|
Tư vấn giúp khách chọn số đẹp. |
Không kể các đại lý, chỉ tính riêng đội quân bán vé số dạo tại thành phố Quy Nhơn phải có đến hàng trăm người. Hàng ngày, họ rong ruổi trên đường bán vận may...
* Nghề của người nghèo !
Ngày làm việc bình thường của anh Trần Văn M. và chị Nguyễn Thị T. (phường Ngô Mây) thường bắt đầu vào lúc sáu rưỡi sáng. Trên chiếc xe lắc, chị T. vội đưa con đến nhà trẻ, rồi tất tả về dưới phố - nơi có những quán ăn, quán cà phê sáng đông nghẹt người. Dừng chiếc xe lắc bên đường, chị chống nạng vào quán, mời khách mua vé số. Ở một quán khác, chồng chị lại chỉ có thể mời khách mua số bằng cách di chuyển... ngồi. Tằn tiện, mỗi ngày, vợ chồng họ cố dành lại vài chục ngàn bằng nghề bán vé số dạo.
Năm ngoái, bà Lê Thị Hương (82 tuổi) không con cái, nhà ở KV6, phường Lê Hồng Phong thường đi xin tại các quán cà phê ở đường Phạm Hùng (Quy Nhơn). Năm nay, tôi lại thấy bà bán vé số. Hỏi chuyện, bà tâm sự, đi xin có tiền hơn, nhưng sợ bị thu gom. Bà được một đại lý (ĐL) vé số ở Cầu Đôi cho ăn, ở miễn phí, mỗi ngày trả cho bà 10.000 đồng. Đổi lại, bà phải đi bán vé số cho họ. Tuổi cao sức yếu, bà chỉ loanh quanh các quán cà phê, quán ăn ở khu Sân Bay, mỗi ngày bán được 200-250 tờ vé số.
Hiện nay, chỉ tính riêng số người bán vé số dạo hoặc bán lẻ một chỗ tại thành phố Quy Nhơn có đến hàng trăm. “Đội quân” này đa phần những người nghèo, không nghề nghiệp, việc làm ổn định, người khuyết tật, người già và trẻ em. Thời trước, khi nhận vé số tại các ĐL, người bán vé số lẻ phải thế chấp tiền bằng số vé lấy bán. Nhưng sau này, khi cạnh tranh giữa các công ty xổ số kiến thiết của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên càng lớn, thì thế chấp ngày càng dễ. Chỉ cần có người quen giới thiệu với ĐL hoặc đưa giấy chứng minh, họ đã có thể lấy vé số đi bán.
Bài học mà người đi trước nhắc người đi sau theo nghề bán vận may là phải biết... bơ trước những cái lắc đầu hay lời thị phi của khách hàng. Người mới đi bán, thốt ra được câu mời khách rất khó khăn, ngượng nghịu. Cùng với thời gian, việc mời khách càng dễ hơn và nâng dần lên “công nghệ thuyết phục” khách càng mua nhiều càng tốt. Ông Lê Văn Trường (quê ở Hoài Ân) cho biết: gần 20 năm trong nghề, chỉ một lần ông nổi giận thực sự khi bị người chủ nhà xua đuổi và xúc phạm ông những câu thậm tệ.
* Đường là nhà, quán xá là chỗ “mần ăn”
Hiện nay, tùy theo từng ĐL mà người bán vé số được hưởng các mức hoa hồng khác nhau, nhưng dao động 20.000 - 26.000 đồng/100 tờ vé số. Người bán giỏi có thể bán được 200-300 tờ/ ngày, thậm chí còn hơn nữa. Trưa, ai có nhà thì về, ăn cơm, đặt lưng nghỉ ngơi chút đỉnh rồi lại đi ngay. Người ở nhà trọ, chỉ cần ăn dĩa cơm bụi năm, ba ngàn đi bán tiếp đến bốn, năm giờ chiều mới trả số dư cho các ĐL, nhận vé ngày mai, rồi đi bán luôn trong đêm.
