Đất học Cát Tài
10:17', 24/7/ 2006 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Vân, 46 tuổi, gõ những ngón tay thô vụng xuống bàn phím. Từ ngày thằng Hai sang Rumani học tập, bà mới biết thế nào là “meo” là “nic-nêm”… Về Cát Tài, tôi đã rất bất ngờ khi gặp những phụ nữ nông dân biết internet. Đơn giản, vì họ có những người con, người thân là tiến sĩ, cử nhân đang đi học hay đã thành đạt xa nhà.

 

Đường riềm “bằng khen” quý giá không phải gia đình nào cũng có được. Trong ảnh: Ngô Quang Thiên và ba, má.

 

* Những bà mẹ nông dân “In-tẹc-nét”  

“Trời đất! Chỉ gõ có mấy cái mà đã nhìn được cái mặt của thằng Hai, rồi còn nói chuyện với nó nữa, dù nó đang ở cách xa hàng vạn dặm. “In-tẹc-nét” hiện đại ghê hè!”- bà Vân bộc bạch với niềm vui sướng tột độ. Ngày thằng Hai nhận được học bổng và sang Rumani du học, bà thường khóc vì nhớ con. Một lần, gọi điện thoại qua Rumani hỏi thăm sức khỏe, chuyện học hành của nó, có vài phút chớ mấy mà mất đến mấy trăm nghìn đồng… bằng gần tạ lúa. Bà Vân cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Sau lần đó, dù rất thèm nghe tiếng nói của con, bà vẫn bấm bụng chịu đựng. Thế rồi, cậu bạn học cùng trường cũ với con đến nhà thăm, nó dẫn bà lên Chợ Gồm, cách nhà hơn chục cây số và bày cho bà cách vào “mạng”… Từ đó, mỗi tháng một lần, bà Vân lại được gặp con. Rồi Internet về đến xã, mỗi tuần, một lần, bà lên “mạng” tìm con. Bây giờ thì cái thằng Hai, hiền lành, hiếu thuận đã luôn ở bên cạnh bà rồi. Quay sang tôi, bà Vân khoe: “Cháu nó vừa báo tin thi 7 môn thì 5 môn điểm 10, hai môn điểm 9, cao nhất khóa, hơn các bạn cùng học rất nhiều…”

Có lẽ cũng cần “bật mí” thêm một chút về Ngô Quang Thông - thằng Hai yêu quý của bà Vân. Đó là một học sinh (HS) chỉ có độc danh hiệu “HS giỏi” từ hồi đi học đến giờ. Lên lớp 10, Thông trúng tuyển vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đạt danh hiệu HS giỏi quốc gia môn Hóa học lớp 11; Huy chương vàng Olympic 30-4 và được xếp vào vị trí thứ nhì, HS giỏi Hóa học toàn miền Nam; năm lớp 12, Thông tiếp tục đạt giải nhất HS giỏi quốc gia và được gọi ra Hà Nội dự thi chọn đội tuyển HS giỏi quốc gia đi thi HS giỏi quốc tế. Cũng trong năm đó, Thông được tuyển thẳng vào trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Và với kết quả học tập xuất sắc năm đầu tiên, Thông đã giành được 1 suất học bổng du học ngành Hóa dầu tại Rumani. Không chỉ có Thông, cậu con trai thứ 2 của bà Vân là Ngô Quang Thiên, học sau anh một lớp cũng học giỏi không kém cạnh anh. Tôi vẫn còn nhớ, hai anh em nhà này đã có một thời làm “nổi đình, nổi đám” ở trường chuyên Lê Quý Đôn với lủ khủ huy chương vàng Olympic và danh hiệu HS giỏi quốc gia. Hiện nay, Ngô Quang Thiên đang học năm thứ 2 lớp kỹ sư tài năng tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Tôi đã gặp em về thăm nhà để chuẩn bị hành trang cho cuộc “chiến đấu” mới với học phần, tín chỉ và tiếp tục gặt hái những danh hiệu trong năm học sau.

Tôi đã tìm đến ngôi nhà của bà Vân ở thôn Cảnh An, xã Cát Tài, huyện Phù Cát- một ngôi nhà xây nhỏ bé lọt thỏm trong những bụi tre lâu niên bóng lòa xòa trước hiên nhà. Trong nhà rất chật chội nên bằng khen của hai đứa con phải treo vòng cả 3 bức vách trông cứ như đường riềm trang trí cho căn phòng. Đúng là, cái đường riềm trang trí vô cùng đặc biệt dù nhiều gia đình ở Cát Tài cũng có được những đường riềm đáng quý đó. 

