Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt
7:51', 2/8/ 2006 (GMT+7)

* Phóng sự của Phạm Tiến Sỹ

Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Hoài Ân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26.514 ha rừng phòng hộ thuộc chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Trong đó có 12.016 ha được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước, trồng các loại cây keo lá tràm, sao đen... Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Hoài Ân đã bị khai thác trái phép...

 

Nhiều khúc gỗ keo lá tràm còn sót lại tại tiểu khu 147. Ảnh: T.S

 

* Rừng phòng hộ bị "rút ruột"

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đối tượng khai thác gỗ trái phép là người dân xã Ân Tường Tây và xã Ân Nghĩa. Họ đi thành tốp khoảng 5 người, có người cảnh giới. Thường thì khoảng xế chiều, họ vào rừng chọn địa điểm, lựa cây rừng. Trời sẩm tối là họ bắt đầu cưa, chặt cây (chủ yếu là cây keo lá tràm) rồi cưa thành nhiều khúc, mỗi khúc dài 1,5 m, mỗi cây chỉ lấy vài ba khúc suôn thẳng, sau đó vận chuyển gỗ xuống núi, tìm địa điểm để cất giấu, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tẩu tán gỗ. Còn đối tượng vào rừng thu gom số gỗ đã bị khai thác trái phép còn bỏ lại rừng là những hộ sống gần rừng, hoạt động chủ yếu vào ban ngày.

Phần lớn diện tích rừng bị lâm tặc khai thác đều là rừng phòng hộ do các hộ dân nhận quản lý bảo vệ. Ông Huỳnh Xuân Việt, trưởng thôn Hương Quang, xã Ân Nghĩa, cho biết: "Nhiều hộ trong thôn đã nhận khoán bảo vệ diện tích rừng phòng hộ ở tiểu khu 147. Khu vực này nằm giáp ranh giữa 2 xã Ân Nghĩa và Ân Tường Tây nên rất khó bảo vệ. Từ cuối năm 2005 đến nay, không lúc nào bà con chúng tôi được yên. Tối đến, nghe tiếng cưa máy, cây ngã, bà con trong thôn lại chạy lên rừng. Phát hiện thấy chúng tôi, lâm tặc vừa chạy vừa ném đá, nhiều người suýt trúng đá bay. Có lần chúng tôi bí mật theo dõi, phát hiện lâm tặc khai thác gỗ trái phép, rồi vận chuyển về một ngôi nhà ở xóm 1 thôn Phú Hữu để cất giấu. Chúng tôi báo cáo với chính quyền địa phương và BQLRPH huyện đến lập biên bản, nhưng chúng đã kịp thời tẩu tán gỗ...". Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Ghế, ở thôn Hương Quang, rất bức xúc: Gia đình tôi nhận khoán 15 ha rừng, trong đó có 4 ha keo lá tràm nằm giáp ranh với xã Ân Tường Tây đã bị lâm tặc khai thác gần hết. Công sức mình chăm sóc bảo vệ 10 năm nay, cây rừng đã đến kỳ thu hoạch, chờ nhà nước khai thác để hưởng lợi, ai ngờ lâm tặc đã "hớt tay trên"...

Tại tiểu khu 138 thuộc thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, có trên 10 ha keo lá tràm đường kính khoảng 15 cm đã bị khai thác trắng. Ở tiểu khu 147 thuộc thôn Hương Quang, xã Ân Nghĩa, nhiều diện tích cây keo lá tràm cũng đã bị đốn hạ. Tại hiện trường, chúng tôi thấy có vô số cây keo lá tràm đã trơ gốc, gỗ vung vãi khắp cả lối đi, cây cối nghiêng ngả. Trông thấy chúng tôi, một số đối tượng khai thác gỗ rừng trái phép đã bỏ chạy, còn hàng chục người thu gom gỗ rừng vẫn bình thản làm việc. Không có sự can thiệp của những đơn vị, cá nhân có chức năng quản lý bảo vệ rừng, nên các đối tượng khai thác, thu gom gỗ rừng trái phép hầu như là... tự do hoạt động.

