vợ khác nên bỏ mặc mấy mẹ con. Thấy nó không đi học, tui đã cố gắng động viên "nhà chỉ còn mình con, cố gắng mà học!" rồi dẫn nó lên gặp cô giáo chủ nhiệm. Nó nói "má có dẫn tui lên cô, rồi tui lại trốn học nữa cũng vậy thôi!". Cô thấy đó, một mình tui, công chuyện bù lu thế này, làm sao quản lý được chuyện học hành của nó…

Còn cô Tâm, một giáo viên của trường cho biết: Chuyện HS bỏ học luôn là nỗi ám ảnh đối với chúng tôi. Mỗi lần đi vận động HS đến lớp, chúng tôi đều thấy "ngán" trước những vị phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về việc học. Có vị còn phát biểu: "Nó học ngu, nó nghỉ, tôi cho nó nghỉ luôn, cô đừng đến nữa!". Ông Trần Thanh Long, cán bộ xã Hoài Mỹ cho biết: Ở lứa tuổi này, HS bỏ học thường giúp cha mẹ làm nông hay xuống Hoài Hương đi "bạn", mỗi mùa trăng cũng kiếm được 500-700 ngàn đồng nên các bậc phụ huynh cũng chẳng mặn mà gì với quyền "được đến trường" của con em. Hơn nữa, thực trạng nhiều HS tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp đại học về xã không có công ăn, việc làm càng kích thích các em bỏ học. Có học cũng về làm ruộng! Thực tế đó đã tác động rất lớn đến ý thức cho con đi học của các bậc phụ huynh.

* Nhà trường nói gì?

Khi chúng tôi xuống trường THCS Hoài Mỹ, ông Nguyễn Lâm Giang, Hiệu trưởng trường đã tỏ ra bất lực trước tình trạng HS bỏ học. Theo ông, trước tình trạng HS bỏ học, nhà trường đã làm hết cách nhưng vẫn không sao ngăn chặn được. Năm học vừa qua,  Trường THCS Hoài Mỹ có 1.248 HS, trong đó có 59 HS bỏ học. Mất hơn một lớp! HS bỏ học nhiều ở lớp 8, lớp 9. Lớp 6, lớp 7 chỉ có 12 em bỏ học. Có những lớp bỏ học rất nhiều như lớp 8A4, 8A5… mỗi lớp có 6 HS bỏ học. Trong số 59 HS bỏ học cũng chỉ có 1 HS có hoàn cảnh gia đình nghèo, còn lại đều do học yếu, chán học mà bỏ.

Khi HS bỏ học 2- 3 buổi, Trường THCS Hoài Mỹ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải đến nhà HS tìm hiểu nguyên nhân. Nếu giáo viên đã đến nhà vận động đến lần thứ 3 mà HS vẫn không đi học lại thì phải báo cáo ban giám hiệu, tổng phụ trách đội, đoàn, Hội phụ huynh HS phối hợp với giáo viên tiếp tục vận động. Không được nữa thì đến đảng ủy thôn, chính quyền địa phương phối hợp với trường ra tay… Theo ông Giang, quy trình vận động "7 bước" như vậy đã rất chặt chẽ nhưng số HS trở lại trường vẫn không nhiều.

* Cái "gốc" của HS bỏ học

"Những tiêu chí khó khăn nhất như có giáo viên giỏi, HS giỏi trường đều  phấn đấu đạt được nhưng chỉ vì để cho HS bỏ học vượt ngưỡng cho phép mà mất danh hiệu trường tiên tiến - Ông Giang tỏ ra băn khoăn. Vậy tại sao bài toán HS bỏ học lại khó giải đến như vậy? Theo chúng tôi, cái "gốc" dẫn đến tình trạng HS bỏ học nhiều chính là sự bất cập giữa mục đích phổ cập giáo dục và mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Để đạt được phổ cập giáo dục, các trường tiểu học phải thực hiện cho được chỉ tiêu có 100% số HS lên lớp, tốt nghiệp; các trường THCS phải có ít nhất 95% HS lên lớp… bất chấp chất lượng và điều kiện thực tế của từng trường. Ông Giang thú nhận: "Nếu làm đúng thực chất, trường tôi chỉ đạt khoảng 80% số HS lên lớp!". Như vậy, chỉ nói riêng Trường THCS Hoài Mỹ sẽ có ít nhất là 15% số HS được lên lớp không đúng với thực lực của mình và số HS phải ngồi "nhầm" lớp này sẽ không đủ kiến thức để tiếp tục theo học các lớp trên nên chán học, bỏ học là điều không tránh khỏi.

  • Thu Nga - Ngân Sa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tỉ phú bạch đàn  (17/07/2006)
Ghi nhận từ chuyến hành trình đầu tiên   (10/07/2006)
Ai chở mùa hè của em đi đâu?   (10/07/2006)
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)
Công trình bờ kè chống xói lở Ân Thạnh: Vì sao vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng ?  (21/06/2006)
Nhiệt huyết của một người mắc bệnh máu khó đông  (21/06/2006)
Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích  (20/06/2006)