Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa
10:56', 16/8/ 2006 (GMT+7)

Hưởng ứng chủ trương phát triển vùng nguyên liệu dứa của tỉnh, nông dân huyện Hoài Nhơn đã cải tạo đất vườn, đất đồi đưa cây dứa vào trồng và đặt nhiều kỳ vọng vào loại cây trồng này. Tuy nhiên, hiện nay người trồng dứa ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn vì thừa chồi giống, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được...

Gánh nặng mang tên cây dứa?

Năm 2003, ông Bùi Minh Đậu (ở thôn Giao Hội 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) là một trong những người đầu tiên trồng dứa theo mô hình khuyến nông. Được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ một phần chi phí vật tư, phân bón, và Công ty thực phẩm xuất khẩu Bình Định cho mượn chồi dứa giống, ông Đậu đã cải tạo 3 ha đất trồng 1 ha dứa Cayen, và 2 ha dứa Queen dưới tán điều.

 

Mặc dù đầu tư chăm sóc khá chu đáo nhưng 1 ha dứa cayen của ông Bùi Minh Đậu cho quả rất nhỏ...

 

Trở lại vườn ông Đậu sau ba năm, trông ông không còn vẻ phấn khởi như hồi đầu, mà trái lại, đang lo lắng vì cây dứa. Ông Đậu cho biết, diện tích dứa Cayen phát triển khá tốt. Năm 2005, gia đình ông thu hoạch được 20 tấn dứa, bán cho nhà máy dứa Quảng Nam được 20 triệu đồng. “Còn năm nay, chỉ thu được vài ba trăm kg dứa Cayen, ra chợ bán lẻ được 3 triệu đồng. Dứa “Nữ hoàng” thì điếc đặc từ lúc trồng cho đến nay. Chỉ tính tiền tôi bỏ ra mua phân, thuốc BVTV cho 3 ha dứa từ bấy đến nay đã mất đứt trên 60 triệu đồng rồi. Nợ từ các tổ chức tín dụng và Trạm khuyến nông huyện Hoài Nhơn trên 10 triệu đồng đã đến kỳ hạn trả, nhưng tôi vẫn chưa biết xoay xở đâu ra” - ông Đậu than thở.

Còn ông Dương Quý, ở tổ 6, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn ngao ngán lắc đầu: “Nhà máy tín chấp với ngân hàng cho tui vay 20 triệu đồng, 30 triệu đồng còn lại là gia đình tự xoay sở lấy. Năm 2003, gia đình tôi trồng 1,4 ha dứa. Qua 3 đợt thu hoạch, năng suất chỉ đạt 20 - 30% so với những gì lúc vận động người ta đã nói. Vợ chồng tôi đem ra chợ bán nhưng thu lại không đáng là bao. Tui sẽ chuyển sang trồng mì, đu đủ, hy vọng gỡ gạc lại chút ít để trả nợ”.

Theo khung thiết kế sản xuất ban đầu thì sản lượng dứa trồng có thể đạt 50-60 tấn/ha. Bình quân 1 ha cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Nhưng thực tế cây dứa tại huyện Hoài Nhơn chỉ đạt từ 15-18 tấn/ha, nhiều hộ thu không bù nổi chi. Quá thất vọng vì cây dứa, nên sau khi thu hoạch hầu hết các hộ trồng dứa từ năm 2003-2004 đều không đầu tư thâm canh trở lại. Diện tích dứa nguyên liệu ở huyện Hoài Nhơn giảm theo từng năm. Năm 2003, toàn huyện trồng được 44,31 ha dứa, năm 2004: trồng 64,55 ha; năm 2005 giảm xuống còn 43,49ha. 6 tháng đầu năm 2006 toàn huyện chỉ trồng được 8,06 ha dứa.

Bình quân mỗi cây dứa cho ra 1-1,5 chồi dứa giống, nhưng vì nông dân không tiếp tục trồng nên số chồi dứa giống đang trong tình trạng khủng hoảng thừa. “Anh em tụi tui giờ ngại tiếp xúc với những hộ trồng dứa. Vừa mới đến cửa đã nghe bà con ca thán, oán trách, nay thì chả ai dám đi vận động nông dân trồng dứa” - một cán bộ khuyến nông huyện Hoài Nhơn bộc bạch.

 

... còn 2 ha dứa Queen trồng 3 năm nay chưa cho quả.

Cung - cầu bất cập.

Vụ thu hoạch dứa năm nay, bình quân mỗi ngày nông dân cần bán tới 30-40 tấn dứa quả, trong khi đó, công suất sản xuất của công ty TPXK Bình Định chỉ đạt 10-15 tấn dứa quả/ ngày (công suất thiết kế là 20 tấn/ngày). Theo cam kết ban đầu, Công ty TPXK Bình Định đã ký hợp đồng đầu tư và thu mua nguyên liệu dứa cho nông dân. Công suất thấp nên nhà máy không giải quyết hết được nguyên liệu, việc tổ chức thu mua còn bất cập. Sau khi thu hoạch, nhiều hộ phải tự “bơi” vì công ty không thu mua kịp thời.

Nói đến chuyện bán dứa, ông Bùi Minh Đậu cay đắng kể: “Chuyện bán dứa kể ra thì còn đau đớn hơn… trồng dứa. Năm 2005, khi nhà máy dứa chưa hoạt động, gia đình tôi phải thuê xe chuyển ra Quảng Nam, bán được 20 triệu đồng, nhưng mới thực nhận được 10 triệu đồng. Còn năm nay, dứa đến ngày phải thu hoạch, tôi lên kêu công ty xuống mua. Họ bảo, cứ thu hoạch đi, rồi sẽ đến thu mua. Thu hoạch xong, chờ mãi chẳng thấy đâu, gia đình tôi đành chở ra chợ bán, ngồi cả ngày ngoài đó… Hỏi anh cái đó gọi là gì?”.