 

Người dân vào rừng phòng hộ thu gom gỗ rừng trái phép. Ảnh: T.S

 

* Ai chịu trách nhiệm?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ cuối năm 2005 đến nay,  tại 2 xã Ân Tường Tây và Ân Nghĩa có 10,3 ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị khai thác trắng, 33,8 ha bị khai thác từ 20-80% với tổng khối lượng khoảng 1.000 m3 gỗ.  Đó là chưa kể khối lượng gỗ bị đốn hạ mà người dân tự ý vào rừng thu gom để bán và làm chất đốt. Ngoài ra, còn có 97,1 ha rừng bị mua bán sang nhượng trái phép với số tiền trên 232,8 triệu đồng.

Thôn Hương Quang có 30 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 62,5 ha rừng, trong đó có 6 ha rừng của 16 hộ dân bị lâm tặc khai thác từ 20-80%. Bức xúc trước sự lộng hành của lâm tặc, một số hộ dân đã chuẩn bị chông để gài đặt trên diện tích rừng của mình, có người đã chuẩn bị cung tên để chống lâm tặc...

Không chỉ xảy ra tình trạng khai thác rừng phòng hộ trái phép, ở xã Ân Nghĩa còn có tình trạng tự do mua bán và sang nhượng rừng phòng hộ. Có 16 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã bán, sang nhượng rừng trồng nhằm trục lợi. Điều đáng nói là cán bộ lâm nghiệp xã không có thẩm quyền nhưng đã xác nhận cho nhiều hộ dân mua bán, sang nhượng đất rừng trồng.

Vì sao lại để tình trạng khai thác, mua bán chuyển nhượng rừng trái phép kéo dài? Làm việc với chúng tôi, ông Trương Công Dũng, Giám đốc BQLRPH huyện Hoài Ân cho biết: "Lực lượng quản lý bảo vệ rừng phòng hộ của BQL quá mỏng, trong khi đó diện tích rừng phòng hộ quá lớn, nên không thể kiểm tra, giám sát hết được. Hơn nữa, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm (KL) chưa làm tốt công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng. Chúng tôi đã chuyển cho UBND xã Ân Tường Tây và Hạt KL nhiều vụ vi phạm Lâm luật, nhưng các đơn vị này không xử lý, nên các đối tượng vi phạm Lâm luật ngày càng coi thường pháp luật...". Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây và ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Hoài Ân đều cho rằng, BQLRPH huyện chưa giao vụ vi phạm Lâm luật nào cho UBND xã và Hạt KL. Nếu chính quyền địa phương và Hạt KL không hỗ trợ BQLRPH huyện trong công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ thì diện tích rừng bị thiệt hại còn nghiêm trọng hơn. 

Rõ ràng, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị thiệt hại thuộc quyền quản lý của BQLRPH huyện Hoài Ân. Để xảy ra tình trạng khai thác, mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ trên diện tích mình quản lý thì BQLRPH huyện Hoài Ân là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Vừa qua, UBND huyện Hoài Ân đã thành lập tổ công tác kiểm tra diện tích rừng bị khai thác, mua bán, chuyển nhượng trái phép ở 2 xã Ân Tường Tây và Ân Nghĩa. Theo kết luận của tổ công tác, tình trạng nói trên ở 2 địa phương này là hoàn toàn có thật. Ông Bùi Xuân Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: "Có nhiều đối tượng tham gia phá rừng, diện tích rừng bị thiệt khá lớn, khối lượng gỗ, giá trị gỗ vượt quá khung xử lý hành chính. Vì vậy, UBND huyện đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra (Công an và Hạt KL huyện), tiếp tục điều tra, hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.

Theo chúng tôi, xử lý các đối tượng phá rừng trái phép là cần thiết, nhưng việc cần làm ngay là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của huyện Hoài Ân để bảo vệ rừng. Không thể chờ lâm tặc "thịt" hết rừng rồi mới kiểm tra, họp hành, để đưa ra biện pháp này nọ...!

  • P.T.S.
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)
Những cuộc tìm kiếm mang tên "Trở Về"  (27/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)
Đất học Cát Tài  (24/07/2006)
Tam Đảo sương mù  (21/07/2006)
Rong ruổi bán... vận may  (19/07/2006)
Vì sao Hoài Mỹ có nhiều học sinh bỏ học ?  (18/07/2006)
Tỉ phú bạch đàn  (17/07/2006)
Ghi nhận từ chuyến hành trình đầu tiên   (10/07/2006)
Ai chở mùa hè của em đi đâu?   (10/07/2006)
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)
Hoài Ân: Nhức nhối trẻ vào Nam kiếm sống  (05/07/2006)
Quy Nhơn mùa tuyển sinh  (05/07/2006)