Hàng rong xứ Bắc
10:34', 4/8/ 2006 (GMT+7)

Bấm lỗ tai, bán thú bơm, chong chóng, bắp ngọt, cân điện tử, ép plastic di động..., đó là những nét rất riêng của hàng rong do người Bắc bán. Họ đã góp phần làm đa dạng sắc thái cũng như số lượng hàng rong ở Quy Nhơn.

 

Với xe bán bắp nấu, đã 8 năm xa nhà anh Dương rong ruổi trên mọi nẻo đường. Ảnh: N.Sương

 

* Gia đình hàng rong

“Quy Nhơn có 4 xe bán bắp Mỹ thì đều là của 4 anh em ruột tôi cả” - anh Phạm Văn Dương - quê ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây) - mở đầu câu chuyện về mình như thế. “Chúng tôi bán ở Quy Nhơn được 2 năm rồi. Trước đó, anh em tôi cũng bán bắp ở Sài Gòn khá lâu. Còn trước đó nữa, tôi đi đào vàng với người ta, nhưng cũng nhiêu khê lắm. Thế là tôi quyết định giấu bố mẹ đi xa làm ăn. Làng tôi nhiều người đi làm ăn xa lắm, chỉ có người già và trẻ con là ở nhà thôi. Tôi vào Sài Gòn, mượn thêm tiền của một người đồng hương, sắm xe đẩy bán bắp dạo. Thấy cũng làm ăn được, tôi về nhà đưa 3 em trai vào cùng bán bắp. Bán được 6 năm, việc buôn bán không bằng trước, tôi quyết định thay đổi địa bàn. Khách hàng tôi nhắm đến là khách du lịch, vì thế khi đọc báo, thấy nói Quy Nhơn có biển, nhiều khách sạn, tôi thử đi tìm hiểu một chuyến. Tôi đi xe ra Quy Nhơn, ở nhà nghỉ gần bến xe, và quan sát, thăm dò, thấy chưa có ai bán bắp Mỹ như mình nên quyết định kéo mấy anh em ra đây.

Buổi sáng thường chúng tôi ở nhà nấu cơm ăn, tầm 4 giờ chiều mới bắt đầu đi bán. Mấy cậu em tôi đi đạp xe dạo trong thành phố, tôi thì đứng trước cổng siêu thị. Đến chừng hơn 6 giờ tối thì anh em tập hợp lại tất cả trước siêu thị, cùng ăn cơm do tôi nấu mang theo và bán đến 9 - 10 giờ tối thì cùng nhau về.

Mấy anh em tôi thuê nhà trọ ở gần bến xe khách liên tỉnh để ở, 7 người tất cả, gồm vợ chồng tôi, vợ chồng một người em, 2 em trai khác - đều bán bắp Mỹ - và 1 cậu em “cột chèo” - bán kem 7 màu. Cũng chật, nhưng ở chung thế mới bảo ban được các em, chứ để ở riêng nhỡ có ai sa đà, hư hỏng thì không biết nói làm sao với bố mẹ, dù ai cũng đã lớn, có gia đình hết cả. Chúng tôi đều gởi con ở nhà nhờ ông bà nội trông hộ, mỗi năm về thăm nhà chừng được một lần. Hàng tháng chúng tôi đều gởi tiền về, còn thăm hỏi thì vài ngày lại gọi điện một lần. Tôi xa nhà 8 năm nhưng chỉ có 1 năm ăn Tết ở nhà, là năm mới cưới vợ. Tết thì bán được khoảng 160 trái bắp/ngày, gần gấp 3 lần ngày thường. Hơn nữa xe cộ ngày tết đắt quá, nên phải đến tháng 2, tháng 3 tôi mới về thăm nhà.

Nhà tôi có 11 anh chị em, bây giờ chỉ có 1 chị gái đầu lấy chồng ở lại làng, còn 10 anh chị em đều đi xa làm ăn. Ngoài 4 anh em ở đây, còn 3 anh em khác cũng bán bắp ở Bình Thuận và Cà Mau. Tôi cũng định đi 2 năm nữa - tức tròn 10 năm làm ăn xa nhà - thì về hẳn”.