Ông Phan Thanh Hữu, Giám đốc công ty TPXK Bình Định giải thích về vấn đề thu mua, sản xuất dứa: “Diện tích dứa trồng phân tán trong dân không nhiều, nhiều hộ đầu tư, chăm sóc chưa đúng mức nên dứa ra hoa, tạo quả không đều. Một số hộ thu hoạch dứa quá xanh, có hộ lại để dứa chín rồi mới thu hoạch, nên việc thu mua, sản xuất của công ty gặp khó khăn. Tuy vậy, hộ nào có nhu cầu bán dứa cho công ty, chúng tôi đều thu mua hết với điều kiện nông dân phải chịu chi phí vận chuyển”. Được biết, công ty thu mua thì có ưu thế là bán được với số lượng nhiều, bán một lần nhưng giá mua thì lại thấp hơn giá thị trường, nên nhiều hộ nông dân đã không bán dứa cho Công ty TPXK Bình Định mà đem ra thị trường bán lẻ để gỡ gạc chút đỉnh.

So với hộ dân thì việc tiêu thụ sản phẩm ở các công ty, lâm trường trồng có phần thuận lợi hơn vì diện tích dứa tương đối lớn, trồng tập trung, Công ty TPXK Bình Định thu mua tại ruộng. Tuy vậy, việc bán dứa của các doanh nghiệp cũng không hẳn suôn sẻ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thương Thảo trồng 60 ha dứa năm 2004 ở La Vuông (Hoài Sơn) đến nay đã thu hoạch được 105 tấn quả. Công ty đã được nhà máy thu mua 50 tấn, còn 55 tấn bán ra ở chợ và bị hư hỏng nặng vì không tiêu thụ được.

Đến nay, Công ty đã thu mua được 500 tấn nguyên liệu, sản xuất được trên 50 tấn sản phẩm dứa cấp đông, gần 30 tấn dứa cô đặc. Phần lớn sản phẩm làm ra chưa được tiêu thụ vì chưa tìm được đối tác xuất khẩu sản phẩm trực tiếp. Hiện Công ty TPXK Bình Định phải nhờ Công ty dứa Quảng Nam, Ninh Bình tiêu thụ dùm. “Hiện bình quân mỗi tháng, công ty mất 50 triệu đồng tiền điện phục vụ cho dây chuyền cấp đông”- ông Hữu cho biết.

 

Sản phẩm dứa của Công ty cổ phần TPXK Bình Định chưa tìm được mối tiêu thụ nên phải hạn chế thu mua dứa quả của nông dân.

"Con kiến mà leo canh đa"

Người viết bài đã từng tham gia nhiều hội nghị khuyến nông "cờ giong trống mở" khuyến khích nông dân trồng dứa. Sau nghe cam kết của giới chuyên môn đã viết tin, viết bài để tuyên truyền chủ trương của tỉnh... Rồi ít lâu sau lại lắng nghe những lời oán thán của nông dân rằng dứa điếc, hoặc nhà máy không thu mua sản phẩm... Ngược lại phía Nhà máy cũng không ít lần gặp gỡ và trần tình nỗi khốn khổ của mình, kể chuyện nhà máy ba chìm bảy nổi mới chạy được (mà cũng chỉ là chạy ì ạch thôi). Chưa hết, sau đó cả nông dân lẫn công ty thu mua cùng gặp nhau trong các hội nghị để thông cảm, để có thể tiếp tục hợp tác... Các cam kết được đưa ra nhưng vẫn lỏng lẻo nên mới có chuyện nông dân thì hỏi nhà báo - Hỏi anh cái đó gọi là gì? Còn công ty thì đặt điều kiện chúng tôi thu mua hết nhưng nông dân phải chịu chi phí vận chuyển.

Hỏi và đáp như vậy thì mối bức xúc không thể tháo gỡ được. Nông dân đang bí bét, không biết đào đâu ra tiền để trả nợ vay mượn phải nhặt bạc cắc ngoài đầu chợ, lề đường  thì làm sao gồng thêm phí vận chuyển. Ngược lại phía công ty đang bối rối với số sản phẩm chưa tìm được người mua, mà vẫn chi ra 50-60 triệu đồng tiền điện để cấp đông thì làm sao dám mạnh tay thu mua thêm...

Phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định, làm giàu cho nông dân là chủ trương lớn của tỉnh. Tuy nhiên, những nhà hoạch định không dự lường hết sức biến động của thị trường. Mặt khác trong việc triển khai chủ trương này, dường như các cơ quan có chức năng liên quan cũng thiếu sự phối hợp đồng bộ với nhau và còn khiên cưỡng, cứng nhắc trong việc thúc đẩy tiến độ của chương trình bất chấp những diễn biến bất lợi của thị trường.

Những món nợ do theo đuổi giấc mơ làm giàu với cây dứa đang làm khổ cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Liệu đây có phải là một sự lãng phí xã hội nữa không tiếp theo các ví dụ "bông vải, bò sữa, bò lai"?

  • Minh Hằng - Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)
Nghề chép tranh ở Quy Nhơn  (10/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Hàng rong xứ Bắc  (04/08/2006)
Chuyện thường ngày ở… Bệnh viện Tâm thần  (03/08/2006)
Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt  (02/08/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)
Những cuộc tìm kiếm mang tên "Trở Về"  (27/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)
Đất học Cát Tài  (24/07/2006)
Tam Đảo sương mù  (21/07/2006)
Rong ruổi bán... vận may  (19/07/2006)