* Thấy quê nghèo quá mà lo học

Ông Hồ Văn Thi, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cát Tài giới thiệu cho chúng tôi gia đình ông Lương Ánh ở thôn Thái Phú, một đại diện tiêu biểu cho những gia đình nông dân ở Cát Tài nghèo “sát đất” vẫn nuôi 5 con học đại học và thành đạt từ những gánh rau lang, đẩy xuống bán ở Chợ Gồm xa hơn chục km từ 3 giờ sáng, mỗi ngày. Hiện nay, ông Ánh do gần suốt một đời phải lao động cơ cực để nuôi con ăn học nên đã đổ bệnh và được các con đưa vào TP Hồ Chí Minh để chăm sóc. Ở nhà, chỉ còn lại một mình bà Ánh. Vừa gặp chúng tôi, bà đã xua tay: “Gia đình chúng tôi chưa tiêu biểu đâu, ở Cát Tài này còn rất nhiều… nhiều lắm những gia đình thành đạt để cho các cô viết…”. Mặc dù bị “cự tuyệt” nhưng chúng tôi rất vui. Vui bởi chuyến đi này đã cho chúng tôi nhiều quá đỗi những bất ngờ. Những gia đình có 4, 5 con là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hay con cái học hành đỗ đạt, thành danh ở Cát Tài nhiều vô kể. Gia đình ông Trần Thúc Khảo ở thôn Thái Thuận có 5 người con thì 2 là giáo viên, 2 bác sĩ, 1 kỹ sư. Trong đó, trội hơn cả là anh Trần Thúc Khang, con trai út, là thạc sĩ, giảng viên Đại học Y Huế, đang tiếp tục tu nghiệp ở Pháp. Các cháu nội, ngoại của ông cũng đều là HS giỏi nhiều năm liền; gia đình ông Trần Văn Chánh ở thôn Vĩnh Thành có 5 con đều tốt nghiệp đại học; ông Đặng Văn Thơ, thôn Thái Bình cũng có 5/7 con học ĐH; hay đặc biệt, ở thôn Cảnh An có đến hàng trăm cô cử, cậu cử đã chọn cho mình cái nghề thanh bần nhưng cao quý là nhà giáo trong rất nhiều những nghề nghiệp khác. Hồ Quốc Đại, một HS giỏi của Trường chuyên Lê Quý Đôn ở thôn Cảnh An đã trả lời chúng tôi về mơ ước được trở thành thầy giáo: “Chỉ có làm một thầy giáo giỏi, tôi mới có thể đào tạo ra nhiều HS tài giỏi để phục vụ quê hương, đất nước!”.

 

Hồ Quốc Đại và người cha trước ngôi nhà đang sệ mái.

 

Ý thức cộng đồng của mỗi người dân Cát Tài thật lớn. Ý thức học hành, thành đạt của người Cát Tài thật bình dị, nguyên khôi. Ông Hồ Xuân Duyên, cha của Hồ Quốc Đại đã phát biểu thật cảm động: “Cũng vì thấy quê nghèo quá mà ráng cho con học, các cháu cũng vì nhà quá nghèo mà tu chí học hành cho bằng chị, bằng anh…”. Về Cát Tài, tôi đã có thêm một phát hiện mới: HS ở đây hàng năm trúng tuyển vào trường chuyên Lê Quý Đôn rất nhiều. Các em rời quê hương vào thành phố học tập là mang theo gánh nặng “cơm áo, gạo, tiền” cho các bậc phụ huynh, là mang theo quyết tâm “ra đi là để trở về” trong tư thế của người chiến thắng. Không đơn giản chút nào nhưng “con nó học được phải tạo điều kiện cho nó học!”- Đó là tâm nguyện của rất nhiều bậc phụ huynh ở đây.

