Cuối tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập bệnh viện. 20 năm qua, những thầy thuốc ở đây luôn phải đối mặt với gian khó để phục vụ những người không bình thường. Bác sĩ Trương Quốc Hiền, Giám đốc bệnh viện nói: “Ở đây, cán bộ y tế bị bệnh nhân (BN) chửi, hăm dọa, tấn công… là chuyện bình thường”.
|
Công việc vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng các y, bác sĩ ở BV tâm thần vẫn không nề hà để chăm sóc, điều trị tốt bệnh nhân. Ảnh: Văn Lưu
|
* Bệnh nhân tấn công… thầy thuốc
Cách đây vài tháng, một BN mắc bệnh tâm thần phân liệt đã dùng dao khống chế các y bác sĩ và BN ở khoa Khám bệnh. Anh Trần Quang Sơn, điều dưỡng (ĐD) khoa Điều trị I lao vào ôm lấy BN và bị đâm vào bụng. BN lao ra khu nhà dân, BV buộc phải gọi cảnh sát cơ động nhưng không có kết quả. Sau một ngày cầm cự, BN mới chấp nhận để bác sĩ đưa vào BV điều trị.
Lần ấy, anh Sơn phải mất mấy ngày điều trị vết thương. Anh Sơn chính là người thường bị BN “thăm hỏi” nhất. Hỏi lý do vì sao, anh cười hiền: “Chắc tại vì tôi đã có “thâm niên” 20 năm làm việc với BN tâm thần”. Anh Sơn bật mí thêm, anh đã có 5 năm là bộ đội nên không sợ lắm chuyện bị BN tấn công.
Còn ĐD Nguyễn Trọng Sáng cũng đã từng đội mũ bảo hiểm để… bắt BN. Lần ấy, trong ca trực của anh, một BN nam bị kích động mạnh, leo lên mái nhà đứng ngay phía dưới dây điện cao thế dỡ ngói của khoa Điều trị. Vậy là, anh Sáng đội mũ bảo hiểm, leo lên mái. Nhác thấy bóng anh, BN nọ đã “lia” thẳng miếng ngói vào đầu anh. Cũng may, viên ngói chỉ trúng vào mũ bảo hiểm. Sau 4 tiếng đồng hồ, anh Sáng mới đưa được BN xuống đất.
* Cho xin... một chút tình!
Ở BV Chuyên khoa Tâm thần Bình Định, ĐD Nguyễn Văn Khánh được mệnh danh là người “đào hoa” nhất. 17 năm làm ĐD, thường xuyên phải tiếp cận với hàng chục, hàng trăm BN đủ mọi thể bệnh. Thậm chí, anh còn tự nhận là mình “nhát” so với các nam đồng nghiệp khác. Vậy mà, rất nhiều BN nữ chỉ “nằng nặc” đòi cho được anh Khánh khám bệnh, cho uống thuốc, ăn cơm…
Có đêm trực ở khoa, vừa chợp mắt được một lúc anh Khánh phát hiện có người đang ngồi bên cạnh mình. Hóa ra, đó là một BN nữ mà anh mới điều trị ban chiều. Cũng có hôm ngủ dậy, sáng ra, anh thấy một cô gái ngồi bên giường quạt cho anh.
Chuyện BN “theo” các bác sĩ, ĐD để “xin một chút tình” rất dễ xảy ra. Trong số 39 ĐD ở BV, có hơn 2/3 ĐD là nữ. Với các ĐD nam, cách ứng xử đối với những trường hợp này đã khó. Còn đối với các ĐD nữ, việc đối phó với những trường hợp BN nam bị “ám thị” về tình yêu càng khó khăn gấp bội.
Nhiều BN sau thời gian dài được các nữ ĐD chăm sóc đã quay ra tán tỉnh, chọc ghẹo, tấn công bất ngờ với những tình huống “dở khóc, dở mếu”. Trong lần tổ chức hội thao công đoàn, ĐD D. (xin được giấu tên) đã bị một BN nam ôm lấy… ngực ngay trước mặt mọi người. Hay như chuyện một nữ ĐD đã bị BN nam “tụt” quần trong phòng nghỉ…
|
Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần thường kiêm luôn... người nhà bệnh nhân. Ảnh: Văn Lưu
|
* Nốt trầm!
BV Chuyên khoa Tâm thần là nơi tiếp nhận những người mắc bệnh tâm thần (rối loạn tư duy), không có khả năng nhận thức như người bình thường. Với các BV khác, BN phải chờ đợi, trông cậy vào nhân viên y tế. Trong khi đó, ở BV tâm thần, ĐD kiêm luôn vai trò người nhà BN, phải chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho BN. Nhiều BN “tứ cố vô thân”, BV đành phải nuôi bằng tiền thưởng của cán bộ nhân viên BV. Thậm chí, nhiều gia đình đưa BN vào BV rồi “gửi” luôn cho các ĐD chăm sóc.
Không thể nào kể hết những khó khăn trong công việc của các y bác sĩ nơi đây. Đã từng có chuyện một ĐD, ròng rã suốt mấy tiếng đồng hồ trong đêm, theo chân BN trốn viện về thị trấn Bình Định (An Nhơn) để thuyết phục BN này trở lại BV.
BN tâm thần rất dễ bị kích động. Do đó, các y bác sĩ phải luôn luôn dự tính trước những “sự cố” bất ngờ có thể xảy ra. Trong những trường hợp bị tấn công, các ĐD phải dỗ dành cho người bệnh dịu bớt cơn kích động. Còn các ĐD nữ cũng chỉ biết đóng cửa phòng nghỉ thật chặt trong mỗi đêm trực.
Không nề hà đến sự trái tính trái nết của người bệnh, các y bác sĩ vừa tham gia điều trị vừa kiêm luôn “người nhà” BN tất tần tật từ khâu khám, điều trị, phát thuốc, cho uống thuốc cho đến khâu giặt giũ, thanh lý quần áo… Bác sĩ Trương Quốc Hiền, cho biết: “Những lúc BN lên cơn kích động đòi hỏi người thầy thuốc phải vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn, bằng tình thương giữa con người với con người, giúp họ trở lại trạng thái bình thường”.
Qua 20 năm hoạt động (1986-2006), từ một cơ sở 50 giường bệnh với 50 người phục vụ, đến nay, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Định đã có 91 biên chế với 100 giường bệnh nội trú và 30 giường ngoại trú, quản lý trên 4.200 bệnh nhân tâm thần nặng, triển khai được toàn bộ 100% xã, phường, thị trấn điều trị, quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu và thực hiện chương trình quốc gia mục tiêu bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng về bệnh tâm thần phân liệt. Hiện nay, bệnh viện được tổ chức theo mô hình bệnh viện chuyên khoa hạng III với các chức năng: cấp cứu, khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến cơ sở, chức năng y tế dự phòng và quản lý kinh tế y tế. | |