* Xa xứ bán hàng rong

Cùng với việc thu hút nhiều khách du lịch, sự phát triển của Quy Nhơn còn góp phần vào việc tập trung một lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động các nơi đổ về. Người đông, hàng quán phát triển càng nhiều để đáp ứng yêu cầu, trong đó có cả hàng rong. Đặc biệt, góp phần làm đa dạng sắc thái cũng như số lượng hàng rong ở Quy Nhơn phải kể đến những người bán hàng từ các tỉnh phía Bắc như: Hưng Yên, Hà Tĩnh, Hà Tây, Thanh Hóa… ra. Thật dễ dàng để nhận biết đó là một người Bắc bán hàng rong bởi những hàng hóa, dịch vụ mà họ kinh doanh rất đặc trưng, như thể đó là dấu hiệu “độc quyền” của họ: bấm lỗ tai, bán thú bơm, chong chóng, bắp ngọt (còn gọi là bắp Mỹ), cân điện tử, ép plastic di động. Tuy sau này cũng có người Bình Định bắt chước bán loại hàng rong như vậy nhưng trong trí nhớ nhiều người, những mặt hàng, dịch vụ ấy đã gắn liền với những người Bắc.

Theo chị Hằng - một người Quy Nhơn bán thú bơm đối diện siêu thị Coop Mart Quy Nhơn thì cách đây hơn 10 năm, chính những người bán hàng rong quê Hà Tây đã mở đầu cho nghề bán thú bơm tại Quy Nhơn. Tuy nhiên, mùa làm ăn của họ tại Quy Nhơn thường là bắt đầu từ Noel cho đến đầu hè, những tháng còn lại họ đi các tỉnh khác.

Trong khi đó, những người bấm lỗ tai, cân điện tử, bán chong chóng, bán bắp Mỹ thì mùa nào cũng bán. Chị Nguyễn Thị Huyền, chuyên cân điện tử trước sân Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, quê huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết chị lấy chồng và theo luôn nghề này của chồng. Con thì gởi ông bà nuôi, vợ chồng chị rong ruổi khắp nơi cân dạo, lúc Quy Nhơn, khi Đà Nẵng. Mới đây, ở Quy Nhơn lại xuất hiện thêm một dịch vụ mới nữa là ép plastic di động, cũng của một người ở Khoái Châu (Hưng Yên) là anh Nguyễn Phú Sử. Mùa thi tuyển sinh đại học vừa qua ở Quy Nhơn, anh Sử và mấy đồng nghiệp đi cùng đã có một mùa bội thu từ việc ép các loại giấy tờ cho phụ huynh trước cổng trường ĐH Quy Nhơn.

Tuy xa nhà buôn bán khổ như thế nhưng bù lại thu nhập của những người bán hàng rong, dịch vụ này cũng khá. Như chị Huyền trung bình mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn, trừ mọi phí tổn, mỗi tháng dư ra được chừng một triệu gởi về quê. Vào những dịp lễ tết thì khá hơn. Ở làng Dạ Trạch quê chị nhiều người đã làm giàu, kiếm được 100-200 triệu chỉ từ nghề đi cân dạo.

Đi làm ăn xa, vui thì cũng có mà buồn thì cũng nhiều. Vui là được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, gặp được người này người kia. Tuy nhiên, buồn thì nhiều khi cũng thấm thía đến rơi nước mắt. Như anh Phạm Văn Dương kể trên, hồi năm ngoái vợ chồng anh bị một toán côn đồ chặn đường đánh sưng vù tay và lưng, khiến vợ chồng anh phải nghỉ bán cả tuần, may mà không gãy xương. Lần ấy anh phải gọi điện về nhà nhờ chủ nhà trọ và các em đến giải vây. Sau anh dò hỏi và được biết lý do bị hành hung là anh bán đắt khách quá, khiến một người bán hàng rong cũng ngồi trước siêu thị “ganh tỵ” nên nhờ xã hội đen “dằn mặt”.

  • Minh Khương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện thường ngày ở… Bệnh viện Tâm thần  (03/08/2006)
Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt  (02/08/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)
Những cuộc tìm kiếm mang tên "Trở Về"  (27/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)
Đất học Cát Tài  (24/07/2006)
Tam Đảo sương mù  (21/07/2006)
Rong ruổi bán... vận may  (19/07/2006)
Vì sao Hoài Mỹ có nhiều học sinh bỏ học ?  (18/07/2006)
Tỉ phú bạch đàn  (17/07/2006)
Ghi nhận từ chuyến hành trình đầu tiên   (10/07/2006)
Ai chở mùa hè của em đi đâu?   (10/07/2006)
Ân Sơn - Nhà đẹp, ở sướng, nhưng dân chưa vui  (07/07/2006)