* Cội nguồn đất học

Ngay trước mặt UBND xã Cát Tài là tấm bia ghi công: Xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến tranh, nhân dân Cát Tài đã anh dũng, hy sinh, bám làng, bám đất, một lòng một dạ theo cách mạng. Dãy núi Bà sừng sững án ngữ phía Bắc xã kia vừa là chứng nhân vừa là sự chở che cho những người con của quê hương đã tham gia vào cuộc chiến oai hùng của dân tộc. Hòa bình lập lại, Cát Tài chưa phải là xã giàu với những cánh đồng cát trắng, người dân trong xã sống thuần nông với hạt gạo, củ khoai, con gà, con vịt. Cuộc sống vẫn chưa hết nhọc nhằn bởi những cơn đại hạn gay gắt kéo dài hay mưa lũ triền miên, dịch cúm gia cầm bùng phát cướp đi miếng ăn đã thấm đẫm mồ hôi và sức lực của người nông dân. Trong cái khó, cái khổ đó, tôi vẫn nhìn thấy những khát vọng vươn lên từ sự học của mỗi gia đình. 

 

Tinh hoa hội tụ trong một gia đình. Trong ảnh: Gia đình ông Trần Thúc Khảo có 5 con đều là thạc sĩ, cử nhân.

 

Trở lại Hội Khuyến học xã, ông Hồ Văn Thi cho tôi xem cuốn sổ ghi tên những người con của quê hương đã thành danh hiện đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi vừa đóng góp vào Quỹ khuyến học. Có đến vài ba trăm cái tên, tôi chỉ kịp đọc lướt qua… Nào là, tiến sĩ Trần Du Lịch, hiện là Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh ở thôn Thái Bình; ông Phạm Đình Thu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai; ông Đinh Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk; ông Trần Đức Tâm, Giám đốc Công ty Cà phê Krông Ana… và tôi đã bị “sốc” vì bất ngờ trước sự thành danh của những người con “made in Cát Tài” nhiều đến thế. Ông Thi phấn khởi khoe: “Sau khi Hội Khuyến học của xã thành lập, tôi đã lấy danh sách và địa chỉ của họ, điện thoại nhờ hỗ trợ cho quỹ khuyến học xã nhà. Không phải đợi lâu, người 5 triệu, người 2- 3 triệu gởi về địa phương xây dựng quỹ”.

Và đâu chỉ chờ được gọi, những phụ huynh HS ở Cát Tài vẫn còn nhớ như in cái ngày GS-TS Nguyễn Đình Phổ đang dạy tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh về thăm quê còn khệ nệ bưng cả bộ máy vi tính còn nguyên đai, nguyên kiện về tặng cho trường THCS của xã với ước mong các thế hệ HS đi sau sẽ không mù tin học; hay ông Nguyễn Đình Luận, một kiến trúc sư đang công tác tại TP Hồ Chí Minh hàng năm đều gởi tiền về quê hỗ trợ những HS học giỏi, xuất sắc… Rồi các Hội đồng hương Cát Tài ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Gia Lai… luôn có những hoạt động khuyến học hướng về quê hương. Những nghĩa cử khuyến học của người Cát Tài thành đạt tuy khác nhau, tùy thuộc khả năng và điều kiện của mỗi người nhưng đều xuất phát từ một điểm chung, đó là ý thức cộng đồng, là chuyện trả nghĩa nặng ơn sâu đối với quê hương đã “nuôi ta lớn thành người”, là sự nâng đỡ, sẻ chia của lớp người đi trước đối với thế hệ đến sau. Qua gặp gỡ, tiếp xúc với những người Cát Tài thành đạt, những HS Cát Tài nhà nghèo nhưng học giỏi trong chuyến đi này, tôi đã cảm nhận sâu sắc sự san sẻ thiêng liêng này và có lẽ đây chính là cội nguồn để tạo nên một Cát Tài đất học.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tam Đảo sương mù  (21/07/2006)
Rong ruổi bán... vận may  (19/07/2006)
Vì sao Hoài Mỹ có nhiều học sinh bỏ học ?  (18/07/2006)
Tỉ phú bạch đàn  (17/07/2006)
Ghi nhận từ chuyến hành trình đầu tiên   (10/07/2006)
Ai chở mùa hè của em đi đâu?   (10/07/2006)
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)
Ác mộng bò lai  (04/07/2006)
Mùa gạch ế  (03/07/2006)
Khúc bi tráng của đời một người tìm mộ  (29/06/2006)
Chuyện học ở Nhơn Lý  (26/06/2006)
Những người nói không với thuốc lá  (23/06/2006)
Chuyến xe bão táp  (23/06/2006)