"Nhân bản" tượng Chăm
7:33', 18/8/ 2006 (GMT+7)

Cơ sở điêu khắc của anh Võ Mộng Nguyên nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ trên đường Mai Xuân Thưởng, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn. Bước vào chốn này, ta ngỡ như đang lạc vào một góc bảo tàng Chăm nào đó, bởi đủ loại tượng Chăm bày ra trước mắt...

 

Anh Võ Mộng Nguyên đang tạo tác một bức tượng Chăm. Ảnh: H.T

 

* 20 năm "mê" tượng

18 tuổi, anh Võ Mộng Nguyên đến với nghề làm tượng Chăm giả cổ nhờ sự chỉ dạy tận tình của bác mình là nghệ nhân Võ Hoàn Thiện (quen gọi bằng nghệ danh Sáu Bơ) - người khai sinh ra nghề làm tượng Chăm giả cổ ở An Nhơn. Mà cách chỉ dạy của ông Sáu Bơ cũng thật kỳ lạ. Ông bắt cháu mình phải "bập" ngay vào làm phần khó nhất của mỗi bức tượng là đầu tượng, vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh xảo, rồi mới cho học cách làm các phần khác. Vốn là một người "mộ" tượng Chăm, lại có năng khiếu, chỉ sau một năm học nghề, anh Nguyên đã có thể làm được nhiều loại tượng.

Giai đoạn này, tượng Chăm của cơ sở Sáu Bơ đang được giới mê đồ giả cổ khắp nơi ưa chuộng. Hàng làm ra bao nhiêu cũng không đủ để bán, tiếng tăm ngày một vang xa. Làm được 3 năm, khi tay nghề đã chín, vào năm 1991, anh Nguyên quyết định mở cơ sở sản xuất riêng cho mình. Ngoảnh lại, đến nay, anh Nguyên đã gắn bó với nghề tạc tượng Chăm được gần 20 năm.

Ngày mới ra nghề, cơ sở của anh Nguyên mới chỉ được trang bị bằng các dụng cụ thô sơ là búa và đục. Nhưng vật liệu làm tượng thời ấy là loại đá sa thạch lâu năm được người dân dùng làm đá tán cột nhà. Đặc điểm của loại đá này là rất cứng, kích thước lại không lớn, nên tượng tạc vừa lâu vừa nhỏ, chỉ từ khoảng 0,8 mét trở xuống. Để khắc phục nhược điểm đó, anh Nguyên đã tìm mua được đá sa thạch mới khai thác ở Gia Lai nên mềm hơn, dễ tạo tác và có được kích cỡ lớn. Tiếng là cơ sở, nhưng lao động chỉ gồm mỗi anh Nguyên và người thợ học việc. Vậy nhưng mỗi tháng cơ sở này có thể làm ra được 3 pho tượng Chăm kích cỡ từ 1 đến 1,5 mét. Ngoài ra, nếu khách hàng muốn làm các loại tượng có kích cỡ lớn hơn, cơ sở sẵn sàng đáp ứng.

Các loại tượng Chăm mà cơ sở anh Nguyên làm ra được bán với giá từ một đến vài triệu đồng tùy theo mức độ tinh xảo của bức tượng. Bạn hàng của anh Nguyên đa số là các cửa hàng mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thỉnh thoảng anh Nguyên cũng làm những bức tượng, phù điêu Chăm theo đơn đặt hàng của các khách sạn, quán café ở Quy Nhơn…

* Tạo tác thần linh

Cho tôi xem một quyển sách về điêu khắc Chăm, anh Nguyên cho biết mình có thể làm được tất cả các loại tượng Chăm có trong cuốn sách này. Đến nay, xưởng điêu khắc của anh đã làm khoảng gần 40 loại tượng theo yêu cầu của khách. Những loại tượng thường được yêu cầu nhiều là tượng Visnu, Sarasvati, Laksmi, Linga - Yoni, phù điêu Aspara…

 

         Một góc cơ sở tạc tượng của anh Nguyên. Ảnh: H.T

 

Theo anh Nguyên, làm tượng Chăm giả cổ tuy không khó, nhưng đòi hỏi độ chính xác và tỉ mỉ. Trước tiên, phải chọn khối đá phù hợp, rồi dùng máy cắt để xẻ đá ra theo đúng kích cỡ tượng. Tiếp đó, mới bắt đầu đục đá theo từng đường nét trên tượng. Độ mạnh nhẹ của mũi đục tùy vào những chi tiết ta muốn tạo tác trên tượng. Bức tượng đã định hình, nhưng đó cũng chỉ là phần "thô". Cần phải tiếp tục qua khâu "làm nguội", tức chỉnh sửa lại những đường nét để bức tượng được hoàn thiện. Đây mới là khâu thể hiện dấu ấn riêng của người làm tượng, trình độ của người thợ trong việc tạo nên phần "hồn" cho tượng. Anh Nguyên cho biết: "Tôi làm tượng theo tiêu chí nghệ thuật chứ không dựa trên yếu tố thị trường. Chi tiết nào mình ngắm lại mà cảm thấy chưa ưng ý lắm thì dù tượng đó đã làm xong cũng nhất quyết phải sửa lại cho được".

Có một khâu rất quan trọng với nghề làm tượng Chăm là thổi màu thời gian lên tượng. Bước đầu tiên, tượng được đắp lên bằng một lớp than đang cháy để tạo độ nóng cần thiết để màu thấm sâu vào trong đá. Khi tượng đã đủ nóng, người thợ sẽ lấy than ra và quét lớp màu lên tượng. Màu ở đây là một dung dịch màu đà, pha từ dầu hắc và dầu lửa theo một tỉ lệ nhất định. Đến lúc này, xem như người thợ đã tạo tác thành công một pho tượng Chăm giả cổ.

Công việc tuy tương đối nặng nhọc nhưng mức thu nhập thực sự là không cao, nhưng anh Nguyên vẫn quyết bám trụ lại với nghề. Bởi theo anh: "Đã "mộ" nghề thì phải làm bằng tất cả đam mê. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng quyết sống chết với nghề này…".

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)
Nghề chép tranh ở Quy Nhơn  (10/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Hàng rong xứ Bắc  (04/08/2006)
Chuyện thường ngày ở… Bệnh viện Tâm thần  (03/08/2006)
Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt  (02/08/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)
Những cuộc tìm kiếm mang tên "Trở Về"  (27/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)
Đất học Cát Tài  (24/07/2006)