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi) ở Cát Nhơn - Phù Cát vừa lúc anh đến trước cổng Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định. Giở đôi nạng gỗ, anh Trung ngồi bệt xuống đất, than: “Nhận 300 tờ, bán được 100 thì hết sức, không lết nổi. Tui ngồi đây chờ ĐL đến trả vé”. Bán được 100 vé, ĐL trả cho anh 20.000 đồng, cho thêm 2.000 ăn sáng và cho ở miễn phí ban đêm.
|
Vừa bán vé số vừa bán báo sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. |
Trước tình hình đội quân vé số ngày càng đông, để thêm thu nhập, nhiều người kiêm vừa bán vé số vừa bán báo. Một số ĐL còn nhận luôn việc phát báo cho họ. Chị Nguyễn Thị Thái Hương (53 tuổi) ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) cho biết: đợt thi tuyển sinh vừa qua, mỗi ngày chị bán được vài chục tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cùng với vé số, thu nhập tăng hơn ngày thường vài chục ngàn đồng. Còn bé Ty (12 tuổi) nhà ở đường Phạm Ngũ Lão (Quy Nhơn) thì nói: “Mỗi ngày cháu bán 50-70 vé. Tiền lời bán báo được 10.000-15.000 đồng. Tiền bán vé số cháu đưa mẹ, tiền lời bán báo cháu được giữ riêng”.
* Buồn - vui với nghề
Cụ bà Trương Thị Đấy, 81 tuổi, nhà ở Chợ Bàu, phường Lê Hồng Phong, cười khoe hàm răng không còn một chiếc nào kể lại lần bị giật vé số đã lâu: “Bọn thanh niên cỡ tuổi cháu chắt vờ mượn tập vé số coi rồi giật mất 100 tờ, lên xe vọt mất tiêu. Bao nhiêu đấy, tính thành tiền 200.000 đồng. Bà trả dần cho ĐL, ngày mười ngàn, ngày năm ngàn. Mãi mấy tháng mới trả hết nợ”. Một ĐL kể lại, có người bán vé số đã bị lừa 10 triệu đồng vì một số bóc giả dù người bán khăng khăng thấy anh ta bóc ngay trước mặt mình. Người bán vé số đó không những phải đền 10 triệu đồng mà còn bị công an tạm giam hai ngày lấy lời khai, truy tìm tông tích kẻ lừa đảo.
Bị giật số, “ôm” số (không trả kịp cho ĐL trước giờ xổ) hoặc bị lừa vé giả... là những tai nạn mà mỗi người bán vé số gặp ít nhất một vài lần. Thường nhất là bị “ôm” số. Theo quy định của các ĐL, người bán vé số phải trả vé trước 18 giờ để họ kịp trả về cho công ty. Không trả đúng giờ, người bán phải “ôm” toàn bộ số vé dư. Các trường hợp “ôm số” là do đi bán xa, không kịp về đúng giờ hoặc do người bán vé số tiếc, tự giữ lại cho mình mấy cặp vé đẹp hoặc chờ bán cho người quen đến cận giờ xổ số. Có người “ôm số” lại trúng, nhưng đa phần thâm tiền các ĐL. Đáng sợ hơn cả là trường hợp “ôm” của khách hàng chơi số lô tô hoặc ghi phơi đề (cho chủ đề) rồi tự ý giữ lại. Đến khi khách hàng “trúng” không biết lấy gì mà chung, đành phải chạy làng, bán xới đi nơi khác.
Có gia đình cả ba thế hệ đều chung một nghề, như trường hợp của bà Đinh Thị Chơi (Hoài Ân): con gái, con trai đều đi bán vé số dạo. Rồi đến lượt các cháu của bà cũng theo nghề cha mẹ. Có người xuất phát điểm từ bán vé số dạo, nay làm tổng đại lý với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Lại có trường hợp đi bán vé số không phải vì sinh kế mà là nguồn vui, như cụ Đấy. Hai vợ chồng cụ có lương hưu, tròm trèm 1,2 triệu/tháng. Lại có hai người con trai đều có công việc ổn định, chu cấp thêm cho cha mẹ. Ấy vậy mà cụ Đấy lại bảo: “Đi bán gần 30 chục năm nay quen rồi. Không đi thấy nhớ, trong người như thể muốn đau. Mỗi lần đi bán, đều phải tránh ngang qua cơ quan của thằng con, nó mà thấy thể nào cũng cằn nhằn, không cho đi bán nữa”.
|